Mối lo an toàn thực phẩm ngày Tết
Lực lượng CSGT Công an tỉnh vừa phát hiện, bắt giữ lái xe tải chở hơn 700kg nội tạng động vật hôi thối, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên đường đi tiêu thụ qua địa bàn huyện Tam Nông. Nếu không bị bắt giữ, không ai biết số nội tạng này sẽ đi về đâu song chắc chắn một điều, nó nghiễm nhiên trở thành món ngon khoái khẩu xuất hiện trên bàn ăn của nhiều người!.
Tết cổ truyền đã đến gần, nhu cầu mua sắm thực phẩm tăng cao, là cơ hội để thực phẩm bẩn trà trộn. Và xuất hiện nghịch lý đau xót là khi đời sống được nâng cao, nhu cầu ăn no được thay thế bằng ăn ngon thì ngày càng bất an về chất lượng an toàn thực phẩm, các bà nội trợ càng mất niềm tin, hoang mang khi xách làn đi chợ. Để tự bảo vệ mình và người thân trước tình trạng bủa vây của thực phẩm bẩn, đặc biệt trong các ngày Tết, một số người đã tìm đến giải pháp tình thế như mua từ các đầu mối uy tín, chất lượng hoặc mua trực tiếp tại lò mổ, mua rau củ quả tại nơi sản xuất. Nhiều người chung nhau đặt nuôi lợn sạch ở quê rồi thịt chia nhau ăn dần, tự trấn an mình yên tâm về chất lượng. Thực tế rất khó để trở thành người tiêu dùng thông thái khi thủ đoạn “phù phép” từ đồ ôi thiu sang đồ ăn hấp dẫn, đóng gói bắt mắt đang được những người không có lương tâm lạm dụng, làm giả.
Năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, sau đó là Lễ hội Xuân 2019, nhiều lễ hội với hàng triệu lượt khách tham dự, đây cũng chính là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thông tin tuyên truyền bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Trên địa bàn tỉnh, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc với những đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Mới đây, Sở Y tế đã đưa ra con số trên 85% cơ sở sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.! Đây có thể coi là thành tích đáng ghi nhận của các cơ quan chức năng trong cuộc chiến bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, trên thực tế, mối lo thực phẩm bẩn vẫn thường trực với mỗi gia đình, đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền.
Luật vệ sinh An toàn thực phẩm đã được ban hành với những chế tài xử lý vi phạm cụ thể. Do đó, để hạn chế và từng bước đẩy lùi nguy cơ mất vệ sinh ATTP, cần nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP, yêu cầu đặt ra là phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP. Ngoài việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, cần tăng cường thanh tra chuyên ngành ATTP theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao về ATTP.
Cùng với đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ các quy định bảo đảm vệ sinh, ATTP; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận ATTP; đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn, địa chỉ bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn. Có làm được như vậy, ngày xuân mới trọn vẹn niềm vui, bữa cơm ngày Tết không còn ám ảnh bởi thực phẩm bẩn.!
Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử