Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y học cổ truyền – Y học cổ truyền – Cổng thông tin điện tử Sở y tế Hà Nội
Để y học cổ truyền phát triển mạnh mẽ hơn nữa, việc nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực với chương trình đào tạo tích hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại là đặc biệt quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Thống kê của Bộ Y tế, hiện đã có hơn 120 nước trên thế giới sử dụng y học cổ truyền để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tại Việt Nam, tới đây, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe y học cổ truyền sẽ là một lựa chọn ưu tiên của nhiều đối tượng người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh mới nổi, bệnh khó chữa. Song trước tiên, cần khắc phục những khó khăn, tồn tại, đặc biệt là về nguồn nhân lực làm công tác y học cổ truyền.
Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế Phạm Vũ Khánh cho biết, số lượng nhân lực làm công tác y học cổ truyền có trình độ chuyên sâu chưa đạt 6% so với nhân lực y tế nói chung. Mặc dù thời gian qua đã có sự tăng trưởng về số học viên được đào tạo với ngành, nghề đa dạng hơn, nhưng trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe bằng đông y của người dân ngày càng cao thì y dược cổ truyền vẫn chưa đáp ứng được.
Chất lượng nguồn nhân lực y học cổ truyền cần được chú trọng hơn nữa.
Đồng tình với quan điểm đó, theo Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam Đậu Xuân Cảnh, mục tiêu của Chính phủ yêu cầu tỷ lệ cán bộ y dược cổ truyền trong hệ thống công lập phải đạt 10% ở tuyến trung ương; 15% ở tuyến tỉnh; 20% ở tuyến huyện và 30% ở tuyến xã. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ cán bộ y dược cổ truyền trong hệ thống công lập thấp, chỉ chiếm 4,49% so với nhân lực y học hiện đại.
Thực tế, không chỉ bệnh viện tuyến Trung ương, mà tất cả các bệnh viện y học cổ truyền hoặc bệnh viện đa khoa có khoa y học cổ truyền đều thiếu bác sĩ. Thống kê của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, năm 2013, tỷ lệ bác sĩ y học cổ truyền trong tổng số bác sĩ của Việt Nam là 7,94%. Đến nay, tỷ lệ này giảm xuống còn 7,32%. Đặc biệt, tỷ lệ nhân lực y học cổ truyền có trình độ chuyên sâu chưa đạt 6% so với nhân lực y tế nói chung.
Trong khi nhân sự của các bệnh viện thiếu thì các quy định về cấp giấy phép hành nghề cho lương y vẫn chưa theo sát thực tế. Chủ tịch Hội Đông y TP Hồ Chí Minh Lê Hùng cho biết, hiện thành phố có đến 600 lương y chưa được cấp giấy phép hành nghề dù được đào tạo bài bản. Nhiều lương y không có giấy phép hành nghề đã buộc phải đóng cửa phòng mạch, tìm kế mưu sinh mới. Điều này vô cùng lãng phí, không tận dụng được đội ngũ lương y lành nghề để phát triển nền y học cổ truyền.
Theo Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh Trương Thị Ngọc Lan, nguyên nhân khiến cho nhân sự y học cổ truyền khan hiếm là do những bất cập trong đào tạo. Hiện nay, trong các trường y, dù chuyên ngành đào tạo là bác sĩ y học cổ truyền nhưng nội dung đào tạo có đến 70% dung lượng học về tây y. Điều này khiến cho các bác sĩ y học cổ truyền thường có xu hướng “tây y hóa”. Một số người trung thành với đông y, trình độ chưa đủ “chín” bởi được đào tạo quá ngắn.
Nhiều chuyên gia cho biết, các bác sĩ đa khoa được Nhà nước cho phép học sau đại học về y học cổ truyền và y học hiện đại như chuyên khoa định hướng, chuyên khoa I, II, thạc sĩ, tiến sĩ, các khóa học ngắn hạn… Trong khi chương trình đào tạo bác sĩ y học cổ truyền được xây dựng trên nền tảng y đa khoa nhưng các bác sĩ y học cổ truyền sau khi tốt nghiệp chỉ được học các bậc học sau đại học về y học cổ truyền mà không được học thêm sau đại học về y học hiện đại. Như vậy, các bác sĩ này sẽ rất khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo hướng chuyên khoa hóa tại các bệnh viện y học cổ truyền hiện nay. Chưa kể, các bác sĩ trẻ y học cổ truyền thường chậm có kinh nghiệm điều trị hơn các bác sĩ chuyên ngành đa khoa hoặc tây y, do thiếu nhiều loại thuốc biệt dược hay các phương tiện sẵn có.
Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam Đậu Xuân Cảnh cho biết thêm, hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ hệ thống khám chữa bệnh y học cổ truyền được đào tạo từ hai chuyên ngành chính là y đa khoa và y học cổ truyền. Cả hai đối tượng này đều cần được bồi dưỡng nâng cao kiến thức còn thiếu trong quá trình đào tạo và cũng là phần kiến thức cần thiết trong thực hành nghề nghiệp.
Từ năm 2017, Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam đã triển khai chương trình đào tạo tích hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Các học viên tốt nghiệp y học hiện đại có thể học thêm chứng chỉ để có thêm văn bằng hai về y học cổ truyền và ngược lại. Như vậy, nguồn nhân lực do Học viện đào tạo sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tiễn về chuyên môn, đem lại hiệu quả trong phòng bệnh và điều trị đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân, đồng thời đủ năng lực hội nhập với khu vực và quốc tế.
Lam Dương