Một số lưu ý khi viết phần Tóm tắt (Abstract) của một bài báo khoa học
Bài viết trình bày cách viết Tóm tắt (Abstract) của một bài báo khoa học để có được các nội
dung: bối cảnh, mục đích/trọng tâm, phương pháp, kết quả nghiên cứu và kết luận.
Ngoài tiêu đề (Title) thì Tóm tắt (Abstract) là phần đầu tiên người đọc biết đến bài viết của bạn. Với các tạp chí phải trả phí thì tóm tắt còn là phần duy nhất người đọc có thể tiếp cận. Tóm tắt là phần rất quan trọng để từ đó người đọc quyết định có đọc hết hoặc download bài viết của bạn hay không (có thể phải trả tiền đối với những tạp chí thu phí). Tóm tắt đượcc coi là phiên bản thu nhỏ bài báo của bạn, do đó nó cần phải cung cấp những thông tin quan trọng như mục đích nghiên cứu, phương pháp nhiên cứu và kết quả nghiên cứu [1].
Mặc dù Tóm tắt là phần đầu tiên của một bài báo khoa học, nhưng đây lại là phần được nhiều người khuyên là nên viết cuối cùng, sau khi đã hoàn thành toàn bộ nội dung bài viết. Một số tạp chí yêu cầu viết Tóm tắt theo cấu trúc với các phần quy định cụ thể. Hầu hết các tạp chí đều yêu cầu về số từ của Tóm tắt, thường là từ 150-250 từ (tiếng Anh). Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu yêu cầu cụ thể số từ của Tóm tắt trong tạp chí mà bạn dự định gửi bài.
Với các tạp chí có yêu cầu về cấu trúc cụ thể của Tóm tắt, bạn bắt buộc phải viết Tóm tắt theo cấu trúc của họ. Còn với các tạp chí không yêu cầu cấu trúc cụ thể thì Tóm tắt có thể viết bao gồm những nội dung sau:
– Tóm tắt bối cảnh của nghiên cứu (Background)
– Tóm tắt mục đích/trọng tâm của nghiên cứu (Purpose/Focus)
– Tóm tắt phương pháp nghiên cứu (Methods)
– Tóm tắt kết quả nghiên cứu (Results/Findings)
– Tóm tắt kết luận (Conclusion)
– Tóm tắt đề xuất hoặc ứng dụng (Recommendations or Implications) (có thể không cần thiết)
Có một lưu ý nhỏ là một số nội dung trên có thể viết kết hợp với nhau, ví dụ kết hợp nội dung mục đích/trọng tâm của nghiên cứu với phương pháp nghiên cứu với (Purpose + Methods) hoặc phương pháp nghiên cứu với kết quả nghiên cứu (Methods + Findings).
Các bạn có thể tham khảo một ví dụ dưới đây [2]:
Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Cương
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.
Tài liệu tham khảo
[1] Belcher, W. L. (2019). Writing your article in 12 weeks: a guide to academic publishing success (2nd ed.). Chicago: Chicago University Press.
[2] Pham, T. H. & Nguyen, C. H. (2020). Academic staff quality and the role of quality assurance mechanisms: the Vietnamese case. Quality in Higher Education, 26(3), 262-283.