Muốn theo nghề đầu bếp thì không được mắc bệnh gì?

Nghề đầu bếp liên quan trực tiếp tới vấn đề ăn uống chính vì vậy để theo được nghề này bạn phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định về sức khỏe. Nếu bị mắc 1 số căn bệnh sau đây, bạn sẽ không được theo nghề đầu bếp, thậm chí khi đã theo nghề rồi mà bị bệnh cũng phải xin nghỉ việc điều trị tới khi khỏi mới được quay lại.

Mắc bệnh gì thì không thể theo được nghề đầu bếp?

Trong Quy định của Bộ Y tế được ban hành năm 2007 về điều kiện sức khỏe đối với người theo nghề đầu bếp – người mắc những bệnh, các chứng bệnh truyền nhiễm sau đây sẽ không được tuyển dụng làm việc hoặc được yêu cầu nghỉ việc tạm thời để điều trị – hồi phục:

  • Bị bệnh lao tiến triển nhưng chưa được điều trị.
  • Bị bệnh viêm gan virus (viêm gan A, E)
  • Bị viêm đường hô hấp cấp tính
  • Mắc các bệnh tiêu chảy: lỵ, tả, thương hàn
  • Mắc chứng són đái, són phân
  • Bị các tổn thương ngoài da, nhiễm trùng
  • Người lành mang trùng (Người không có các triệu chứng lâm sàng của bệnh đường ruột nhưng mang vi khuẩn gây bệnh, là nguồn lây nhiễm vi khuẩn ra môi trường, trong đó có thực phẩm.

Quy định của Bộ Y tế là như vậy nhưng một số nhà hàng khách sạn còn có tiêu chuẩn cao hơn khi không tuyển dụng cả những người mắc bệnh viêm gan B. Vì căn bệnh này có thể lây qua đường máu. Trong quá trình chế biến món ăn hoàn toàn có thể bị đứt tay, chảy máu và lây nhiễm bệnh qua thực phẩm. Đứng ở vị trí khách hàng, chắc chắn sẽ không ai muốn xảy ra trường hợp đáng tiếc này. Vì vậy nhìn một cách khách quan, thì quy định này không có gì khắt khe cả.

Quy định về khám và theo dõi sức khoẻ người hành nghề bếp

Nghề đầu bếp có những quy định rất nghiêm ngặt về khám và theo dõi sức khỏe như sau:

  • Đầu bếp, phụ bếp sẽ được khám sức khỏe trước khi tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ theo quy định của từng khách sạn – nhà hàng.
  • Ít nhất 6 tháng 1 lần, khách sạn – nhà hàng phải tổ chức xét nghiệm phân để xác định “người lành mang trùng” tại Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện, tỉnh; bệnh viên đa khoa tuyến tỉnh…
  • Các khách sạn – nhà hàng chỉ được phân công người không mắc các bệnh, chứng bệnh truyền nhiễm trên đảm nhận các vị trí công việc trực tiếp tiếp xúc với dụng cụ chế biến, nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm món ăn…
  • Hồ sơ quản lý sức khỏe đầu bếp, phụ bếp gồm: Sổ theo dõi kết quả xét nghiệm “người lành mang trùng”; Phiếu kết quả kiểm nghiệm xác định “người lành mang trùng”; Sổ theo dõi danh sách bệnh, các chứng truyền nhiễm.
  • Các đơn vị khách sạn – nhà hàng có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên bộ phận bếp. Nếu phát hiện có nhân viên bị bệnh truyền nhiễm thì tạm thời cho nhân viên đó nghỉ việc cho đến khi điều trị khỏi bệnh, hồi phục sức khỏe về trạng thái bình thường hoặc chuyển sang làm việc tại bộ phận khác.

Không phải tự nhiên mà những người mắc bệnh truyền nhiễm không được phép có mặt trong gian bếp. Đối với các nhà hàng, khách sạn thì vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Không thể nào có chuyện đầu bếp của 1 nhà hàng lại là người mắc các căn bệnh truyền nhiễm được. Nếu thông tin này bị phát tán ra ngoài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của công ty. Chưa kể việc các khách hàng có thể mắc bệnh từ những người đầu bếp này là không chấp nhận được.