Mô hình hệ sinh thái kinh doanh – DIGITAL VN

Hệ sinh thái kinh doanh (Business Ecosystem) là một mạng lưới các tổ chức và doanh nghiệp liên kết với nhau, tương tác linh hoạt thông qua cạnh tranh và hợp tác để tăng doanh số và tồn tại. Khi một hệ sinh thái kinh doanh phát triển mạnh, điều đó có nghĩa là những người tham gia thị trường đã thành công trong việc sắp xếp và tổ chức hợp lí hóa luồng ý tưởng, tài năng và vốn trong toàn hệ thống.

Ý tưởng của hệ sinh thái kinh doanh là mỗi thực thể trong hệ sinh thái đều ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng bởi các thực thể khác, tạo ra một mối quan hệ không ngừng phát triển, trong đó mỗi thực thể phải linh hoạt và thích nghi để tồn tại như trong hệ sinh thái sinh học.

Những tiến bộ trong công nghệ và sự gia tăng của toàn cầu hóa đã thay đổi các quan niệm cũ về phương pháp kinh doanh tốt nhất. Ý tưởng về hệ sinh thái kinh doanh được cho là giúp các công ty hiểu cách thứcđể phát triển mạnh trong môi trường kinh tế thay đổi nhanh chóng ngày nay.

Hệ sinh thái kinh doanh đã thúc đẩy sự hợp tác mới để giải quyết các thách thức xã hội và môi trường đang gia tăng. Khai thác sự sáng tạo và đổi mới để giảm chi phí sản xuất hoặc giúp các thành viên trong hệ sinh thái tiếp cận khách hàng mới. Thúc đẩy quá trình học tập để hợp tác hiệu quả và chia sẻ những hiểu biết, kĩ năng chuyên môn và kiến thức. Hệ sinh thái kinh doanh cũng tạo ra những cách thức mới để giải quyết những nhu cầu và mong muốn cơ bản của con người.

Không phải công ty nào cũng có thể chiến thắng trong cuộc chơi phát triển hệ sinh thái, tuy nhiên vẫn có thể hoạt động tốt và kiếm lợi nhuận thông qua việc trở thành đối tác hoặc nhà cung ứng cho thị trường. Để phát triển tốt hệ sinh thái kinh doanh, các công ty phải nắm rõ sáu nguyên tắc vàng sau đây:

  • Một là: Doanh nghiệp áp dụng được tư duy hệ sinh thái. Họ cần mở rộng góc nhìn về các đối thủ cạnh tranh, cũng như sự thay đổi của thị trường dưới lăng kính đa ngành.
  • Hai là: Các doanh nghiệp phải có khả năng cạnh tranh trên phương diện dữ liệu, có khả năng tổng hợp,  lưu trữ, xử lý và phân tích để tạo ra thông tin hữu ích cho hoạt động kinh doanh.
  • Ba là: Mỗi doanh nghiệp phải xây dựng được ây dựng mối quan hệ tình cảm với khách hàng. Trong thời đại của nền kinh tế trải nghiệm như hiện nay, giành được lòng trung thành từ phía khách hàng thông qua kết nối về cảm xúc là thành công lớn mà doanh nghiệp luôn hướng tới. Các doanh nghiệp đang tập trung khai thác cảm xúc của khách hàng thông qua các công cụ để hiệu chỉnh sản phẩm và dịch vụ, dựa trên dữ liệu thu thập được, bao gồm các nội dung thu hút, mô hình kỹ thuật số giúp giải quyết khó khăn của khách hàng.
  • Bốn là: Doanh nghiệp xây dựng hệ sinh thái kinh doanh yêu cầu các công ty thu hút nhân sự phù hợp cũng như phát triển mô hình quản trị và cách thức làm việc linh hoạt, đánh giá chiến lược quản trị nhân sự và điều chỉnh theo mô hình mới.
  • Năm là: Xây dựng hệ thống đối tác đa dạng, bao gồm các nhà hàng, rạp chiếu phim… để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Bằng phương pháp này, hệ sinh thái của doanh nghiệp dường như lớn hơn nhiều lần so với quy mô thực tế.
  • Sáu là: Doanh nghiệp cần xác định chiến lược tổng thể để phát triển trong lĩnh vực hệ sinh thái. Tham gia một cuộc chơi hấp dẫn và cũng đầy rủi ro, doanh nghiệp có thể không trở thành thương hiệu chiếm lĩnh thị trường nhưng hoàn toàn có thể “chung sống” với các ông lớn bằng cách phát triển một đối tác hoặc nhà cung ứng cho thị trường. Quyết định cạnh tranh để chiếm lĩnh hay trở thành đối tác để tồn tại, các nhà lãnh đạo cần hiểu rõ những ưu điểm đang tạo ra giá trị cho hệ sinh thái, đồng thời cân nhắc nội tại doanh nghiệp có thể cung cấp được gì cho khách hàng và thị trường.

Thực chất, mô hình Hệ sinh thái đã xuất hiện được một khoảng thời gian, ví dụ như các trung tâm thương mại kết nối các khách hàng và các cửa hàng; báo chí kết nối độc giả và các nhà quảng cáo. Ngày nay mô hình kinh doanh Hệ sinh thái thay đổi do sự xuất hiện của công nghệ, đã giúp giảm nhu cầu sở hữu cơ sở hạ tầng và tài sản vật chất. Công nghệ đã giúp việc xây dựng và mở rộng các Hệ sinh thái trở nên đơn giản và rẻ hơn, giúp cho việc tham gia và củng cố “hiệu ứng mạng lưới” trở nên trơn tru hơn, cũng như nâng cao khả năng nắm bắt, phân tích và trao đổi lượng lớn dữ liệu và tăng giá trị cho các bên tham gia trong hệ sinh thái.

Dù mô hình kinh doanh Hệ sinh thái có nhiều hình thức khác nhau nhưng tựu chung vẫn có cấu trúc cơ bản bao gồm 4 bên tham gia:

  • Chủ sở hữu hệ sinh thái kiểm soát quyền sản phẩm sở hữu trí tuệ, đóng vai trò quản lý. Ví dụ, Google tạo ra Hệ điều hành Android và không ngừng cải tiến nó.
  • Các nhà cung cấp là cầu nối giữa hệ sinh thái và người tiêu dùng. Ví dụ, các nhà sản xuất điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android như Samsung, Sony, HTC…
  • Các nhà sản xuất đưa ra các loại sản phẩm, dịch vụ. Ví dụ, những nhà phát triển app, những đơn vị phát hành nội dung, phim ảnh, âm nhạc…
  • Người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ, sản phẩm đó.

Mỗi một mô hình hoạt động đều có những ưu điểm và nhược điểm, điều quan trọng là chúng ta biết lựa chọn mô hình phù hợp với quy mô doanh nghiệp, tình hình tài chính và sản phẩm mà doanh nghiệp đang hướng đến.