Nâng cao nhận thức về sức khỏe tiền hôn nhân trong giới trẻ

Nâng cao nhận thức về sức khỏe tiền hôn nhân trong giới trẻ

Trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, việc kiểm tra, đánh giá tổng quát sức khỏe mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản (SKSS) mà còn cả về thể chất, tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng tương lai. Tuy vậy, hiện nay nhiều bạn trẻ còn thiếu hiểu biết, xem nhẹ hoặc chưa xóa bỏ được mặc cảm, sự e ngại trong việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Nâng cao nhận thức về sức khỏe tiền hôn nhân trong giới trẻ

Một buổi tuyên truyền về sức khỏe tiền hôn nhân cho đối tượng vị thành niên, thanh niên tại huyện Như Xuân.

Còn ít thời gian nữa, Mai và Thắng (TP Thanh Hóa) sẽ kết hôn. Thời gian này cả 2 khá bận rộn với những công việc chuẩn bị cho lễ cưới, tuy nhiên việc khám sức khỏe tiền hôn nhân lại không có trong kế hoạch. Mai tâm sự: Từ ngày còn học cấp 3, mình đã tham gia vào nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa về chăm sóc SKSS. Trong những buổi sinh hoạt như vậy, chúng mình được tư vấn rất nhiều về vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân. Mình thấy điều này cũng rất thiết thực, quan trọng. Tuy nhiên, đây là việc khá tế nhị, nói không khéo thì thành ra không tin tưởng nhau và cũng sợ nếu phát hiện bệnh tật sẽ càng thêm lo lắng, thậm chí ảnh hưởng đến việc kết hôn nên mình nghĩ cứ cưới đã rồi có vấn đề gì thì “tùy cơ ứng biến”.

Theo các chuyên gia y tế, một người có bề ngoài mạnh khỏe vẫn có thể đang mắc một căn bệnh mãn tính hoặc tiềm ẩn những vấn đề về sức khỏe như suy thận, tinh trùng yếu, u nang buồng trứng… Vì vậy, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không những là một việc làm quan trọng trong việc chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân, mà còn góp phần làm giảm những hậu quả về mặt sức khỏe cho xã hội và cộng đồng. Để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc SKSS tiền hôn nhân, thời gian qua, cơ quan dân số đã tích cực thực hiện các hoạt động truyền thông, vận động; linh hoạt thay đổi các hình thức tuyên truyền để sát với thực tế, đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương cân đối ngân sách địa phương cho hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các xã, phường, thị trấn…

Tại huyện Như Xuân, mô hình “Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân” được triển khai thực hiện tại 4 xã (Hóa Quỳ, Bãi Trành, Bình Lương, Xuân Bình), duy trì sinh hoạt 4 câu lạc bộ (CLB) SKSS tiền hôn nhân tại 4 xã thực hiện mô hình với 200 thành viên tham gia; tổ chức sinh hoạt CLB 8 lần/4 CLB; tổ chức nói chuyện chuyên đề 8 cuộc/4 xã với 416 đối tượng tham gia; ký hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa huyện tổ chức khám sức khỏe tiền hôn nhân (siêu âm, xét nghiệm viêm gan B) cho 124 ca tại 4 xã thực hiện mô hình. Thực hiện Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, huyện đã tổ chức 1 cuộc hội thảo cung cấp thông tin cho các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện cho 50 người; tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề 7 cuộc/7 xã có đề án với 350 người tham dự; tổ chức phát thanh trên phương tiện thông tin đại chúng cho Nhân dân trên địa bàn được 56 lần phát thanh với 14 bài viết.

Chị Nguyễn Thị Mai, xã Bình Lương (Như Xuân) chia sẻ: Qua các buổi sinh hoạt CLB sức khỏe tiền hôn nhân, nói chuyện chuyên đề và tư vấn kiến thức về giới, SKSS, hôn nhân gia đình…, tôi đã tích lũy thêm nhiều kiến thức về chăm sóc SKSS và sự cần thiết của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Do đó, khi chuẩn bị kết hôn, chúng tôi đã đến bệnh viện khám sức khỏe tổng thể. Sau khi khám, chúng tôi biết không mắc bệnh truyền nhiễm và còn được trang bị kiến thức về SKSS nên tự tin, yên tâm kết hôn.

Tiền hôn nhân là thời kỳ từ lúc một người bắt đầu có khả năng sinh sản đến trước khi kết hôn. Trong giai đoạn này, các cặp nam nữ chưa có kinh nghiệm sâu về đời sống vợ chồng cũng như chưa có kiến thức về SKSS. Vì vậy, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp các bạn trẻ trang bị được kiến thức sinh hoạt vợ chồng; tầm soát các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, viêm gan C, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phát hiện sớm các bệnh lý sinh sản để kịp thời can thiệp; phát hiện các bệnh di truyền, có thể truyền sang em bé; tạo tiền đề để sinh ra những đứa con khỏe mạnh sau này…

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, cho biết: Trong công tác tuyên truyền, ngành DS-KHHGĐ của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS/KHHGĐ… qua đó góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên trước khi kết hôn. Cùng với tuyên truyền, việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng được cơ quan dân số và các đơn vị liên quan chú trọng thực hiện. Việc này đã được thực hiện hiệu quả thông qua hoạt động của các CLB tiền hôn nhân phân bố rộng khắp trong tỉnh. Trong các cuộc sinh hoạt CLB đã trang bị cho đối tượng vị thành niên, thanh niên về kỹ năng sống và SKSS. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tư vấn về chăm sóc SKSS, lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân đã được thực hiện thường xuyên như treo băng rôn, tuyên truyền trên hệ thống loa đài… nhằm nâng cao ý thức cho người dân, nhất là đối tượng chuẩn bị kết hôn tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Ðể nâng cao nhận thức về tiền hôn nhân cho giới trẻ, thời gian tới, cùng với việc triển khai nhiều hoạt động về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh tiếp tục tập trung các nguồn lực, thực hiện hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng dân số, xây dựng và củng cố mạng lưới cung cấp thông tin, tư vấn và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGÐ. Tiếp tục phối hợp triển khai một số hoạt động thiết thực, phù hợp hướng đến các đối tượng tiền hôn nhân, qua đó, ngày càng giúp được nhiều bạn trẻ, các cặp vợ chồng sắp kết hôn được trang bị kiến thức cần thiết để có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.

Bài và ảnh: Hà Bắc