Nam Kim thua lỗ và bức tranh ảm đạm của ngành thép

Cao Sơn

  –  

Thứ hai, 30/01/2023 11:08 (GMT+7)

Sau Hoà Phát và VNSteel, kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022 vừa công bố của Công ty cổ phần thép Nam Kim (Mx: NKG) cho thấy bức tranh ảm đạm của ngành này.

Nam Kim thua lỗ và bức tranh ảm đạm của ngành thépTrong quý IV/2022, thép Nam Kim báo lỗ 356,3 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 450 tỉ đồng. Ảnh: Chụp báo cáo tài chính

Ảm đạm nhất 10 năm

Riêng trong quý IV này, NKG ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ đạt hơn 4.320 tỉ đồng nhưng lại chứng kiến giá vốn hàng bán còn cao hơn cả doanh thu bán hàng khi lên tới gần 4.449 tỉ đồng. Kết quả, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý này của thép Nam Kim âm hơn 149 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gộp hơn 1.057 tỉ đồng. Doanh thu tài chính kỳ này cũng giảm hơn một nửa còn hơn 47 tỉ đồng, thu nhập khác cũng giảm mạnh gần một nửa còn hơn 283 triệu đồng.

Trong khi đó, chi phí lãi vay của thép Nam Kim trong kỳ lại tăng 23% lên hơn 83,653 tỉ đồng, dù chi phí tài chính giảm nhẹ song chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gấp hơn 2 lần lên hơn 44,7 tỉ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của NKG chuyển từ lãi gần 495,3 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái sang âm gần 400 tỉ đồng quý IV/2022. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của “ông lớn” ngành thép này cũng âm hơn 400 tỉ đồng, đối lập với cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 513 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng chuyển từ lãi hơn 452 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái sang âm 356 tỉ đồng quý IV/2022.

Luỹ kế cả năm 2022, thép Nam Kim lỗ hợp nhất hơn 46 tỉ đồng sau thuế, trong khi năm trước lãi lớn hơn 2.562 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng âm hơn 66,7 tỉ đồng. Đây là năm đầu tiên thép Nam Kim báo lỗ kể từ năm 2012 khi ngành thép rơi vào thời kỳ khủng hoảng.

Tình cảnh ảm đạm của Nam Kim cũng cho thấy sự xoay chiều nhanh chóng của ngành thép sau gần 2 năm kinh doanh bùng nổ trước đó. Trong bản giải trình kết quả hoạt động kinh doanh chênh lệch so với báo cáo cùng kỳ năm trước vừa gửi Uỷ ban Chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, Công ty cổ phần thép Nam Kim cũng lý giải lợi nhuận của doanh nghiệp này giảm là do giá vốn tăng.

Nợ tăng, tồn kho cao

Kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý IV/2022 khiến bức tranh tài chính đến cuối năm 2022 của Nam Kim không còn đẹp như trước. Đến cuối năm 2022, doanh nghiệp thép có trụ sở tại Bình Dương sở hữu hơn 1.005 tỉ đồng tiền và tương đương tiền và vẫn còn nắm hơn 7.351 tỉ đồng hàng tồn kho. Lượng hàng tồn kho này đã giảm tương đối so với đầu năm nhưng so với tốc độ giảm hàng tồn kho của các doanh nghiệp khác trong ngành thì vẫn là mức khá cao. Trong khi đó, nợ vay thuê tài chính ngắn hạn ở mức 5.111 tỉ đồng, tăng mạnh so với hơn 3.773 tỉ đồng đầu năm.

Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất của thép Nam Kim, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tăng lỗ mạnh từ âm hơn 308 tỉ đồng lên âm hơn 827 tỉ đồng; lưu chuyển tiền thuần trong năm cũng giảm một nửa còn 254 tỉ đồng.

Sau khoảng thời gian khó khăn vừa qua, trong dự báo triển vọng ngắn hạn cho năm 2023 của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép năm 2023 được dự báo sẽ phục hồi nhẹ 1% lên 1.814,7 triệu tấn. Hiệp hội này cũng cho rằng, Việt Nam đang không ngừng tập trung đẩy mạnh đầu tư công để phục hồi và phát triển kinh tế. Đây sẽ là yếu tố mấu chốt giúp ngành thép trong nước phát triển mạnh.

Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dự kiến năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn khi thị trường bất động sản khi lãi suất vay bị đẩy lên rất cao. Do đó, triển vọng của ngành thép phụ thuộc vào tiến độ giải ngân đầu tư công trong những năm tới. Trở lại với các doanh nghiệp thép, trước mắt, lượng hàng tồn kho lớn trong bối cảnh giá thép liên tục giảm sẽ khiến giá vốn ở mức cao, trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp này trong thời gian tới.