Mục 5: Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân (1499–1532)
1499
“Qua việc xức dầu bệnh nhân và lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Hội Thánh phó thác các bệnh nhân cho Chúa chịu nạn và vinh hiển để Người nâng đỡ và cứu chữa họ; hơn nữa, Hội Thánh còn khuyên bảo họ tự nguyện kết hợp với cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Ki-tô, để mưu ích cho dân Thiên Chúa.”96
Nội Dung Chính
I. Nền tảng của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân trong Nhiệm cục cứu độ (1500–1513)
Bệnh tật trong đời sống con người (1500–1501)
15001006
Bệnh tật và đau khổ luôn luôn là những vấn đề nghiêm trọng nhất ảnh hưởng trên đời sống con người. Trong cơn bệnh, con người cảm nghiệm sự bất lực, các giới hạn và sự hữu hạn của mình. Mọi bệnh tật đều có thể khiến chúng ta nhìn xa đến cái chết.
1501
Bệnh tật có thể đưa đến sự lo lắng, tự khép kín, đôi khi tuyệt vọng và nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Nhưng nó cũng có thể làm cho con người chín chắn hơn, giúp họ phân định điều gì không phải là chính yếu trong đời họ, để quay về với điều chính yếu. Bệnh tật rất thường gợi lên sự tìm hiểu về Thiên Chúa, gợi lên sự trở lại với Ngài.
Bệnh nhân trước mặt Thiên Chúa (1502)
1502164, 376
Con người thời Cựu Ước sống trong bệnh tật trước tôn nhan Thiên Chúa. Họ than thở với Thiên Chúa về bệnh tật của mình97 và xin Ngài, là Chúa sự sống và sự chết, chữa lành.98 Bệnh tật trở thành con đường hối cải,99 và ơn tha thứ của Thiên Chúa là khởi đầu việc chữa lành.100 Dân Ít-ra-en cảm nghiệm rằng, bệnh tật có liên hệ cách bí nhiệm với tội lỗi và sự dữ, và sự trung thành với Thiên Chúa, theo Lề Luật của Ngài, sẽ trả lại sự sống: “vì Ta là Chúa, Đấng chữa lành ngươi” (Xh 15,26). Có Tiên tri đã thoáng nhận ra rằng đau khổ có thể có giá trị cứu chuộc đối với tội lỗi của những người khác.101 Sau cùng, tiên tri I-sai-a loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đem đến cho Xi-on một thời đại, lúc đó Ngài sẽ tha thứ mọi tội lỗi và chữa lành mọi bệnh tật.102
Đức Ki-tô – thầy thuốc (1503–1505)
1503549, 1421, 2288
Lòng thương cảm của Đức Ki-tô đối với các bệnh nhân và nhiều việc chữa lành mọi thứ bệnh tật Người đã thực hiện103 là một dấu chỉ hiển nhiên cho thấy rằng Thiên Chúa đã viếng thăm Dân Ngài104 và Nước Thiên Chúa đã gần kề. Chúa Giê-su không những có quyền chữa lành mà còn có quyền tha tội:105 Người đến để chữa lành con người toàn diện, cả xác cả hồn; Người là thầy thuốc mà các bệnh nhân cần đến.106 Lòng thương cảm của Người đối với tất cả những người chịu đau khổ, đã đi đến chỗ Người tự nên một với họ: “Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25,36). Tình yêu đặc biệt của Người đối với những người đau yếu, trải qua các thế kỷ, đã không ngừng khơi dậy sự quan tâm đặc biệt của các Ki-tô hữu đối với tất cả những ai chịu đau khổ phần xác hay phần hồn. Tình yêu này làm phát sinh những cố gắng không mệt mỏi để nâng đỡ những người đau khổ đó.
1504695, 1116
Chúa Giê-su thường đòi buộc các bệnh nhân phải tin.107 Người dùng những dấu chỉ để chữa lành: nước miếng và việc đặt tay,108 bùn đất và việc rửa sạch.109 Các bệnh nhân tìm cách chạm đến Người110 “vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (Lc 6,19). Vì vậy, trong các bí tích, Đức Ki-tô tiếp tục “chạm” đến chúng ta để chữa lành chúng ta.
1505440, 307
Xúc động trước quá nhiều đau khổ, Đức Ki-tô không những cho phép các bệnh nhân chạm đến Người, mà còn lấy những đau khổ của chúng ta làm của Người: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17).111 Tuy nhiên, Người đã không chữa lành tất cả các bệnh nhân. Những việc chữa lành của Người là những dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đang đến. Chúng loan báo một sự chữa lành triệt để hơn: đó là sự chiến thắng tội lỗi và sự chết, nhờ cuộc Vượt Qua của Người. Trên thập giá, Đức Ki-tô đã mang vào thân thể Người tất cả gánh nặng của sự dữ112 và Người đã xóa “tội trần gian” (Ga 1,29), mà bệnh tật của trần gian chỉ là một hậu quả. Bằng cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Người, Đức Ki-tô đem lại cho đau khổ một ý nghĩa mới: từ nay đau khổ có thể làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Người và kết hợp chúng ta vào cuộc khổ nạn sinh ơn cứu chuộc của Người.
“Hãy chữa lành các bệnh nhân…” (1506–1510)
1506859
Đức Ki-tô mời gọi các môn đệ vác thánh giá của mình113 mà theo Người. Khi theo Người, các môn đệ có được một tầm nhìn mới về các bệnh tật và các bệnh nhân. Chúa Giê-su đã cho họ dự phần vào đời sống nghèo khó và phục vụ của Người. Người cho họ tham dự vào thừa tác vụ cảm thương và chữa lành của Người: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,12-13).
1507430
Chúa phục sinh đã lặp lại sứ vụ này (“Nhân danh Thầy… họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”: Mc 16,17-18) và xác nhận sứ vụ đó qua các dấu chỉ Hội Thánh thực hiện trong khi kêu cầu Danh Người.114 Các dấu chỉ này biểu lộ cách đặc biệt Chúa Giê-su thật sự là “Thiên Chúa cứu độ.”115
1508798, 618
Chúa Thánh Thần ban cách đặc biệt cho một số người đoàn sủng chữa lành116 để biểu lộ sức mạnh của ân sủng của Đấng phục sinh. Tuy nhiên, những lời cầu nguyện sốt sắng nhất cũng không luôn luôn chữa lành tất cả mọi bệnh tật. Thánh Phao-lô phải học nơi Chúa điều này: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9); và những đau khổ phải chịu có thể có ý nghĩa này: “Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
15091405
“Hãy chữa lành người đau yếu!” (Mt 10,8). Hội Thánh đã nhận nơi Chúa mệnh lệnh này và cố gắng thi hành mệnh lệnh đó qua việc chăm sóc các bệnh nhân và việc nguyện cầu để đồng hành với họ. Hội Thánh tin vào sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô, vị thầy thuốc của cả phần hồn phần xác. Sự hiện diện này đặc biệt tác động trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, là bánh ban sự sống đời đời117 và liên hệ của bánh này với sự chữa lành phần xác đã được thánh Phao-lô nói đến.118
15101117
Hội Thánh từ thời các Tông Đồ đã biết đến một nghi thức riêng dành cho các bệnh nhân. Thánh Gia-cô-bê đã làm chứng về điều này: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5,14-15). Truyền thống đã nhìn nhận nghi thức này là một trong bảy bí tích của Hội Thánh.119
Bí tích của các bệnh nhân (1511–1513)
1511
Hội Thánh tin và tuyên xưng, trong bảy bí tích, có một bí tích đặc biệt dành để củng cố những người bị thử thách vì bệnh tật: đó là bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân:
“Việc xức dầu thánh cho các bệnh nhân đã được Đức Ki-tô Chúa chúng ta thiết lập một cách thật sự và đúng nghĩa như là một bí tích của Giao Ước Mới, được thánh Marcô nhắc đến,120 và được giới thiệu và công bố cho các tín hữu nhờ thánh Gia-cô-bê, vị Tông Đồ và là người anh em của Chúa.”121
1512
Trong truyền thống phụng vụ của Đông cũng như Tây phương, từ xa xưa, đã có những bằng chứng về bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân với dầu đã được làm phép. Qua các thế kỷ, bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, càng ngày càng ít được sử dụng, chỉ được ban cho những người sắp chết. Vì vậy, bí tích này có tên gọi là việc “Xức dầu cuối cùng.” Mặc dù có sự chuyển biến này, phụng vụ không bao giờ bỏ qua việc cầu xin Chúa cho bệnh nhân được hồi phục sức khoẻ, nếu điều này phù hợp với ơn cứu độ của họ.122
1513
Tông Hiến Sacram unctionem infirmorum (Việc Xức Dầu Thánh cho bệnh nhân) ban hành ngày 30.11.1972, theo đường hướng Công đồng Va-ti-ca-nô II,123 xác định từ nay, trong nghi lễ Rô-ma, phải thực hành như sau:
“Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân được ban cho những ai bệnh tật nguy kịch, bằng việc xức trên trán và trên hai bàn tay với dầu ô liu hoặc, tùy nghi, dầu thực vật khác, đã được làm phép đúng luật, và chỉ đọc một lần: ‘Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ con, để Ngài giải thoát con khỏi mọi tội lỗi, cứu chữa con và thương làm cho con thuyên giảm’.”124
II. Người lãnh nhận và người ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân (1514–1516)
Trong trường hợp bệnh nặng… (1514–1515)
1514
Xức Dầu Bệnh Nhân “không phải là bí tích chỉ dành cho những người hấp hối. Do đó, thời gian thích hợp để lãnh nhận bí tích này là khi tín hữu bắt đầu lâm cơn nguy tử vì bệnh tật hay già yếu.”125
1515
Nếu bệnh nhân đã lãnh bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân và được hồi phục, rồi sau đó trở bệnh nặng, thì có thể lãnh bí tích này lần nữa. Trong cùng một cơn bệnh kéo dài, bí tích này có thể được tái ban nếu cơn bệnh trở nên trầm trọng hơn. Trước khi chịu một cuộc giải phẫu quan trọng, tín hữu nên lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Cũng vậy, người lớn tuổi cũng nên lãnh nhận khi sức lực họ suy yếu dần.
“… Hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến” (1516)
1516
Chỉ có các tư tế (giám mục và linh mục) là thừa tác viên bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.126 Các mục tử có trách nhiệm phải dạy cho các tín hữu về những ơn ích của bí tích này. Các tín hữu phải động viên bệnh nhân để mời tư tế đến ban bí tích. Các bệnh nhân phải chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận bí tích này, với sự trợ giúp của mục tử và toàn thể giáo xứ, những người được mời đến hỗ trợ bệnh nhân, một cách đặc biệt, bằng lời cầu nguyện và sự quan tâm huynh đệ.
III. Bí tích này được cử hành thế nào? (1517–1519)
15171140, 1524
Cũng như mọi bí tích khác, bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là một cử hành phụng vụ có tính cộng đoàn,127 dù cử hành ở gia đình, ở bệnh viện hay ở nhà thờ, cho một hay một nhóm bệnh nhân. Rất nên cử hành bí tích này trong thánh lễ, là cuộc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa. Nếu hoàn cảnh cho phép, có thể cử hành bí tích Thống Hối trước khi ban bí tích Xức Dầu, và tiếp đó là bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể, là bí tích của cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô, luôn luôn phải là bí tích cuối cùng của cuộc lữ hành trần thế, là “Của ăn đàng” cho việc “bước qua” đời sống vĩnh cửu.
1518
Lời [Chúa] và bí tích làm nên một thể thống nhất bất khả phân ly. Sau nghi thức thống hối, phần phụng vụ Lời Chúa khai mở việc cử hành bí tích. Những lời của Đức Ki-tô, chứng từ của các Tông Đồ khơi dậy đức tin cho bệnh nhân và cho cộng đoàn, để cầu xin Chúa ban sức mạnh Thần Khí của Người.
1519
Việc cử hành bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân chủ yếu gồm có các phần như sau: “Các kỳ mục của Hội Thánh”128 thinh lặng đặt tay trên bệnh nhân; các ngài cầu nguyện cho bệnh nhân trong đức tin của Hội Thánh,129 đó là kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần (Epiclesis) đặc thù của bí tích này; rồi các ngài xức dầu cho bệnh nhân bằng dầu đã được làm phép, nếu có thể được, bởi Giám mục.
Các hành động phụng vụ này cho thấy bí tích này mang lại biết bao ân sủng cho các bệnh nhân.
IV. Hiệu quả của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân (1520–1523)
1520733
Hồng ân đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Ân sủng đầu tiên của bí tích này là ơn an ủi, bình an và can đảm cho tâm hồn để thắng vượt những khó khăn do tình trạng của cơn bệnh trầm trọng hay của tuổi già sức yếu. Ân sủng này là hồng ân của Chúa Thánh Thần, để canh tân sự phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa, và ban sức mạnh để chống lại các cám dỗ của Thần dữ, cám dỗ làm cho tâm hồn thất vọng và lo âu trước cái chết.130 Sự trợ giúp này của Chúa nhờ sức mạnh của Thần Khí Người nhằm chữa lành linh hồn bệnh nhân, nhưng cũng chữa lành cả thân xác, nếu đó là thánh ý Thiên Chúa.131 Ngoài ra, “nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5,15).132
15211535, 1499
Kết hợp với cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô. Nhờ ân sủng của bí tích này, bệnh nhân lãnh nhận sức mạnh và hồng ân để kết hợp chặt chẽ hơn với cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô: một cách nào đó họ được thánh hiến để mang lại hoa trái nhờ đồng hình đồng dạng với cuộc khổ nạn sinh ơn cứu chuộc của Đấng cứu độ. Đau khổ, vốn là hậu quả của tội nguyên tổ, nay mang một ý nghĩa mới: đó là dự phần vào công trình cứu độ của Chúa Giê-su.
1522953
Ân sủng có chiều kích Hội Thánh. Các tín hữu lãnh nhận bí tích này, “nhờ sẵn sàng kết hợp với sự đau khổ và cái chết của Đức Ki-tô”, góp phần “mưu ích cho dân Thiên Chúa.”133 Khi cử hành bí tích này trong mầu nhiệm các Thánh thông công, Hội Thánh cầu nguyện cho bệnh nhân; bệnh nhân, đến lượt mình, nhờ ân sủng của bí tích này, góp phần vào sự thánh hóa Hội Thánh và mưu ích cho mọi người, vì tất cả những người đó mà Hội Thánh chịu đau khổ và tự hiến cho Chúa Cha nhờ Đức Ki-tô.
15231020, 1294, 1020
Chuẩn bị cho cuộc vượt qua cuối cùng. Nếu bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân được ban cho những người đang chịu bệnh tật và đau yếu nặng, thì càng thích hợp hơn cho những người “sắp lìa đời”,134 nên nó cũng được gọi là “bí tích của những người ra đi” (sacramentum exeuntium).135 Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân hoàn tất việc làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với cái Chết và sự Sống lại của Đức Ki-tô, cũng như bí tích Rửa Tội đã khởi sự điều đó. Bí tích này hoàn tất các lần xức dầu thánh ghi dấu suốt cuộc đời Ki-tô hữu; việc xức dầu của bí tích Rửa Tội đã đóng ấn cuộc sống mới trong chúng ta; việc xức dầu của bí tích Thêm Sức tăng sức mạnh cho chúng ta để chiến đấu trong cuộc sống này. Việc xức dầu lần cuối này gìn giữ lúc kết thúc cuộc đời chúng ta bằng sự che chở vững vàng trong những trận chiến cuối cùng trước khi tiến vào Nhà Cha.136
V. Của ăn đàng, bí tích cuối cùng của Ki-tô hữu (1524–1525)
15241392
Đối với những người sắp lìa đời, ngoài bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, Hội Thánh còn ban bí tích Thánh Thể làm Của ăn đàng. Việc lãnh nhận Mình và Máu Đức Ki-tô, vào lúc sắp về với Chúa Cha, có một ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Đây là hạt giống của đời sống vĩnh cửu và là sức mạnh của sự phục sinh, theo lời Chúa nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Bí tích Thánh Thể, là bí tích của Đức Ki-tô đã chết và đã sống lại, giờ đây là bí tích của việc chuyển từ cõi chết đi vào cõi sống, từ trần gian này về với Chúa Cha.137
15251680, 2299
Cũng như các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể hợp thành một thể thống nhất được gọi là “các bí tích khai tâm Ki-tô Giáo”, người ta có thể nói các bí tích Thống Hối, Xức Dầu Bệnh Nhân và Thánh Thể như Của ăn đàng, vào lúc cuối đời Ki-tô hữu, hợp thành “các bí tích chuẩn bị về Quê trời” hay là các bí tích hoàn tất cuộc lữ hành trần thế.
Tóm lược (1526–1532)
1526
“Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến, họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5,14-15).
1527
Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân có mục đích ban ân sủng đặc biệt cho tín hữu đang bị thử thách vì những khó khăn do tình trạng bệnh nặng hay tuổi già sức yếu.
1528
Thời gian thích hợp để lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là khi tín hữu bắt đầu lâm cơn nguy tử vì bệnh tật hay già yếu.
1529
Mỗi khi lâm trọng bệnh, Ki-tô hữu có thể lãnh nhận bí tích Xức Dầu, và khi bệnh tình trở nên nguy kịch, có thể nhận lại bí tích này.
1530
Chỉ các tư tế (linh mục và Giám mục) mới có thể ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Để trao ban, các ngài sử dụng dầu do Giám mục làm phép, hay trong trường hợp khẩn cấp, do chính linh mục đang cử hành làm phép.
1531
Nghi thức chính yếu của bí tích này gồm việc xức dầu trên trán và hai tay của bệnh nhân (theo nghi lễ Rô-ma) hoặc trên các phần thân thể khác (theo nghi lễ Đông phương), việc xức dầu có kèm theo lời cầu nguyện phụng vụ của tư tế cử hành, cầu xin ân sủng đặc biệt của bí tích này.
1532
Ân sủng đặc biệt của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân có những hiệu quả như sau:
— giúp bệnh nhân được kết hợp với cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô, để mưu ích cho bản thân và cho toàn thể Hội Thánh;
— mang lại cho bệnh nhân sự an ủi, bình an và lòng can đảm, để chịu đựng theo tinh thần Ki-tô Giáo những đau khổ do bệnh tật hay tuổi già;
— ban ơn tha tội, nếu bệnh nhân không thể xưng tội được;
— đem lại sự hồi phục sức khoẻ, nếu điều đó hữu ích cho ơn cứu độ thiêng liêng;
— chuẩn bị để bước vào đời sống vĩnh cửu.
Chú thích
96 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11: AAS 57 (1965) 15.
97 X. Tv 38.
98 X. Tv 6,3; Is 38.
99 X. Tv 38,5; 39,9.12.
100 X. Tv 32,5; 107,20; Mc 2,5-12.
101 X. Is 53,11.
102 X. Is 33,24.
103 X. Mt 4,24.
104 X. Lc 7,16.
105 X. Mc 2,5-12.
106 X. Mc 2,17.
107 X. Mc 5,34.36; 9,23.
108 Mc 7,32-36; 8,22-25.
109 X. Ga 9,6-15.
110 X. Mc 3,10; 6,56.
111 X. Is 53,4.
112 X. Is 53,4-6.
113 X. Mt 10,38.
114 X. Cv 9,34; 14,3.
115 X. Mt 1,21; Cv 4,12.
116 X. 1 Cr 12,9.28.30.
117 X. Ga 6,54.58.
118 X. 1 Cr 11,30.
119 X. Thánh Innôcentiô I, Epistula Si instituta ecclesiastica: DS 216; CĐ Florentinô, Decretum pro Armenis: DS 1324-1325; CĐ Tri-đen-ti-nô, Sess. 14a, Doctrina de sacramento extremae Unctionis, c. 1-2: DS 1695-1696; Id., Sess. 14a, Canones de extrema Unctione, canones 1-2: DS 1716-1717.
120 X. Mc 6,13.
121 CĐ Tri-đen-ti-nô, Sess. 14a, Doctrina de sacramento extremae Unctionis, c. 1: DS 1695; X. Gc 5,14-15.
122 CĐ Tri-đen-ti-nô, Sess. 14a, Doctrina de sacramento extremae Unctionis, c. 2: DS 1696.
123 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 73: AAS 54 (1964) 118-119.
124 ĐGH Phao-lô VI, Tông hiến Sacram Unctionem infirmorum: AAS 65 (1973) 8; x. Bộ Giáo Luật, điều 847,1.
125 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 73: AAS 56 (1964) 118-119 ; x. Bộ Giáo Luật, các điều 1004,1. 1005. 1007; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 738.
126 X. CĐ Tri-đen-ti-nô, Sess. 14a, Doctrina de sacramento extremae Unctionis, c. 3: DS 1697; Id., Sess. 14a, Canones de extrema Unctione, canon 4: DS 1719; Bộ Giáo Luật, điều 1003; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 739,1.
127 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 27: AAS 56 (1964) 107.
128 X. Gc 5,14.
129 X. Gc 5,15.
130 X. Dt 2,15.
131 X. CĐ Florentinô, Decretum pro Armenis: DS 1325.
132 X. CĐ Tri-đen-ti-nô, Sess. 14a, Canones de extrema Unctione, canon 2: DS 1717.
133 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 11: AAS 57 (1965) 15.
134 CĐ Tri-đen-ti-nô, Sess. 14a, Doctrina de sacramento extremae Unctionis, c. 3: DS 1698.
135 Ibid.
136 X. CĐ Tri-đen-ti-nô, Sess. 14a, Doctrina de sacramento extremae Unctionis, Prooemium: DS 1694.
137 X. Ga 13,1.