Nâng cao hiệu quả quản trị nhân lực làm công tác an toàn, vệ sinh lao động
An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một chính sách kinh tế – xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta, mục tiêu là bảo vệ an toàn cho người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển chung của đất nước.
Những quy định pháp luật về cần thiết phải có nhân lực ATVSLĐ
Theo Luật số 84/2015/QH13 của Quốc hội về ATVSLĐ và Nghị định số 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật ATVSLĐ, từ ngày 1/7/2016, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải bố trí người làm công tác ATVSLĐ. Theo điều 7 Luật ATVSLĐ, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận ATVSLĐ, bố trí người làm công tác ATVSLĐ theo chế độ bán chuyên trách hoặc chuyên trách tùy theo số người lao động và ngành nghề sản xuất, kinh doanh; phối hợp với công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới An toàn Vệ sinh viên (ATVSV). Trường hợp doanh nghiệp không bố trí người làm công tác ATVSLĐ thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, tại điều 74 Luật ATVSLĐ, mỗi tổ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một ATVSV kiêm nhiệm trong giờ làm việc. ATVSV phối hợp thực hiện nhiệm vụ với người làm công tác ATVSLĐ trong việc phổ biến các quy định của Nhà nước và đơn vị về ATVSLĐ đến người lao động trong bộ phận mình, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định, trang cấp và quản lý, sử dụng có hiệu quả các phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc.
Nâng cao hiệu quả quản trị nhân lực làm công tác an toàn, vệ sinh lao động là mục tiêu quan trọng. Ảnh minh họa (Nguồn: kiemdinh6.vn).
Theo điều 139 Bộ luật Lao động năm 2012, điều 72 Luật An toàn, vệ sinh lao động và điều 36 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sử dụng từ 10 lao động trở lên, người sử dụng lao động phải cử người có chuyên môn phù hợp làm cán bộ chuyên trách về công tác ATVSLĐ.
Người làm công tác ATVSLĐ theo chế độ bán chuyên trách cần có trình độ đại học khối kĩ thuật, theo chế độ chuyên trách cần có thêm ít nhất một năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở, có chuyên môn, nghiệp vụ về kĩ thuật, hiểu biết về thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Người làm công tác ATVSLĐ phải được huấn luyện về ATVSLĐ và có nhiệm vụ tham mưu, giúp người sử dụng lao động tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn lao động, sức khỏe nghề nghiệp …
Điều 75 Luật ATVSLĐ và Điều 38 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định: người sử dụng lao động phải thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở khi cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm A (hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất, sản xuất kim loại, các sản phẩm từ kim loại, khoáng phi kim, thi công công trình xây dựng, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất, truyền tải và phân phối điện) sử dụng từ 300 người lao động trở lên hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm B (hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác với lĩnh vực, ngành nghề của nhóm A) sử dụng từ 1.000 người lao động trở lên.
Hội đồng là tổ chức phối hợp giữa người sử dụng lao động và công đoàn cơ sở nhằm đảm bảo quyền tham gia, kiểm tra giám sát của công đoàn. Hội đồng ATVSLĐ có trách nhiệm tư vấn, phối hợp với người sử dụng lao động trong việc xây dựng nội quy, quy trình, kế hoạch và các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; hằng năm, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc giữa người lao động, người sử dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy cải thiện các điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động …
Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tại Công ty Cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (Bắc Giang). Ảnh: antoanbacgiang.vn
Sự cần thiết nâng cao quản trị nhân lực ATVSLĐ
Nhu cầu nhân lực ngành ATVSLĐ rất lớn, từ khối doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, kinh doanh đến các cơ quan quản lí Nhà nước, các khu công nghiệp – khu chế xuất, hệ thống công đoàn các cấp, viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng kĩ thuật, các doanh nghiệp đào tạo, tư vấn về ATVSLĐ …
Người làm công tác ATVSLĐ phải thường xuyên theo dõi, cập nhật các quy định pháp luật về ATVSLĐ; tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật để cải thiện điều kiện lao động; tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình đảm bảo an toàn giúp hoạt động sản xuất diễn ra hiệu quả.
Người làm công tác ATVSLĐ cần nắm được những nguy hiểm có thể xảy ra đối với người lao động khi tham gia hoạt động sản xuất; không ngừng trau dồi kiến thức, phát triển các kĩ năng nghề nghiệp; xây dựng được quy trình bảo vệ người lao động khỏi các yếu tố có hại, phòng tránh bệnh nghề nghiệp; đưa ra được các phương án sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp đảm bảo an toàn cho người lao động khi làm việc; có kĩ năng giao tiếp tốt, kĩ năng thuyết trình, đàm phán, huấn luyện, tuyên truyền, thuyết phục để tạo hiệu quả tốt trong công việc; có sức khỏe tốt, tinh thần trách nhiệm cao, yêu nghề, yêu con người, gắn bó với doanh nghiệp, sẵn sàng ứng phó với các rủi ro tiềm ẩn.
Khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do, các Hiệp ước quốc tế thì việc bảo vệ người lao động ở các công ty ngày càng chặt chẽ hơn, nhu cầu nhân lực ATVSLĐ ngày càng tăng, thu nhập của cán bộ an toàn trong doanh nghiệp ngày càng cao, nhất là cán bộ có chuyên môn tốt, ngoại ngữ giỏi làm việc trong các liên doanh, các tổ chức quốc tế.
ATVSV Công ty TNHH PouHung (Tây Ninh) kiểm tra an toàn máy móc trước khi vận hành. Ảnh: H. Cần.
Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề ATVSLĐ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động bằng các chính sách rất cụ thể, được thể chế hóa trong nhiều đạo luật quan trọng như Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật ATVSLĐ, các Nghị định của Chính phủ. Chính phủ quy định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, bộ phận, mạng lưới, cá nhân làm công tác ATVSLĐ từ Trung ương đến địa phương và cơ sở sản xuất kinh doanh. Ở Trung ương có Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ; ở địa phương có Hội đồng ATVSLĐ cấp tỉnh; ở cơ sở có Hội đồng ATVSLĐ; ở doanh nghiệp có Ban An toàn, phòng An toàn, người làm công tác ATVSLĐ chuyên trách, bán chuyên trách, mạng lưới ATVSV có mặt ở từng tổ đội sản xuất. Việc nâng cao hiệu quả quản trị nhân lực làm công tác ATVSLĐ sẽ góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn sản xuất.
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp năm 2013 của Quốc hội khóa XIII.
2. Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 của Quốc hội.
3. Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 của Quốc hội.
4. Nghị định số 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động.