Một thoáng quê hương năm tấn
Bây giờ chắc chắn năng suất lúa nơi đây đã cao hơn nhiều lắm rồi, nhưng khi nhắc đến địa danh thân thuộc, đi vào tâm thức bao người, vẫn cứ liên tưởng ngay đến “Quê hương năm tấn”, nơi một thời “thóc thừa cân, quân vượt mức”.
Đó là Thái Bình, vùng đất của trăm nghề, của ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển. Đó là Thái Bình, vựa lúa trứ danh của đồng bằng sông Hồng. Đó là Thái Bình, nơi sản sinh nhiều danh nhân nổi tiếng gắn với những sự kiện còn lưu truyền trong sử sách.
Dịp về thăm lại vùng đất “yên ổn hoàn toàn” theo ý nghĩa tên gọi Hán Việt, niềm vui thêm đong đầy khi biết đến câu khẩu hiệu quảng bá du lịch thật hay: “Vùng đất hiền hoà – Thăng hoa cảm xúc”.
Để khẩu hiệu không chỉ là lời chào mời, vẫy gọi, cần hướng đến việc tạo dựng hình ảnh, thương hiệu địa phương, gắn kết, lan toả những giá trị sâu sắc, đặc trưng cho hồn đất và tình người.
Thương hiệu địa phương không chỉ để thu hút, tạo ấn tượng đậm nét cho du khách, bạn bè gần xa tìm đến, mà phải thực sự trở thành niềm tự hào chung của người dân địa phương.
Niềm tự hào đó sẽ biến thành động lực của gần hai triệu người dân chung sức chung lòng đưa “con thuyền” Thái Bình vượt sóng, vươn khơi. Niềm tự hào đó sẽ tạo dựng một cộng đồng hài hoà, từ nhà ra ngõ, từ ngõ ra làng, từ làng ra phố.
Hồi tưởng về những điều bất ổn xảy ra ở một phần tư thế kỷ trước, mới thấy hai chữ “hài hoà” có ý nghĩa xiết bao. Tiềm năng, thế mạnh nơi nào cũng có, có thể biểu hiện qua các hình thức, mức độ khác nhau, nhưng chỉ phát huy trọn vẹn khi mọi người luôn sẵn lòng và mở lòng chung sống hài hoà với nhau, đoàn kết bên nhau, hợp tác cùng nhau.
Người Thái Bình cần cù, chịu thương chịu khó, không bị khuất phục trước thiên nhiên, vượt qua nạn đói năm Ất Dậu thế kỷ trước. Hôm nay, bước chân trên những con đường làng hai bên sóng lúa mà ngập tràn niềm hân hoan. Đúng là: “Khúc hát quê hương ru dài theo sóng. Thái Bình ơi Thái Bình. Ai đặt tên cho đất Thái Bình tự bao giờ. Mà trong nắng trong mưa lúa vẫn lên xanh tốt”.
Lúa gạo Thái Bình không chỉ đong đo bằng trọng lượng mà bằng sự cần lao, bằng sự thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Lúa gạo Thái Bình là kết quả của tinh thần hợp tác giữa những người nông dân để biến những mảnh ruộng nhỏ thành những mảnh ruộng lớn hơn.
Lúa gạo Thái Bình không chỉ thấm đượm giá trị đậm đà bởi sông Kinh Thầy, sông Trà Lý, sông Hoá,…, mà ngon thơm hơn nhờ sự liên kết với nhau giữa các hộ sản xuất trên những cánh đồng hợp tác, trong các Câu lạc bộ Đại điền.
Rồi mai này, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp sẽ được hình thành từ những hợp tác xã, câu lạc bộ hôm nay. Câu chuyện từ “chim sẻ” hợp lực thành “đại bàng” đơn giản vậy thôi.
Từ sóng lúa tiến ra sóng biển. Biển “vô cực” đang cuốn hút du khách mùa tháng 9 chiêm ngắm vẻ đẹp của biển lúc bình minh. Đứng trước biển “vô cực” khơi gợi người Thái Thuỵ, Tiền Hải cùng đau đáu về câu hỏi làm sao để biển không chỉ là cảnh đẹp, mà còn giúp làm giàu, giúp chất lượng sống ngày một tốt hơn. Biển sẽ tạo thêm nhiều sinh kế khi nghề nuôi trồng thuỷ sản kết hợp hài hoà với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị.
Biển sẽ hiền hoà hơn khi dải rừng ngập mặn, khu bảo tồn sinh cảnh với cây bần với vẹt đang làm dịu đi từng cơn sóng dữ. Biển sẽ mặn mà, đằm thắm hơn khi nghề làm muối kết hợp với du lịch tâm linh bên ngôi đền có một không hai – Đền Bà Chúa Muối. Biển sẽ “vô cực” về giá trị khi người Thái Bình nối kết du lịch trải nghiệm rừng ngập mặn, du lịch nghề muối sức khoẻ dinh dưỡng, với du lịch trải nghiệm nghề nuôi trồng thuỷ sản, thu hoạch các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
Về thăm Thái Bình, tâm trạng lâng lâng nhận ra những con đường làng, so với một phần tư thế kỷ trước, đã dày thêm những nếp nhà, đông vui hơn những con người. Theo quy luật tự nhiên, con người ngày càng sinh sôi, nhưng đất đai lại không thể sinh sôi.
“Đất chật, người đông”, Thái Bình rồi sẽ đông đúc dân cư hơn, chật chội đất đai hơn. Đất nông nghiệp bình quân đầu người sẽ giảm dần, do tử số không lớn thêm mà mẫu số vẫn đà tăng đều đặn. Là tư liệu sản xuất đặc biệt và hạn chế, đất nông nghiệp giảm dần thì lấy gì bù đắp lại? Năng suất cây trồng vật nuôi rồi cũng sẽ chạm ngưỡng. Thị trường ngày càng khắt khe hơn, trắc trở hơn, tính cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Nhìn từ một góc độ nào đó, dường như cánh cửa nông nghiệp đang khép hẹp lại dần?
Nhưng không! Tiếp nối khí chất hào hùng năm xưa, người Thái Bình hôm nay đang biến những thách thức thành động lực, biến sự chật chội trong không gian sinh hoạt và không gian sản xuất, thành cơ hội mở ra không gian lớn hơn cho những điều mới mẻ, cho đổi mới, sáng tạo. Đất ít không tạo ra thêm sản lượng, không cải thiện hơn nữa năng suất, thì người Thái Bình lấy chất lượng bù đắp lại, lấy sự khác biệt, độc đáo để tạo ra giá trị.
Rồi cũng trên một đơn vị diện tích đó, người Thái Bình đang tích hợp đa tầng, đa giá trị hơn, như mô hình lúa – rươi ở Thái Thuỵ đang hứa hẹn thu về giá trị cao hơn nhiều lần. Tài hoa của người Thái Bình đã kết tinh vào các sản phẩm làng ghề gốm sứ, đúc đồng, chạm khắc gỗ,… có bề dày truyền thống, nức tiếng gần xa.
Và hôm nay, tài hoa của người Thái Bình đã “thổi hồn” cho nhiều sản vật bản địa, kết hợp sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ, thành những sản phẩm công nghiệp – nông thôn, sản phẩm OCOP được tin dùng, ưa chuộng, đi xa.
Sản vật Thái Bình đang vươn xa như người Thái Bình đã từng rong ruổi dặm trường trong suốt chiều dài lịch sử. Năm xưa người Thái Bình đi phu sang tận đất nước Triệu Voi, xứ sở Chùa Tháp. Năm xưa người Thái Bình lên vùng Tây Bắc cùng bà con các dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên oai hùng, cờ bay trên nóc hầm địa đạo. Năm xưa người Thái Bình cùng đoàn quân cả nước xẻ dọc Trường Sơn, dũng mãnh tiến vào cắm cờ trên dinh Độc Lập.
Ngày nay, người Thái Bình có mặt khắp cả nước và cả nước ngoài tiến vào “trận địa” kinh tế. Nếu kết nối những người Thái Bình khắp nơi lại với nhau, thì không phải đã có một thị trường thu nhỏ hay sao! Trong thị trường đó, người tiêu dùng mang tình đất tình người Thái Bình đi khắp muôn nơi, mang sản vật Thái Bình đến muôn nơi. Và ở chiều ngược lại, cũng sẽ mang năng lượng, tri thức, cách nhìn rộng mở về thế giới bên ngoài trở về cùng dựng xây, kiến tạo quê hương Thái Bình.
Người Thái Bình luôn “nghe tiếng trống năm ba mươi còn lay động đến bây giờ”. Âm vang tiếng trống thiêng năm xưa người Thái Bình đang giục giã, nối kết những người Thái Bình bốn phương trời. Người Thái Bình đang phát huy các tiềm năng hữu hình lẫn vô hình thành nguồn vốn phát triển, thành hành trình lý thú để mọi người tìm đến khám phá “Vùng đất hiền hoà – Thăng hoa cảm xúc”.
Chắc chắn chỉ người Thái Bình mới hiểu hết về quê hương của mình, am tường các giá trị trầm tích của hơn hai trăm di tích lịch sử trải đều trên tám đơn vị hành chính. Người khách, người bạn từ vùng đất khác, chỉ đôi lần thoáng qua, nên cảm nhận, nhìn nhận cũng chỉ là thoáng qua? Chỉ là một thoáng trên “Quê hương năm tấn” đong đầy nghĩa tình, mà như gắn bó tự bao giờ! Chỉ là một thoáng, thoắt đến chợt xa, mà đường về vang vang lời ca da diết: “Hỡi ai có xa quê ta Thái Bình. Hỏi rằng lúa vụ mùa năm nay có đẹp không?”
Nội dung:
Lê Minh Hoan
Thiết kế:
Trương Khánh Thiện
Ảnh:
Phạm Trung Hiếu – TL