Mật mía là gì? Mật mía dùng để làm gì, mua ở đâu, để được bao lâu

Mật mía có vị ngọt như thế nào để sử dụng trong món ăn và một số loại đồ uống hấp dẫn? Hãy cùng chuyên mục Mẹo vào bếp của Điện máy XANH khám phá nhiều hơn về mật mía là gì? Mật mía dùng để làm gì, mua ở đâu và bạn có thể để được bao lâu trước khi sử dụng nhé!

1. Mật mía là gì?

Mật mía là một loại chất lỏng được sản xuất từ nước mía sau khi chưng cất, còn gọi là kéo tre hoặc kéo mật. Trạng thái của mật mía tương tự như mật ong, vì có dạng siro, màu vàng óng ánh và vị thanh ngọt.

Sản xuất mật mía là một trong những nghề truyền thống tại nhiều vùng nông thôn ở Việt Nam, nhất là khu vực trung du phía Bắc cho đến các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.

Trong chế biến món ăn hằng ngày như làm bánh, nấu kẹo, nấu chè,… mật mía có thể được sử dụng thay cho đường tinh luyện. Đây không chỉ là một loại đường có vị ngọt thanh giúp cho món ăn trở nên ngon, hấp dẫn hơn, mà nó còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Theo Đông y thường mật mía còn có một số tác dụng như hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp và hệ tiêu hóa.

Mật mía là gì?

2. Cách làm mật mía

Quy trình làm mật mía trải qua 3 công đoạn chính, nhìn chung không quá phức tạp:

Giai đoạn 1: Ép nước mía

Sau khi thu hoạch mía, người ta bỏ lá và ép lấy nước. Trước đây, người dân tận dụng sức khỏe trâu bò để vắt lấy nước mía.

Tuy nhiên, ngày nay người dân có xu hướng sử dụng máy móc để rút ngắn thời gian và cho năng suất lấy nước mía cao hơn.

Ép nước mía

Giai đoạn 2: Chưng cất nước mía

Thời gian chưng cất diễn ra từ 10 – 12 tiếng bằng cách đun nước mía trong một cái chảo gang trên ngọn lửa nhỏ.

Tùy theo bí quyết riêng, người làm có thể định lượng nước mía khác nhau và vớt bọt mật liên tục trong quá trình chưng cất để thu được mật mía có màu đẹp và thơm ngon.

Đặc biệt nhất là việc điều chỉnh lửa cũng rất quan trọng trong việc quyết định mật mía có chất lượng tốt hay không.

Chưng cất nước mía

Giai đoạn 3: Lóng mật

Đây là giai đoạn giúp mật mía có độ trong và loại bỏ bớt cặn bã. Theo bí quyết của người dân Hòn Rô đã chia sẻ thì người dân ở đây dùng vải (một loại vải mà lính Mỹ thường hay dùng để thả pháo sáng xuống trong đêm) để tiến hành lóng mật.

Nói một cách khác, việc chọn vải lọc cũng rất quan trọng vì giúp loại bỏ được chất cặn của mật mía sau khi chưng cất.

Lóng mật mía

3. Mật mía dùng để làm gì?

Sở hữu nhiều đặc tính không thua gì mật ong nên mật mía được sử dụng để chế biến món ăn và làm nước sốt chấm bánh. Cụ thể:

Ở miền Bắc, người dân sử dụng mật mía trong một số loại bánh như bánh trùng (một loại biến thể của bánh trôi tại Vĩnh Phúc), bánh giò, bánh chay,… và sủi dìn.

Ngoài ra, người dân Nghệ An, Hà Tĩnh còn dùng mật mía trong các món kho (như thịt kho, cá kho), món ngọt (như bánh khảo, bánh ngào, chè hạt sen,…) và đồ chấm cho món xôi, sắn luộc,…

Ở miền Trung, mật mía thường được sử dụng trong bánh chưng, bánh gai và chè lam.

Ở miền Nam, người dân có thể dùng mật mía thay cho đường hay mật ong khi chế biến món ăn.

Mật mía dùng để làm gì?

4. Mật mía mua ở đâu? Giá bao nhiêu?

Không quá khó để bạn có thể tìm mua mật mía trên thị trường, như ở chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm và các trang mạng điện tử.

Như Điện máy XANH đã khảo sát và cập nhật đến tháng 4/2021 thì giá thành của mật mía dao động từ 30.000 – 60.000VND/lít.

Mật mía mua ở đâu? Giá bao nhiêu?

5. Mật mía để được bao lâu?

Cách bảo quản mật mía cũng tương tự như mật ong. Bạn nên chia nhỏ mật mía với lượng vừa phải, rồi cho vào các hũ thủy tinh hoặc lọ sứ, nhưng tránh dùng can nhựa vì sẽ khiến cho mật mía dễ bị chua.

Sau đó, bạn đặt ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp hoặc gần những khu vực nóng như bếp nấu ăn.

Ngoài ra, bạn cũng hạn chế thường xuyên dịch chuyển, lắc và khuấy chai đựng mật mía vì sẽ khiến cho mật mía dễ bị sủi bọt và nhanh bị hư. Thời gian bảo quản mật mía nếu tốt thì có thể lên đến 1 năm.

Mật mía để được bao lâu?

Như vậy, bạn đã hiểu rõ hơn về mật mía là gì? Mật mía dùng để làm gì, mua ở đâu và để được bao lâu trước khi chọn dùng sản phẩm này rồi nhé! Hy vọng sẽ hữu ích cho bạn.

Biên tập bởi Nguyễn Loan Minh Trang • Đăng 26/04/2021