Mầu nhiệm trung tâm cho đời sống Giáo hội
Ngày hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Thánh Lễ này luôn được cử hành vào Chúa Nhật liền sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Sách giáo lý đã dạy cho chúng ta biết rằng, đây là mầu nhiệm chính trong đạo, là trung tâm của đời sống đức tin Ki-tô giáo. Tuy nhiên, đạo lý này dường như tồn tại ở trên sách vở nhiều hơn là việc sống và cảm nghiệm tình yêu, sự tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời con người. Mừng lễ hôm nay là cơ hội để chúng ta nhận ra tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
Trước hết, để hiểu được tác động này, chúng ta cần đặt thánh lễ này trong bối cảnh của Chúa Nhật liền sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Khi ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ, Chúa Giê-su đồng thời cũng ban lệnh truyền “
Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần
” (Mt 28,19). Như vậy, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm khai sinh ra Giáo Hội bởi lệnh truyền của Chúa Phục Sinh, phép rửa nhân danh Ba Ngôi đã được thực hiện trong Giáo Hội. Chính chúng ta là những người được sinh ra trong đức tin nhờ phép rửa này.
Thật sự mà nói, không dễ gì mà tiếp cận với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một trong những đại lễ dường như ở hơi xa đời sống chúng ta. Tuy vậy, chúng ta hãy nhớ lại những bài học giáo lý khi còn bé, bảo rằng Thiên Chúa Ba Ngôi bao trùm trọn vẹn đời sống chúng ta; và ý tưởng này vẫn cung cấp sức mạnh và sự tin tưởng cho chúng ta, nhắc chúng ta nhớ rằng đây là một thực tại sống động. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay góp phần làm sáng tỏ mầu nhiệm này. Trong bài đọc thứ nhất, ông Môsê đã mời gọi dân chúng: “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa”. Nếu đi ngược lại“những thời xa xưa”, chúng ta sẽ sống lại kinh nghiệm của dân Israel: là ghi nhận sự hiện diện thường trực của Thiên Chúa, Đấng đã chọn lựa chúng ta từ thuở đời đời, rồi vẫn hiện diện trong cuộc sống thường ngày của ta, tỏ mình ra qua những dấu chỉ, nâng đỡ ta trong các thử thách, bung mở ra các việc kỳ diệu trong thế giới.
Bởi vì Thiên Chúa luôn hiện diện thường trực trong cuộc sống này, nên phải ý thức rằng lịch sử chúng ta đã có gốc rễ rất xa, từ bao đời vẫn ở trong tay Thiên Chúa. Người vẫn dẫn dắt cuộc sống con người vì trung thành với lời đã hứa.
Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô nhắc lại rằng: vị Thiên Chúa này, Đấng ban sự sống, đã thổi Thần Khí của Người vào lòng chúng ta, để nhờ Thần Khí, Người giải thoát chúng ta khỏi kiếp nô lệ và nỗi sợ hãi, làm cho chúng ta thành con cái Người, khiến chúng ta có thể gọi Người là Cha. Ở trong lòng Ba Ngôi và có Ba Ngôi trong lòng là ý thức về ân huệ Thánh Thần mà Thiên Chúa đã ban, để cho Người dẫn dắt và biến đổi đời sống chúng ta, sống kinh nghiệm tự do nội tâm, một kinh nghiệm phát sinh từ cảm nhận chúng ta được yêu thương, như là những người con; và là kinh nghiệm mạnh hơn mọi nỗi sợ hãi, mọi đau khổ. Trong tay Ba Ngôi, chúng ta vẫn không ngừng được chở che.
Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các tông đồ, truyền họ ra đi và tiếp nối công trình của Người nhân danh Ba Ngôi thần linh, bảo đảm với các ông rằng Người sẽ hiện diện với họ mọi ngày cho đến tận thế. Ở trong lòng Ba Ngôi và có Ba Ngôi trong lòng nghĩa là chúng ta phải có cặp mắt với khả năng nhận ra Chúa Giêsu, vị Thiên Chúa làm người, ngay tại những nơi của đời sống, mà Người cho ta làm điểm hẹn; và ra đi trong Thánh Thần, để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa cho mỗi người, để làm cho mọi người sống nhờ hơi thở của Thiên Chúa.
Trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, Đức giáo hoàng Phan-xi-cô đã dạy: “Nhờ bí tích Rửa Tội của mình, tất cả thành viên của Dân Thiên Chúa trở thành những môn đệ truyền giáo” (x. Mt 28:19). Mọi người đã được rửa tội, bất kể vị thế nào trong Giáo Hội hay trình độ giáo dục đức tin, tất cả chúng ta đều là những tác nhân của công cuộc Tân Phúc Âm Hóa. Chúng ta thật là thiếu sót khi nghĩ rằng kế hoạch Phúc Âm Hóa được dành cho các chuyên viên thực hiện, trong khi chúng ta còn lại chỉ là những người tiếp nhận thụ động. Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa kêu gọi mỗi người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội phải dự phần vào. Mỗi người Kitô hữu có bổn phận, ở đây và bây giờ, phải dấn thân cách tích cực vào công cuộc Phúc Âm Hóa. Quả thật, bất kỳ ai đã thật sự kinh qua tình yêu cứu độ của Thiên Chúa thì không cần được huấn luyện nhiều thời gian và dài lâu để ra đi và công bố tình yêu đó. Mỗi người Kitô hữu là một nhà truyền giáo theo mức độ mà người ấy đã gặp gỡ tình yêu của Thiên Chúa ở nơi Chúa Giêsu Kitô; chúng ta không còn nói rằng chúng ta là “những môn đệ” và “những nhà truyền giáo”, nhưng đúng hơn, chúng ta mãi mãi là “những môn đệ truyền giáo”
của Chúa Giê-su.
Bí tích Rửa Tội nhân danh Ba Ngôi, đã để lại cho chúng ta một dấu ấn đời đời không phai mờ. Dù ý thức hay không ý thức, dấu ấn ấy vẫn mãi tồn tại trong tâm hồn người tín hữu. Sức sống của người tín hữu chính là bởi tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy để cho dấu ấn Ba Ngôi luôn hiện hữu cách ưu tiên và sống động trong tâm hồn mình. Đừng để những ấn tượng xấu che khuất tâm hồn trong sáng; đừng để những dấu ấn thế gian chiếm ưu tiên đời sống và tâm hồn mình.
Sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong tâm hồn người tín hữu còn là sự hiện diện của tinh thần hiệp nhất trọn hảo. Ba Ngôi nhưng một Chúa, nhiều con người-nhiều tâm hồn nhưng chung một phép rửa. Do đó, sống mầu nhiệm Ba Ngôi là sống tinh thần hiệp nhất và chia sẻ. Chúa Giê-su sẽ luôn hiện diện trong mọi cử chỉ và hành vi yêu thương của con người, nếu con người biết sống hiệp nhất “
Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế
”.
Xin giúp chúng ta luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen.