Năm 2022 đối tượng nào chịu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ? – Việt Luật – Chuyên Thành lập công ty & Đầu tư nước ngoài
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một trong những loại thế quan trọng giúp đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút và thúc đẩy đầu tư ở Việt Nam. Vậy thuế suất là bao nhiêu và đối tượng chịu thuế TNDN là tổ chức, cá nhân nào?
1. Đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp:
Thuế TNDN là một khoản đóng mang tính chất bắt buộc do Nhà nước ban hành thông qua pháp luật, đây là loại thuế trực thu đánh trên phần thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp liên quan đến thu nhập của đối tượng nộp thuế.
Các đối tượng chịu thuế TNDN: Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật Thuế TNDN 2008 (được hướng dẫn tại Điều 2 Nghị định 218/2013/NĐ-CP), đối tượng nộp thuế bao gồm:
- DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- DN được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;
- Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Vậy, nhìn chung, tất cả các DN được thành lập và có trụ sở ở Việt Nam hoặc các DN nước ngoài có phát sinh thu nhập ở Việt Nam đều là đối tượng nộp thuế TNDN.
2. Thuế suất TNDN:
Căn cứ Điều 10 Luật Thuế TNDN 2008 sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 6 Điều 1 Luật Thuế TNDN 2013 và Điều 10 Nghị định 218/2013/TT-BTC, mức thuế TNDN được xác định như sau:
Thuế suất TNDN là 22%, tuy nhiên từ ngày 1/1/2016, những đối tượng thuộc diện áp dụng thuế suất 22% sẽ áp dụng thuế suất 20%. Trừ các trường hợp sau:
– DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%.
– Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam từ 32% đến 50%. Tùy vị trí khai thác, tham dò khác nhau mà Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định mức thuế cụ thể.
– Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ tài nguyên quý hiếm là thuế suất 50%. Trường hợp mỏ tài nguyên quý hiếm có từ 70% diện tích được giao trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn ưu đãi thuế TNDN theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP thì áp dụng mức thuế là 40%.
– Và các trường hợp ưu đãi về thuế: Theo quy định tại Điều 13 Luật Thuế TNDN 2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Thuế TNDN 2013 và Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014:
Mức thuế suất:
Các thu nhập được ưu đãi về thuế
Thuế suất 10% trong thời gian 15 năm đối với:
+ Dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao;
+ Thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao…
+ Công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao;
+ Thực hiện dự án đầu tư mới đáp ứng một trong hai tiêu chí tại điểm d khoản 1 Điều 13 luật này.
+ Thực hiện dự án đầu tư mới đáp ứng một trong các tiêu chí tại điểm đ khoản 1 Điều 13 Luật này.
+ Thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và công nghệ, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 5 năm.
Thuế suất 10% đối với:
+ Thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường;
+ Thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội đối với các đối tượng tại Điều 53 của Luật Nhà ở;
+ TN của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật Báo chí;
+ TN của cơ quan xuất bản từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản;
+ TN của DN từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản, nuôi trồng lâm sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối, trừ sản xuất muối quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm;
+ TN của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, trừ thu nhập của hợp tác xã quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này.
Thuế suất 20% trong thời gian 10 năm đối với:
+ Thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn;
+ Thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; …
Lưu ý: Từ 1/1/2016, thu nhập của doanh nghiệp quy định này được áp dụng thuế suất 17%. Vậy, hiện tại đã được áp dụng mức 17%.
Thuế suất 15% đối với:
Trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Thuế suất 20% đối với:
TN của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
Vậy, trừ các trường hợp trên và trường hợp ưu đãi về thuế TNDN thì hiện tại thuế TNDN là 20%.
Thư Viện Pháp Luật.