Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy môn Chủ nghĩa xã hội khoa học
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định đổi mới toàn diện và đồng bộ giáo dục, đào tạo, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, gắn lý luận với thực tiễn, với chủ trương: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập 1, tr.58). Môn học chủ nghĩa xã hội khoa học có ý nghĩa to lớn đối với việc giáo dục thế hệ trẻ tri thức khoa học về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; giáo dục tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng, ý thức trách nhiệm công dân, sự kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bài viết tập trung làm rõ một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy môn chủ nghĩa xã hội khoa học cho sinh viên hiện nay.
Từ khóa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ nghĩa xã hội khoa học, sinh viên
2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Môn học chủ nghĩa xã hội khoa học là một trong ba bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Mác – Lênin, là hệ tư tưởng chính trị của giai cấp công nhân; cùng với các bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội khoa học giữ vai trò là nền tảng tư tưởng, lý luận, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; là kim chỉ nam cho việc hoạch định đường lối đổi mới đất nước hiện nay. Nghiên cứu môn học chủ nghĩa xã hội khoa học gắn liền với thực tiễn của thời đại và sự nghiệp đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam, góp phần nâng cao bản lĩnh chính chị, sự kiên định và niềm tin khoa học cho sinh viên vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; trang bị cho sinh viên nhân sinh quan cộng sản, tính độc lập trong tư duy và sử dụng lý luận vào giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn; giáo dục sinh viên lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với gia đình và xã hội, có tình yêu thương và lòng biết ơn, có khát vọng góp phần xây dựng đất nước hùng cường. Làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, chủ nghĩa xã hội khoa học tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng và cuộc sống. Để nâng cao chất lượng dạy và học môn học chủ nghĩa xã hội khoa học, theo chúng tôi, cần tập trung vào các vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, giảng viên cần có lý tưởng vững, chuyên môn tốt, không ngừng tự nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ
Môn học chủ nghĩa xã hội khoa học chỉ ra quy luật khách quan của quá trình ra đời, phát triển của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; chỉ ra những điều kiện chủ quan để thực hiện quá trình đó; là lý luận tiên phong của giai cấp công nhân, đóng vai trò là một trong những nền tảng tư tưởng lý luận, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ nghĩa xã hội khoa học là một khoa học mang tính cách mạng sâu sắc, không chỉ dừng lại ở giải thích thế giới mà quan trọng hơn là nhằm mục đích cải tạo thế giới, tiến tới mục tiêu cao đẹp nhất là giải phóng con người. Điều đó đòi hỏi giảng viên phải nghiên cứu nội dung môn học một cách công phu, tỉ mỉ, nghiêm túc để khẳng định sự vững vàng về chuyên môn. Hiện nay, trên phạm vi thế giới có nhiều biến đổi; ở Việt Nam, thời kỳ quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đòi hỏi sự linh hoạt trong vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học. Vì vậy, giảng viên giảng dạy môn họccần đứng vững trên nền tảng của thế giới quan duy vật khoa học, phương pháp làm việc biện chứng, từ đó, hướng dẫn người học đến với bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của học thuyết, phát huy khả năng sáng tạo của sinh viên, đồng thời đóng góp vào sự phát triển tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giảng viên giảng dạy lý luận chính trị vừa là người thầy giảng dạy tri thức khoa học cho sinh viên, vừalà người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng; là lực lượng nòng cốt làm công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Để thực hiện sứ mệnh của mình, giảng viêncần vững vàng về chuyên môn,không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Bài giảng phải thể hiện tính Đảng sâu sắc, thể hiện niềm tin, lý tưởng, khát vọng vươn lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Giảng viên được ví như “linh hồn” của bài giảng, là người “truyền lửa”, ngọn lửa của tình yêu, niềm tin khoa học vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa. Đa số sinh viên tuổi đời còn trẻ, thiếu kiến thức thực tiễn, là đối tượng mà các thế lực thù địch thường xuyên hướng tới. Do vậy, giảng viên giảng dạy môn học cần thông qua mỗi bài học trang bị cho sinh viên thế giới quan khoa học, phương pháp luận duy vật biện chứng, chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống “diễn biến hoà bình”, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội; trên cơ sở đó giúp sinh viên hình thành niềm tin khoa học, rèn luyện khả năng nhìn nhận, đánh giá, tiếp cận thông tin đa chiều; có đủ tri thức, bản lĩnh chính trị để nói không với sự xâm nhập của các luận điệu sai trái, thù địch, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Thứ hai, thống nhất nguyên tắc lý luận gắn với thực tiễn trong giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập 2, tr.90-91). Lý luận dù có sâu sắc, toàn diện đến mấy cũng chỉ là đang nằm trang trọng trên giấy. Lý luận chỉ có ý nghĩa khi được vận dụng vào thực tiễn, chỉ đường, dẫn lối cho hoạt động thực tiễn của con người. Sinh viên chỉ thực sự nhận thức được, thấu hiểu được giá trị của lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học thông qua những trải nghiệm thực tế, những dẫn chứng sinh động từ thực tế. Giảng viên có chuyên môn giỏi, phương pháp tốt, gắn lý luận với thực tiễn sẽ biến những kiến thức khô khan trong bài giảng trở nên sinh động, thiết thực, dễ hiểu, hấp dẫn, tạo hứng thú và động lực học tập cho sinh viên.
Để sinh viên thấy được giá trị, sức sống của lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay, đòi hỏi giảng viên cần có kiến thức thực tiễn, trên cơ sở đó cung cấp những dữ liệu, tài liệu từ thực tiễn sinh động của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với những thành tựu cụ thể, sống động về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng và thường xuyên cập nhật những nội dung mới trong chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, tăng cường những chuyến đi học tập thực tế: Đưa sinh viên đến công ty trực tiếp sản xuất thăm công nhân, tìm hiểu về điều kiện làm việc và cuộc sống của họ; hành trình đến những bản làng xa xôi tìm hiểu sự đổi thay trong cách nghĩ, cách lao động sản xuất, cách sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, đến những vùng nông thôn để tìm hiểu về chính sách xây dựng nông thôn mới, làng văn hoá.Trên cơ sở đó, sinh viên củng cố niềm tin, tình yêu đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, với quê hương đất nước mình và nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng kế tục sự nghiệp cha ông, tự nguyện phấn đấu rèn đức luyện tài để góp phần xây dựng đất nước hùng cường, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Thứ ba, sử dụng phương pháp dạy học tích cực theo định hướng phát triển năng lực của người học
Có một thực tế, khi giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học, có tình trạng thầy, cô nói sao trò nghe vậy, không dám và cũng chưa biết cách đặt câu hỏi về những nội dung mình còn chưa hiểu, học xong môn học không thấy được ý nghĩa và không vận dụng được tri thức đã học vào cuộc sống của mình. Do vậy, cần tạp điều kiện để sinh viên nói lên chính kiến của mình, biết đặt câu hỏi, biết phản biện quan điểm của người khác, biết vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn với tư duy độc lập là mục đích của phương pháp dạy học tích cực. Để đạt được mục đích đó, trước hết, giảng viên phải rèn luyện tư duy phản biện cho sinh viên. Trong rèn luyện tư duy phản biện, thì vai trò đặt vấn đề, hướng dẫn tìm kiếm thông tin, tài liệu tham khảo để giải quyết vấn đề của giảng viên là vô cùng quan trọng. Giảng viên hướng dẫn sinh viên sử dụng kỹ năng tự đặt ra các câu hỏi và tự trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề đó một cách logic, khách quan, tổng thể, toàn diện, đa chiều để rèn luyện khả năng đánh giá và phân tích vấn đề cho sinh viên. Khi sinh viên thuyết trình, báo cáo kết quả nghiên cứu, giải quyết vấn đề của mình, với tư cách là một người có nền tảng kiến thức vững chắc và nhiều kinh nghiệm, giảng viên sẽ định hướng giúp cho sinh viên tránh lỗi tư duy bảo thủ, cố chấp, theo niềm tin hay cảm xúc để có thể đến được tri thức khoa học trên cơ sở khách quan. Rèn luyện tư duy phản biện cho sinh viên sẽ giúp cho sinh viên thay đổi thói quen học tập từ lắng nghe, ghi chép, và lặp lại, học lại những kiến thức từ giảng viên truyền tải thành thói quen đặt câu hỏi ngược lại và thói quen tự mình tìm hiểu, nghiên cứu, khả năng tư duy logic, khả năng đánh giá, phân tích và giải quyết vấn đề một cách khách quan, toàn diện, khoa học. Do đó, để sinh viên có thể làm chủ được kiến thức, kỹ năng và nâng cao năng lực sáng tạo, giảng viên cần phải tạo điều kiện cho sinh viên được tự học tập, tự nghiên cứu, tự rèn luyện để tự mình tốt lên, tự mình trưởng thành.Giảng viên sử dụng mạng xã hội tạo sự kết nối giữa giảng viên và sinh viên, khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi liên quan đến môn học trong và sau buổihọc, giải đáp tận tình những thắc mắc liên quan đến nội dung môn học và kịp thời hỗ trợ sinh viên giải quyết những khó khăn nảy sinh trong quá trình học tập. Điều này giúp xóa bỏ được rào cản tâm lý “sợ không dám hỏi, không hiểu không dám hỏi” của sinh viên, tạo nên không khí nghiên cứu, học tập dân chủ, sinh viên trở thành chủ thể, trung tâm của qúa trình học tập.
Việc giảng viên cung cấp tài liệu tham khảo và hướng dẫn sinh viên cách tìm tài liệu tham khảo đúng, sát với từng nội dung của tiết học, chương học cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển năng lực của người học. Bởi lẽ, muốn sinh viên trở thành chủ thể, trung tâm của quá trình học, thì việc tiếp cận, nghiên cứu tài liệu tham khảo là con đường nhanh nhất đến với kho tàng tri thức của nhân loại; từ đó làm chủ tri thức của môn học, có cách nhìn đa chiều, phông kiến thức sâu rộng, tự mình có thể phân tích, giải thích những vấn đề của thực tiễn với tư duy độc lập, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn.
Thứ tư, kiểm tra – đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của sinh viên
Kiểm tra – đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Kiểm tra – đánh giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó, kiểm tra sẽ cung cấp những dữ kiện, những thông tin cần thiết làm cơ sở trong đánh giá sinh viên. Các hình thức kiểm tra thường được sử dụng như: kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ và kiểm tra tổng kết; kết hợp các phương pháp kiểm tra đa dạng như: kiểm vấn đáp, kiểm tra viết, kiểm tra thực hành. Kiểm tra – đánh giá theo hướng phát triển năng lực của người học nhằm mục đích vì sự tiến bộ của học trò. Có nghĩa là quá trình kiểm tra đánh giá phải cung cấp được những thông tin phản hồi giúp sinh viên biết được mình tiến bộ đến đâu, giảng viên thấy được những kiến thức nào, kỹ năng nào mà sinh viên còn đang yếu, trên cơ sở đó điều chỉnh quá trình dạy của mình và quá trình học của trò. Kiểm tra – đánh giá sẽ diễn ra trong suốt quá trình dạy học. Vì vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy môn học chủ nghĩa xã hội khoa học gắn liền với yêu cầu kiểm tra – đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của người học. Điều đó đặt ra yêu cầu cho Tổ bộ môn và từng giảng viên giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống ngân hàng câu hỏi kiểm tra khoa học, toàn diện, gắn liền với thực tiễn. Từng bước hoàn thiện hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, đề tài thuyết trình, câu hỏi kiểm tra bài cũ theo định hướng phát triển năng lực của người học, với phương châm học đi đôi với hành, gắn lý luận với thực tiễn, niềm tin khoa học gắn với việc phát huy vai trò trách nhiệm của sinh viên trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
3. KẾT LUẬN
Thực tiễn sinh động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, là một minh chứng cho sức sống, giá trị khoa học, cách mạng, nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Những thành tựu của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam đã đem lại những thay đổi to lớn về kinh tế, đời sống nhân dân được nâng lên, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử sau 36 năm thực hiện đường lối đổi mới một lần nữa khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.Để nâng cao chất lượng giảng dạy môn học chủ nghĩa xã hội khoa học cần tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức giảng dạy, gắn lý luận với các vấn đề thực tiễn đời sống xã hội để sinh viên thảo luận; tạo sự hứng thú, hăng say học tập cho sinh viên; mỗi giảng viên cần không ngừng nỗ lực tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, am hiểu và nhạy bén thực tiễn, vững vàng về bản lĩnh chính trị và thấm nhuần đạo đức cách mạng, làm chủ phương pháp dạy học tích cực theo hướng phát huy năng lực của người học, gắn lý luận với thực tiễn.
ThS. Nguyễn Thị Nụ
Khoa Lý luận chính trị – Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đảng cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật. Tập I.
Đảng cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật. Tập II.