‘Mục tiêu của ĐH Hoa Sen là sinh viên có cơ hội việc làm toàn cầu’
Người đứng đầu ĐH Hoa Sen khẳng định với mục tiêu trở thành công dân toàn cầu, sinh viên được chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tri thức và kỹ năng để sẵn sàng trải nghiệm, hội nhập quốc tế.
Người đứng đầu ĐH Hoa Sen khẳng định với mục tiêu trở thành công dân toàn cầu, sinh viên được chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tri thức và kỹ năng để sẵn sàng trải nghiệm, hội nhập quốc tế.
Theo Edu2Review 2018, Hoa Sen dẫn đầu bảng xếp hạng đại học hạnh phúc nhất Việt Nam với chỉ số hài lòng của sinh viên đạt mức 9,2 trên thang điểm 10. Theo nhiều ý kiến đánh giá, thành công của ngôi trường này đến từ quy mô đầu tư, cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên chất lượng, sinh viên được đào tạo bài bản cả về kiến thức lẫn thực nghiệm. Bên cạnh đó, việc thường xuyên cọ xát với môi trường học tập quốc tế cũng là lợi thế giúp sinh viên Đại học Hoa Sen thêm tự tin trên hành trình trở thành công dân toàn cầu.
Zing có buổi trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện – Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen – để tìm hiểu kỹ hơn mô hình vận hành của “ngôi trường hạnh phúc” và định hướng quốc tế hóa giáo dục trong tương lai.
– Đại học Hoa Sen được nhiều sinh viên biết đến với mô hình giảng đường không bục giảng. Điều này tác động như thế nào đến giảng viên và sinh viên?
– Mô hình giảng đường không bục giảng là phương pháp đào tạo hiện đại, dựa trên sự tương tác mật thiết giữa người dạy và người học, giúp tất cả chủ thể tham gia đều cảm thấy không có sự ngăn cách hay chỉ tiếp nhận thông tin một chiều. Giảng viên trong quá trình dạy không chỉ tìm cách truyền đạt thông điệp, chuyển giao tri thức, mà còn cần thu thập thông tin từ phía người học để ngày một hoàn thiện tri thức và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Ở chiều ngược lại, sinh viên cũng dễ dàng tương tác, phản hồi thầy cô trong không gian giao tiếp gần gũi, có điều kiện mổ xẻ tận gốc mọi vấn đề về chuyên môn, giúp quá trình học tập đạt hiệu quả cao nhất. Trên thế giới, các trường đại học thuộc nhiều quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Australia sớm triển khai hiệu quả mô hình này, từ đó lan toả đến những nền văn hoá khác như Canada và một số nước ở châu Âu.
Tại nhiều nước châu Á, mô hình không bục giảng từng bị cho là không tương thích các nền văn hóa chịu tư tưởng Khổng giáo truyền thống, đòi hỏi giữa người dạy và người học phải có sự tôn kính. Tuy nhiên, với khả năng giao hòa văn hóa, đáp ứng xu thế hội nhập, Đại học Hoa Sen đã áp dụng hợp lý và nhận được phản hồi tích cực từ nhiều sinh viên.
– Được công nhận là đại học hạnh phúc nhất Việt Nam, nhà trường đã nỗ lực như thế nào để mang đến môi trường học tập chất lượng và đa trải nghiệm cho sinh viên?
– Ngay từ khi thành lập, nhà trường đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nhiều tiện ích học tập theo hướng quốc tế. Quan trọng hơn, chúng tôi đề cao việc xây dựng không gian giao tiếp theo tiêu chuẩn đại học thân thiện, hạnh phúc, có nhiều khu vực giao tiếp công cộng văn minh, thanh lịch.
Khi bước vào trường, đi bộ tại các hành lang hay không gian chung, sinh viên có thể thả mình trên nền nhạc giao hưởng của Mozart hay Beethoven, trải nghiệm không gian chứa đựng di sản văn minh của nhân loại. Phương pháp này có thể tác động đến tâm lý, giúp các em được kích thích sự sáng tạo, trau dồi kiến thức và văn hóa ứng xử để làm chủ không gian, phát triển toàn diện.
Đại học Hoa Sen cũng không ngừng bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và kỹ năng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên. Thầy cô luôn cần hoàn thiện hệ thống kiến thức để thuyết phục sinh viên bằng sự uyên bác học thuật và khả năng truyền đạt hiệu quả. Người thầy không chỉ giảng dạy, mà còn là bạn đồng hành cùng sinh viên trong quá trình chinh phục tri thức của nhân loại.
– Trên thị trường lao động, các nhà tuyển dụng luôn mong muốn tìm kiếm được nguồn nhân sự chất lượng cao, có kiến thức chuyên môn vững vàng, kinh nghiệm thực tế và giàu nhiệt huyết cống hiến. Vậy sinh viên Đại học Hoa Sen có những lợi thế gì khi tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp?
– Ưu tiên của nhà trường là sinh viên tích lũy đầy đủ kiến thức, thỏa mãn khuôn khổ chương trình đại học, để sau này có khả năng đáp ứng yêu cầu chuyên môn của người sử dụng lao động. Song song với quá trình trau dồi kiến thức chuyên ngành và ngoại ngữ, thực tập tại nhiều công ty, các em được bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp để hình thành sự tự tin, đĩnh đạc, khiêm tốn, thuyết phục được nhà tuyển dụng ngay từ lần đầu tiếp xúc và tương tác tốt với đồng nghiệp lâu dài.
Với vốn ngoại ngữ, kinh nghiệm áp dụng kiến thức vào thực tiễn, sinh viên của trường có nhiều lợi thế khi tham gia các chương trình sát hạch hay tuyển dụng nghề nghiệp. Theo thống kê, tỷ lệ sinh viên Đại học Hoa Sen tìm được việc làm, ngành thấp nhất đạt 83%, ngành cao nhất là 100%.
– Bên cạnh tri thức, trường tạo môi trường hoạt động ngoại khóa, phát triển kỹ năng cho sinh viên như thế nào?
– Đại học Hoa Sen không có campus rộng để phát triển nhiều chương trình ngoại khoá đặc thu đòi hỏi không gian, sân chơi rộng lớn. Trong phạm vi khả năng của mình, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích như sinh hoạt văn nghệ, show diễn thời trang, thiết kế sàn diễn mô hình, thực hành hoạt động sáng tạo sản phẩm phù hợp chuyên môn của các khoa, ngành.
Ví dụ, vừa qua, sinh viên khoa Thiết kế và Nghệ thuật tham gia các hoạt động có tính chất trải nghiệm cộng đồng như vẽ tranh thể hiện sinh hoạt văn hoá dân gian, xây dựng đồ án dựng nhà bằng phương pháp in 3D, sau đó chuyển giao sản phẩm thật cho bà con trong phố cổ để làm từ thiện. Đây là các hoạt động được nhà trường khuyến khích và tạo mọi điều kiện.
Bên cạnh đó, Hoa Sen cũng tổ chức các chương trình “Service Learning”, giúp sinh viên học tập kỹ năng, trải nghiệm cuộc sống bằng cách phục vụ cộng đồng những hoạt động tương ứng chuyên ngành đào tạo của các em. Chương trình này đã được nhà trường triển khai suốt nhiều năm qua, đến nay vẫn duy trì và ngày càng lan toả.
– Các hoạt động này có tầm ảnh hưởng như thế nào đến sinh viên và cộng đồng, thưa thầy?
– Nhờ quy mô và chất lượng của các hoạt động này, chúng tôi đã thu hút sự quan tâm của một số đối tác, quỹ châu Âu tài trợ chi phí để đào tạo đội ngũ giảng viên tiếp tục triển khai chương trình “Service Learning” này.
Với nguồn kinh phí đó, nhà trường cũng thực hiện nhiều dự án lớn, khích lệ các em trải nghiệm cuộc sống thực bằng nhiều chuyến đi mang ý nghĩa dấn thân vì cộng đồng. Có thể kể đến các hoạt động cứu trợ đồng bào bão lụt, tổ chức sinh hoạt – giáo dục cho trẻ em khuyết tật, mồ côi tại trung tâm bảo trợ xã hội, hay đến thăm hỏi, tặng quà bà con miền Tây gặp hạn mặt khốc liệt.
Trong khi đó, sinh viên các khoa nghệ thuật thường xuyên thiết kế nhữn chương trình giải trí phục vụ người dân. Sinh viên du lịch tổ chức chương trình trải nghiệm du lịch xanh, các em vừa thực hiện vai trò hướng dẫn viên, vừa là tình nguyện viên giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
– Thầy đánh giá như thế nào về xu hướng quốc tế hóa môi trường giáo dục tại Việt Nam?
– Hiện tại, Việt Nam chưa thực sự có đại học quốc tế đúng nghĩa nào với tỷ lệ phần trăm sinh viên nước ngoài đạt 2 chữ số. Chỉ khi nào phổ cập được các tiêu chuẩn trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam, chừng đó chúng ta mới có thể sánh vai với bạn bè quốc tế trên phương diện giáo dục.
Do đó, chúng tôi cũng đặt kỳ vọng mở rộng khu vực tuyển sinh, không chỉ giới hạn ở phạm vi địa phương, quốc gia mà còn mở rộng sang các nước khác. Trong bối cảnh tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, Hoa Sen đặt mục tiêu trở thành đại học quốc tế để các sinh viên Việt Nam và nước ngoài được sinh hoạt trong một khuôn khổ học tập chuẩn mực, chất lượng.
– Nhà trường trang bị kiến thức cho sinh viên hội nhập quốc tế bằng cách nào?
– Nhà trường luôn nỗ lực trang bị cho sinh viên đầu ra về ngoại ngữ khả quan. Đây là điều kiện cần để các em có thể dấn thân trong môi trường nghề nghiệp quốc tế. Ngoài việc đào tạo ngoại ngữ theo chương trình đại cương và chuyên ngành, các em được đăng ký học những môn khác giảng dạy bằng tiếng Anh để có điều kiện trao đổi, tương tác nhiều hơn bằng ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, Đại học Hoa Sen cũng thường xuyên tổ chức các chương trình trải nghiệm và giao lưu với sinh viên quốc tế. Chúng tôi ưu tiên lựa chọn đối tác sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính như các trường tại Mỹ, Anh, Australia, Singapore… và một số đơn vị khác tại Pháp, Đức…
Quá trình thực tập của sinh viên cũng được nhà trường chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua các thiết chế từ phòng Hợp tác sinh viên, Quan hệ quốc tế, tạo điều kiện để các em áp dụng kiến thức vào thực hành với thời gian nhiều nhất có thể.
– Ngoài việc bảo đảm tiêu chuẩn ngoại ngữ đầu ra, nhà trường có những hoạt động gì để đưa học sinh đến gần hơn với môi trường làm việc quốc tế?
– Hoa Sen luôn coi trải nghiệm môi trường quốc tế là một phần thiết yếu trong chương trình đào tạo. Song song các giờ học kiến thức trên lớp, chúng tôi thiết kế cho các em chương trình thực tập tại một số công ty, doanh nghiệp chuyên ngành, sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp hàng ngày.
Ví dụ, sinh viên ngành đặc thù như quản trị khách sạn, chúng tôi hợp tác với các đối tác uy tín như Tập đoàn Sheraton, khách sạn 5 sao, resort cao cấp, giúp các em có thêm trải nghiệm thực hành kỹ năng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, sinh viên được tiếp xúc với các khách hàng sử dụng ngoại ngữ chuẩn để có điều kiện hoàn thiện ngôn ngữ.
Trong ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, sinh viên được tiếp cận với đầu bếp, nhà quản lý, CEO từ các công ty, khách sạn danh tiếng. Chúng tôi cũng kết nối với chuyên gia đầu ngành để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp các em học hỏi từ những người thành công đi trước.
– Trong tương lai, nhà trường đặt tầm nhìn phát triển môi trường sư phạm như thế nào và có kế hoạch cụ thể gì, thưa thầy?
– Ưu tiên của Đại học Hoa Sen là từng bước xây dựng hệ thống chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh để đi đến mục tiêu sinh viên có không gian nghề nghiệp rộng nhất có thể, tìm kiếm cơ hội việc làm trên phạm vi toàn cầu. Hiện tại, chúng tôi có 4 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh gồm: Marketing, quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, logistic và quản lý chuỗi cung ứng. Chúng tôi đặt quyết tâm năm 2025 có ít nhất một nửa chương trình đào tạo 100% bằng tiếng Anh.
Về phía sinh viên, chúng tôi mong muốn các em sau khi tốt nghiệp không chỉ tìm được công việc tại Việt Nam, mà có kế hoạch, tham vọng vươn ra thế giới. Các em có thể mở startup ở Singapore, Paris hay London, thuyết phục được các nhà tuyển dụng toàn cầu.
Để hoàn thành những mục tiêu kể trên, bên cạnh việc phát triển chương trình giảng dạy 100% tiếng Anh, chúng tôi cần xây dựng đội ngũ giảng viên không chỉ là những thầy cô Việt Nam có khả năng nói tiếng Anh, mà còn sử dụng nhân sự nước ngoài. Đội ngũ này phải đạt tiêu chuẩn khoa học, sư phạm theo quy định pháp luật Việt Nam để hoàn thiện đội ngũ cán bộ giảng dạy mang dáng dấp quốc tế.