Mẹo chơi hoa Tết: cách cắm đào huyền đơn giản dễ như chơi
Cách chăm sóc hoa đào ngày Tết “chơi mãi không tàn”
Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, nhiều gia đình đã sớm chọn được những cành đào ưng ý để trang trí ở trong nhà. Chị Bùi Ngọc Anh (32 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) ngay từ sáng sớm đã ra chợ hoa Quảng An để chọn đào. Với nhiều năm kinh nghiệm chơi hoa Tết, chị Ngọc Anh cho biết: “Bây giờ đào đa dạng và phong phú lắm. Nhưng gia đình mình vẫn trung thành với đào kép, vì thời gian tươi lâu, chơi cũng bền hơn. Đào 5 cánh đơn đẹp nhưng lại nhanh tàn”.
Năm nay, nhiều gia đình chọn chơi đào từ rất sớm. Ảnh: Doãn Nhàn
Con đường chạy dài chợ hoa Quảng An rực sắc đỏ của hoa đào, người mua kẻ bán tấp nập. Sau một hồi chọn lựa, chị Ngọc Anh quyết định mua một cành đào vừa với một vòng ôm, cao khoảng gần 1 mét để phù hợp với không gian chung nhà ở chung cư. “Khi chọn đào, mình phải lưu ý chọn cây hoa cánh dày, tươi màu, không nên chọn những cây hoa nở quá rộ. Đặc biệt nên ưu tiên những cành đào có nụ mập, phân bố nhiều và dày thì sẽ sát Tết sẽ nở đều và đẹp nhất”, chị Ngọc Anh thành thạo chia sẻ.
Nhiều người chọn đào kép vì hoa tươi lâu, thời gian chơi bền hơn đào 5 cánh đơn. Ảnh: Doãn Nhàn
Ngày nay, rất nhiều gia đình chọn mua đào sớm để trang trí ở nhà. Chị Vũ Thị Bích An (39 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ lý do chọn chơi đào sớm: “Vì dịch bệnh nên mình phần lớn thời gian gia đình mình đều ở nhà. Vậy nên hôm nay mình với gái đi chọn đào sớm để trang trí trong nhà cho ấm cúng hơn”. Chị cũng cho biết thêm, nên chọn đào hội tụ đủ bộ tứ quý: hoa, nụ, lộc – biểu tượng cho sự đầm ấm của gia đình và mang lại nhiều may mắn cho ngày đầu năm mới.
Nhiều người vẫn mắc một sai lầm rất lớn là mua đào về rồi đốt gốc. Đây là cách làm sai lầm, dễ làm tắc các mạch dẫn nước lên nuôi thân, từ đó hoa cũng nhanh héo hơn. Do đó, đối với cành đào sau khi mua về chỉ nên hơ qua lửa để mặt cắt khô se lại. Đồng thời, để giúp đào chắc khỏe, tươi lâu, chúng ta có thể bổ sung thêm B1 vào gốc đào. Ngoài ra, nên sử dụng nước sạch để tưới cho đào. Nước cho vào lọ là phải là nước sạch, thay nước từ 3-4 ngày/lần. Đào ưa khô nên hạn chế tưới quá nhiều nước. Khi thay nước nên cho 1 viên aspirin nhằm hạn chế vi khuẩn gây thối cành, tàn hoa.
Gỡ rối cho chị em – mẹo cắm đào huyền đơn giản “dễ như chơi”
Những năm gần đây, đào dáng huyền đang được rất nhiều chị em săn đón. Đào dáng huyền kiêu sa, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, sự bền bỉ kiên cường, hướng tới những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, nhiều người mới chơi đào huyền gặp rất nhiều khó khăn khi cắm hoa. “Cành hoa bị đổ, mình với chồng hì hụi mấy tiếng liền. Sau đó phải dùng 2 cái lọ rồi đổ đất cát các kiểu giằng xé mãi mới đứng được luôn mà nhìn mọi người làm dễ như ăn kẹo!”, chị Nguyễn Phương Hiền (29 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) lắc đầu ngán ngẩm sau một hồi vật vã với cành đào.
Theo nhiều tiểu thương, đào huyền đang là loại đào bán chạy nhất trên thị trường. Ảnh: Doãn Nhàn
Đào dáng huyền có thế thân cây trườn qua mép chậu đổ xuống phía dưới giống như dòng thác đổ. Ngọn cây dài hơn đáy chậu và có xu hướng vươn lên. Giá đào huyền trên thị trường hiện nay dao động từ vài trăm nghìn tới tiền triệu. Đào huyền đang là loại đào bán chạy nhất trên thị trường.
Chia sẻ trong Hội những người thích cắm hoa tươi, chị Hoàng Anh Giang (Hà Nội) bật mí: “Đầu tiên và khá quan trọng đó chọn bình hoa phù hợp. Yêu cầu bình phải đủ cao, đủ nặng, đủ chắc chắn để giữ cành đào, miệng đủ rộng. Tiếp theo là chèn gạch dưới đáy bình để giữ cố định gốc (đây là lý do miệng đủ rộng để cho gạch vào). Và để thêm phần chắc chắn, có thể chặt cành cây cố định thêm ở miệng bình; hoặc dùng dây thép buộc cành đào vào miệng bình”.
Mẹo cố định gốc đào huyền được chị Hoàng Anh Giang chia sẻ. Ảnh: Hoàng Anh Giang
Về lựa chọn bình để cắm, năm nay đa số chị em đều dùng bình chuông, hoặc bình đầm, bình gốm sứ,… Tuy nhiên, theo kinh nghiệm cắm đào huyền 3 năm nay, chị Nguyễn Mai Anh (Hà Nội) cho biết: “Bình nào cũng được, quan trọng phải cân đối với dáng đào. Mình thường ưu tiên dùng bình dáng cao, nặng, miệng ôm để giữ được cành đào. Khi cắm, nếu cành dài thì nên dùng thép để cố định cành tránh đổ ngược về phía trước”.
Chị Mai Anh chia sẻ thêm: “Đào sau khi mua về, mình sẽ cưa vát gốc đào, nước cắm đào chị thêm nước dưỡng hoa. Đào chị thay nước 3-5 ngày/lần để hoa tươi lâu và bền hơn. Với những hoa nở trước tàn trước, chị sẽ vặt bỏ đi cho nụ hoa sau nở tiếp. Nếu muốn đào chậm bung hoa, mình sẽ thả vài viên đá lạnh vào bình; hoặc khía gốc tầm 5-10 cm để hạn chế bớt dưỡng chất. Ngược lại, nếu muốn hoa nở nhanh hơn, mình sẽ đổ thêm nước ấm vào bình”.
Thú chơi đào huyền khiến nhiều chị em mê mẩn. Ảnh: Mỹ An
Những cành đào với dáng huyền lớn, ôm trọn một góc nhà tạo nên không khí xuân ngập tràn. Tết đang đến rất gần, nhà bạn đã có cành đào chưa?