Một số trò chơi, thí nghiệm trong HĐ khám phá MGB

Sử dụng trò chơi, thí nghiệm đơn giản luôn tạo cho trẻ sự hứng thú, kích thích trẻ tích cực hoạt động, phát triển ở trẻ tính tò mò, ham hiểu biết, thích khám phá, tìm tòi, phát triển óc quan sát, phán đoán và các năng lực hoạt động trí tuệ,….

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

1.Lý do chọn đề tài:

 “Xung quanh ta có bao điều kì lạ, mà sao ta biết chẳng bao nhiêu”.

Đó là một câu hát quen thuộc với mọi người. Câu hát đã nói lên thế giới xung quanh ta rất bao la rộng lớn. Nó bao gồm tất cả sự vật, hiện tượng, cây cỏ, con vật, các vấn đề về tự nhiên và xã hội. Chúng ta không thể đi đến tất cả mọi nơi, không thể tận mắt nhìn thấy hết thảy các sự vật, hiện tượng nhưng con người luôn có khát vọng muốn được khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh ta, đó chính là môi trường sống của con người.

Nhu cầu tìm hiểu, khám phá về thế giới xung quanh của con người đã xuất hiện ngay từ khi còn nhỏ. Từ khi trẻ ra đời đã muốn ngắm nhìn xung quanh và nhu cầu khám phá hình thành. Càng lớn, nhu cầu đó càng tăng lên. Nhưng vì trẻ nhỏ chưa có vốn sống, vốn kinh nghiệm, trẻ chưa tự khám phá về thế giới xung quanh nên người lớn phải giúp đỡ trẻ, phải tổ chức, hướng dẫn trẻ tham gia vào các hoạt động nhằm cho trẻ làm quen, khám phá về môi trường xung quanh. Khi trẻ được làm quen với thế giới xung quanh sẽ giúp trẻ tích lũy được kiến thức, kĩ năng về tự nhiên và xã hội, giúp trẻ được phát triển về các mặt: Đức – Trí – Thể – Mĩ – Lao động. Thông qua việc tổ chức cho trẻ được hoạt động khám phá, trẻ sẽ được phát triển toàn diện các mặt, nhân cách được hình thành và phát triển. Đây là mục đích hàng đầu của giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng. Bởi vậy, việc trẻ được khám phá, được làm quen với môi trường xung quanh là một việc làm thiết thực, rất cần thiết và cần đưa đến có hệ thống từ độ tuổi nhà trẻ tới các lứa tuổi tiếp theo. Dựa trên đặc điểm tâm lí, nhận thức của trẻ mẫu giáo nói chung và trẻ Mẫu giáo bé nói riêng, các nhà tâm lí học, giáo dục học đã chỉ ra rằng, quá trình tìm hiểu môi trường xung quanh được tổ chức mang tính chất khám phá, trải nghiệm theo phương thức “học mà chơi, chơi mà học”, là phù hợp hơn cả đối với trẻ.Đặc biệt, việc sử dụng trò chơi, thí nghiệm đơn giản luôn tạo cho trẻ sự hứng thú, kích thích trẻ tích cực hoạt động, phát triển ở trẻ tính tò mò, ham hiểu biết, thích khám phá, tìm tòi, phát triển óc quan sát, phán đoán và các năng lực hoạt động trí tuệ,….từ đó mà nâng cao hiệu quả của quá trình tìm hiểu môi trường xung quanh.

Vì những lý do trên, tôi rất quan tâm và trăn trở về việc làm sao để có những phương pháp hay và hữu ích nhất giúp trẻ thỏa mãn được nhu cầu khám phá và tìm hiểu thế giới xung quanh, mai này biết đâu đó những “Mầm non” ấy sẽ tiếp tục là những nhà khoa học khám phá ra những điều kì vĩ hơn nữa. Chính vì thế tôi không những áp dụng những phương pháp vốn có trong trường, lớp, sách vở mà thường xuyên học hỏi từ đồng nghiệp, sách báo và đặc biệt là tôi rất quan tâm tới những sáng kiến kinh nghiệm về khám phá của những đồng nghiệp trong trường, tôi cũng nghiên cứu và áp dụng vào các tiết dạy của mình. Khi áp dụng sáng kiến vào trẻ tôi thật sự cảm nhận rõ vai trò riêng của từng sáng kiến. Mỗi sáng kiến lại như phần nào góp phần thêm vào sự hoàn thiện cho buổi học. Với mong muốn trên, là một giáo viên Mầm non đã và đang công tác tại lớp Mẫu giáo bé, tôi đã lựa chọn đề tài cho sáng kiến kinh nghiệm của mình là:

Ứng dụng một số trò chơi, thí nghiệm trong hoạt động khám phá

của trẻ Mẫu Giáo Bé”.

 

II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Cơ sở lý luận:

Tổ chức cho trẻ hoạt động khám phá quanh từ lâu đã được đưa vào chương trình Giáo dục Mầm non. Trong thực tế, các giáo viên Mầm non đã rất quan tâm, đã biết cách tổ chức cho trẻ tham gia vào các hoạt động khám phá và đạt được một số hiệu quả nhất định. Đó là trẻ đã có những kiến thức, hiểu biết về một số sự vật, hiện tượng xung quanh như biết tên gọi, đặc điểm, lợi ích của các sự vật, hiện tượng, thông qua đó cũng đã hình thành cho trẻ một số kĩ năng nhằm phát triển toàn diện cho trẻ. Thực tiễn đổi mới giáo dục mầm non hiện nay cũng cho thấy, trò chơi, thí nghiệm đơn giản đã dần được sử dụng như một phương pháp, phương tiện hữu hiệu trong quá trình tổ chức cho trẻ khám phá, tìm hiểu môi trường xung quanh . Nhưng thực tế cũng tồn tại một vấn đề khác, đó là các giáo viên thường rất ngại việc tổ chức hoạt động khám phá cho trẻ, nhiều giáo viên chỉ nghĩ đơn thuần các hoạt động khám phá chỉ tổ chức trong giờ hoạt động chung và rất khó khăn trong việc tìm các hoạt động phù hợp để trẻ tích cực khám phá và lĩnh hội kiến thức.  Số lượng trò chơi chưa nhiều, nội dung nghèo nàn, ít hấp dẫn đối với trẻ, các trò chơi, thí nghiệm lại được thiết kế sẵn mang nhiều tính khuôn phép. Giáo viên mới sử dụng các trò chơi ít ỏi trên “tiết học”, trẻ ít được tổ chức làm thí nghiệm. Giáo viên còn lúng túng trong việc thiết kế và sử dung trò chơi, thí nghiệm linh hoạt, mang tính phát triển, phù hợp với đặc điểm cá nhân trẻ và điều kiện thực tiễn của trường lớp, địa phương. Từ đó dẫn tới các kiến thức của trẻ nắm bắt được chưa chắc chắn, trẻ hay quên, hay nhầm lẫn giữa các sự vật, hiện tượng, các kĩ năng của trẻ chưa được rèn luyện dẫn tới hiệu quả giáo dục chưa cao. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta chưa hình thành được một thói quen chủ động, thích tự trải nghiệm, tự khám phá về thế giới xung quanh. Thói quen ấy lúc này đây chỉ là sợi tơ nhện nhưng mai này nó sẽ là sơi dây cáp của cuộc đời, sẽ là “cây đời” để mỗi người sáng tạo, đi tìm chân lí. Vì vậy, tôi đã đúc kết để thiết kế, sưu tầm và ứng dụng :

Ứng dụng một số trò chơi, thí nghiệm trong hoạt động khám phá

của trẻ Mẫu Giáo Bé”.

Các trò chơi, thí nghiệm này đã được tiến hành tại lớp và thu được những kết quả đáng kể.  

 

2. Cơ sở thực tiễn:

2.1 Thuận lợi:

– Ban Giám Hiệu nhà trường luôn quan tâm, giúp đỡ lớp về mọi mặt, trang bị đầy đủ các đồ dựng đồ chơi theo Thông tư 02/2010/TT-BGDĐT về danh mục đồ dùng – đồ chơi – thiết bị dạy học tối thiểu trong trường mầm non.  

– Là 1 giáo viên trẻ, nhanh nhẹn, hoạt bát, có năng lực về chuyên môn, có lòng say mê tìm tòi, sáng tạo, thường xuyên trau giồi những kiến thức về môi trường xung quanh.

– Trẻ trong lớp mạnh dạn , tự tin, nhanh nhẹn, ham học hỏi, hiếu động thích tìm tòi khám phá các hoạt động do cô tổ chức, có khả năng ghi nhớ tốt.

–  Đa số phụ huynh là công chức nên rất quan tâm và sát sao với việc rèn kĩ năng cho trẻ. Luôn sẵn sàng hợp tác, ủng hộ nguyên vật liệu học tập cần thiết trong quá trình dạy và học của cô và trẻ.

2.2. Khó khăn:

–  Nhận thức của trẻ không đồng đều.

– Với số lượng học sinh khá đông, dù đã chia thành 2 ca theo quy định nhưng việc tổ chức các hoạt động cho trẻ còn gặp nhiều khó khăn.

– Ngôn ngữ của trẻ còn hạn chế, một số trẻ phát âm chưa rõ, chưa diễn tả được ý hiểu của mình đối với người khác.

– Một số đồ dùng đồ chơi để tổ chức cho trẻ chơi, thí nghiệm khám phá môi trường xung quanh còn ít và đơn điệu.

– Diện tích phòng nhóm còn hạn chế việc xây dựng đa dạng một số góc chơi còn hạn chế.

3. Các giải pháp:

Để các kiến thức về môi trường xung quanh và sự ham thích khám phá đến với trẻ một cách tự nhiên, tôi đã triển khai song song và đồng bộ những biện pháp đổi mới sau:

 

3.1. Thiết kế và sưu tầm 1 số trò chơi học tập nhằm tạo hứng thú cho trẻ hoạt động khám phá.

         3.1.1. Trò chơi: Con gì để trứng?

a. Mục đích:

– Củng cố biểu tượng của trẻ về các con vật đẻ trứng (có 2 cánh, hai chân, có mỏ): con gà, con vit, con ngỗng, con chim….

– Rèn luyện óc quan sát, sự nhanh nhạy của trẻ.

b. Chuẩn bị:

– Các lô tô các con vật đẻ trứng (con gà, con vit, con ngỗng, con chim…)

– Bảng kết quả.

c. Cách chơi: Chơi theo nhóm, cả lớp hoặc cá nhân

– Trẻ phải chọn đúng lô tô các con vật đẻ trứng như: con gà, con vit, con ngỗng, con chim bồ câu, chim cút…

– Trẻ thảo luận về các yêu cầu: có 2 cánh, hai chân, có mỏ.

– Trẻ gài hoặc kẹp và bảng kết quả.

– Cùng so sánh kết quả, trước lớp (nhóm).

d. Hiệu quả sử dụng:

– Trẻ có thể chơi trong giờ Hoạt động khám phá.( Khám phá gia xúc, gia cầm, khám phá quả trứng)

– Kết hợp chơi trong giờ hoạt động góc.

3.1.2. Trò chơi: Thi xem đội nào nhanh

a. Mục đích:

– Trẻ nhận biết được rác tái sử dụng được là rác có thể tái chế lại được như: giấy,

kim loại, nhựa, vỏ hộp….

– Củng cố cho trẻ kỹ năng chú ý quan sát, ghi nhớ có chủ định và so sánh phân loại.

– Giáo dục trẻ không vứt rác bừa bãi, vứt vào đúng nơi quy đinh.

b. Chuẩn bị:

– Các nguyên vật liệu : Các chai, lọ nhựa, vỏ hộp, lon cô ca, hộp sữa, hộp kẹo bằng kim loại, báo, tạp chí, lõi giấy…

c.Cách chơi: Chơi theo luật tiếp sức.

+ Lần 1: Cô chia lớp thành hai đội. Nhiệm vụ của mỗi đội là phải chọn đúng những loại rác thải có thể tái sử dụng trong vòng một bản nhạc, đội nào tìm được đúng và nhiều hơn thì đội đó chiến thắng.

 + Lần 2: Cô nâng mức độ khó lên. Hai đội sẽ phải tìm những rác thải tái chế có chất liệu là nhựa, trong vòng một nản nhạc, nếu đội nào tìm được đúng và nhiều hơn thì đội đó giành chiến thắng.

d. Hiệu quả sử dụng:

– Trẻ chơi trong giờ:

+ Chơi theo nhóm hoạt động ngoài trời.

+ Chơi ở góc khám phá trong giờ Hoạt động góc.

+ Trong các tiết học khám phá về Dạy trẻ nhận biết rác tái sử dụng được.

3.1.3. Trò chơi  : Tạo nhóm

a. Mục đích :

– Củng cố kĩ năng phân nhóm, phân loại các loại quả.

– Trẻ tạo nhóm theo 1 dấu hiệu chung.

b. Chuẩn bị :

– Các loại quả ( cam, xoài, táo) có màu sắc khác nhau ( xanh , đỏ, vàng ).

–  3 rổ có dán kí hiệu các loại quả ở phía ngoài

c. Cách chơi : Chơi theo nhóm hoặc cá nhân.

– Cách 1 : Cô cho trẻ quan sát những thứ đã chuẩn bị và gọi tên những thứ đó. Sau đó, yêu cầu trẻ hãy xếp quả vào đúng rổ đã dán ký hiệu quả … Trẻ nào (nhóm nào) xếp đúng và xong trước là trẻ đó (nhóm đó) thắng.

– Cách 2 : Nâng cao mức độ khó. Cho trẻ thảo luận để phân nhóm các thứ đã chuẩn bị theo dấu hiệu (màu sắc, hình dạng, chức năng của chúng…) và tự xếp. Cô đến hỏi ý tưởng và giúp trẻ tự kiểm tra, đánh giá kết quả.

d. Hiệu quả sử dụng:

– Trẻ chơi trong giờ:

+ Trong các tiết học khám phá về Các loại quả.

+ Trong các tiết học Làm quen với toán .

+ Chơi theo nhóm hoạt động ngoài trời.

+ Chơi ở góc khám phá trong giờ Hoạt động góc.

3.1.4. Trò chơi : Xếp theo thứ tự

a. Mục đích :

– Củng cố hiểu biết của trẻ về : quá trình chăm sóc và phát triển của cây, sự hình thành của con bướm, quá trình hình thành của con Ếch, Vòng đời của nước…

– Phát triển ở trẻ khả năng phán đoán,tư duy, trí tưởng tượng sáng tạo; phát triển ngôn ngữ mạch lạc.

– Giáo dục trẻ tình cảm xã hội.

b. Chuẩn bị : 3 bộ lô tô về : quá trình chăm sóc và phát triển của cây, sự hình thành của con bướm, quá trình hình thành của con Ếch. Vòng đời của nước…

c. Cách chơi : Chơi theo nhóm hoặc cá nhân

– Cách 1 : Cô để các bức tranh (gieo hạt, chăm sóc cây, cây ra hoa, cây có quả chín) vào trong một cái rổ. Sau đó, yêu cầu trẻ xếp các bức tranh theo trình tự phát triển của cây.

– Cách 2 : Cô gắn các bức tranh lên bảng không theo thứ tự (theo chiều dọc). Yêu cầu trẻ xếp lại cho đúng thứ tự, tìm số và gắn và bên cạnh theo trình tự phát triển của cây.

Khi tất cả các đội thực hiện xong, cô lần lượt mời các đội nói về các bức tranh mà mình vừa thực hiện.

d. Hiệu quả sử dụng:

– Trẻ chơi trong giờ:

+ Trong các tiết học khám phá.

+ Chơi theo nhóm hoạt động ngoài trời.

+ Chơi ở góc khám phá trong giờ Hoạt động góc.

3.1.5. Trò chơi : Thử tài bé yêu

a. Mục đích :

–  Trẻ biết đặc điểm đặc trưng của bánh chưng là hình vuông, có màu xanh, bên

trong có gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn.

– Trẻ biết gọi tên các nguyên liệu để làm bánh chưng như: lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, dây lạt…

–  Phát triển kỹ năng quan sát, ghi nhớ quy trình làm bánh chưng: xếp lá, đổ nhân, gói bánh, luộc bánh.

b. Chuẩn bị : Powerpoint các nguyên liệu và quy trình gói bánh trưng cho trẻ chơi.

c. Cách chơi:

– Cô cho trẻ về ngồi quanh cô, nhiệm vụ của trẻ là phải tìm đúng các nguyên liệu làm bánh chưng và sắp xếp đúng quy trình gói bánh trưng trên máy tính. Nếu trẻ chọn sai sẽ được chọn lại

d. Hiệu quả sử dụng:

– Trong các tiết học khám phá.

3.2. Thiết kế và sưu tầm các thí nghiệm :

3.2.1. Thí nghiệm: Tờ giấy kỳ diệu?

a. Mục đích : Giúp trẻ nhận biết được sự hút nước của tờ giấy màu

b. Chuẩn bị :

– Cái ly.

– Nước.

– Bìa giấy màu hình vuông.

c.Cách tiến hành:

Đặt tờ giấy màu lên miệng ly nước, úp ngược nó xuống bàn rồi từ từ nhấc lên.

d. Kết quả:

– Nước không hề đổ ra ngoài.

– Tại sao vậy nhỉ? Tại vì miếng bìa đã hút nước và bám chặt lên miệng ly và biến thành cái nắp siêu chắc.

3.2.2. Thí nghiệm:  Đổi màu lá cải thảo

a.Mục đích : Giúp trẻ nhận biết được sự hút nước của cây.

b.Chuẩn bị:

– 4 lá cải thảo trắng.

– 4 cốc thủy tinh cao có chứa nước.

– 4 lọ màu tùy thích.

c. Cách tiến hành:

– Đổ 4 màu tùy thích vào 4 cốc thủy tinh tương ứng, sau đó nhúng lần lượt chân 4 lá cải thảo vào màu rồi để qua đêm.

– Sau 1 đêm cho trẻ quan sát, so sánh và nhận xét kết quả.

d. Kết quả:

– Sáng hôm sau kiểm tra kết quả sẽ thấy ngạc nhiên khi 4 lá cải thảo đều đồng loạt được nhuộm giống màu trong cốc thủy tinh.

– Giải thích: Lý do xảy ra hiện tượng trên: Phần gốc lá hút nước và thức ăn để nuôi dưỡng lá, do đó khi nhúng chân lá vào cốc sẽ xảy ra hiệu ứng mao mạch, thẩm thấu nước có pha màu dẫn đến đổi màu.

Hay hiểu theo nghĩa khác là vì cây hút nước và nước màu đã được thân cây cải thảo vận chuyển lên nhuộm màu cho thân và lá.

3.2.3. Thí nghiệm: Soi Trứng

a. Mục đích : Dạy trẻ kỹ năng phân biệt, so sánh các trứng sống, trứng chín.

b. Chuẩn bị :

– 2 hộp có chứa chiếc đèn pin.

– Quả trứng sống, trứng chín.

c. Cách tiến hành:

– Theo các con đâu là quả trứng chín, đâu là quả trứng sống ? Làm thế nào để phân biệt ?

– Cô lần lượt đặt từng quả trứng (sống, chín) lên hộp có chứa chiếc đèn pin cho trẻ quan sát và nhận xét về 2 quả trứng…

d. Kết quả :

– Quả trứng sống ( chưa luộc chin) sẽ có màu hồng, trong,

– Quả trứng chín ( đã được luộc) thì sẽ không nhìn thấy gì.

3.2.4. Thí nghiệm: Nước đá biến đi đâu?

a. Mục đích : Giúp trẻ hiểu được sự tan ra của nước khi nhiệt độ ấm lên (quá trình đá tan thành nước).

b. Chuẩn bị : 1cục nước đá (bằng quả trứng vịt); hai cốc nước ấm (đổ vơi khoảng nửa cốc từ 40ºC – 50ºC)

c. Cách tiến hành :

Cho trẻ quan sát cục đá để trong khay đá.

– Cho trẻ sờ tay và thành 2 cốc nước ấm và để trẻ nhận xét xem thành cốc như thế nào.

– Bỏ cục đá vào một trong hai cốc nước. Cho trẻ quan sát hiện tượng : cục nước đá nhỏ dần rồi biến mất. Sau đó cho trẻ sờ tay vào hai thành cốc, so sánh, nhận xét xem cốc nào lạnh hơn. Nước ở cốc nào nhiều hơn? Vì sao?

d. Kết quả:

+ Nước đá biến đi đâu? Tại sao có một cốc đầy hơn? Một cốc vơi hơn?

+ Tại sao sờ tay vào hai cốc thì có một cốc lạnh hơn, cốc ấm hơn?

=> Nước đá tan thành nước, Cốc đầy là do nước đá tan ra. Cốc lạnh hơn là do nước đá tan ra làm giảm nhiệt độ trong cốc

3.2.5. Thí nghiệm: Vì sao ngọn nến tắt.

a. Mục đích :

– Trẻ nhận biết không khí làm cho nến cháy, không có không khí thì nến sẽ tắt.

b. Chuẩn bị :

–  2 cái cốc .

–  2 cây nến.

– 2 tờ giấy bạc (1 tờ giấy bạc đã đục lỗ và một tờ giấy bạc còn nguyên).

c. Cách tiến hành:

 – Đặt 2 cây nến vào trong 2 cốc. Đốt nến cho trẻ thấy hai cây nến cùng cháy.

– Cho trẻ quan sát hai tờ giấy bạc đã chuẩn bị sẵn và cho trẻ đoán xem điều gì sẽ xảy ra khi dùng 2 tờ giấy bạc đó bịt lên 2 cốc nến đang cháy.

– Cô dùng 2 tờ giấy bạc bịt miệng 2 cốc nến.

– Cho trẻ quan sát và nhận xét hiện tượng xảy ra (một ngọn nến tắt, một ngọn nến tiếp tục cháy).

– Cho trẻ thảo luận: Vì sao một ngọn nến tắt ?

d. Kết quả :

– Cô có thể giải thích cho trẻ :

+ Cốc (1) có nến đang cháy là cốc được bịt tờ giấy bạc đục lỗ, không khí vẫn lọt được và bên trong cốc nên cây nến vẫn cháy bình thường.

+ Cốc (2) có nến bị tắt bị bịt bằng miếng giấy bạc kín,do bị bịt kín nên không khí không lọt được vào bên trong nên cây nến bị tắt.

=> Nến cháy được là nhờ có không khí.

 3.2.6. Thí nghiệm: Sự biến đổi của màu sắc

a. Mục đích :

– Trẻ biết sự kết hợp của hai màu cơ bản để tạo thành một màu mới.

– Phát triển khả năng quan sát, phán đoán và suy luận

b. Chuẩn bị :

– Ba màu cơ bản.

– khay màu.

– bút lông.

– khăn lau tay.

– Các mẩu vải vụn, khăn mặt màu trắng, vỏ chai nhựa…                                                                                                                                                                                                                                                                                                          

c. Cách tiến hành :

– Đặt ba hộp màu cơ bản ở nơi trẻ có thể lấy được.

– Mỗi trẻ một khay màu và bút lông

– Cho trẻ về từng nhóm phán đoán về sự kết hợp của hai màu cơ bản và màu mới tạo thành.

– Cho trẻ thực hành pha màu tạo màu mới và nêu kết quả.

d. Kết quả :

+ Màu xanh lá cây + Màu đỏ = Màu Nâu.

+ Màu vàng + Màu đỏ = Màu Cam.

+ Màu xanh lá cây + Màu vàng = Màu Xanh Lá Non.

– Trẻ ứng dụng các kiến thức đó vào nhuộm vải, vẽ tranh, chơi với nước.

4. Hiệu Quả :

– Từ khi áp dụng các biện pháp trên đến nay tôi đã thu được một số kết quả đáng kể như sau :

* Đối với học sinh:

 – Trẻ có kiến thức, kĩ năng bền vững qua từng trò chơi, thí nghiệm được tiến hành.

– Trẻ có một môi trường hoạt động phong phú, hấp dẫn với nhiều điều tưởng chừng rất quen thuộc nhưng đầy bất ngờ.

– Trẻ được chơi nhiều trò chơi mang lại nhiều kiến thức mới lạ không ngờ.

– Trẻ được phỏng đoán, xem xét, quan sát và khám phá các sự vât, hiện tượng xung quanh bằng tất cả các giác quan.

– Trẻ được hoạt động, làm những công việc phục vụ cho bản thân và thấy rất hào hứng, tự hào khi mình được tin tưởng, đây cũng là dịp để trẻ thể hiện bản thân, chiến thắng chính mình khi tham gia vào những trò chơi và thí nghiệm này.

– Trẻ được kích thích trí tò mò luôn tìm hiểu và giải thích về các sư vật và hiện tượng xung quanh từ đó hình thành óc suy luận, khả năng phán đoán, tư duy. Chính những trò chơi, thí nghiệm sẽ nuôi dưỡng ước mơ nghiên cứu khoa học ngay từ giai đoạn này.

Kết quả khảo sát 48 trẻ lớp tôi đạt yêu cầu qua các giai đoạn tăng đáng kể :

 

Bảng khảo sát :

 

Nội dung

Số

cháu

Đầu năm

(Tháng 9)

Cuối năm (Tháng 4)

Hứng thú tham gia

hoạt động khám phá

48

60%

100%

Phát triển ngôn ngữ

48%

 

97%

Khả năng quan sát,

phán đoán

40%

93%

Khả năng suy luận

40%

 

95%

 

 

 

 

BIỂU ĐỒ THỂ HIỆN KẾT QUẢ

 

100%