Một số biện pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực trong môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 ở trường Tiểu học Vĩnh Hưng – tin tức khác

Là một giáo viên trẻ chưa có nhiều năm công tác, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang đã sôi nổi hưởng ứng phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm “Một số biện pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực trong môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 ở trường Tiểu học Vĩnh Hưng” là một trong số các sáng kiến kinh nghiệm có chất lượng được Hội đồng sáng kiến cấp quận công nhận đạt loại A

A. PHẦN MỞ ĐẦU

     I. Lý do chọn đề tài

     Trong bối cảnh khoa học phát triển như vũ bão, nhân loại bước sang giai đoạn công nghiệp 4.0 hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra phương hướng chiến lược coi Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

     Theo Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2018, mục tiêu của giáo dục là phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên các cấp học cao hơn.

     Như vậy có thể thấy môn Tự nhiên và Xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục. Vì nó cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản ban đầu về các sự vật, sự kiện hiện tượng trong tự nhiên, xã hội với mối quan hệ trong đời sống thực tế của con người. Nó trang bị cho các em học sinh những kiến thức cơ bản của bậc học, góp phần bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách toàn diện của con người.

     Tuy nhiên với việc dạy học định hướng nội dung như hiện nay nhiều giáo viên không quan tâm đến việc hướng dẫn học sinh vận dụng những kiến thức đã biết và đã hiểu vào thực hành, liên hệ và ứng dụng vào các tình huống của đời sống mà chỉ quan tâm đến việc cung cấp cho học sinh càng nhiều nội dung càng tốt, học sinh biết càng nhiều càng tốt. Hệ quả là học sinh có thể biết rất nhiều nhưng làm thì không được bao nhiêu; kiến thức rất uyên bác nhưng thực hành rất lúng túng, vụng về.

     Để khắc phục được những hạn chế nêu trên đòi hỏi người giáo viên phải chuyển đổi từ dạy học theo định hướng nội dung sang dạy học theo định hướng phát triển năng lực. Vì mục tiêu cuối cùng của dạy học phát triển năng lực không phải là hệ thống kiến thức, là khối lượng nội dung, mà là năng lực cần có để sống tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn, đáp ứng được những yêu cầu của xã hội đang từng ngày thay đổi. Trong mỗi giờ học theo định hướng phát triển năng lực, học sinh không chỉ được mở mang về tri thức mà còn hiểu và biết cách tìm ra tri thức đó; biết tri thức đó giúp được gì cho mình trong cuộc sống hàng ngày và để đi xa hơn trong tương lai.

     Chính vì vậy, tôi đã suy nghĩ, tìm tòi, thiết kế các bài học trong chương trình của môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 hiện hành theo hướng phát triển năng lực cho học sinh nhờ đó nâng cao chất lượng dạy và học. Đó cũng là bước chuẩn bị của tôi cho việc đón nhận Chương trình giáo dục phổ thông mới.

     Sau một năm nghiên cứu, tìm hiểu, thực hiện tôi đã rút ra và xây dựng được: “MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TRONG MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI LỚP 2 Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC VĨNH HƯNG”. Đây là một vài ý kiến nhỏ của tôi, rất mong được cấp trên và đồng nghiệp tham khảo, đóng góp ý kiến. 

     ii. Mục đích nghiên cứu.       

– Nghiên cứu lí luận và tìm hiểu thực trạng dạy học môn Tự nhiên và Xã hội từ đó đề xuất Một số biện pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực trong môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 ở trường Tiểu học Vĩnh Hưng.

     iii. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU.

– Biện pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực trong môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2.

– Học sinh lớp 2 trường Tiểu học Vĩnh Hưng.

     iv. Nhiệm vụ nghiên cứu.

– Tìm hiểu và điều tra thực trạng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực trong môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 ở trường Tiểu học Vĩnh Hưng.

– Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó.

– Đề ra biện pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực trong môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2.

–  Kiểm tra kết quả thu được khi áp dụng những biện pháp đó.

– Rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra biện pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực trong môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 cho học sinh trường Tiểu học Vĩnh Hưng.

     v. Phương pháp nghiên cứu.

– Phương pháp điều tra

– Phương pháp đàm thoại

– Phương pháp nghiên cứu tài liệu

– Phương pháp nghiên cứu sản phẩm của hoạt động sư phạm

– Phương pháp thống kê số học.

– Kiểm tra kết quả thu được khi áp dụng những biện pháp đó.

– Rút ra biện pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực trong môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 cho học sinh trường Tiểu học Vĩnh Hưng.

vi. Phạm vi nghiên cứu

* Phạm vi nghiên cứu:

– Học sinh lớp 2A10 trường Tiểu học Vĩnh Hưng.

– Biện pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực trong môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2.

     Vii. Kế hoạch nghiên cứu

     * Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 8 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019 .

B. PHẦN NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI

     I. Một số vấn đề về dạy học phát triển năng lực.

     1. Năng lực là gì?

– Năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí… thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể.

Có hai loại năng lực lớn:

– Năng lực cốt lõi: Là năng lực cơ bản, thiết yếu mà bất kì ai cũng cần phải có để sống, học tập và làm việc hiệu quả.

– Năng lực đặc biệt: Là những năng khiếu về trí tuệ, văn nghệ, thể thao, kĩ năng sống, … nhờ tố chất sẵn có ở mỗi người.

Năng lực cốt lõi gồm năng lực chung và năng lực chuyên môn.

a) Năng lực chung là năng lực được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển như: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

b) Năng lực chuyên môn là năng lực được hình thành và phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định như: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất.

Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.

     2. Dạy học phát triển năng lực

     Dạy học theo định hướng phát triển năng lực là mô hình dạy học nhằm phát triển tối đa năng lực của người học, trong đó, người học tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức dưới sự tổ chức, hướng dẫn của người dạy. Quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học trên nguyên lý:

– Học đi đôi với hành;

– Lý luận gắn với thực tiễn;

– Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

     II. Yêu cầu dạy học phát triển năng lực môn Tự nhiên và Xã hội

     3.1. Yêu cầu về phẩm chất và năng lực đặc thù môn Tự nhiên và Xã hội

     3.1.1. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất

     Cùng với các môn học khác và hoạt động giáo dục ở cấp Tiểu học, môn Tự nhiên và Xã hội góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu đã quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đó là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

     3.1.2. Yêu cầu cần đạt về năng lực chuyên môn

     Môn Tự nhiên và Xã hội góp phần hình thành, phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội cho học sinh. Năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội bao gồm 3 năng lực thành phần là:

– Năng lực nhận thức môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh

– Năng lực tìm tòi, khám phá môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh

– Năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn, ứng xử phù hợp với tự nhiên và xã hội.

     3.2. Yêu cầu về năng lực Chung trong dạy học Tự nhiên và Xã hội

     Môn Tự nhiên và Xã hội có nhiệm vụ hình thành và phát triển các năng lực chung cho học sinh là năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

     III. Mục tiêu, nội dung, chương trình môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2.

     1. Mục tiêu chương trình môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2.

     a, Sau khi học xong môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2, học sinh sẽ có kiến thức cơ bản, ban đầu và thiết thực về:

– Hoạt động của cơ quan vận động và cơ quan tiêu hóa ở cơ thể người; phòng chống cong vẹo cột sống; giữ vệ sinh ăn uống, phòng nhiễm giun.

– Công việc của các thành viên trong gia đình, nhà trường và một số nghề nghiệp trong xã hội, ở địa phương; giữ sạch nhà ở, trường học, giữ an toàn khi ở nhà, ở trường và khi đi đường.

– Cây cối và các con vật có thể sống được ở khắp nơi: trên cạn, dưới nước, trên không; biết quan sát bầu trời ban ngày, ban đêm; có hiểu biết sơ lược về hình dạng và đặc điểm của Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao.

     b, Bước đầu hình thành và phát triển những kĩ năng:

Tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, ứng xử hợp lí trong đời sống để phòng chống một số bệnh tật và tai nạn.

Quan sát, nhận xét, nêu thắc mắc, đặt câu hỏi, biết cách diễn đạt những hiểu biết của mình về các sự vật, hiện tượng đơn giản trong tự nhiên và xã hội.

     c, Hình thành và phát triển những thái độ và hành vi:

Có ý thức thực hiện các quy tắc giữ vệ sinh, an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Yêu thiên nhiên, gia đình, trường học, quê hương.

     2. Nội dung chương trình môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2.

     Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 gồm 35 bài tương ứng với 35 tiết, trong đó có 31 bài học mới và 4 tiết ôn tập, được phân phối theo 3 chủ đề: Con người và sức khoẻ; Tự nhiên; Xã hội. Cụ thể như sau:

     * Chủ đề: Con người và sức khoẻ (10 bài)

+ Cơ quan vận động (cơ xương và khớp xương; một số cử động vận động; phòng chống cong vẹo cột sống; tập thể dục và vận động thường xuyên để cơ và xương phát triển)

+ Cơ quan tiêu hoá (nhận biết trên sơ đồ, vai trò của từng cơ quan trong hệ tiêu hoá; ăn uống đầy đủ, ăn sạch, uống sạch, phòng nhiễm giun).

     * Chủ đề xã hội (13 bài)

+ Gia đình: Công việc của các thành viên trong gia đình; cách bảo quản và sử dụng một số đồ dùng trong nhà; giữ sạch môi trường xung quanh nhà ở và khu vệ sinh, chuồng gia súc, an toàn khi ở nhà, phòng tránh ngộ độc.

+ Trường học: Các thành viên trong nhà trường và công việc của họ; cơ sở vật chất của nhà trường; giữ vệ sinh trường học, an toàn khi ở trường.

+ Huyện hoặc quận nơi đang sống: cảnh quan tự nhiên, nghề chính của nhân dân, các đường giao thông, các phương tiện giao thông; một số biển báo giao thông; an toàn giao thông (quy tắc đi những phương tiện giao thông công cộng).

     * Chủ đề tự nhiên (12 bài)

+ Thực vật và động vật: Một số cây cối và một số con vật sống trên mặt đất, dưới nước, trên không.

+ Bầu trời ban ngày và ban đêm: Mặt trời, cách tìm phương hướng bằng Mặt trời; Mặt trăng và các vì sao.

     Như vậy có thể thấy nội dung kiến thức trong môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 được phát triển theo nguyên tắc từ gần đến xa, dẫn dắt học sinh mở rộng vốn hiểu biết từ bản thân đến gia đình, trường học, từ cuộc sống xã hội xung quanh đến thiên nhiên rộng lớn, từ những cây cối, con vật thường gặp đến Mặt trời, Mặt trăng và các vì sao.

CHƯƠNG 2:

THỰC TRẠNG DẠY HỌC MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI LỚP 2

THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC

Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC VĨNH HƯNG HIỆN NAY

     I. Đặc điểm chung của trường, của lớp.

     Trường Tiểu học của tôi nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội. Trường tôi đã đạt trường chuẩn quốc gia và là ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt, có bề dày truyền thống, đạt nhiều thành tích cao trong dạy học và giáo dục học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của nhà trường đều đạt chuẩn, có năng lực chuyên môn vững vàng, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và giáo dục học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường được trang bị tương đối đầy đủ.

     II. Thực trạng dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 theo định hướng phát triển năng lực ở trường Tiểu học Vĩnh Hưng.

     2.1. Thuận lợi:

– Phòng giáo dục quận Hoàng Mai cũng như Ban giám hiệu trường Tiểu học Vĩnh Hưng rất quan tâm chỉ đạo việc dạy học môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 theo định hướng phát triển năng lực. Phòng đã tổ chức rất nhiều lớp tập huấn, cung cấp đầy đủ tài liệu do các giáo sư, tiến sĩ có uy tín biên soạn cho giáo viên. Về phía nhà trường, tôi đã học tập được rất nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học theo định hướng phát triển năng lực qua các chuyên đề do nhà trường xây dựng. Bên cạnh đó nhà trường còn mua sắm đầy đủ các trang thiết bị dạy học hiện đại như laptop, máy projecter, máy chiếu đa vật thể để góp phần tạo môi trường vật chất cho việc dạy và học hiệu quả.

– Một thuận lợi nữa cho quá trình dạy học môn Tự nhiên và Xã hội theo định hướng phát triển năng lực đó là nhiều học sinh ưa hiểu biết, khám phá, có óc tưởng tượng phong phú, có vốn hiểu biết ban đầu về tự nhiên, xã hội và con người xung quanh.

     2.2. Khó khăn:

     Bên cạnh những thuận lợi trên, khi thực hiện dạy môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 theo định hướng phát triển năng lực, tôi còn gặp một số khó khăn sau:

     * Về giáo viên:

Khó khăn lớn nhất đối với tôi đó là còn thiếu kinh nghiệm trong việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực. Nguyên nhân là do đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện việc dạy học theo định hướng này.

     * Về học sinh:

Ngay từ những buổi học đầu tiên tôi đã tiến hành đánh giá năng lực học sinh, cho học sinh tự đánh giá – phản hồi, đánh giá việc học của các bạn – phản hồi, hỗ trợ – điều chỉnh và thu được kết quả như sau:

Bảng 2a. Đánh giá năng lực chung của học sinh lớp 2A10 trường Tiểu học Vĩnh Hưng trong tháng 9 năm 2018:

Sĩ số

Năng lực

Tốt

Hoàn thành

Chưa HT

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

 

54

Tự học

20

37%

34

63%

0

0%

Hợp tác

15

27%

39

73%

0

0%

Giải quyết vấn đề và sáng tạo

10

18%

44

82%

0

0%

     Bảng 2b. Đánh giá năng lực chuyên môn trong môn Tự nhiên và Xã hội của học sinh lớp 2A10 trường Tiểu học Vĩnh Hưng trong tháng 9 năm 2018:

Sĩ số

Năng lực

Tốt

Hoàn thành

Chưa HT

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

 

54

Nhận thức

20

37%

34

63%

0

0%

Tìm tòi và khám phá

15

27%

39

73%

0

0%

Vận dụng

10

18%

44

82%

0

0%

     Bảng 2c. Đánh giá kết quả học tập môn Tự nhiên và Xã hội của học sinh lớp 2A10 trường Tiểu học Vĩnh Hưng trong tháng 9 năm 2018:

Sĩ số

Đợt đánh giá

Tốt

Hoàn thành

Chưa HT

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

54

Tháng 9

10

18%

44

82%

0

0%

     Nhìn vào bảng số liệu trên, tôi thấy tỉ lệ học sinh có năng lực chung, năng lực chuyên môn và kết quả học tập môn Tự nhiên và Xã hội đạt tốt còn chưa cao. Nguyên nhân một phần là do học sinh lớp 2 còn nhỏ nên khả năng phân tích, tổng hợp, vận dụng  kiến thức còn chưa tốt, ghi nhớ còn máy móc. Nhiều học sinh chưa thể tập trung lâu dài và dễ bị phân tán trong quá trình học tập. Một số em lại nhút nhát, rụt rè, chưa tự giác tham gia vào các hoạt động, chưa phát huy được khả năng hợp tác, sáng tạo. Bên cạnh đó, nhiều em đã quen được học tập và đánh giá theo hướng phát triển nội dung nên khi được học tập và đánh giá theo hướng phát triển năng lực các em còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn.

CHƯƠNG 3.

MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG

PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TRONG MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI

LỚP 2 Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC VĨNH HƯNG

     Qua việc nghiên cứu, tìm hiểu lý luận và qua thực tiễn các giờ dạy môn Tự nhiên và Xã hội, tôi đã suy nghĩ, tìm tòi, áp dụng một số biện pháp cụ thể nhằm dạy học theo định hướng phát triển năng lực trong môn Tự nhiên và Xã hội lớp 2 ở trường Tiểu học Vĩnh Hưng. Đó là những biện pháp sau:

     I. Biện pháp 1: Thiết kế mục tiêu bài học theo hướng phát triển năng lực cho học sinh.

     1. Khái niệm Mục tiêu dạy học

     Mục tiêu (nói chung) là kết quả dự kiến cần đạt được sau khi thực hiện một hoạt động. Mục tiêu dạy học là cái đích người học phải đạt được sau khi học, đó chính là “đích” cuối cùng mà thầy trò đều phải hướng tới.

     2. Thiết kế mục tiêu bài học theo hướng phát triển năng lực

     Hiện nay hầu hết giáo viên khi xác định mục tiêu bài học sẽ đưa ra 3 mục tiêu gồm:

     a) Kiến thức              b) Kĩ năng            c) Thái độ

     Với cách xác định như vậy mục tiêu dạy học đôi khi còn được mô tả không chi tiết và không nhất thiết phải quan sát, đánh giá được.

     Chính vì vậy khi xác định mục tiêu theo định hướng phát triển năng lực, tôi luôn chỉ ra cụ thể quá trình học sinh tìm kiếm, phát hiện, chiếm lĩnh, phát triển kiến thức, kĩ năng và thái độ. Tức là chỉ ra con đường học sinh tư duy như thế nào để đạt được những kết quả đó. Việc xác định mục tiêu năng lực như vậy buộc tôi phải suy nghĩ, đưa ra tình huống có vấn đề cho học sinh giải quyết nhờ vận dụng kinh nghiệm cuộc sống và từ một trường hợp cụ thể đó mà khái quát hóa thành bài học. Như vậy, trong quá trình học, học sinh phải tư duy ít nhất 2 lần: giải quyết vấn đề và khái quát hóa thành bài học. Ngoài ra, học sinh còn hình thành các năng lực khác như: tự chủ học tập, giao tiếp với nhau, tư duy phản biện,…

     Cụ thể, khi thiết kế mục tiêu bài học theo định hướng phát triển năng lực, tôi đã làm như sau:

     * Yêu cầu đối với mục tiêu bài dạy

– Tôi diễn đạt mục tiêu theo yêu cầu của người học.

– Tôi xác định những mục tiêu thích đáng (quan trọng, thiết thực, phù hợp, khả thi)

– Tôi diễn đạt bằng động từ hành động đơn nghĩa và tập trung vào kết quả.

– Kết quả mong đợi tôi diễn tả dưới dạng hành vi có thể quan sát thấy được.

– Tôi luôn xác định rõ thời gian, điều kiện thực hiện.

– Mục tiêu tôi xác định luôn phải phù hợp với đối tượng học sinh (trình độ hiện có của học sinh).

     * Các nội dung cần thiết kế

– Kiến thức: tôi nêu những kiến thức cơ bản, quan trọng mà học sinh cần có được sau khi học xong bài học/ chủ đề.

– Kỹ năng: tôi nêu được những kỹ năng mà học sinh hình thành được thông qua bài học/ chủ đề.

– Thái độ: thái độ cần đạt của học sinh khi học bài học/chủ đề

– Các năng lực, phẩm chất cần hình thành.

     * Kỹ thuật viết mục tiêu bài giảng

     Tôi không sử dụng các động từ chung chung không đo đạc được: hiểu được, biết được, nắm được, hiểu rõ, có kiến thức, trang bị cho học sinh, có khả năng, nắm vững, suy nghĩ,  Tôi sử dụng các động từ sau:

– Kiến thức:

+ Phân tích, phân loại, tách ra, sắp xếp, so sánh, đối chiếu, rút ra,…

+ Tổng hợp, soạn thảo, tổng kết, hệ thống, thiết kế, lập kế hoạch, đề xuất, liên hệ, tưởng tượng,…

– Kĩ năng:

+ Đánh giá, nhận xét được, kết luận, đánh giá được, xếp hạng, phê phán, miêu tả, chứng minh, thẩm định,…

+ Kể được, vẽ được, thực hành được, thực hiện được, làm được, vận dụng được, sáng tác được, quan sát, hoàn thành, tiến hành, sử dụng, phân tích, xem xét, lập kế hoạch, phát hiện, đọc được đúng các, thu thập,..

– Thái độ:

+ Có thái độ trung thực, cẩn thận, kiên trì, ý thức trách nhiệm trong công việc, đoàn kết, tôn trọng, chấp nhận, đồng tình, ủng hộ, phê phán, bác bỏ, hợp tác, thay đổi, tin tưởng, nghiêm túc, phối hợp, yêu thích, nhận thức được…

+ Có hứng thú, Có ý thức,….

Để nắm rõ hơn về sự khác biệt giữa các xác định mục tiêu theo chương trình định hướng nội dung và mục tiêu theo chương trình định phát triển năng lực tôi đã đưa ra một số ví dụ minh họa cụ thể sau:

* Ví dụ minh họa:

Ví dụ 1: Chủ đề Con người và Sức khỏe

Bài 3: Hệ cơ

Mục tiêu theo chương trình

định hướng nội dung:

Mục tiêu theo chương trình định hướng phát triển năng lực:

Qua bài này học sinh có thể:

– Chỉ và nói được tên một số cơ của cơ thể.

– Biết được rằng cơ có thể co duỗi, nhờ đó mà các bộ phận của cơ thể mới có thể cử động được.

– Có ý thức tập thể dục thường xuyên để cơ săn chắc.

 

Qua bài này học sinh có thể:

– Chỉ và kể tên một số cơ của cơ thể trên sơ đồ.

– Chứng minh được nhờ có sự co duỗi của cơ, các bộ phận cơ thể có thể cử động được.

– Lập kế hoạch tập luyện thể dục, thể thao vừa sức để cơ được săn chắc.

Bài học góp phần phát triển ở học sinh:

– Năng lực tìm tòi, khám phá (bằng quan sát, thí nghiệm và liên hệ thực tế).

Ví dụ minh họa 2: Chủ đề Xã hội

Bài 12: Đồ dùng trong gia đình

Mục tiêu theo chương trình

định hướng nội dung:

Mục tiêu theo chương trình định hướng phát triển năng lực:

Qua bài này học sinh có thể:

– Kể được tên và nêu công dụng  của một số đồ dùng thông thường trong nhà.

– Biết phân loại các đồ dùng theo vật liệu làm ra chúng.

– Biết cách sử dụng và cách bảo quản một số đồ dùng trong gia đình.

– Có ý thức cẩn thận, gọn gàng, ngăn nắp.

 

Qua bài này học sinh có thể:

– Kể được tên một số đồ dùng thông thường trong nhà và phân loại các đồ dùng theo công dụng, vật liệu làm ra chúng.

– Nêu được một số tình huống nguy hiểm có thể sảy ra khi sử dụng các đồ dùng trong gia đình và biện pháp xử lý.

– Lập thời gian biểu bảo quản, lau chùi, sắp xếp đồ dùng.

– Có thái độ cẩn thận khi sử dụng các đồ dùng trong gia đình, yêu quý đồ dùng trong gia đình.

Bài học góp phần phát triển ở học sinh:

– Năng lực tìm tòi, khám phá (bằng quan sát, và liên hệ thực tế)

– Năng lực giao tiếp (khi làm việc nhóm)

     II. Biện pháp 2: Phối hợp các phương pháp, hình thức tổ chức, kĩ thuật dạy học phát triển năng lực.

     1. Phương pháp quan sát

     * Khái niệm:

     Phương pháp quan sát là phương pháp trong đó giáo viên tổ chức cho học sinh sử dụng các giác quan để quan sát đối với các đối tượng trong tự nhiên và xã hội. Đối tượng quan sát của học sinh không chỉ là tranh ảnh, mẫu vật, mô hình mà còn là khung cảnh gia đình, lớp học, cây cối, con người và một số sự vật, hiện tượng diễn ra hằng ngày trong tự nhiên và xã hội.

     * Vai trò của phương pháp quan sát trong phát triển năng lực:

     Thực hiện phương pháp quan sát sẽ giúp cho hình thành, phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên và góp phần phát triển năng lực tự học (khi học sinh được quan sát, tìm tòi kiến thức), năng lực giải quyết vấn đề (khi học sinh từ quan sát phát hiện vấn đề hoặc từ quan sát thu thập thông tin để giải quyết vấn đề)

    * Cách tiến hành: Tôi thường tiến hành theo các bước sau:

Bước 1 : Lựa chọn đối tượng quan sát.

Bước 2 : Xác định mục đích quan sát.

Bước 3 : Tổ chức và hướng dẫn học sinh quan sát.

Bước 4 : Xử lý thông tin đã thu thập được để rút ra kết luận.

Bước 5 : Báo cáo kết quả quan sát được về đối tượng.

     * Ví dụ minh họa : Bài 31: Mặt trời

Hoạt động: Quan sát mặt trời.

Bước 1: Đối tượng quan sát: Mặt Trời ở một số thời điểm trong ngày.

Bước 2: Xác định mục đích quan sát.

Học sinh có thể:

– Miêu tả được hình dáng, màu sắc của Mặt Trời ở những thời điểm khác nhau, nêu nhận xét về khoảng cách của Mặt trời với Trái Đất.

– Phát hiện được vai trò của Mặt Trời.

– Góp phần phát triển ở học sinh năng lực tìm tòi, khám phá, năng lực giao tiếp, năng lực tự học.

Bước 3 : Tổ chức cho học sinh quan sát trong nhóm.

Yêu cầu học sinh quan sát Mặt Trời ở một số thời điểm trong ngày và ghi lại các câu trả lời cho các câu hỏi sau:

+ Em nhìn thấy mặt trời vào lúc nào?

+ Mặt Trời có hình gì?

+ Mặt Trời có màu gì?

+ Khi mặt trời lên, cảnh vật xung quanh thế nào?

+ Khi mặt trời lặn mà không có ánh đèn điện thì em thấy cảnh vật xung quanh như thế nào?

+ Khi có ánh nắng mặt trời em cảm thấy như thế nào?

+ Em thấy mặt trời ở gần hay xa?

+ Khi nào em có thể nhìn trực tiếp vào mặt trời? Khi nào em không thể nhìn thẳng vào mặt trời? Vì sao?

Bước 4 : Xử lý thông tin đã thu thập được để rút ra kết luận.

Bước 5 : Tổ chức cho học sinh báo cáo kết quả quan sát được.

     2. Phương pháp thảo luận nhóm.

     * Khái niệm:

     Học theo nhóm là hình thức học tập có sự hợp tác của nhiều thành viên trong lớp nhằm giải quyết những nhiệm vụ học tập chung.

     * Vai trò của thảo luận nhóm trong phát triển năng lực cho học sinh:

     Đây là phương pháp quan trọng giúp hình thành và phát triển năng lực cho học sinh vì hoạt động nhóm giúp tạo nên một môi trường giao tiếp tự nhiên, thuận lợi, trong đó học sinh được tham gia một cách chủ động vào quá trình học tập, được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, ý kiến của bản thân để giải quyết các vấn đề có liên quan đến nội dung bài học; các em được giao lưu, học hỏi lẫn nhau; cùng nhau hợp tác giải quyết những nhiệm vụ chung.

     * Cách tiến hành:

     Tôi thường tổ chức thảo luận nhóm theo các bước sau:

Bước 1: Giới thiệu chủ đề, chia nhóm, giao nhiệm vụ, quy định thời gian và phân công vị trí làm việc.

Bước 2: Các nhóm thảo luận.

Bước 3: Đại diện nhóm trình bày kết quả. Các nhóm khác quan sát, lắng nghe, chất vấn, bình luận, bổ sung ý kiến.

Bước 4: Tổng kết.

* Ví dụ minh họa:

Một số tiết cụ thể trong đó tôi đã sử dụng phương pháp thảo luận nhóm như sau:

Ví dụ 1: Bài Bộ xương: Khi hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm chứng minh vai trò của bộ xương, tôi chia nhóm ngẫu nhiên theo số điểm danh.

Ví dụ 2: Bài Cuộc sống xung quanh: Khi tổ chức cho học sinh kể về một số nghề nghiệp của người dân ở địa phương tôi chia nhóm theo màu sắc.

Ví dụ 3: Bài Một số loài cây sống trên cạn: Khi tổ chức cho học sinh nêu ích lợi của các loài cây tôi chia nhóm theo các mùa trong năm.

Ví dụ 4: Bài Loài vật sống ở đâu?: Tôi chia mỗi tranh trong sách giáo khoa thành 4 miếng. Sau đó yêu cầu mỗi em bốc ngẫu nhiên 1 mảnh cắt và các em có nhiệm vụ phải tìm các bạn có các mảnh cắt phù hợp để ghép lại thành một tấm hình hoàn chỉnh. Những học sinh nào có mảnh cắt của cùng một bức hình sẽ tạo thành 1 nhóm.

Sau khi các em hoàn thành bức tranh, tôi yêu cầu học sinh quan sát chính bức tranh đó để thảo luận, tìm hiểu về môi trường sống của các loài vật có trong tranh.

Ví dụ 5: Bài Đường giao thông: Khi tổ chức cho học sinh tìm hiểu về biển báo giao thông, tôi chia nhóm theo sở thích của học sinh về các loại phương tiện giao thông như: Nhóm xe đạp, nhóm xe máy, nhóm ô tô,……

     3. Phương pháp trò chơi học tập.

     * Khái niệm:

– Trò chơi học tập là phương pháp tổ chức cho học sinh tìm hiểu một vấn đề hay thực hiện những hành động, những thái độ, những việc làm thông qua một trò chơi nào đó.

     * Vai trò của trò chơi học tập trong phát triển năng lực:

– Kích thích hứng thú, nhu cầu tham gia các hoạt động học tập.

– Tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh, phát huy tính tự lập, sáng tạo, nhanh trí, tinh thần tập thể.

– Phát triển trí tuệ cho học sinh. Tập dượt các kĩ năng xã hội để các em có thể hòa nhập vào cuộc sông hằng ngày.

     * Cách tiến hành: Tôi thường tiến hành theo các bước sau:

  Bước 1: Chuẩn bị:

  – Thiết kế trò chơi: Cần xác định: Tên trò chơi, nội dung, cách chơi, cách phân thắng thua,….

  – Chuẩn bị phương tiện phục vụ trò chơi.

  – Dự kiến khả năng thực hiện của học sinh, thời gian, trọng tài,…

  Bước 2: Tổ chức cho học sinh thực hiện trò chơi.

  Bước 3: Tổng kết, đánh giá.

* Ví dụ minh họa:

Dưới đây là một số ví dụ về các trò chơi tôi đã thực hiện:

Ví dụ 1: Bài 25: Một số loài cây sống trên cạn

Trò chơi: Đố vui.

– Mục tiêu: Học sinh:

+ Nêu được tên của các loài cây dựa vào đặc điểm của chúng.

+ Phát triển năng lực vận dụng kiến thức.                   

– Chuẩn bị: Tôi sưu tầm một số câu đố liên quan tới các loài cây sống trên cạn. Tôi ghi mỗi câu đố vào một bông hoa giấy.

* Cách tiến hành:

+ Cách 1: Lần lượt từng học sinh xung phong bắt thăm, được câu đố nào giải đáp câu đố đó, cả lớp sẽ đánh giá câu trả lời.

+ Cách 2: Tôi làm phiếu có ghi câu đố phát cho các nhóm, các nhóm tự tổ chức đố nhau và giải đáp dưới sự điều khiển của nhóm trưởng.

+ Với mỗi cách làm, tôi đều gọi học sinh giới thiệu một vài nét mà mình biết về loài cây đó cho cả lớp.

– Luật chơi: Bạn nào trả lời đúng là người chiến thắng, trả lời sai sẽ bị phạt.

– Thời gian: Tổ chức trò chơi ở hoạt động củng cố bài. Thời gian: 5 phút.

* Ví dụ 2: Bài 10: Ôn tập: Con người và sức khỏe

Trò chơi: “Ô chữ kì diệu”

 

 

 

 

 

x

ư

ơ

n

g

 

 

 

 

d

ã

n

r

a

 

 

t

p

t

h

d

c

 

 

 

r

u

t

n

o

n

b

n

h

g

i

u

n

 

 

– Mục tiêu:

+ Phát triển năng lực vận dụng kiến thức.                   

– Cách chơi: Ô chữ gồm 5 từ hàng ngang và một từ hàng dọc. Cách chơi như sau:

+ Tôi chia lớp thành 4 đội chơi.

+ Các đội lần lượt chọn từ hàng ngang, tôi sẽ đọc gợi ý về từ hàng ngang, đội chơi nhanh chóng đưa ra câu trả lời. Nếu trả lời sai hoặc sau 30 giây không có câu trả lời thì đội khác được quyền đoán.

+ Mỗi từ hàng ngang được 10 điểm, từ hàng dọc được 30 điểm.

+ Trò chơi kết thúc khi có đội tìm ra từ hàng dọc.

  • Nội dung ô chữ và gợi ý cho từng ô:

1) Là một trong các cơ quan vận động của cơ thể. 

2) Khi cơ …………., cơ sẽ dài hơn và mềm hơn.

Từ cần điền vào chỗ trống là gì? 

3) Để xương và cơ phát triển tốt chúng ta cần lưu ý gì? 

4) Tên cơ quan nơi phần lớn thức ăn được biến thành chất dinh dưỡng.

5) Căn bệnh về cơ quan tiêu hóa, người nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ em thường xanh xao, mệt mỏi. 

Ô chữ hàng dọc: Xã hội

– Luật chơi: Đội nào có số điểm cao hơn là đội đó dành chiến thắng.

– Thời gian chơi: Cuối giờ, khi củng cố bài học. Thời gian chơi: 5 phút.

– Cuối cùng, tôi kết luận ô hàng dọc chính là chủ đề tiếp theo sẽ học.

     4. Phương pháp Đóng vai

      * Khái niệm

Đóng vai là phương pháp tổ chức cho học sinh tham gia giải quyết vấn đề trong một tình huống qua một vai diễn xuất.

      * Vai trò của phương pháp đóng vai trong phát triển năng lực:

– Học sinh được rèn luyện, thực hành những kĩ năng ứng xử.

– Gây hứng thú và chú ý cho học sinh.

– Tạo điều kiện phát triển óc sáng tạo của học sinh. 

– Khích lệ sự thay đổi thái độ, hành vi của học sinh theo hướng tích cực.

      * Cách tiến hành: Tôi thường tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị: Lựa chọn tình huống: xác định các nhân vật;…

Bước 2: Tổ chức cho học sinh đóng vai:

– Chia nhóm và giao tình huống, yêu cầu đóng vai cho từng nhóm, trong đó có quy định rõ thời gian chuẩn bị, thời gian đóng vai của mỗi nhóm.

– Các nhóm thảo luận chuẩn bị đóng vai.

– Các nhóm lên đóng vai.

Bước 3: Tổng kết, đánh giá

– Cả lớp thảo luận, nhận xét về các vai diễn.

– Giáo viên nhận xét, đánh giá chung.

      * Ví dụ minh họa:

Bài 14: Phòng tránh ngộ độc khi ở nhà

Mục tiêu: Học sinh lựa chọn được cách ứng xử phù hợp trong tình huống giả định đã xảy ra ngộ độc.

Cách tiến hành:

Bước 1: Giáo viên nêu nhiệm vụ cho các nhóm: Các nhóm sẽ xử lý như thế nào trong tình huống sau:

Em của em tình cờ ăn/uống phải một loại thuốc. Bạn đang chơi ngoài sân thì thấy em khóc, kêu đau bụng và rất sợ hãi. Đóng vai thể hiện những gì bạn sẽ làm.

Bước 2: Tổ chức cho học sinh đóng vai:

Có thể có một số cách phản ứng sau:

Cách 1: Đỡ em lên giường nằm, sau đó lấy thuốc cho em uống.

Cách 2: Đỡ em lên giường nằm, sau đó lấy dầu xoa vào bụng cho em.

Cách 3: Động viên em sau đó chạy đi tìm hàng xóm giúp đỡ đưa bé đi viện.

Cách 4: Gọi điện thoại cho bố mẹ, người thân….

   Bước 3: Các nhóm khác nhận xét, bình luận, rút ra bài học. Giáo viên kết luận cách xử lí phù hợp.

     5. Phương pháp động não

      * Khái niệm

Động não là phương pháp dạy học trong đó giáo viên tổ chức cho học sinh trong một thời gian ngắn có thể nảy sinh được nhiều ý tưởng, nhiều giả định về một vấn đề nào đó.

      * Vai trò của phương pháp động não trong phát triển năng lực:

      – Trả lời nhanh: trong một thời gian ngắn có thể thu được nhiều ý

tưởng, nhiều câu trả lời của học sinh,

      – Học sinh thoải mái trong việc tham gia vào các hoạt động mà không quan tâm đến những hạn chế của cá nhân. Kích thích tư duy, phát triển tư duy sáng tạo của học sinh qua việc các em suy nghĩ nêu ra các ý tưởng.

      * Cách tiến hành: Tôi thường tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Lựa chọn và nêu vấn để cần tìm hiểu cho học sinh. Giáo viên nêu các vấn đề cho học sinh trước lớp hoặc nhóm.

Bước 2: Tổ chức cho học sinh phát biểu ý kiến:

+ Khích lệ học sinh.

+ Liệt kê tất cả các ý kiến phát biểu và trực quan hoá các ý kiến (chỉ trừ các ý kiến trùng lặp).

+ Làm rõ hơn những ý kiến chưa rõ và giúp học sinh thảo luận một số ý cần thiết, tạo điều kiện cho các em nêu các ý kiến thắc mắc, bổ sung.

Bước 3: Tổng hợp ý kiến, đánh giá và rút ra kết luận.

* Ví dụ minh họa:

Bài 17 “Phòng tránh ngã khi ở trường”

Mục tiêu: Học sinh phát hiện một số hình huống có thể gây ngã ở trường.

Cách tiến hành:

Bước 1: Nêu câu hỏi để học sinh động não: “ Hãy kể tên những hoạt động dễ gây nguy hiểm ở trường “

Bước 2: Tổ chức cho học sinh phát biểu ý kiến:

– Chạy đuổi nhau trong sân trường.

– Chạy và xô đẩy nhau ở cầu thang.

– Trèo cây, bẻ cành.

– Với cành cây qua cửa sổ trên gác.

– Gây gổ, đánh nhau.

Bước 3: Tổng hợp ý kiến, đánh giá và rút ra kết luận.

     6. P hương pháp bàn tay nặn bột.

     * Khái niệm

     Bàn tay nặn bột là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên. Với một vấn đề khoa học đặt ra, học sinh có thể đặt ra các câu hỏi, các giả thuyết từ những hiểu biết ban đầu, tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu để kiểm chứng và đưa ra những kết luận phù hợp thông qua thảo luận, so sánh, phân tích, tổng hợp kiến thức.

     * Vai trò của bàn tay nặn bột trong phát triển năng lực:

– Tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá, yêu và say mê khoa học của học sinh. Rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết.

* Cách tiến hành: Tôi thường tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề.

Bước 2: Bộc lộ quan niệm ban đầu của học sinh.

Bước 3: Đề xuất câu hỏi hay giả thuyết, thiết kế phương án thực nghiệm.

Bước 4: Tiến hành thực nghiệm tìm tòi – nghiên cứu

Bước 5: Kết luận kiến thức mới.

      * Ví dụ minh họa:

Ví dụ 1: Bài 2: Bộ xương

Mục tiêu:

Học sinh chứng minh được vai trò của bộ xương.

Hoạt động:

Bước 1: Tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề.

– Giáo viên nêu vấn đề: Điều gì sẽ xảy ra nếu trên cơ thể chúng ta không có xương?

Bước 2: Bộc lộ quan niệm ban đầu của học sinh.

– Cơ thể mềm nhũn

– Không đứng thẳng được

– Các bộ phận ở ngực, đầu dễ bị va đập, không được bảo vệ.

– Cơ thể không có hình dáng như bây giờ.

Bước 3: Đề xuất câu hỏi hay giả thuyết và thiết kế phương án thực nghiệm.

Thí nghiệm 1:

– Giáo viên chuẩn bị thỏi đất nặn mô phỏng hình người và 1 que gỗ.

– Yêu cầu học sinh: Chỉ được phép cầm phần cuối của thỏi đất nặn, làm thế nào thỏi đất nặn không nghiêng và đổ gục.

Thí nghiệm 2:

– Giáo viên chuẩn bị quả bóng bàn và hộp gỗ hoặc sắt, nhựa.

– Yêu cầu học sinh: Làm thế nào đập vào quả bóng bàn mà quả bóng bàn không bị méo.

Thí nghiệm 3:

– Giáo viên chuẩn bị 3 thỏi đất nặn kích cỡ bằng nhau, một cục tẩy, một que gỗ.

– Yêu cầu học sinh: Nặn mỗi thỏi đất nặn và ghi lại hình dáng của chúng. Lưu ý thỏi thứ 2 phải bọc hết cục tẩy, thỏi thứ 3 phải bọc hết que gỗ.

Bước 4: Tiến hành thực nghiệm tìm tòi – nghiên cứu

Học sinh tiến hành thí nghiệm và nhận thấy như sau:

Thí nghiệm 1:

Khi cắm que vào có thể cầm cho nó đứng thẳng mà không bị đổ gục.

Thí nghiệm 2:

Khi thả quả bóng vào trong chiếc hộp, ta có thể đập xuống quả bóng bàn mà quả bóng bàn không bị méo.

Thí nghiệm 3:

Thỏi đất nặn thứ nhất có thể nặn ra rất nhiều hình dáng khác nhau, thỏi thứ hai chỉ có thể nặn ra hình lập phương còn thỏi thứ 3 nặn ra hình que, dài.

Bước 5: Kết luận kiến thức mới.

– Kết luận 1: Xương nâng đỡ cơ thể.

– Kết luận 2: Xương bảo vệ các cơ quan bên trong cơ thể.

– Kết luận 3: Nếu không có xương cơ thể chúng ta sẽ mềm nhũn và không có hình dáng như bây giờ.

Ví dụ 2: Bài 6: Tiêu hóa thức ăn

Mục tiêu:

Học sinh chứng minh được vì sao phải ăn chậm nhai kĩ,  không được chảy nhảy sau khi ăn, không được vừa ăn vừa uống quá nhiều nước.

Bước 1: Tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề.

– Giáo viên nêu vấn đề: Khi ăn chúng ta cần lưu ý điều gì?

Bước 2: Bộc lộ quan niệm ban đầu của học sinh.

– Ăn chậm nhai kĩ.

– Không được chạy nhảy sau khi ăn.

– Không được vừa ăn vừa uống quá nhiều nước.

Bước 3: Đề xuất câu hỏi hay giả thuyết và thiết kế phương án thực nghiệm.

Thí nghiệm 1:

– Giáo viên chuẩn bị 1 miếng bánh mì và 1 quả bóng.

– Yêu cầu mỗi nhóm cử ra 2 học sinh:

Học sinh 1: Xé và nhét bánh mì vào bóng bay từ tốn.

Học sinh 2: Xé và nhét bánh mì vào bóng bay thật nhanh.

Thí nghiệm 2:

– Giáo viên chuẩn bị 1 quả bóng đã được nhồi các miếng bánh mì.

– Yêu cầu mỗi nhóm cử ra 2 học sinh:

Học sinh 1: Đi lại nhẹ nhàng vừa đi vừa nhào trộn bánh mì trong quả bóng.

Học sinh 2: Vừa chạy nhảy vừa nhào trộn bánh mì trong quả bóng.

Thí nghiệm 3:

– Giáo viên chuẩn bị 1 quả bóng đã được nhồi các miếng bánh mì.

– Yêu cầu mỗi nhóm cử ra 2 học sinh:

Học sinh 1: Đổ một lượng nước vừa đủ để thấm ướt các miếng bánh mì sau đó nhào trộn bánh mì trong quả bóng.

Học sinh 2: Đổ nhiều nước vào quả bóng sau đó nhào trộn bánh mì trong quả bóng.

Bước 4: Tiến hành thực nghiệm tìm tòi – nghiên cứu

Học sinh tiến hành thí nghiệm và thu được kết quả như sau:

Thí nghiệm 1:

Học sinh 1: Nhét được hết miếng bánh mì, các miếng bánh có kích thước khá đều nhau.

Học sinh 2: Các miếng bánh có kích thước không đều, đôi khi còn bị vướng, không nhét được bánh mì.

Thí nghiệm 2:

Học sinh 1: Bánh mì được nhào trộn kĩ, kích thước đều nhau.

Học sinh 2: Bánh mì không được nhào trộn kĩ, kích thước đều nhau.

Thí nghiệm 3:

Học sinh 1: Bánh mì được nhào trộn kĩ, kích thước đều nhau, có chỗ quả bóng bị cào xước, lộ rõ ra bên ngoài.

Học sinh 2: Bánh mì không được nhào trộn kĩ, kích thước đều nhau, thỉnh thoảng nước còn trào ra ngoài.

Bước 5: Kết luận kiến thức mới.

– Kết luận 1: Nếu ăn vội vàng, thức ăn không được nghiền nát, đôi khi có thể bị mắc nghẹn.

– Kết luận 2: Nếu vừa ăn vừa chạy nhảy, thức ăn được nghiền nát không đều, thức ăn va đập vào dạ dày gây đau bụng.

– Kết luận 3: Vừa ăn vừa uống quá nhiều nước khiến cho dạ dày khó nhào trộn được thức ăn, dễ bị nôn, trớ.

Ví dụ 3: Bài 24: Cây sống ở đâu?

Mục tiêu:

Học sinh chứng minh được cây có thể sống ở khắp mọi nơi.

Bước 1: Tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề.

– Giáo viên nêu vấn đề: Theo em cây có thể sống ở đâu?

Bước 2: Bộc lộ quan niệm ban đầu của học sinh.

– Cây sống ở trên đất.

– Cây sống ở dưới nước.

Bước 3: Đề xuất câu hỏi hay giả thuyết và thiết kế phương án thực nghiệm.

Thí nghiệm 1:

– Giáo viên cùng học sinh sưu tầm một số loại cây: rau muống, cỏ lạc, bèo tấm và một số chai, lọ thủy tinh.

– Yêu cầu học sinh: Trồng mỗi loại cây vào 4 chai sao cho chai thứ 1 trồng cây trên đất không ngập nước hằng ngày có tưới nước cho đất vừa đủ ẩm ướt, chai thứ 2 ngập nước đến hết rễ và một nửa thân, chai thứ 3 cả thân cây chìm trong nước, chai thứ 4 thả cho cây trôi nổi trong nước hoặc trên mặt nước.

– Yêu cầu học sinh quan sát sự phát triển của cây và ghi lại vào sổ thí nghiệm.

Bước 4: Tiến hành thực nghiệm tìm tòi – nghiên cứu

Sau 1 tuần quan sát học sinh thu được kết quả như sau:

 

Chai 1

Chai 2

Chai 3

Chai 4

Cây rau cải

Phát triển tốt

Rễ bị thối và chết

Cả thân cây bị thối và chết

Cả thân cây bị thối và chết

Cây rau muống

Phát triển tốt

Phát triển tốt

Phát triển tốt, rễ cây vẫn bám vào đất, ngọn cây vươn lên khỏi mặt nước.

Phát triển tốt

Cây bèo

Khô và chết dần

Phần lá bị khô, phần rễ bị thối và chết dần.

Bị thối và chết dần.

Phát triển tốt

Bước 5: Kết luận kiến thức mới.

– Kết luận: Có loài cây sống trên mặt đất, có loài sống dưới nước (rễ bám xuống đáy nước hoặc trôi nổi trên hoặc trong mặt nước), có loài cây vừa sống trên cạn vừa sống được dưới nước.

     III. Biện pháp 3: Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

     * Khái niệm

     Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục, trong đó, dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, từng cá nhân học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực tiễn khác nhau của đời sống gia đình, nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình.                                                               

  * Vai trò của hoạt động trải nghiệm trong phát triển năng lực:

– Phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, giải quyết vấn đề của học sinh.

– Phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh, giúp các em có cách nhìn toàn diện hơn trước các hiện tượng, sự việc nảy sinh trong hoạt động, cuộc sống hàng ngày.

* Cách tiến hành: Tôi thường tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Phổ biến về nội dung và kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm.

Bước 2: Tổ chức hoạt động trải nghiệm.

Bước 3: Đánh giá, tổng kết việc thực hiện hoạt động trải nghiệm.

* Ví dụ minh họa:

Bài 15: Trường học

Hoạt động: Quan sát, tìm hiểu về các phòng ban trong trường tiểu học của học sinh.

Mục tiêu:

– Học sinh kể được tên, vị trí một số các phòng ban trong nhà trường.

– Mô tả được về ngôi trường của mình qua lời nói, tranh vẽ, viết thư.

– Học sinh có thái độ yêu quý, gắn bó với ngôi trường thân yêu của mình.

– Phát triển năng lực tìm tòi khám phá, năng lực giao tiếp.

Bước 1: Phổ biến về nội dung và kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm

– Yêu cầu học sinh quan sát ngôi trường sau đó mô tả lại bằng lời nói và sơ đồ. Viết thư cho một người bạn thân để kể về ngôi trường của em.

Bước 2: Tổ chức hoạt động trải nghiệm

– Tổ chức cho học sinh tham quan xung quanh trường. Trước khi cho học sinh tham quan, nêu yêu cầu định hướng: Cần ghi chép lại tên, vị trí các phòng ban trong nhà trường.

– Nói với  nhau theo nhóm những gì đã quan sát được.

– Tổ chức cho học sinh vẽ lại sơ đồ ngôi trường.

– Triển lãm tranh, các nhóm khác nhận xét, đánh giá.

– Viết thư cho bạn (có thế là bạn ở nơi khác hoặc bạn học cùng lớp, cùng

trường) để kể về ngôi trường của em. Những bức thư viết ra cần được gửi đến người bạn thân trong thực tế và nhận hồi đáp bằng thư của bạn, học sinh trong lớp.

– Chia sẻ các lá thư hồi đáp và thư đã gửi đi.

Bước 3: Đánh giá, tổng kết việc thực hiện hoạt động trải nghiệm.

  – Đánh giá, tổng kết đưa ra kết luận: Trường học thường có sân, vườn và nhiều phòng như: Phòng làm việc của ban giám hiệu, phòng truyền thống, phòng thư viện và các phòng học.

     IV. Biện pháp 4:  S ử dụng triệt để đồ dùng dạy học.

     * Khái niệm:

     Đồ dùng dạy học là một tập hợp những đối tượng vật chất được giáo viên sử dụng với tư cách là những phương tiện điều khiển hoạt động nhận thức cho học sinh, đối với học sinh đó là nguồn tri thức phong phú sinh động, là các phương tiện giúp cho các em lĩnh hội tri thức và rèn luyện các kĩ năng, kĩ xảo.

     * Vai trò của đồ dùng dạy học trong phát triển năng lực:

– Giúp học sinh thu nhận thông tin về các sự vật hiện tượng một cách sinh động, đầy đủ, chính xác. Qua đó hình thành biểu tượng một cách rõ nét.

– Giúp học sinh nắm kiến thức mới, dễ hiểu bài, nhớ lâu kiến thức bài học.

– Phù hợp với tâm lí học sinh lớp 2, gây hứng thú cho học sinh trong học tập, phát triển tư duy đặc biệt là tư duy phân tích tổng hợp khái quát đối chiếu các sự vật hiện tượng.

– Giúp giáo viên trình bày bài giảng một cách đầy đủ, chính xác, sinh động, hấp dẫn qua đó nâng cao hiệu quả bài dạy.

– Tiết học diễn ra nhẹ nhàng hơn – tự nhiên hơn – hiệu quả hơn.

     * Phân loại đồ dùng dạy học:

     Trong hầu hết các tiết học của môn Tự nhiên và Xã hội, tôi thường xuyên sử dụng các đồ dùng dạy học sau:

– Tranh vẽ, ảnh chụp, tranh photo hoặc các mô hình, vật thật, video, các đồ dùng thí nghiệm được cung cấp hoặc tự làm.

– Bảng phụ hai mặt, bảng xếp, bảng cài.

– Phiếu học tập sử dụng cho cá nhân, nhóm.

– Các hộp màu vẽ,…..

– Phương tiện nghe nhìn: Máy cát sét, đàn, phách, song loan,

– Ngoài những đồ dùng trên thì trường đã cung cấp cho tôi máy tính, máy chiếu, màn hình, máy chiếu vật thể. Điều đó đã giúp tôi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học môn Tự nhiên và Xã hội vô cùng hiệu quả.

– Ngoài việc sự dụng những đồ dùng dạy học sẵn có, khối tôi đã tích cực nghiên cứu chương trình Sách giáo khoa để tạo ra một số đồ dùng phù hợp.

     V. Biện pháp 5: Sử dụng bản đồ tư duy.

     * Khái niệm:

     Bản đồ tư duy (Sơ đồ tư duy) là hình thức ghi chép nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức, bằng cách kết hợp việc sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết với sự tư duy tích cực. Đặc biệt đây là một sơ đồ mở, không yêu cầu tỉ lệ, chi tiết chặt chẽ như bản đồ địa lí, có thể vẽ thêm hoặc bớt các nhánh, mỗi người vẽ một kiểu khác nhau, màu sắc, hình ảnh, cụm từ diễn đạt khác nhau.

     Bản đồ tư duy chú trọng tới hình ảnh, màu sắc, với các mạng lưới liên tưởng (các nhánh). Có thể vận dụng Bản đồ tư duy vào hỗ trợ dạy học kiến thức mới, củng cố kiến thức sau mỗi tiết học, ôn tập hệ thống hóa kiến thức sau mỗi bài.

     * Vai trò của bản đồ tư duy trong phát triển năng lực:

– Khi học sinh đã thiết kế Bản đồ tư duy và tự “ghi chép” phần kiến thức như trên là các em đã hiểu sâu kiến thức và biết chuyển kiến thức từ SGK theo cách trình bày thông thường thành cách hiểu, cách ghi nhớ riêng của mình.

– Giúp học sinh học tập một cách chủ động, tích cực và huy động được tất cả học sinh tham gia xây dựng bài một cách hào hứng. Với sản phẩm độc đáo “kiến thức + hội họa” là niềm vui sáng tạo hàng ngày của học sinh.

– Phát triển năng lực riêng của từng học sinh về trí tuệ (vẽ, viết gì trên Bản đồ tư duy), hệ thống hóa kiến thức (huy động những điều đã học trước đó để chọn lọc các ý để ghi), khả năng hội họa (hình thức trình bày, kết hợp hình vẽ, chữ viết, màu sắc), sự vận dụng kiến thức được học qua sách vở vào cuộc sống.

* Cách tiến hành: Tôi thường tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Lập Bản đồ tư duy (theo nhóm hay cá nhân).

Bước 2: Báo cáo, thuyết minh về Bản đồ tư duy.

Bước 3: Thảo luận, chỉnh sửa, hoàn thiện Bản đồ tư duy. Giáo viên cố vấn, giúp học sinh hoàn chỉnh Bản đồ tư duy, dẫn dắt đến kiến thức trọng tâm của bài học.

     VI. Biện pháp 6: Phối hợp với phụ huynh học sinh, nhân viên thư viện, nhân viên y tế trong dạy học phát triển năng lực cho học sinh.

     Để dạy học theo định hướng phát triển năng lực, tôi đã phối hợp với phụ huynh học sinh, nhân viên thư viện, nhân viên y tế trong các hoạt động sau:

      a) Sưu tầm tư liệu, tranh ảnh, clip, video có liên quan đến bài học.

     Những tài liệu, tranh ảnh, clip, video, này có thể do phụ huynh và học sinh sưu tầm trên sách báo, trên mạng Internet; do đọc sách, báo được nhân viên thư viện giới thiệu; do nhân viên y tế tuyên truyền hoặc cũng có thể do chính phụ huynh chụp hoặc quay lại những hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của học sinh.

* Ví dụ minh họa:

Ví dụ: Bài 6: Hệ cơ

Với Phụ huynh học sinh: Trước khi dạy bài “Hệ cơ”, tôi giao nhiệm vụ cho học sinh cùng phụ huynh sử dụng Intrenet giúp con tìm tài liệu bằng từ khóa “hệ cơ” để đọc và xem clip, sưu tầm tranh, ảnh. Bên cạnh đó, tôi cũng động viên phụ huynh, chụp ảnh, quay clip học sinh tập thể dục buổi sáng hoặc buổi tối, chơi thể thao…… Kết quả, hầu như các bạn trong lớp có ảnh, clip để sử dụng trong tiết học.

Với Nhân viên thư viện: Tôi phối hợp với nhân viên thư viện hướng dẫn học sinh tìm đọc những cuốn sách liên quan đến hệ cơ như: Doraemon tìm hiểu cơ thể người, Bộ sách Những bước đi nhỏ – Cơ thể con người, ….

Với Nhân viên thư viện: Tôi đã cùng nhân viên y tế của trường quay clip hướng dẫn học sinh nhận biết, phòng tránh, xử lí tình huống khi bị căng cơ.

    b) Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

Ví dụ minh họa:

Ví dụ 1: Bài 12: Đồ dùng trong gia đình

Tôi đã phối hợp với phụ huynh học sinh trên cơ sở chuẩn bị trước, tiến hành phỏng vấn người thân trong gia đình để tìm hiểu về cách sử dụng cũng như những điều cần lưu ý khi sử dụng chúng. Từ đó tôi và học sinh cùng nhau tạo nên cẩm nang sử dụng đồ dùng trong gia đình.

  Ví dụ 2: Bài Phòng tránh ngã khi ở trường

  Tôi đã phối hợp với nhân viên y tế tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực hành sơ cứu nạn nhân có vết thương hở, chảy nhiều máu.

     c) Tổ chức tham quan học tập cho học sinh.

     Với các bài như “Trường học”, “Các thành viên trong nhà trường”, tôi phối hợp với nhân viên thư viện, nhân viên y tế tổ chức cho học sinh tham quan phòng thư viện, phòng y tế. Trước khi tham quan tôi đưa ra câu hỏi định hướng, yêu cầu học sinh quan sát, phỏng vấn, thu thập tranh ảnh, tư liệu về phòng thư viện, phòng y tế cũng như công việc của nhân viên thư viện, nhân viên y tế.

     Với các bài trong chủ đề “Tự nhiên” và chủ đề “Xã hội” như “Cây sống ở đâu?”, “Một số loài cây sống trên cạn”, “Một số loài cây sống dưới nước”, “Loài vật sống ở đâu?”, tôi khuyến khích phụ huynh cho con đi tham quan các vườn bách thú, vườn bách thảo, công viên, thủy cung, nông trại, Khuyến khích phụ huynh chụp ảnh, quay video làm tư liệu, ghi chép phiếu quan sát.

     VII. Biện pháp 7:  Phối hợp Tự nhiên và Xã hội với các môn học khác.

     Trong trường Tiểu học các môn học có tác dụng bổ trợ lẫn nhau, môn nọ là nền tảng để học tốt môn kia. Vì vậy trong quá trình giảng dạy, tôi luôn tích hợp kiến thức của các môn học có liên quan như: Tiếng Việt, Đạo đức, Mĩ thuật để giúp học sinh phát triển năng lực vận dụng, sáng tạo.

* Ví dụ minh họa: Chủ điểm: “Sông biển”, “Cây cối”, “Muông thú” ở các bài học trong SGK Tiếng Việt 2 có mối liên hệ mật thiết với chủ đề Tự nhiên trong môn Tự nhiên và Xã hội. Ở chủ điểm “Sông biển” bài tập đọc “Tôm càng và Cá con”, học sinh được biết cuộc sống thú vị ở dưới nước của các loài tôm cá và đặc biệt biết có loài cá ăn thịt: Con cá dữ.

– Hoặc bài Luyện từ và câu Tuần 26. Học sinh biết xếp tên các loài cá trong tranh vào hai nhóm:

+ Cá nước mặn (cá biển)    + Cá nước ngọt (cá ở sông, hồ, ao)

Và kể tên các con vật sống dưới nước như: sứa, ba ba,tôm…

Khi học Tự nhiên và Xã hội chủ đề tự nhiên bài 29: Một số con vật sống dưới nước, học sinh có thể liên hệ ngay đến các con vật sống dưới nước, hoặc biết rõ các loài cá nước mặn, nước ngọt, các loài cá dữ (ăn thịt).

– Hay ở chủ điểm Cây cối trong sách tiếng Việt 2, học sinh được cung cấp những kiến thức về cây sống lâu năm, cây to nhất, cây cao nhất, cây ăn quả, cây bóng mát… các em được liên hệ thực tế ở địa phương.

     KẾT QUẢ

     Bằng những biện pháp cụ thể đã áp dụng như vừa nêu trên, sau một năm học, với sự nỗ lực không ngừng của giáo viên và học sinh, tôi thấy năng lực chung và năng lực học tập môn Tự nhiên và Xã hội của học sinh đã được nâng cao rõ rệt. Học sinh yêu thích môn Tự nhiên và Xã hội hơn, hầu hết các em đều rất hào hứng tham gia vào các tiết học, chăm chú lắng nghe cô giáo giảng bài và tích cực tham gia các hoạt động. Nhiều em biết vận dụng sáng tạo kiến thức đã học vào cuộc sống hằng ngày. Điều này có thể thấy rõ với bảng số liệu sau:

Bảng 2a. Đánh giá năng lực chung của học sinh lớp 2A10 trường Tiểu học Vĩnh Hưng đầu tháng 4 năm 2019:

Sĩ số

Năng lực

Tốt

Hoàn thành

Chưa HT

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

 

54

Tự học

40

74%

14

26%

0

0%

Hợp tác

35

54%

19

54%

0

0%

Giải quyết vấn đề và sáng tạo

27

50%

27

50%

0

0%

     Bảng 2b. Đánh giá năng lực chuyên môn trong môn Tự nhiên và Xã hội của học sinh lớp 2A10 trường Tiểu học Vĩnh Hưng đầu tháng 4 năm 2019:

Sĩ số

Năng lực

Tốt

Hoàn thành

Chưa HT

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

Số lượng

Tỉ lệ %

 

54

Nhận thức

40

74%

14

26%

0

0%

Tìm tòi và khám phá

35

54%

19

54%

0

0%

Vận dụng

27

50%

27

50%

0

0%

     Bảng 2c. Đánh giá kết quả học tập môn Tự nhiên và Xã hội của học sinh lớp 2A10 trường Tiểu học Vĩnh Hưng cuối học kì 1 và đầu tháng 4 năm 2019:

Sĩ số

Đợt đánh giá

Tốt

Hoàn thành

Chưa HT

54

Cuối kì I

20 = 37%

34 = 63%

0 = 0%

54

Tháng 3

30 = 55%

24 = 45%

0 = 0%

      Kết quả trên là một minh chứng cho thấy chất lượng học tập môn Tự Nhiên và Xã hội của học sinh lớp tôi được nâng lên rất nhiều. Đây là thành công của tôi trong quá trình giảng dạy môn môn Tự nhiên và Xã hội theo hướng phát triển năng lực.

     BÀI HỌC KINH NGHIỆM:

     Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức các hoạt động theo hướng phát triển năng lực cho học sinh, tôi đã rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

     1. Yêu cầu về kiến thức:

– Giáo viên cần nắm vững được kiến thức, năng lực xuyên suốt trong toàn cấp học, đối với môn Tự nhiên và Xã hội nói riêng và các môn học khác nói chung. Từ hệ thống kiến thức, năng lực đó, giáo viên sâu chuỗi lại để có định hướng giảng dạy theo hướng phát triển năng lực cho học sinh đúng trọng tâm.

– Giáo viên cũng cần phải có kiến thức tích hợp trong từng bài, từng chủ điểm trong từng khối lớp, để thuận lợi trong việc thiết kế bài học, định hướng các phương pháp dạy học trong từng chủ điểm của môn học cho phù hợp.

     2. Lập kế hoạch bài học:

– Giáo viên cần nắm vững nội dung cơ bản của bài học trong Sách giáo khoa và những hướng dẫn cụ thể về mục tiêu và năng lực cần đạt.

– Tùy theo đặc điểm của từng bài mà xây dựng kế hoạch bài giảng phù hợp.

      3. Vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học:

– Các phương pháp dạy học Tự nhiên và Xã hội rất đa dạng. Mỗi phương pháp có mặt hay và hạn chế riêng vì vậy khi sử dụng các phương pháp dạy học giáo viên cần nắm vững các phương pháp hình thức tổ chức dạy học, lựa chọn kết hợp các phương pháp dạy học phù hợp với nội dung bài dạy, chủ điểm và năng lực cần đạt của bài học đó. Căn cứ vào đối tượng học sinh mà sử dụng các phương pháp dạy học một cách hợp lí, linh hoạt và đúng mức.

      4. Tổ chức tốt các hoạt động trên lớp:

– Giáo viên cần khéo léo sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, các hình thức tổ chức, dẫn dắt học sinh đạt được đích cần đến sau những hoạt động.

– Không tách rời các hoạt động mà phải có sự đan xen, liên kết, hỗ trợ giữa các hoạt động với nhau.

– Để tiết dạy nhẹ nhàng có hiệu quả giáo viên cần giao việc rõ ràng, chốt nội dung kiến thức ở từng hoạt động. Luôn tôn trong mọi suy nghĩ đóng góp, ý kiến hoặc câu trả lời của học sinh.

– Đặc biệt cần động viên khuyến khích, học sinh thường xuyên. Giúp học sinh tự tin hơn, chủ động hơn trong việc chiếm lĩnh tri thức.

      5. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức và phương tiện dạy học:

– Giáo viên có thể vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học theo cá nhân, theo nhóm nhỏ, theo lớp ở trong hoặc ngoài phòng học. Tổ chức các trò chơi học tập để khuyến khích học sinh tích cực hoạt động, lĩnh hội kiến thức.

– Ngoài ra, đồ dùng dạy học là phương tiện dạy học không thể thiếu trong những tiết dạy. Vì vậy, khi sử dụng  giáo viên phải nắm vững ý đồ của đồ dùng, linh hoạt đưa đồ dùng đúng lúc để phát huy hết tác dụng. Cần phải sử dụng đồ dùng như một nguồn cung cấp kiến thức chứ không để minh họa cho bài học, làm đẹp cho giờ học.

CHƯƠNG 4

KẾT LUẬN – KHUYẾN NGHỊ

     I. KẾT LUẬN

     Qua quá trình tìm hiểu nội dung, phương pháp giảng dạy môn Tự nhiên và Xã hội cũng như qua quá trình trực tiếp giảng dạy lớp 2, tôi nhận thấy để có được thành công và có hiệu quả cao trong giờ dạy theo định hướng phát triển năng lực, người giáo viên cần phải:

+ Nghiên cứu kĩ nội dung bài dạy, lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp, chuẩn bị đồ dùng dạy học, tư liệu chu đáo.

+ Không ngừng học hỏi đồng nghiệp để trau dồi chuyên môn nghiệp vụ như dự giờ, thăm lớp.

+ Tham gia đầy đủ các lớp học bồi dưỡng do nhà trường cử đi.

+ Đọc Sách giáo khoa, các tài liệu khác để bổ trợ kiến thức Tự nhiên và Xã hội nói riêng và các kiến thức khác nói chung cho bản thân.

+ Có ý thức tự trau dồi, tự bồi dưỡng kiến thức, tự học không ngừng, bởi “Mỗi thầy cô là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.

+ Học sinh cần được coi là trung tâm của quá trình học, tự mình chiếm lĩnh hệ thống kiến thức, năng lực dưới sự điều khiển của giáo viên.

     II. Khuyến nghị

     2.1. Khuyến nghị với giáo viên trong tổ chuyên môn:

     Khi giảng dạy, để thực hiện được tất cả những biện pháp đã nêu trên, theo tôi người giáo viên cần:

– Chú ý xác định nhiệm vụ của từng nội dung, từng tiết học để có kế hoạch tổ chức các đoạt động cho hợp lí.

– Thường xuyên trau dồi kiến thức, năng lực sư phạm, phương pháp dạy học bộ môn cho mình.

– Hình dung trước những khó khăn, những sai lầm mà học sinh có thể mắc phải để chuẩn bị cách hướng dẫn thích hợp.

– Sau mỗi lần dạy cần nghiên cứu lại để bản thân giáo viên có kinh nghiệm hơn có thể dùng phương pháp tốt hơn.

     2.2. Khuyến nghị với Ban giám hiệu nhà trường.

     Giáo viên chúng tôi mong muốn được cung cấp thêm tài liệu về Tự nhiên và Xã hội như sách, truyện, tài liệu và tài liệu về dạy học theo định hướng phát triển năng lực.

     2.3. Khuyến nghị với các Cán bộ giáo dục

+ Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Tự nhiên và Xã hội cho học sinh.