Mốt ăn rau rừng tung hoành siêu thị, nhà hàng
Xuất hiện trên thị trường đã lâu nhưng gần đây trào lưu ăn rau rừng bỗng rộ lên tại TP HCM.
Rau rừng bán đầy phố: Có an toàn?Hà Nội: Cả làng ăn đặc sản rau dại ‘cứu đói’Chuyện lạ: Nhà giàu Hà Nội ăn rau dại ‘cứu đói’Xem bài khác trên Vef.vn
Không chỉ được bán ở những nhà hàng, quán ăn đặc sản vùng miền, rau rừng còn được bán kèm với bánh xèo, thịt bò và bắt đầu chen chân vào siêu thị.
Rau rừng “ngập” phố
Chỉ trong mấy tháng gần đây, đoạn đường từ cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 1, TP HCM) sang khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh) liên tiếp xuất hiện nhiều bảng hiệu quán ăn có gắn với chữ “rau rừng”. Tại quán bánh xèo bình dân trên đường Dương Bá Trạc (quận 8), chủ nhân không ngớt tay đổ bánh, lấy rau, nước chấm cho khách ăn ngay mà còn tất bật làm cho khách mang về. Bí quyết khiến quán lúc nào cũng nườm nượp khách là ở chỗ rau sống, ngoài mấy loại truyền thống là cải cay, diếp cá, xà lách, quế còn có thêm 4-5 loại rau rừng.
Cách đó vài trăm mét là tủ kính bán thịt bò tươi sống treo nguyên tảng lớn cũng trưng biển hiệu “bò tơ Củ Chi rau rừng”. Chị Nguyễn Thị Thuyền – chủ quán – kể trước kia chỉ bán thịt bò, mới bán thêm rau rừng khoảng 2 tháng nay vì khách hỏi mua liên tục.
“Thịt luộc, rau rừng đang là món ăn “hot” ở mấy quán chuyên về thịt bò ở khu vực Củ Chi nên ở đây họ muốn có rau để tự chế biến ăn ở nhà. Rau rừng tôi lấy hằng ngày có khoảng 5-6 loại, tên chỉ biết một số dễ nhớ như lá cóc, lá xoài, lá nhái còn nữa thì chỉ biết chia theo vị chua hay chát!” – chị Thuyền nói.
Anh Quang Toán (ngụ quận 3) cho biết gần đây tuần nào gia đình anh cũng ăn rau rừng 2-3 lần không chỉ vì đổi món cho lạ miệng mà còn thấy ngon, mùi vị đậm đà. Tuy nhiên, anh cũng thận trọng khi chỉ dám mua rau rừng ở siêu thị vì bản thân chưa phân biệt hết được các loại rau, sợ lẫn lá có độc.
Khảo sát trên thị trường thì đặc sản rau rừng ngày càng dễ mua. Ở các chợ truyền thống như: Bến Thành, Bà Chiểu, Bàn Cờ, Hoàng Hoa Thám đều có 1-2 sạp bán rau rừng cùng với lá xông, trà xanh, măng rừng, bắp chuối… và khá đắt hàng.
Dù có nhiều loại như: trâm sắn, quế vị, bứa sông, bứa rừng, lá cách, lá vừng, bằng lăng, rau nhái, lá lụa, lá cóc, mặt trăng, đọt chiết… nhưng không bán riêng từng loại mà để lẫn, bán chung giá từ 40.000-45.000 đồng/kg. Người bán cũng không quên dặn người mua nên ăn ngay và không nên bỏ vào tủ lạnh vì dễ hư.
Phải trồng mới đủ nhu cầu
Tại siêu thị Lotte Mart Nam Sài Gòn (quận 7), rau rừng bán dạng xôn có 5-6 loại bỏ chung một khay để khách hàng tự lựa trước khi đem cân, tính tiền, giá bán hiện 42.500 đồng/kg. Còn tại Co.opmart và Metro, rau được đóng gói sẵn gồm nhiều loại bên trong, nhãn bên ngoài cũng chỉ ghi chung là “rau rừng”.
Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết mới bán thử nghiệm rau rừng ở 5 siêu thị tại TP HCM. Siêu thị không bán loại thu hái trong tự nhiên mà từ một trang trại ở Gia Lai trồng thử nghiệm các giốngrau rừng.
Ông Trần Hữu Lãnh, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Thương mại Dịch vụ Trần Gia (quận 1), cho biết sản lượng rau rừng bán mỗi ngày lên đến 40-50 kg cho thị trường TP HCM. Ngoài ra, còn có khách đặt để chuyển đi Huế, Hà Nội tuy không thường xuyên nhưng số lượng lớn. Để đáp ứng được nhu cầu, công ty có trang trại chuyên trồng các giống rau rừng và còn liên kết với nông dân trồng và bao tiêu sản phẩm cho họ.
Theo ông Lãnh, tiềm năng của thị trường là rất lớn do được người tiêu dùng ưa chuộng vì ngon, lạ miệng. Ngoài ăn sống còn có loại rau luộc, xào, nhúng lẩu cho đủ nhu cầu tiêu dùng rau xanh của người dân.
Lo người tay ngang
Theo thạc sĩ Lương Văn Dũng, Phó Khoa Sinh học Trường ĐH Đà Lạt, về mặt khoa học, chưa thể khẳng định rau rừng là an toàn tuyệt đối vì vẫn chưa có nghiên cứu toàn diện về hóa hợp chất bên trong của chúng.
Tuy nhiên, con đường từ rừng trở thành hàng hóa của rau rừng trải qua đúc kết kinh nghiệm nhiều đời của cộng đồng dân gian đã chứng minh phần lớn rau rừng đang sử dụng là an toàn. Chỉ lo là khi nhu cầu thị trường tăng lên sẽ kéo theo những người “tay ngang” tham gia vào việc thu hái, buôn bán. Những người này chưa có đủ kinh nghiệm để phân biệt rau rừng ăn được và không ăn được nên có thể thu hái nhầm cả những loại rau có độc tính, người bán cũng không biết để loại ra thì sẽ nguy hiểm cho người dùng, dù chỉ 1-2 lá.
(Theo NLĐ)