Một số định hướng mới về phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ và ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường – Báo Thái Bình điện tử

12,422

lượt xem

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta thường xuyên  quan tâm đến các lĩnh vực khoa giáo – lĩnh vực công tác liên quan đến việc bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người. Bên cạnh việc tổ chức mô hình cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác khoa giáo phù hợp với thực tiễn và bám sát yêu cầu của cách mạng, Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách lãnh đạo phát triển các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân… Trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, cùng với việc kiên trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung một số nội dung mới thuộc các lĩnh vực: phát triển giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Đối với phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, dự thảo quán triệt phương châm chỉ đạo chung: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.

Với định hướng là: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”, dự thảo bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp mới: (1) Xây dựng đồng bộ thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. (2) Tập trung đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu phát triển mới của kinh tế – xã hội, của khoa học và công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. (3) Kiên quyết sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng; từng bước phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. (4) Đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập mở, học tập suốt đời; chú trọng đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. (5) Xây dựng, thực hiện có lộ trình tiến tới miễn học phí cho học sinh đối với giáo dục phổ thông trong hệ thống trường công lập; phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện của Việt Nam, bảo đảm công bằng xã hội và các giá trị cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa. (6) Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm; cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. (7) Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo. (8) Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo, phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.

Với định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian tới là: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ”, dự thảo đề ra 3 nhiệm vụ, giải pháp mới: (1) Quán triệt, thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. (2) Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện đất nước thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. (3) Đa dạng hóa hợp tác quốc tế, đồng thời lựa chọn và chủ động lựa chọn, ưu tiên hợp tác với các đối tác chiến lược.

Cánh tay rô bốt thay thế sức người tại Doanh nghiệp tư nhân điện cơ Thiên Thuận (Thái Thụy).

Đối với lĩnh vực về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phương châm hành động là: “Chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp đã và đang được thực hiện, dự thảo có bổ sung một số điểm mới như: (1) Xây dựng thực hiện hệ thống luật pháp, chính sách, chiến lược quản lý tài nguyên đất. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai. (2) Phát triển lành mạnh thị trường đất, nhất là thị trường đất nông nghiệp, kiểm soát tình trạng đầu cơ đất. Thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp theo cơ chế thị trường nhằm thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất; khắc phục suy thoái đất. Quản lý chặt chẽ đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường. (3) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất. Phát hiện, giải quyết dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi và làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất. (4) Xây dựng, thực hiện chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia; hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là nước sạch cho người dân.

Những định hướng lớn, mới trong dự thảo về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường thể hiện sự nhất quán việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên quán triệt về nhận thức và hoạt động thực tiễn, đóng góp thiết thực trong thảo luận xây dựng các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, làm tốt vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện, sớm đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống, góp phần khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế, khắc phục khó khăn, tạo ra bước đột phá mới trong phát triển kinh tế – xã hội.

Phạm Văn Tiên
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)