“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”
Quê hương là địa chỉ linh thiêng mà mỗi khi Tết Nguyên đán, con cháu ai cũng muốn về nguồn cội
Với người Việt, Tết luôn là dịp lễ lớn và quan trọng nhất trong năm. Đây sẽ là khoảng thời gian để cả gia đình trở về quây quần bên nhau, cùng dọn dẹp nhà cửa, tống cựu nghênh tân. Bên cạnh đó, Tết còn là dịp mọi người thăm hỏi những người thân, thầy cô, bạn bè và cầu chúc cho nhau một năm mới an khang, thịnh vượng.
Chính vì thế, lâu nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Câu nói ấy đã trở nên quen thuộc đối với người dân Việt Nam mỗi khi Tết đến, xuân về
Từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán được coi là dịp nghỉ lễ lớn và quan trọng nhất trong năm. Đây là khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình có dịp được ngồi quây quần bên nhau sau một năm dài làm việc vất vả. Đồng thời là cơ hội để mọi người thăm hỏi người thân, thầy cô, bạn bè và cầu chúc cho nhau thêm một năm mới bình an và hạnh phúc.
Vì vậy, câu nói dân gian “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” chính là lịch trình để mọi người đi lại, thăm hỏi nhau trong 3 ngày Tết đầu năm.
Theo quan niệm của ông cha ta, “cha” là đại diện của “họ hàng bên nội”. Do đó, “mùng 1 Tết cha” có nghĩa là sáng ngày mồng 1 Tết, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ tập trung bên nội để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính.
Nghi thức chúc Tết và ăn Tết ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm cho mọi người, đặc biệt là trẻ thơ về tình thân đầm ấm trong mỗi gia đình.
Sau đó, cả gia đình sẽ cùng nhau đi chúc Tết anh em họ hàng thân thiết bên nội, cùng trò chuyện và chúc nhau sức khỏe, năm mới an lành, hạnh phúc.
Sang đến ngày mùng 2 Tết, theo thông lệ, vợ chồng con cái sẽ “khởi hành” sang thăm hỏi và chúc Tết bên nhà ngoại. Các nghi thức “Tết mẹ” cũng trang trọng và thành kính như bên nhà nội. Con cháu chúc Tết ông bà và nhận “lì xì” may mắn đầu năm.
Đặc biệt, với những nàng dâu lấy chồng xa quê, ít có điều kiện về thăm nhà, đây là cơ hội lý tưởng để sum vầy, hàn huyên với bố mẹ đẻ và thăm hỏi họ hàng, anh em, bạn bè sau cả môt thời gian dài không gặp.
Ngày mùng 3 Tết, người Việt, nhất là giới trẻ thường rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc tụng nhau gặp nhiều điều may trong những ngày Tết đến, xuân về.
Lễ bái tổ tiên, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, thăm nội – ngoại cũng là hoạt động giáo dục con trẻ lòng yêu nước, yêu quê hương.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ – Nguyên Giảng viên khoa Ngữ văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn) đã cho rằng, câu tục ngữ ấy gợi nhắc đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” tốt đẹp của dân tộc ta.
Ông Vĩ cắt nghĩa câu tục ngữ này. Theo đó, sáng mùng 1 Tết, các gia đình thường làm lễ cúng gia tiên. Nghi lễ này thường làm ở gia đình con trai, nếu gia đình nhiều con trai thì làm ở nhà người anh cả. Anh em ra ở riêng sẽ tựu về để làm lễ, ăn cơm và chúc tụng ông bà, bố mẹ, anh chị em ngày Tết. Đó là ý nghĩa của tục mùng 1 Tết cha.
Sang đến mùng 2 Tết, mọi người đến bên nhà ngoại (mẹ, vợ). Thông thường, mọi người sẽ đến nhà cậu trưởng (người thờ cúng) để làm lễ cúng gia tiên và ăn uống, chúc tụng nhau giống như bên nhà nội.
Mùng 3 Tết thì mọi người sẽ đi chúc Tết các thầy giáo, người đã có công dạy dỗ mình. Thầy ở đây mở rộng ra có thể là thầy giáo, thầy nghề…
Có thể nói, theo quan niệm của ông cha ta, hai ngày quan trọng nhất trong năm (mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán) phải dành để “Tết cha”, “Tết mẹ”, thể hiện lòng hiếu thảo, kính trọng ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại. Đây là một nét đẹp trong truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta từ xưa đến nay.
Bên cạnh đó, người Việt cũng thường nhắc nhau “Không thầy đố mày làm nên” để nói về công lao dạy dỗ của các thầy, cô giáo trong cuộc đời mỗi con người. Với tinh thần “tôn sư trọng đạo”, người Việt luôn quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy).
Vì vậy, sau 2 ngày đầu năm “Tết cha”, “Tết mẹ”, ngày mùng 3 Tết, mọi người thường rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và ôn lại kỷ niệm xưa đối với những thầy cô giáo cũ.