Món ăn từ trái Vả: ăn vả cho đỡ vất vả
Nội Dung Chính
Món ăn từ trái Vả: ăn vả cho đỡ vất vả
Đối với người dân xứ Huế, vả là một loại cây không thể thiếu từ sân vườn cho đến bàn ăn. Trái vả được nhiều người cho rằng đây là loại trái cây nhất định phải thử khi đến Huế.
Vả là loại trái cây thuộc họ sung. Trái vả và trái sung hoàn toàn giống nhau về hình dáng cấu tạo: vỏ xanh – thịt trắng – lòng hồng, nhưng cả trái và lá sung đều nhỏ hơn vả. Sung lẫn vả đều ăn được nhưng vị của sung hơi chát, còn vả có cả vị béo, bùi nữa. Nên trái vả đã được các o các mệ biến tấu, chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Vả dùng để nấu ăn thường được chọn quả xanh chưa ngả màu, vì lúc này vả sẽ giòn và bùi hơn.
Vả trộn
Trong các món ăn làm từ vả thì vả trộn là món không thể thiếu, thường xuất hiện trong các bữa tiệc, lễ, tết với nhiệm vụ là một món khai vị kích thích vị giác và bổ dưỡng.
Nguyên liệu đa dạng nhưng dễ kiếm
-
Quả vả sau khi được luộc kỹ thì được cho vào nước lạnh để nguội rồi mới đem ra gọt vỏ và thái lát hình chữ C vừa ăn. Dùng tay vắt cho ráo nước rồi xé tơi ra để chuẩn bị trộn.
-
Thịt lợn luộc thái hạt lựu, tôm luộc bóc vỏ. Hoặc thay vì luộc một số nơi chọn cách xào thịt với tôm để thấm gia vị trước.
-
Mè và đậu phộng được rang chín, thơm lừng, sau đó giã nhẹ.
-
Bánh tráng (bánh đa) nướng vàng giòn 2 mặt.
Trộn đều tay tất cả các nguyên liệu trên, nêm thêm một ít nước mắm tỏi ớt đã pha sẵn, điểm thêm vài hành ngò, rau thơm để trang trí.
Độc đáo từ hương vị cho đến cách thưởng thức
Thay vì dùng đũa, thìa để thưởng thức thì người dân miền Trung nói chung,người Huế nói riêng lại thích dùng bánh tráng để xúc món vả hơn. Miếng bánh tráng nướng thơm giòn giòn. Chứa đựng cái béo béo bùi bùi của quả vả hòa với cái ngọt của tôm thịt. Thêm chút mặn mặn của nước mắm. Dân nhậu gọi vả trộn là một món cực “bén mồi” quả không sai.
Vả hầm sườn non
Quả Vả còn được xem như là một bài thuốc rất tốt cho sức khỏe. Vì nó mang lại giá trị dinh dưỡng cao với lượng chất xơ dồi dào rất tốt cho hệ tiêu hóa. Đặc biệt món sườn non hầm vả luôn được các mệ nấu để bồi bổ cho con mình khi mang thai, hoặc vừa mới sinh xong.
Sườn non là một loại thực phẩm cực kỳ giàu vitamin và khoáng chất. Với hàm lượng dinh dưỡng cao, vả giúp nhiều sự phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Nếu ăn nhiều sườn lại dễ bị táo bón, vả lại giúp hỗ trợ tiêu hóa. Nên sườn và quả vả đúng là một sự kết hợp hoàn mỹ về dinh dưỡng lẫn hương vị.
Chế biến sườn non hầm vả đơn giản không ngờ
Sườn non rửa sạch chặt thành từng miếng vừa ăn. Vả thì cắt miếng vừa thành hình chữ C rồi bóp nhẹ với nước muối cho bớt đi vị chát.
Cho tỏi, hành vào phi thơm rồi xào săn sườn. Cho vả vào đảo đều nêm nếm gia vị vừa ăn, thêm nước và hầm trong khoảng 30 phút. khi ăn có thể cho thêm các loại rau thơm, hành ngò để tăng hương vị.
Dưới cái tiết trời mùa đông của xứ Huế mà lại được húp xì xụp bát canh vả hầm sườn non nóng hổi thì còn gì bằng.
Vả ngâm chua ngọt
Ngoài dưa ngâm, cải ngâm, ớt ngâm,… các bà nội trợ Huế còn biến tấu thêm một món ngâm nữa từ trái vả. Món vả ngâm chua ngọt. Món vả ngâm không chỉ là cách bảo quản vả mà còn là món ăn kèm độc đáo lạ miệng, là món quà quê quý giá cho những ai đến với xứ huế.
Khi đến mùa những trái vả xanh trên cây sẽ rất nhiều. Nếu không hái xuống thì một thời gian vả sẽ chín ăn sẽ không ngon nữa. Lúc này quả vả sẽ được các mệ hái xuống cạo vỏ cắt nhỏ và rửa bằng nước muối sau đó để ráo.
Cách làm không quá cầu kì
Khâu quan trọng nhất làm nên hương vị của món ăn này là chuẩn bị nước ngâm. Cho 100gr muối, 70ml giấm ăn, 800ml nước lọc và 100gr đường vào nồi. Sau đó, đun với lửa nhỏ và khuấy đều khoảng 5 phút đến khi các gia vị tan hết và hỗn hợp nước ngâm sôi thì bạn tắt bếp và để nguội hẳn.
Riềng mua về bạn rửa sạch sau đó dùng muỗng cạo sạch vỏ và dùng dao cắt thành các lát mỏng vừa phải. Tỏi bạn lột vỏ, ớt bạn bỏ cuống, rửa sạch và để ráo.
Sau đó cho tất cả các nguyên liệu vừa sơ chế vào nước ngâm đã để nguội rồi trộn đều.
Xếp vả ngay ngắn vào trong hũ rồi cho nước ngâm vào sao cho ngập hết vả. Cho một ít nước ngâm còn thừa vào bọc ni lông. Đặt nó lên trên quả vả để nó giữ cho vả trong quá trình ngâm không bị nổi lên. Cuối cùng đóng nắp lại ngâm trong khoảng 3 đến 4 ngày là dùng được.
Vả ngâm chua ngọt món ăn của tuổi thơ
Vả ngâm thường được ăn cùng với thịt luộc, các món nướng món chiên. Nhưng đối với các gia đình người Huế món vả ngâm có thể ăn trực tiếp với cơm nóng. Ngày trước đây được xem như là món cứu đói trong những ngày khó nhưng dần nó như một thói quen. Món ăn dân dã này luôn hiện hữu trong các mâm cơm, trong cả kí ức của những người con của đất Huế khi xa xứ.
Vả còn nhiều cách khác nữa để tạo ra những món ăn nữa. Mong bạn sẽ có dịp đến Huế và thưởng thức những món ăn làm ra từ vả. Cứ tin như người Huế là ăn vả nhiều sẽ bớt vất vả.
Người viết: Kim Toàn