Mỹ, Nhật, Hàn diễn tập phòng thủ tên lửa đạn đạo
Các khu trục hạm USS Barry của Mỹ, Sejong Đại đế của Hàn Quốc và JS Atago thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản ngày 22/2 tham gia diễn tập trên biển Nhật Bản. Cuộc diễn tập nhằm đáp trả Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 và pháo phản lực diệt hạm.
“Cuộc diễn tập nhằm tăng cường năng lực tương tác giữa các lực lượng hiệp đồng của chúng tôi, cũng như tăng cường mối quan hệ ba bên với đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. Hợp tác ba bên phản ánh giá trị chung của chúng tôi và quyết tâm chống lại những bên thách thức ổn định trong khu vực”, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ thông báo.
Chiến hạm Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản diễn tập trên biển ngày 22/2. Ảnh: US Navy.
Triều Tiên ngày 18/2 phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 sau khi cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc “sẽ phải đối mặt những phản ứng mạnh mẽ và kéo dài chưa từng có” nếu họ tổ chức các cuộc tập trận chung. Tên lửa bay trong 66 phút trước khi đánh trúng mục tiêu trên vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên, cách đảo Hokkaido khoảng 48 km về phía tây.
Quân đội Triều Tiên ngày 20/2 phóng hai quả đạn rocket diệt hạm từ pháo phản lực 600 mm. Hai quả đạn rơi xuống vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên, quả đạn đầu tiên bay được hơn 400 km, quả thứ hai di chuyển hơn 350 km, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Sau vụ phóng tên lửa Hwasong-15, hai oanh tạc cơ B-1B của không quân Mỹ ngày 19/2 bay tới Hàn Quốc. Tiêm kích F-35A và F-15K Hàn Quốc cùng F-16 Mỹ hộ tống các oanh tạc cơ B-1B trên vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản sau đó thông báo ba tiêm kích F-15 của nước này và 4 chiếc F-16 Mỹ diễn tập chiến thuật với hai oanh tạc cơ B-1B trên biển.
Ông Kim Jong-un hồi tháng 1 yêu cầu tăng tốc độ sản xuất “theo cấp số nhân” để chế tạo hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật, cũng như ra lệnh cho ngành công nghiệp quốc phòng chế tạo ICBM thế hệ mới có khả năng tấn công đáp trả chớp nhoáng.
Hàn Quốc ngày 16/2 công bố sách trắng quốc phòng năm 2022, lần đầu sau 6 năm gọi Triều Tiên là “kẻ thù”, báo hiệu lập trường cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.
Bán đảo Triều Tiên và khu vực xung quanh. Đồ họa: CSIS.
Theo sách trắng, Triều Tiên “đã thực hiện 15 hành động thù địch” vào năm ngoái, vi phạm hiệp ước quân sự liên Triều năm 2018. Các hành động được liệt kê như triển khai máy bay không người lái xâm nhập không phận Hàn Quốc tháng 12/2022, nã pháo vào vùng đệm quân sự và phóng tên lửa qua hải giới vào tháng 11/2022.
Theo VNEXPRESS