[Multimedia] So Sánh Ngành “Truyền Thông Đa Phương Tiện” (Multimedia) của 5 Trường Đào Tạo Ở Hà Nội
Xin chào các bạn độc giả thân yêu!
Hôm nay, tiếp tục với chùm chủ đề về ngành Truyền Thông Đa Phương Tiện (Multimedia), mình sẽ viết 1 blog nói về sự khác nhau giữa chương trình đào tạo và định hướng của ngành Đa Phương Tiện giữa 5 trường Đại Học, Cao Đẳng, Học Viện đang giảng dạy và phát triển lĩnh vực này tại Hà Nội đó là:
(1) Đại Học Hà Nội (HANU)
(2) Học Viên Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông (PTIT)
(3) Đại Học FPT
(4) Học Viện Báo Chí Và Tuyên Truyền (AJC)
(5) Đại Học Thăng Long (TLU)
Những so sánh và hiểu biết về các trường đều được mình dựa trên những nguồn tổng hợp trên Internet, kết hợp với những điều mình được bạn bè đang học ở các trường còn lại kể lại. Nên là chắc chắn sẽ còn rất nhiều thiếu sót. Các bạn đọc để tham khảo rồi kết hợp thêm với thực tế nhé.
Mình là SV K19 hiện đang học ở HANU ngành này. Tuy nhiên, mình không nhận được 1 đồng nào của trường để PR cho ngành cả, nên mình sẽ dựa trên quan điểm cá nhân của bản thân để viết blog này. Nên các bạn không phải lo chuyện mình hạ bệ trường khác để tâng bốc trường mình nhé. Mình sẽ viết dựa trên quan điểm thật nhất có thể, cho dù điều đó có thể khiến cho trường mình có phần thua thiệt.
________________________________________________________________________________
Giờ thì, bắt đầu thôi nào, mình sẽ so sánh mô tả ngành học của 5 trường theo 5 khía cạnh: Cơ sở vật chất, Chương trình học tập, Chất lượng giảng dạy, Điều kiện thực hành, Cơ hội thực tập & Học bổng.
1) Đại Học Hà Nội (HANU)
1️⃣ Cơ sở vật chất: 8.25/10
Theo đánh giá chủ quan của mình thì cơ sở vật chất phục vụ cho ngành này ở HANU nằm ở tầm trung, tức là không đến nỗi tệ nhưng cũng chả có gì quá xuất sắc. Ở trường mình thì cơ bản là có đủ phòng máy tính, tai nghe, mic, máy chiếu các kiểu, nhưng so với mặt bằng chung của các trường còn lại thì cơ sở vật chất phục vụ ngành Đa phương tiện ở HANU vẫn còn hơi thiếu.
Một trong những thứ mình nhớ nhất ở phòng máy HANU đó chính là những chiếc máy tính hạng xoàng có thể r.i.p bất đắc kì tử bất cứ lúc nào bạn thực hành phòng máy. Thành ra đôi lúc phòng có 30 máy nhưng chỉ có đâu đó 20 máy dùng được.
Nhìn sang cái phòng lab thực hành của Thăng Long mà mình thấy thèm. Nào là phòng học vẽ, phối màu, phòng máy với dàn iMac xịn xò, rồi thì phòng quay phim có đủ phông xanh rồi thì máy quay to như ở Đài truyền hình,…. vân vân mây mây. Bạn nào đọc blog trước của mình thì có thể thấy những cái phòng đó rồi đó. Mình sẽ đăng lại những căn phòng đó ở Thăng Long ở phần dưới cho bạn nào chưa có cơ hội chiêm ngưỡng được thấy.
Điều mình cần duy nhất lúc này trước khi ra trường đó là HANU hãy xây ngay 1 phòng lab có đầy đủ thiết bị quay dựng, màn chiếu, máy ảnh phục vụ cho ngành Đa phương tiện đi ạ. Không cần bằng, chỉ cần được 1 nửa như Thăng Long là em biết ơn lắm rồi ạ!!
2️⃣ Chương trình học tập:
Các bạn hãy xem qua các môn học trong chương trình học của ngành này ở HANU tại đây: Multimedia – HANU
Mình cũng xin nói thẳng luôn là như thế này. Ở HANU, ngành này sẽ không có đào tạo đồ hoạ, hậu kì rồi thiết kế ấn phẩm truyền thông nhiều như 4 trường còn lại đâu. Ở đây, 70% chương trình toàn khoá là về lập trình, code và công nghệ thông tin. Còn lại 30% còn lại, kiến thức marketing và đồ hoạ tự chia nhau. Nên là mình khuyên thật lòng với các bạn có ý định học Truyền Thông đúng nghĩa truyền thông đó là hãy thực sự cân nhắc kĩ càng nếu các bạn có ý định học ngành này ở HANU. Đối với mình sau 2 năm học ở đây, mình cảm nhận nên gọi ngành này là ngành IT mở rộng thì hợp lý hơn 😉😉😉.
Câu chuyện chương trình học về ngành này ở HANU sẽ được mình tiếp tục hé lộ và vén màn ở các blog sắp tới. Các bạn cùng chờ đón nhé …..
3️⃣ Chất lượng giảng dạy:
Mình đang là SV sắp lên năm 3 nên chưa có cơ hội trải nghiệm học hết được tất cả chương trình của ngành. Nên mình sẽ review 2 năm mình đã học qua, đó là năm nhất với khoa ESPD (Tiếng Anh chuyên ngành) và năm 2 với khoa FIT (Công nghệ thông tin).
Về nhận định chung về các thầy cô và giảng dạy ở HANU thì mình thấy là khá tốt, các giảng viên ở đây khá là cởi mở, thân thiện và trẻ trung, không gò bó. Còn mình nghĩ là chất lượng đào tạo ngoại ngữ thì tất nhiên là quá tốt rồi, lịch sử hơn 60 năm đào tạo tiếng cơ mà.
Về khoa ESPD, đây là khoa mà các bạn SV theo học những chuyên ngành phi ngôn ngữ sẽ theo học tại năm nhất. Nếu bạn có chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương vẫn còn hạn thì có thể xin bỏ qua thẳng năm nhất để lên năm 2 học chuyên ngành cùng các khoá trước luôn, rút ngắn chương trình học được 1 năm. Thầy cô khoa này chủ yếu là dạy SV năm nhất nên cũng có phần “trẻ con” hơn các thầy cô khoa khác. Nhìn chung mình thấy thầy cô ESPD khá đông, mình chưa có dịp tiếp xúc được với tất cả, nhưng họ đều để lại ấn tượng khá tốt với mình
Về khoa FIT, chắc là do lên chuyên ngành hay sao á, nên mình cảm nhận là ít nhiều các thầy cô cũng nghiêm túc và uyên bác hơn. Học chuyên ngành thì mình không hứng thú lắm với mấy môn học nặng IT, nên nói thật cũng chả biết nhận xét như nào. Nhưng nếu các bạn quan tâm và hứng thú với IT, thì các thầy cô sẽ là một bầu trời kiến thức mà các bạn có thể nhìn ngắm đó. Nhưng rất tiếc, mình không phải là người đó mất rồi
4️⃣ Điều kiện thực hành:
Các môn học thì được chia thành các buổi học lecture (lý thuyết) và buổi tutorial (thực hành) đan xen nhau. Các buổi “thực hành” theo mình thấy thì chủ yếu là ngồi trong phòng học, làm và chữa bài tập về nhà, cũng như là đôi lúc áp dụng các kiến thức học ở buổi lý thuyết để làm bài tập. Nên nó cũng, ye, có thể nói là thực hành đấy nhề. Phòng học thì tuỳ theo môn học mà được phân phòng cho phù hợp, lúc thì phòng bàn ghế – máy chiếu, lúc thì phòng máy. Nhưng như mình nói ở trên, ngành Multimedia ở trường vẫn chưa có 1 phòng thực hành theo đúng nghĩa có máy quay, phông bạt rồi thì ABC cho riêng ngành này mà vẫn chủ yếu là phòng máy để ngồi gõ code cho các bạn IT, nên với mình thì cơ hội thực hành Truyền thông ở đây không nhiều lắm, thực sự là thế 🙂🙂
5️⃣ Cơ hội thực tập, học bổng:
Thực tập thì các SV thường có 1 đợt thực tập duy nhất vào năm 4, có thể là kì 1 hoặc kì 2 của năm 4. Mình thì chưa có học đến năm cuối để có thể trải nghiệm đợt thực tập cho ngành mình đang theo học nên chưa thể nói trước điều gì. Tuy nhiên điều mình lo sợ nhất, đó là khoa FIT sẽ xếp tất cả lũ SV Đa phương tiện chúng mình vào những công ty IT để rồi ngày đêm ngồi gõ code hoặc làm mấy mảng công nghệ, phần mềm này nọ lọ chai. Nào mình sẽ để lại dòng này ở đây, để 1 năm sau quay lại xem những dự đoán của mình có đúng không nhé 😉😉😉
Về học bổng, thì có nhiều loại học bổng của trường nói chung, nhưng mình nghĩ cái học bổng hay nghe nhất là học bổng khuyến khích học tập cho SV xuất sắc mỗi kì. Mỗi kì phòng công tác SV sẽ rà soát và đưa ra khoảng 10% có điểm trung bình học kì cao nhất mỗi ngành để trao học bổng, nên là nếu muốn có học bổng này thì các bạn cố gắng lọt top GPA (điểm trung bình) cao trong ngành nhé. Ngoài ra còn nhiều loại học bổng lắm, nhưng mình cũng không tìm hiểu nên các bạn quan tâm cập nhật thông tin nhé.
_________________________
2) Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông (PTIT)
1️⃣ Cơ sở vật chất: 8.5/10
Mình chưa có dịp vào tận nơi để mục sở thị cơ sở vật chất của PTIT. Nhưng theo những gì mình nhìn ngắm từ bề ngoài cũng như xem qua trên google, kết hợp cùng với hỏi qua bạn bè, thì cơ sở vật chất của PTIT có thể nói là ổn, đáp ứng được những như cầu cơ bản, phòng máy, loa đài, các thứ okela hết như bao ngôi trường khác. Vì là ngôi trường thiên về công nghệ và cũng có phần máy móc trong đấy, nên mình nghĩ về mảng digital thì cơ sở của trường cũng đáp ứng khá khá.
2️⃣ Chương trình học tập:
Các bạn hãy xem qua các môn học trong chương trình học của ngành này ở PTIT tại đây: Multimedia – PTIT
Chương trình được phân bố khá cân đối, các môn học được đề ra rất thiết thực và hợp lý với những người theo mảng Truyền thông, Marketing lẫn Đa phương tiện sau này.
3️⃣ Chất lượng giảng dạy:
Giảng viên dễ tính, cũng hiền, quan tâm các SV. Đó là những thông tin chung nhất mà mình có được từ những người bạn về giảng viên của PTIT.
4️⃣ Điều kiện thực hành:
Cái này thì cũng xêm xêm HANU thôi. Mình nghe nói là ở PTIT có một căn phòng studio có máy móc thiết bị này nọ để thực hành nhưng lại khá bí ẩn, mốc meo quanh năm suốt tháng rất ít khi mở cửa. Chính vì vậy chủ yếu SV ngành Đa phương tiện của PTIT chủ yếu dùng máy tính, máy chiếu và loa đài của trường là chính, còn những dự án có liên quan đến quay dựng, thiết kế này nọ thì các bạn tự dùng thiết bị của chính mình có. Nhìn chung thì cơ hội thực hành ở PTIT cũng tương đối, không nhiều cũng không ít. Bạn mình học bên này có gửi cho mình xem vài dự án thực hành quay phim, tạo dựng nhận diện thương hiệu, cũng đẹp lắm các bạn ạ.
5️⃣ Cơ hội thực tập, học bổng:
PTIT cũng có nhiều loại học bổng, nhưng loại học bổng mà mình biết là loại học bổng cho SV đạt thành tích học tập tốt xét theo GPA mỗi kì. Trường sẽ lấy chỉ tiêu điểm cho mỗi khoa, tức là mỗi ngành sẽ có một mốc điểm GPA để đạt học bổng, qua được mốc đó là được cân nhắc xét học bổng. Sau đó, khoa sẽ dựa vào số lượng giới hạn học bổng cho mỗi ngành học và lấy theo top từ trên xuống đến khi hết chỉ tiêu học bổng. Ví dụ, mốc GPA đạt học bổng là 3.2/4.0 và có 20 bạn qua mốc này thì có thể chỉ có top 10 bạn điểm cao nhất được.
_________________________
3) Đại Học FPT
1️⃣ Cơ sở vật chất: 10/10
Mình chưa có cơ hội vào từng phòng học ở FPT, nhưng theo những thông tin mình tìm hiểu và có ngắm nghía qua thì cơ sở vật chất của FPT cũng thuộc dạng đỉnh của chóp chứ cũng không làng nhàng đâu. Đổ bao tiền vào mà =)). Thêm một cái nữa là mình thấy cảnh quan trường khá hoà hợp với thiên nhiên, lại còn xây dựng ở khu ngoại thành nên nó cứ phải gọi là rộng hơn cả cái công viên. Đảm bảo học ở đây kiểu gì cũng sống ảo được cả nghìn góc, hít oxy đầy phổi mỗi ngày đi học. Chỉ khổ cái là ai nhà xa mà không ở kí túc xá thì phải chịu khó sáng dậy sớm đi học hơi khổ sở tí.
2️⃣ Chương trình học tập:
Các bạn hãy xem qua các môn học trong chương trình học của ngành này ở FPT tại đây: Multimedia – FPT
Chương trình học ở FPT khá là sáng tạo và hoàn thiện khi SV theo học ở đây được đào tạo đầy đủ các kĩ năng về truyền thông, đồ hoạ và thậm chí cả ngoại ngữ. Một điều mình khá thích ở chương trình học của FPT đó là sinh viên được đào tạo tận 2 ngoại ngữ, và cả môn võ cổ truyền Vovinam. Chương trình của FPT khá là toàn diện nếu xét về mảng làm việc trong tương lai. Đặc biệt đó là không thiên quá nặng về mảng nào mà phối hợp rất hài hoà giữa công nghệ, truyền thông và đồ hoạ.
3️⃣ Chất lượng giảng dạy:
Mình không có người bạn nào đang học ngành này ở FPT nên cũng không có thực tế về chất lượng giảng dạy được. Theo như có đọc qua về chương trình đào tạo cộng với hiểu biết thực tế, mình nhận thấy FPT có chất lượng giảng dạy tốt, chương trình cực quốc tế và nguồn giảng viên cực uy tín. Là một ngôi trường ngoài công lập, FPT rất biết cách đào tạo nguồn nhân lực tương lai có khả năng ứng biến và làm việc được hiệu quả ngay trong môi trường làm việc mà không phải mất thời gian dạy việc lại từ đầu. Đây là một trong những thế mạnh của FPT mà nhiều trường khác chưa có được
4️⃣ Điều kiện thực hành:
Thực hành ở FPT thì khỏi phải nói rồi, cơ sở vật chất quá xịn, được đầu tư từ công ty hẳn hoi. Một điều chung mình rút ra được mà có lẽ tí nữa mình cũng sẽ để cập ở phần của Thăng Long, đó là mình thấy đa phần những trường ngoài công lập thì thường có điều kiện thực hành khá tốt lẫn chất lượng, ngầu đét luôn. Học ở FPT thì có lẽ vụ thực hành thì không phải lo rồi vì trường khá chú trọng khả năng làm việc chứ không tập trung vào lý thuyết suông. Bạn nào theo team hành nhiều – học ít thì FPT là 1 lựa chọn không tồi nhé.
5️⃣ Cơ hội thực tập, học bổng:
…Tác giả không có thông tin về mục này nên chưa thể thông tin thêm tới các bạn, mọi thông tin sẽ được cập nhật khi tác giả tìm hiểu được thêm…
_________________________
4) Học Viện Báo Chí Và Tuyên Truyền (AJC)
1️⃣ Cơ sở vật chất: 9/10
2️⃣ Chương trình học tập:
Phần này mình đang hơi lấn cấn và phân vân không biết mình tìm hiểu có đúng không. Tuy nhiên, theo mình đoán dựa trên những thông tin trên trang web của trường thì có thể ngành này tại Báo Chí có 2 lựa chọn cho chuyên ngành đi sâu. Các bạn tham khảo cả 2 chuyên ngành, nếu có gì sai sót mình sẽ cập nhật thêm.
Các bạn hãy xem qua các môn học trong chương trình học của ngành này ở AJC tại đây:
Chuyên ngành: Sản phẩm Truyền thông Đa Phương Tiện: Multimedia – AJC (1)
Chuyên ngành: Phát triển và ứng dụng Truyền thông Đa Phương Tiện: Multimedia – AJC (2)
Đào tạo về mảng quay phim, chụp ảnh và đưa tin ở trường Báo thì chất khỏi nói rồi các bạn ạ. Trường Đảng cơ mà, lại còn toàn dân máu mặt ở các Đài truyền hình đều ra lò từ đây thì các bạn biết nó thuộc dạng như nào rồi đấy, không phải dạng vừa đâu.
3️⃣ Chất lượng giảng dạy:
Chắc các bạn cũng biết một điều là giảng viên AJC có nhiều người cũng thuộc dạng máu mặt trong làng truyền hình rồi nhể. Quả thực, có rất nhiều những gương mặt nhẵn mặt chúng ta gặp trên các kênh TV hay các celeb hạng A đều có xuất thân từ trường báo mà ra. Nên là về chất lượng giảng dạy các bạn cũng không cần phải lo về giảng dạy, những giảng viên đứng lớp cũng thuộc dạng trâu bò lắm mới có thể đứng được vào vị trí giảng viên của trường Báo đó.
4️⃣ Điều kiện thực hành:
Trường Báo còn được gọi là trường Đảng, nên là về cơ sở vật chất nó cũng thuộc loại nghiêm chỉnh, vào nếp luôn. Trường Báo có khá nhiều khu, mỗi khu lại dành cho những đặc thù riêng khác nhau. Mình cũng được biết là trường Báo có một khu học cho các ngành CLC cũng xịn xò lắm, nhiều cây, nhiều canteen, trông không khác gì một cái cơ quan Nhà Nước. Ngoài ra, AJC cũng có một khu toàn các phòng studio để dựng bản tin, phát thanh, thu thanh với đầy đủ các thiết bị quay phim, micro, phông bạt, đèn đóm đủ cả nhé, cũng ra gì và này nọ lắm. Đây là điều mà HANU vẫn chưa thể làm được đến thời điểm bài viết này ra đời 🙂🙂
5️⃣ Cơ hội thực tập, học bổng:
Học bổng thì cũng như nhiều trường khác, có khá nhiều nguồn học bổng, có thể là học bổng tài trợ, học bổng trao đổi,… Những cái đó thì phải tuỳ từng đợt và tuỳ từng năm. Còn có loại học bổng bền vững đó là học bổng mỗi kì trao cho học sinh có học lực khá và giỏi. Theo một nguồn tin cho hay, trường Báo mỗi kì sẽ xét học bổng cho các SV và mỗi lớp sẽ có khoảng 10-15 suất học bổng được trao. Quy tắc xét học bổng sẽ là tính điểm tổng của điểm trung bình môn học và điểm hoạt động trong kì đó. Sau đó mỗi lớp sẽ lấy top 10-15 SV có điểm cao nhất. Học bổng của các ngành hệ thường là 4,5 triệu VND cho học lực khá, giỏi thì tác giả không có thông tin. Bên cạnh đó, học bổng cho ngành CLC sẽ cao hơn học bổng ngành thường
Về thực tập thì mình cũng chưa nắm rõ là trường sẽ cho SV tự chọn chỗ thực tập hay là chỉ định chỗ thực tập. Học trường Báo mình nghĩ điều may mắn nhất mà các SV có thể vươn đến đó chính là thực tập ở đài truyền hình VTV, rồi đài Hà Nội, đài VOV này nọ. Mình học ở HANU những cũng mong muốn một lần được đặt chân đến đó. Mình sẽ cập nhật thêm thông tin về câu chuyện đi thực tập ở trường Báo. Tuy nhiên mình cũng muốn các bạn biết rằng nếu có may mắn được thực tập ở VTV hay các đài trên thì đó cũng chỉ là thực tập, còn chuyện làm việc được ở đấy sau này không thì đó là câu chuyện khác rồi, bạn phải tự cố gắng hoặc có cơ để vào được. Còn có lẽ AJC sẽ không nghiễm nhiên cho bạn việc làm ở VTV, Hà Nội hay VOV đâu. Hehe 😅😅😅
_________________________
5) Đại Học Thăng Long (TLU)
1️⃣ Cơ sở vật chất: 10/10
Khuyến mãi thêm cho các độc giả chiếc link về cơ sở vật chất TLU: Click vào để thấy sự xịn xò
Nói không phải ngoa chứ về cơ sở vật chất đầu tư cho ngành này thì TLU đủ sức cho HANU hít khói rồi!! 😉😉
Thêm 1 chiếc clip nữa để thấy độ xịn cơ sở vật chất của Thăng Long:
Đây là sân khấu biểu diễn của Thăng Long, nơi rất nhiều sự kiện được tổ chức. Clip trên được quay hôm mình đi cổ vũ bạn mình thi bài cuối kì lớp học Hát của ngành Du lịch bên Thăng Long. Mà nghe đâu hình như kia mới là 1 sân khấu thôi ý, còn sân khấu khác nữa cơ. Nhìn qua là biết độ giàu có của trường rồi đó!!!
2️⃣ Chương trình học tập:
Các bạn hãy xem qua các môn học trong chương trình học của ngành này ở TLU tại đây: Multimedia – TLU
Mình thực sự rất thích chương trình học ngành này của TLU bởi tính thiết thực và chính xác của nó. Thăng Long đã rất tốt trong việc xây dựng khung chương trình học bám sát vào định nghĩa thế nào là “Truyền thông Đa phương tiện”. Đọc qua link thì mình cảm thấy với khung chương trình này, kết hợp cùng sự trẻ trung năng động, cơ sở vật chất vốn có của trường thì TLU hoàn toàn có khả năng cạnh tranh ngôi vị dẫn đầu trong việc đào tạo ngành này. Chương trình vừa đủ công nghệ, quảng cáo lẫn đồ hoạ. Đặc biệt là không có kiểu 70% là viết code 🙂🙂
3️⃣ Chất lượng giảng dạy:
Theo thông tin mình có được và nghe kể lại từ những người bạn, có người học ngành khác nhưng cũng có người đang học chính ngành này, giảng viên ở đây khá trẻ trung, cập nhật và thân thiện với sinh viên. Trình độ chuyên môn thì khỏi nói rồi, tất cả các giảng viên đều rất cứng tay và truyền đạt kinh nghiệm hết mình. Bạn mình review lại thấy bảo giảng viên phần lớn đều dễ tính và nhiệt tình. Nếu bạn nào thích Thăng Long thì hoàn toàn thoải mái với vấn đề giảng dạy nhé.
4️⃣ Điều kiện thực hành:
Đến cái này thì mình phải spam lại ngay đống ảnh này thôi. Bạn nào đã đọc blog trước thông cảm cho mình…
Phải nói thành thực rằng điều kiện ở TLU quá tốt, cơ sở vật chất thì cứ phải gọi là 100/10. Mình có một người bạn đang học ở TLU và bạn ý kể rằng học ở TLU ngành này ngay năm nhất đã được cho đi thực tế rồi. Mình ấn tượng nhất là với chuyến đi thực tế đến miền Tây của các bạn ý để thực hành chụp ảnh. Uầy, học HANU mà đến là ghen tị luôn. Xong các bạn ý còn được thực hành vẽ màu, phối màu các kiểu ở cái phòng vẽ view rộng nhìn ra ngoài như kia kìa. Trông nó có tức không. Thực tập thì được toàn gửi đến mấy chỗ xịn xịn, nổi tiếng. Nói không phải phét chứ học ở Thăng Long cứ như trẻ con được xúc đến tận mồm ý, sướng hết chỗ nói, suốt ngày được chơi bời, event sự kiện ở trường thì tung toé luôn.
5️⃣ Cơ hội thực tập, học bổng:
…Tác giả không có thông tin về mục này nên chưa thể thông tin thêm tới các bạn, mọi thông tin sẽ được cập nhật khi tác giả tìm hiểu được thêm…
________________________________________________________________________________
TẠM KẾT: Có lẽ mình không đủ khả năng lực để mà khuyên các bạn khi đăng kí ngành này thì nên vào trường nào hay không vào trường nào, vì bài toán của mỗi người là khác nhau và mong muốn của mỗi người lại càng khác nhau nữa.
(1) Nếu các bạn muốn học thiên nhiều về thực hành, thành thạo công việc xây dựng các ấn phẩm đa phương tiện, không quá trọng bằng cấp thì mình gợi ý các bạn chọn Thăng Long hay FPT.
(2) Nếu các bạn là người muốn học ở những ngôi trường có bề dày thành lập cũng như có mô hình đào tạo tương đối chuẩn và là trường công lập để theo nguyện vọng gia đình thì mình gợi ý các bạn chọn Bưu Chính (PTIT) hoặc Báo Chí & Tuyên Truyền (AJC).
(3) Cuối cùng, nếu bạn là những người đam mê lập trình, không ngại ngần đối đầu với những dòng code và muốn học Truyền thông Đa phương tiện thiên nhiều về công nghệ thông tin thì Đại Học Hà Nội (HANU) luôn chào đón bạn vào để thoả mãn đam mê của mình.
Cuối cùng, mình muốn nhắc nhở các bạn hãy cố gắng suy nghĩ thật thấu đáo để chọn ra cho mình lựa chọn hợp lý nhất phù hợp với mong muốn của bản thân. Dù cho lựa chọn nào cũng sẽ có cái được, cái mất của nó, nhưng hãy chọn cho mình cái nào để sau này bản thân không phải hối hận. À, nếu có hối hận thì cũng đừng ngần ngại để xé nháp làm lại nhé, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu cả. Gen Z rồi, mạnh mẽ lên!! Fighting 💪💪
Mình xin khép lại blog này tại đây. Nếu bạn có thêm bất cứ câu hỏi, thắc mắc nào, hoặc đơn giản là muốn tâm sự, trò chuyện cùng mình về ngành Truyền thông Đa phương tiện thì có thể để lại bình luận hoặc liên lạc với mình qua các nền tảng bên dưới nhé 😘😘. Chúc các bạn Quốc Khánh 2/9 vui vẻ!!
________________________________________________________________________________
❤️ ĐỪNG QUÊN KẾT NỐI VỚI MÌNH NHÉ:
________________________________________________________________________________
Nguồn ảnh:
(1) Kênh 14