Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và thần học về gia đình
MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI VÀ THẦN HỌC VỀ GIA ĐÌNH
Tuấn Việt
WHĐ (19.6.2022) – Khi nói về mầu nhiệm Thiên
Chúa Ba Ngôi, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời
sống người Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, là cội
nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin, và là ánh sáng chiếu soi các mầu
nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo phẩm trật các
chân lý đức tin.”[1]
Vì thế, “ngay từ buổi sơ khai, chân lý mặc
khải về Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng nguyên thủy của đức tin sống động của Hội
Thánh.”[2]
Nhờ chính Đức Giêsu Kitô mặc khải cho nhân loại biết về Thiên Chúa Ba Ngôi,[3]
nhân loại biết được bí mật huyền nhiệm và cao siêu tuyệt vời về sự sống nội tại
của Thiên Chúa – một điều vượt quá khả năng suy tư của lý trí con người. Đồng
thời, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi soi sáng cho con người biết con người là ai,
con người tương quan với nhau và với Thiên Chúa như thế nào? Có thể nói được, mầu
nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là ánh sáng chiếu soi từng góc cạnh của ngôi vị con
người một cách sâu sắc hơn.[4]
Trước đây, dựa theo giáo huấn của Thánh
Phaolô,[5]
đời sống hôn nhân gia đình thường được xem như là hình ảnh của mối tương quan
giữa Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh.[6]
Tuy nhiên, việc diễn tả như vậy đôi khi dễ khiến người ta cảm tưởng rằng người
chồng trổi vượt hơn người vợ cũng như Đức Kitô trổi vượt và làm chủ Hội Thánh,
và như vậy sẽ hạ thấp phẩm giá và vai trò của phụ nữ. Có lẽ vì vậy, trong thời
gian gần đây, đời sống hôn nhân thường được nhìn dưới ánh sáng của mầu nhiệm
Thiên Chúa Ba Ngôi,[7]
bởi vì chúng mang những đặc điểm chung, ví dụ như: sự hiệp thông giữa các ngôi
vị, tình yêu, tương quan giữa các ngôi vị, tính duy nhất, sự bất khả phân ly,
sáng tạo, sự sống… Hay nói đúng hơn, đời sống gia đình phản ánh mầu nhiệm Thiên
Chúa Ba Ngôi. Bài viết này sẽ cố gắng trình bày mối tương quan giữa mầu nhiệm
Thiên Chúa Ba Ngôi với đời sống hôn nhân gia đình xét dưới ba khía cạnh: tương
quan giữa các ngôi vị, cộng đồng tình yêu, và nguồn phát sinh sự sống.
Ngôi vị (tiếng Hy Lạp là prosôpon hoặc hypostasis)
được các Giáo Phụ và công đồng Nicea (325) sử dụng theo nghĩa là một hữu thể
thông hiệp, nhằm giúp suy tư và bàn luận về mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi và
mầu nhiệm Chúa Kitô Giêsu là một Ngôi Vị mà có hai bản tính. Về sau, triết học
định nghĩa Ngôi vị là bản thể cá biệt có lý tính. Ngôi vị là một hữu thể tự lập,
có lý trí, ý chí và tự do, hiện hữu nơi chính mình, không phân chia trong chính
mình, phân biệt với mọi sự vật khác. Tuy nhiên, Ngôi vị chỉ tồn tại và luôn tồn
tại trong mối tương quan thiết yếu với những gì khác với mình.[8]
Khi áp dụng đối với Thiên Chúa và thụ tạo, thuật
ngữ Ngôi vị phải được hiểu cách loại suy, nghĩa là ngôi vị Thiên Chúa có phần
giống và có phần khác với ngôi vị thụ tạo. Điểm giống nhau đó là: tự lập, hoàn
hảo, chủ thể hành động, không thể thông chuyển. Còn điểm khác nhau đó là: nơi
con người ngôi vị gắn với bản thể (substantia),
nơi Thiên Chúa, ngôi vị gắn với mối tương quan (relatio) hay nói theo thánh Tôma, Ngôi vị Thiên Chúa gắn với relatio subsistens.[9]
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không được mặc khải
rõ ràng trong Cựu ước. Nhưng trong Tân ước, rất nhiều lần và theo những cách khác
nhau, Chúa Giêsu đã mặc khải về Thiên Chúa như là Cha, đồng thời Ngài nhận mình
là Con Thiên Chúa và ngang hàng với Thiên Chúa, ngoài ra, Ngài còn nói về Thần
Khí Thánh của Thiên Chúa.[10]
Như vậy, một Thiên Chúa Duy Nhất nhưng có Ba Ngôi Vị (una substantia tres personae). Các ngôi vị Thiên Chúa thực sự phân
biệt với nhau do các mối tương quan về nguồn gốc: Cha là Đấng sinh ra, Con được
Cha sinh ra, và Thần Khí phát xuất từ Cha và Con.[11]
Tuy có sự phân biệt thực sự giữa các Ngôi,
nhưng điều đó không làm mất đi tính duy nhất của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa
có một bản tính duy nhất. Vì sự đơn nhất đó, Cha hoàn toàn ở trong Con, hoàn
toàn ở trong Thần Khí; Con hoàn toàn ở trong Cha, hoàn toàn ở trong Thần Khí ;
Thần Khí hoàn toàn ở trong Cha, hoàn toàn ở trong Con.[12]
Con người được Thiên Chúa tạo dựng giống như
và theo hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là con người là ngôi vị có lý trí và ý chí tự
do. Nhờ đó, con người có khả năng nhận biết mình, làm chủ mình, tự do hiến mình
và tự nguyện hiệp thông với người khác.[13]
Nhờ có ngôi vị như vậy, con người có khả năng tương quan với nhau và với Thiên
Chúa.[14]
Như vậy, mỗi người trong gia đình là một hữu
thể độc lập với nhau, người chồng, người vợ có những cá tính khác biệt nhau,
đôi khi khác cả màu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Nhưng mối dây hôn phối liên kết họ
lại với nhau, làm cho họ nên một. Chính trong hôn nhân, sự khác biệt giữa vợ chồng
được biến đổi và thăng hoa, để làm nên một thân thể.[15]
Và một cách cụ thể, con cái do họ sinh ra là kết quả khả thị của mối tương quan
vợ chồng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng: “Con người đã được làm ra
theo hình ảnh và giống Thiên Chúa không chỉ vì bản tính con người, nhưng còn bởi
sự hiệp thông của các ngôi vị mà người nam và người nữ đã hình thành nên ngay từ
ban đầu. Họ đã trở thành hình ảnh của Thiên Chúa, không phải trong sự đơn độc của
họ, nhưng là trong sự hiệp thông.”[16]
Vì vậy có thể nói được, gia đình là cộng đồng
các ngôi vị.[17]
Hay nói cách khác, gia đình được hình thành nên bởi sự hiệp thông giữa các ngôi
vị: vợ với chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau. Và do đó, tất những
gì vừa trình bày ở trên về tương quan giữa các Ngôi Vị nơi Thiên Chúa Ba Ngôi đều
được phản ánh trong đời sống gia đình.
Trước hết, ngay trong Cựu ước, dân Israel khám
phá ra Thiên Chúa mà họ tôn thờ là Đấng yêu thương, và vì yêu thương mà Thiên
Chúa đã không ngừng ra tay cứu giúp và tha thứ những bất trung và tội lỗi của
dân.[18]
Không những thế, chính vì tình yêu dành cho thế gian, mà Thiên Chúa đã ban Con
Một[19]
– như được mặc khải trong Tân Ước. Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa dành cho
dân Israel nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung trổi vượt hơn tình yêu của
người mẹ dành cho con cái, hơn cả tình yêu của người chồng dành cho người vợ
yêu quý.[20]
Không dừng lại ở đó, Thánh Gioan còn đi xa hơn
với một xác quyết mạnh mẽ và trực tiếp khi định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu.”[21]
Như vậy, Thánh Gioan khẳng định bản thể của Thiên Chúa là tình yêu. Và khi sai
phái Con Một và Thần Khí Tình Yêu đến trần gian lúc thời gian đã viên mãn,
Thiên Chúa đã mặc khải điều bí ẩn thâm sâu nhất của mình: Chính Người là sự
trao đổi tình yêu vĩnh cửu – Cha, Con và Thần Khí – và Người đã tiền định cho
ta được dự phần vào tình yêu ấy.[22]
Richard de Saint Victor lập luận về mầu nhiệm
Ba ngôi dựa trên tình yêu, chính vì tình yêu mà Thiên Chúa phải có ba Ngôi vị,
để nhờ đó Thiên Chúa chia sẻ sự phong phú, quyền năng, và lòng nhân hậu.[23]
Đức Gioan Phaolô II đã nói về tình yêu đó như sau: “Chính vì tình yêu mà Thiên Chúa không đơn độc, và dù vẫn là một và duy
nhất trong bản thể nhưng sống trong sự động lập với nhau của Ba Ngôi.”[24]
Như vậy, Thiên Chúa không chỉ là chủ thể yêu
thương và đối tượng được yêu, nhưng Thiên Chúa còn là biến cố tình thương đang
chiếu tỏa.[25]
Người không chỉ khép kín tình yêu của mình trong Ba Ngôi, nhưng đã mở rộng tình
yêu ấy cho nhân loại, được thể hiện rõ nét nhất, tột đỉnh nhất nơi Đức Giêsu
Kitô. Tình yêu này chính là khuôn mẫu của mọi thứ tình yêu nhân loại, đến nỗi
mà thánh Augustine khẳng định: Nếu bạn thấy tình yêu, bạn thấy Ba Ngôi.[26]
Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên
Chúa là để yêu thương.[27]
Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của con người.[28]
Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong đời sống hôn nhân giữa người nam và
người nữ. Thật vậy, trong hầu hết các trường hợp kết hôn, lý do được đưa ra là
người nam và người nữ yêu thương nhau, và kết hôn để có thể yêu thương nhau suốt
đời.[29]
Vì thế, có thể nói được rằng: tình yêu hỗ tương giữa người nam và người nữ là
hình ảnh tình yêu tuyệt đối và bền vững của Thiên Chúa.[30]
Hay nói cách khác, tình yêu là nét nổi bật trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
mà tình yêu gia đình phản ánh.
Trong hôn nhân, người nam và người nữ đến với
nhau không dừng lại ở những hấp dẫn tính dục, nhưng đến với nhau bằng một tình
yêu cao cả hơn. Bởi vì con người có khả năng thực hiện một tình yêu cao hơn,
không phải một tình yêu nhục dục (concupiscence)
chỉ biết nhìn đối tượng để thỏa mãn xung năng của mình, nhưng là một tình yêu
cao cả biết sẵn sàng hy sinh, có khả năng nhận biết và yêu con người vì chính họ.
Đó là một tình yêu quảng đại giống tình yêu Thiên Chúa. Chính tình yêu làm nên
sự hiệp thông giữa hai cá vị.[31]
Quả thật, gia đình được xây dựng trên nền tảng
tình yêu.[32]
Tình yêu trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mẫu gương nguyên thủy và tuyệt vời
nhất của gia đình nhân loại. Trong thư gởi các gia đình (số 6), Đức Gioan
Phaolô II cho rằng: Tiếng “chúng ta” của Thiên Chúa chính là khuôn mẫu muôn đời
một cách đặc biệt cho tiếng “chúng ta” của con người trong hôn nhân, một mối
dây được hình thành từ một người nam và một người nữ hiến thân cho nhau trong một
sự hiệp thông bất khả phân li và mở đường cho sự sống.[33]
Sự phát triển về mặt thiêng liêng của đôi vợ
chồng chủ yếu là sự tăng trưởng về tình yêu của họ dành cho nhau, cho con cái
và cho người khác. Tình yêu này phản ánh tình yêu của Thiên Chúa, và tất cả
tính chất này tham gia vào một sự hiện thực hóa ngày càng sâu sắc hơn. Ngoài
ra, khi ý thức được tình yêu này là sự phản ánh tình yêu Thiên Chúa đưa đôi vợ
chồng trực tiếp đến gặp gặp gỡ nguồn của mọi tình yêu, là Thiên Chúa.
Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa là mối tương quan
bổ túc của tình yêu giữa ba Ngôi độc lập, vừa duy nhất nhưng đồng thời cũng vừa
riêng biệt. Hôn nhân cũng là một mối dây liên kết giữa hai ngôi vị, nam và nữ,
là những người riêng biệt và qua hôn nhân, họ trở nên một. Hôn nhân và gia đình
là cộng đồng của tình yêu, phản ánh tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại, đồng
thời cũng hướng tầm nhìn đến mầu nhiệm Ba Ngôi, nơi đó tình yêu thấm vào sự
khác biệt làm nên sự duy nhất.[34]
Ba Ngôi Thiên Chúa bao gồm ba ngôi riêng biệt
và khác nhau nhưng có chung một bản thể. Điều gì liên kết ba Ngôi nên một? Đó
là tình yêu. Tình yêu làm nên sự bình đẳng đối với nhau. Do đó, có thể nói trọng
tâm của mầu nhiệm Ba Ngôi là các ngôi vị trong tương quan của tình yêu. Mỗi
ngôi vị hoàn toàn khác biệt nhau. Do đó tình yêu vợ chồng cũng phải là một mối
tương quan tương tự như vậy, qua đó, đôi vợ chồng sẵn sàng trao hiến cho nhau một
cách hoàn toàn, sẵn sàng hy sinh cho con cái và cho người khác. Kinh Thánh dạy
rằng đời sống hôn nhân sẽ kết thúc ở trần gian này, và ở đời sống vĩnh cửu,
tương quan duy nhất đó là tình yêu. Như vậy, hôn nhân là một cách thức chung nhất
để chuẩn bị cho con người đi vào tương quan của tình yêu. Điều đó cho thấy
Vương quốc Thiên Đàng đã thực sự phát xuất từ thế giới này.[35]
Trình thuật Sáng Thế cho chúng ta biết Thiên
Chúa là nguồn gốc của mọi sự trên trời dưới đất.[36]
Do đó, Thiên Chúa cũng là nguồn cội, là chủ tể của sự sống.[37]
Thật vậy, niềm tin của dân Israel luôn khẳng định: Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa –
Đấng đã sinh thành nên trời đất. Mọi hiện hữu trong vũ trụ đều là công trình của
Thiên Chúa.[38]
Nhưng việc tạo dựng ấy có sự cộng tác của Thần Khí, như mở đầu sách Sáng Thế
trình bày Thần Khí Thiên Chúa đã ban lượn trên mặt nước đang còn trống rỗng và
chưa có hình dạng ấy để bắt đầu công trình tạo dựng.[39]
Không dừng lại ở đó, công trình tạo dựng còn được thực hiện “nhờ Lời mà muôn vật
được tạo thành”, như Giáo Hội tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Như vậy, toàn bộ
vũ trụ, bao gồm sự sống là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trong tương quan giữa Ba Ngôi, Cha yêu thương
Con, và Con yêu thương Cha. Từ tình yêu đó nhiệm xuất Thánh Linh – Đấng Ban Sự
Sống. Do đó, Thánh Linh được coi như tình yêu liên kết giữa Cha và Con, một
tình yêu trao ban hỗ tương. Tình yêu ấy không khép kín trong nội tại Thiên
Chúa, nhưng tiếp tục trao ban dạt dào ra ngoài.[40]
Một cách cụ thể, việc tạo dựng vũ trụ như là phần mở rộng của sức sống dồi dào
nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Nguồn sự sống ấy – Thần Khí – phát xuất từ tình yêu giữa
Cha và Con, và do lòng lân tuất chúng ta được kêu gọi cùng chia sẻ vào sự sống ấy.[41]
Thiên Chúa là Chúa sự sống đã trao cho con người
nhiệm vụ cao cả là bảo toàn và làm phát huy sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận
ấy theo cách thức xứng hợp với con người.[43]
Nhiệm vụ này được thể hiện rõ ràng nhất trong đời sống hôn nhân gia đình. Công
đồng Vatican II khẳng định: “bản chất của hôn nhân là sinh sản con cái, nghĩa
là cộng tác cách đặc biệt vào công trình tạo dựng.”[44]
Bởi vì trong việc sinh ra một người con, cha mẹ hành động như những cộng tác
viên của Thiên Chúa.[45]
Thật vậy, vợ chồng được kêu gọi tham gia vào hành động sáng tạo của Thiên Chúa:
“Thiên Chúa chúc lành cho họ và nói với họ: ‘Hãy sinh sôi và nảy nở cho đầy mặt
đất và hãy thống trị mặt đất.’”[46]
Do đó, có thể nói được cha mẹ là thừa tác viên của sự sống.[47]
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói về sự kết hợp
giữa người nam và người nữ trong hôn nhân không chỉ nói lên hình ảnh của Thiên
Chúa và mặc khải về tình yêu của Ngài. Không những tình yêu của Thiên Chúa đối
với con người, nhưng cả về sự hiệp thông mầu nhiệm diễn tả sự sống chân thật của
Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngoài ra, hình ảnh Thiên Chúa còn có thể diễn tả qua việc
sinh sản làm cho mỗi gia đình trở thành một đền thờ của sự sống.[48]
Trong bài giảng ngày 1 tháng 2 năm 1998, tại giáo xứ Sacro Cuore di Gesù in
Prati, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô kêu gọi mỗi gia đình cần có chỗ cho sự sống
và đón nhận sự sống. Dù sao sự sống vẫn luôn được phục vụ với cả lòng quảng đại.
Đó là một thiện ích không thể bị xâm phạm và cần được tiếp nhận, yêu thương, bảo
vệ ngay từ giây phút mới thụ thai cho đến cùng tận cách tự nhiên.[49]
Một điểm quan trọng trong mầu nhiệm Thiên Chúa
Ba Ngôi là mối tương quan tình yêu giữa Cha và Con làm phát sinh Đấng Ban Sự Sống.
Mối tương quan tình yêu vợ chồng trong đời sống hôn nhân cũng làm phát sinh sự
sống mới.[50]
Thật vậy, tình yêu vợ chồng tự bản chất luôn mở ra để đón nhận sự sống.[51]
Việc sinh sản không chỉ là kết quả của tình yêu vợ chồng, nhưng còn là công
trình của Thiên Chúa. Việc sinh sản ấy có điều gì đó “giống” Thiên Chúa một
cách hết sức độc đáo và căn bản, và chính điểm giống nhau này làm cho gia đình
trở thành cộng đồng sự sống nhân loại, một cộng đồng các ngôi vị hợp nhất với
nhau trong tình yêu.[52]
Như vậy, gia đình là một phản ánh rõ nét mầu
nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, như là một cộng đồng tình yêu giữa các ngôi vị làm
phát sinh sự sống. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là gương mẫu nguyên thủy và tuyệt
diệu của đời sống gia đình. Do đó, mỗi thành viên trong gia đình phải luôn hướng
về Thiên Chúa Ba Ngôi như là nguồn mạch phát sinh của mình và là gương mẫu của
mình. Nghĩa là, gia đình phải được xây dựng trên nền tảng tình yêu trao hiến trọn
vẹn giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em đối với nhau… Là cộng đồng
các ngôi vị, mọi thành viên trong gia đình phải tôn trọng nhau như những cá vị
có tự do. Và đồng thời, gia đình chính là nơi được Thiên Chúa mời gọi cộng tác
để làm phát sinh, nuôi dưỡng và phát triển sự sống mới, tiếp nối công trình
sáng tạo. Nhờ đó, mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình luôn tràn
ngập tình yêu, là điều nối kết gia đình trở nên hiệp nhất. Để qua gia đình, mọi
người có thể nhìn thấy Thiên Chúa Ba Ngôi đang được phản ánh nơi đó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng
Việt
– Công Đồng
Vatican II, bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin – trực
thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
– Gia
đình trong trái tim và trong vai trò ngôn sứ của Đức Gioan Phaolô II (Tổng hợp các Sứ Điệp, Tông Thư, Huấn Từ, Diễn Văn của Đức Gioan
Phaolô II về gia đình, từ năm 1994-2004) Linh mục Augustinô Nguyễn Văn Dụ chuyển
ngữ, Tòa Tổng Giám Mục Saigon, 2006.
– Giáo
Lý Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Ban Giáo Lý Giáo
Phận Saigon, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
– Kinh
Thánh, bản dịch của Nhóm Phiên dịch các Giờ Kinh Phụng
vụ ấn bản 2011, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội, 2011.
– Nguyễn Văn Liêm, O.P., Giải thích Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chân lý, 1994.
– Nguyễn Văn Trinh, Bí tích học (Tập VII: Bí tích Hôn phối), Đại Chủng Viện thánh
Giuse, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
– Noberto, Thiên
Chúa của Tin Mừng – Thiên Chúa Ba Ngôi, không rõ người dịch và năm xuất bản.
– Phan Tấn Thành, O.P., Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Học viện Đa Minh, Thành phố Hồ Chí Minh,
2012.
– Tân Yên Nguyễn Hùng Oánh, Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Nhà xuất bản
Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013.
– Thiên
Chúa luận qua các tác giả, Herbert Vorgrimler dẫn nhập,
tuyển chọn và giới thiệu, không rõ người dịch và năm xuất bản.
– Tóm lược
Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo (Nguyên tác: Compendium of the Social Doctrine of the
Church), bản dịch của Ủy Ban Bác Ái Xã Hội trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt
Nam, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội, 2007.
– Từ điển
Công Giáo 500 mục từ, Tiểu ban từ vựng của Ủy Ban Giáo
Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam biên soạn, Nhà xuất bản Tôn
Giáo, Hà Nội, 2011.
Tiếng
Anh
– Augustine (St.), On the Trinity, Gareth B. Matthews (ed.), Cambridge University
Press, 2002.
– Dominian, Jack. Marriage, Faith and Love, Fount Paperbacks, London, 1984.
– Bartels, F. K. The Most Holy Trinity:
Supreme Model for Family And Marriage đăng trên: https://www.catholic.org/hf/love/story.php?id=37200
– Lasnoski, Kent. Renewing a Catholic Theology of Marriage through a Common Way of Life:
Consonance with Vowed Religious Life – in – Community”, Marquette
University, Wisconsin, 2011.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 84 (Tháng 9 &
10 năm 2014)
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 234. Đồng thời,
tác giả Norberto, trong tác phẩm Thiên
Chúa của Tin Mừng – Thiên Chúa Ba Ngôi, khẳng định Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba
Ngôi là đặc điểm phân biệt với mọi tôn giáo khác, kể cả Do Thái giáo và Hồi
giáo (x. trang 3).
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 249.
X. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 240-248.
Cuốn Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội
Công Giáo tuyên bố rằng: “Khi mầu nhiệm
Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Kitô như là tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi,
thì đồng thời ơn gọi của con người là yêu thương cũng được mặc khải. Mặc khải
này soi sáng cho chúng ta hiểu phẩm giá con người và sự tự do của con người
trong mọi khía cạnh, cũng như hiểu bản tính sâu xa xã hội của con người một
cách sâu xa” (số 34). Đồng thời x. Norberto, ibid., trang 3.
X. Ep 5, 21-33.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1602,
1616-1617.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường xuyên
nói đến mối tương quan giữa Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi với đời sống hôn nhân
gia đình, ví dụ như trong buổi tiếp chung vào Lễ Chúa Ba Ngôi năm 1994 (ngày 29
tháng 5), năm 1998 (ngày 7 tháng 6), hay bài giảng trong cuộc gặp gỡ các gia
đình lần thứ nhất năm 1994 (ngày 9 tháng 10) (x. Gia đình trong trái tim và trong vai trò ngôn sứ của Đức Gioan Phaolô
II, Nguyễn Văn Dụ tổng hợp và chuyển ngữ, Tòa Tổng Giám Mục Saigon, 2006,
trang 447-464). Ngoài ra, Đức Hồng y Marc Ouellet trình bày mối tương quan này
một cách sâu sắc hơn trong Divine
Likeness: A trinitarian Anthropology of the Family. Thần học gia Tin Lành
Donald Macleod, trong tác phẩm Shared
Life: The Trinity and the Fellowship of God’s People (Campus Harvest and
Victory World Missions, 1987), cũng nhìn đời sống gia đình Kitô giáo dưới ánh
sáng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Theo Từ điển Công Giáo, Ban Từ vựng của Ủy
ban giáo lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt nam, 2011, trang 249-250.
Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Học viện Đa Minh 2012, trang 446-447.
X. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 240-248. Đồng
thời, x. Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên
Chúa, Học viện Đa Minh 2012, trang 134-192.
X. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 253-256.
X. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 255. Đồng
thời x. Donald Macleod, Shared Life:
Trinity and the Fellowship of God’s People, trang 37-43.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 357; Tóm lược
học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo, số 105, 108; đồng thời, x. St 1, 27 ;
TV 139, 14-18.
Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công
Giáo, số 109.
X. Donald Macleod, Shared Life: Trinity and the Fellowship of God’s People, trang
47-50.
Bài giảng giáo lý,
ngày 14 tháng 11 năm 1979.
Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công
Giáo, số 213, x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2206, x. Donald Macleod Shared Life: Trinity and the Fellowship of
God’s People, trang 46.
X. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 218-220.
X. Ga 3, 16.
X. Ed 16 ; Hs 11.
1Ga 4, 8.16
X. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 221.
X. Thiên
Chúa luận qua các tác giả, trang 176-179.
Gia
đình trong trái tim và trong vai trò ngôn sứ của Đức Gioan Phaolô II, trang
447.
X. Thiên
Chúa luận qua các tác giả, trang 341-344
Augustine, On the Trinity VIII, 12. Đồng thời x. Tân Yên Nguyễn Hùng Oánh, Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, trang 153 –
155.
X. St 1, 27 ; 1Ga 4, 8.16.
Tông huấn về gia đình, số 11.
X. Jack Dominian, Marriage, Faith and Love, Fount Paperbacks, London, 1984, trang
271.
X. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1064. Đồng
thời x. Jack Dominian, Marriage, Faith
and Love, Fount Paperbacks, London, 1984, trang 56 ; và Tài liệu của Hội đồng
Tòa Thánh về gia đình có tựa đề “Sự thật và ý nghĩa của tính dục con người. Những
định hướng để giúp giáo dục trong gia đình”, ban hành ngày 8 tháng 12 năm 1996,
số 8.
Tài liệu của Hội đồng Tòa Thánh về gia đình
có tựa đề “Sự thật và ý nghĩa của tính dục con người. Những định hướng để giúp
giáo dục trong gia đình”, ban hành ngày 8 tháng 12 năm 1996, số 9.
Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công
Giáo, số 221 – 225.
Gia
đình trong trái tim và trong vai trò ngôn sứ của Đức Gioan Phaolô II, trang
447.
X. Jack Dominian, Marriage, Faith and Love, Fount Paperbacks, London, 1984, trang 82.
X. Jack Dominian, Marriage, Faith and Love, Fount Paperbacks, London, 1984, trang
276.
X. St 1, 1 – 2, 4.
Hiến Chế Mục Vụ, Vui Mừng và Hy Vọng, số 27,
51; Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2259-2261.
X. St 14, 19 ; 14, 22 ; Am 4, 13 ; 9, 5-6 ;
Gr 10, 6-16 ; Is 40, 21. 26.
X. St 1, 1.
X. Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, trang 428.
X. Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, trang 428.
Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công
Giáo, số 231. Đó là chủ đề của Ngày quốc gia phò sự sống năm 1994 do Hội đồng
Giám Mục Ý phát động, x. Gia đình trong
trái tim và trong vai trò ngôn sứ của Đức Gioan Phaolô II, trang 69-75.
X. Hiến Chế Mục Vụ, Vui Mừng và Hy Vọng, số
51.
Hiến Chế Mục Vụ, Vui Mừng và Hy Vọng, số 50
Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
trong buổi đọc Kinh Truyền tin Chúa Nhật Ngày quốc gia phò sự sống (6.2.1994)
x. Gia đình trong trái tim và trong vai
trò ngôn sứ của Đức Gioan Phaolô II, trang 70.
St 1, 28.
Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công
Giáo, số 237
Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
trong buổi đọc Kinh Truyền tin Chúa Nhật Ngày quốc gia phò sự sống (6.2.1994)
x. Gia đình trong trái tim và trong vai
trò ngôn sứ của Đức Gioan Phaolô II, trang 70.
X. Gia
đình trong trái tim và trong vai trò ngôn sứ của Đức Gioan Phaolô II, trang
72.
X. Jack Dominian, Marriage, Faith and Love, Fount Paperbacks, London, 1984, trang
261.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1652.
Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công
Giáo, số 230.