Một nỗi buồn tuyệt đẹp

(Thethaovanhoa.vn) – “Người yêu dấu ơi về đây với tôi, nép bên bờ vai bên tôi hãy ngồi và nói những câu buồn vui và vuốt mái cho tóc tôi dù chỉ là những gian dối với tôi, nói lên câu ân tình, tình đã xa vời”. Năm 1988, người Việt lần đầu tiên được nghe một bài hát nhạc Nhật với giai điệu gần như “ngấm” ngay lần đầu tiên. Đó là ca khúc Hận tình trong mưa (lời Việt: Phạm Duy) nằm trong album Dạ vũ yêu thương 3 với tiếng hát Carol Kim. Mãi sau này nhiều người mới biết tên họ đầy đủ của ca khúc này, Koibito Yo, một sáng tác để đời của Mayumi Itsuwa.

Koibito Yo (Oh dear love – Người yêu dấu) khai sinh vào tháng 8/1980, đã đưa Mayumi Itsuwa, vốn đang cặm cụi không mấy thành công trên con đường âm nhạc, trở thành một huyền thoại pop đương đại Nhật Bản.

Thu âm tại Pháp, phát hành tại Nhật, thắng lớn ở… Hong Kong  

Âm nhạc của Mayumi Itsuwa lúc nào cũng vương vấn nỗi buồn. Hầu như những sáng tác của cô đều nói về tình yêu, sự mất mát, những nỗi buồn len lén nối nhau một cách nhịp nhàng, không lên gân, tạo cảm giác dễ chịu và đọng lâu. Koibito Yo là một điển hình.

Bài hát là một câu chuyện buồn kể về một người phụ nữ ngồi trên ghế đá công viên trong một chiều mưa khi mùa đông đang đến gần. Người phụ nữ cô đơn và ước người đàn ông vừa chia tay sẽ quay lại và nói “lời chia tay kia, chỉ là bông đùa”. Nhưng bóng dáng xưa cũ không quay về và trong nỗi buồn nhớ buổi chiều đông, người phụ nữ thì thầm hát: “Người yêu dấu ơi, tạm biệt anh. Dẫu thế nào thì bốn mùa vẫn nối tiếp nhau đến trong đời. Chuyện của đôi ta giờ như vì sao băng trong đêm, sáng ngời rồi vụt tắt, tựa một giấc mơ đã qua”. “Giấc mơ” trong chữ dùng của Itsuwa, Mujou No Yume, có nghĩa mang tính vô thường, hạnh phúc thường ngắn ngủi.

Mayumi Itsuwa và album Koibito Yo phát hành 1980

Giọng hát của Mayumi Itsuwa nhẹ nhàng chất đầy cảm xúc như thể cô là thiếu phụ trên chiếc ghế đá cô đơn chiều đông. Lời bài hát ngay lần đầu tiên được nghe đã “ám” công chúng như thể đây là câu chuyện của chính họ. Và ai cũng tin rằng Itsuwa đang kể về mối tình của chính cô.

Nhưng thực tế không phải vậy dù câu chuyện của Itsuwa cũng đẫm màu bi kịch. Bài hát ra đời vào tháng 8/1980, thì trước đó vài tháng, người bạn thân nhất của cô, nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng Takasuke Kida, qua đời trong một tai nạn thảm khốc. Itsuwa luôn xem Kida là một người thân trong nhà và cái chết của ông làm cô đau đớn, “như thể chạm vào tim tôi, tôi muốn ngã quỵ và không muốn tin đó là sự thật”. Nhưng sự thật không thể thay đổi. Trong nỗi buồn sâu thẳm, những ca từ hiện lên trong tâm trí Itsuwa và khi nó hoàn thành (rất nhanh) thì Itsuwa ngồi vào piano và ráp nhạc. đây là một trong rất ít bài hát mà Itsuwa sáng tác lời trước khi làm nhạc. Bài hát được hoàn thành tại Paris (Pháp) khi cô đang lưu diễn tại đây và sau đó được phát hành tại Nhật.

Lúc đầu Itsuwa chỉ định đệm piano cho bài này nhưng khi nhà sản xuất Funayama nghe bản demo, ông quyết định gắn thêm dàn dây và phần mở đầu (intro) cho dàn dây kéo suốt 40 giây và 10 giây tiếp theo là phần đệm piano của Itsuwa. Lúc đó, việc cho intro kéo dài quá lâu trong một bài nhạc pop là một sự dũng cảm. Các nghệ sĩ phương Tây khi ấy có nhiều người cũng làm thế (thậm chí dài hơn) nhưng ở thị trường pop châu Á, ít nghệ sĩ nào dám “câu” công chúng lâu đến vậy. Koibito Yo là một ngoại lệ và chính phần mở đầu của một dàn violin đã đưa người nghe bay bổng ngay từ phút đầu tiên và quyết định sự thành công của ca khúc này. Nhạc sĩ Funayama soạn giai điệu riêng cho dàn dây theo tinh thần của bài hát, ở đó người nghe cảm nhận được tiếng gió thổi, tiếng mưa rơi và những giai điệu chồng lớp như diễn tả tâm trạng rối bời của người phụ nữ… Sau này Itsuwa nói rằng cô không thể tin được một phần mở đầu với mô hình y như kiểu soạn nhạc cho phim lại thành công đến vậy và cô đã rất thích.

Koibito Yo vừa phát hành lập tức chiếm vị trí quán quân trên bảng xếp hạng uy tín nhất của Nhật, Oricon, suốt 3 tuần liên tiếp. Đây là single thứ 18 của Itsuwa và 1 triệu đĩa bán hết veo. Sau đó album cùng tên đã được trao tặng giải Vàng tại Japan Record Awards. Nhưng thành công ở Nhật không lớn bằng Hong Kong, Đài Loan và Indonesia. Bài hát này trở thành một hiện tượng trong cộng đồng Hoa ngữ. Bất ngờ hơn, bài hát được yêu thích không phải bởi Itsuwa hát mà là một giọng ca sĩ người Hong Kong. Hong Kong lúc đó đã là “trùm” băng đĩa lậu, thậm chí hát “lậu”. Itsuwa kể lại lúc cô xuống sân bay Hong Kong, cả nghìn người ra đón và họ xin chữ ký trên đĩa nhưng hóa ra đĩa đó là bản lậu do một người khác hát. “Đó cũng có thể là lý do mà tên tuổi tôi được truyền đi nhanh thế. Lúc đó, đĩa ở Nhật chưa phát hành tại Hong Kong hay Đài Loan và người ta quyết định tìm một người đóng thế vai tôi và may mắn là thành công”, Itsuwa nhớ lại.  

Tại Việt Nam, phải  8 năm sau công chúng mới biết nhiều đến bản này qua tiếng hát Carol Kim từ hải ngoại. Cấu trúc bài hát không khác nhau lắm, chỉ đoạn giữa được thay bằng tiếng guitar gỗ và tiếng hát của Carol hơi ngả sang “soul” trong khi Itsuwa lại trong vắt và tê tái hơn. Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ lời bài này và cho đến nay ít nhất nó đã được thể hiện qua 15 giọng hát khác nhau ở thị trường hải ngoại.

Ngoài phiên bản của Phạm Duy, Koibito Yo cũng tồn tại ở Việt Nam với 2 phiên bản khác, dù phần lời khác từ ít đến nhiều. Năm 1992, cố ca sĩ Ngọc Tân đã hát lại bài này trong album cassette Một chút gió đầu mùa với phần song ngữ Việt – Nhật cùng tựa đề Người yêu hỡi. Năm 2005, ca sĩ Mỹ Tâm cho ra đời phiên bản mới, lời mới với tựa Người yêu dấu ơi nằm trong album Hoàng hôn thức giấc. Mới nhất là phần thể hiện của Hồ Quỳnh Hương trong chương trình ca nhạc Chào 2014 của VTV.

Một huyền thoại

Mayumi Itsuwa sinh năm 1951. Cô tự sáng tác và chơi nhạc của chính mình, thứ âm nhạc nhuốm màu folk pha pop. Itsuwa được xem là một Carole King của Nhật và cũng chính Carole King đã đệm piano trong một vài album của Itsuwa. Với lối sáng tác hơi thiên Tây phương, Itsuwa luôn mong muốn hướng ra bên ngoài nhiều hơn là thị trường nội địa và bản thân cô hợp tác và làm việc với nhiều nhà sản xuất có tiếng tăm tại Mỹ. Sự xuất hiện của ca khúc Koibito Yo đã giúp Itsuwa trở nên nổi tiếng không chỉ ở Nhật mà còn tại châu Á. Từ năm 1980 trở đi những sáng tác của cô được biết đến nhiều hơn.

Có lẽ Itsuwa là nghệ sĩ Nhật được cover nhiều nhất tại Việt Nam. Ngoài Koibito Yo còn phải kể thêm Nokoribi (Tàn tro), Kokoro No Tomo (Khi cô đơn em gọi tên anh), Amayadori (Trú mưa), Rebaibaru (Trời còn mưa mãi)…

Mayumi Itsuwa cùng với Yumi Matsutouya, Miyuki Nakajima và Mariya Takeuchi là biểu tượng cho thế hệ Kayo Kyoku của J-pop – những ca sĩ tài năng cả trong sáng tác trong 2 thập niên 1970-1980.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần