Mạnh tay với doanh nghiệp trây ỳ để kéo giảm nợ thuế

Cao Nguyên

  –  

Thứ bảy, 12/11/2022 10:00 (GMT+7)

Tổng số tiền nợ thuế do ngành Thuế quản lý tính đến tháng 10.2022 đã giảm 0,4% so với thời điểm ngày 30.9.2022. Tuy nhiên, so với thời điểm ngày 31.12.2021, nợ thuế vẫn tăng. Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022, song song với việc nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu, các nhà chuyên môn cho rằng ngành Thuế phải đưa ra các giải pháp cụ thể để tăng cường thu hồi nợ thuế, không để phát sinh nợ mới.

Mạnh tay với doanh nghiệp trây ỳ để kéo giảm nợ thuế
Nỗ lực kéo giảm nợ thuế, không để nợ mới phát sinh. Ảnh: Hải Nguyễn

Nợ thuế có xu hướng tăng

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến thời điểm ngày 31.10.2022, tổng số tiền thuế nợ do ngành Thuế quản lý ước tính là 125.996 tỉ đồng, tăng 9,5% so với thời điểm ngày 31.12.2021. Ông Phi Vân Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho hay 10 tháng năm 2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 2.405 tỉ đồng.

Lũy kế kết quả thực hiện xử lý nợ, từ khi Nghị quyết số 94 có hiệu lực (1.7.2020) đến cuối tháng 10.2022, ước đạt 34.877 tỉ đồng, trong đó: Xử lý khoanh nợ tiền thuế là 28.217 tỉ đồng; xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 6.660 tỉ đồng.

Triển khai nhiệm vụ 2 tháng cuối năm, đặc biệt là công tác thu hồi nợ thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn yêu cầu cơ quan thuế các cấp chú trọng rà soát, thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế; tiếp tục xử lý khoanh, xóa nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94.

Chuyên gia kinh tế – tài chính PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, có tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn để sản xuất, kinh doanh nên khất nợ thuế để có vốn tiếp tục đầu tư. Vì vậy, ngành Thuế nên xem xét kỹ nguyên nhân chủ quan và khách quan, nếu doanh nghiệp phục hồi, hoạt động tốt, có doanh thu thì vận động doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ thuế. Còn doanh nghiệp vẫn khó khăn, ngành Thuế cần nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp.    

Tại các địa phương, công tác quản lý, thu hồi nợ thuế đang được quyết liệt thực hiện. Cụ thể, Cục Thuế Quảng Ngãi đang tăng cường rà soát số liệu nợ thuế, đồng thời, đơn vị theo dõi chặt chẽ các khoản nợ, nhất là các khoản thuế đã gia hạn; thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để đôn đốc ngay từ khi nợ thuế mới phát sinh và thực hiện liên tục đến khi giảm nợ.

Ông Võ Hùng – Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi cho hay, đối với các khoản nợ gia hạn trước khi đến hạn nộp thuế 15 ngày, cục thuế sẽ gửi thư nhắc đến từng doanh nghiệp để người nộp thuế (NNT) chuẩn bị sẵn nguồn tiền thuế phải nộp, không để bị động, dẫn đến nợ thuế. Riêng với khoản nợ trên 90 ngày, đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế phù hợp để động viên NNT nộp tiền thuế nợ vào NSNN.

“Mặc dù đến thời điểm này, công tác thu nợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm tỉ lệ nợ đọng thuế. Tuy nhiên, số tiền thuế gia hạn phải thu vào thời điểm cuối năm khá lớn. Trong khi đó, đây là thời điểm hầu hết các doanh nghiệp tập trung nguồn tiền để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2023, nếu không kịp thời đôn đốc sẽ dẫn đến nợ thuế phát sinh, ảnh hưởng đến số thu ngân sách” – ông Võ Hùng thông tin.

Quyết liệt và sâu sát trong quản lý nợ thuế

Trong khi đó, đại diện Cục Thuế tỉnh Phú Thọ xác định việc thu hồi nợ đọng thuế là nhiệm vụ rất khó khăn và nan giải. Ông Nguyễn Huy Hồng – Cục trưởng Cục Thuế Phú Thọ cho biết, trong 2 tháng cuối năm, đơn vị tiếp tục rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế, thực hiện phân tích, phân loại chính xác số tiền thuế nợ theo cơ cấu ngành nghề kinh doanh, theo sắc thuế và theo tính chất từng khoản nợ để áp dụng biện pháp đôn đốc, cưỡng chế phù hợp và hiệu quả.

Để tăng cường thu hồi nợ thuế, theo Tổng cục Thuế, từ nay đến cuối năm 2022, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng, lập danh sách những doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng.

Chuyên gia về thuế TS Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, đẩy mạnh thu nợ thuế là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. “Cơ quan thuế cần rà soát, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì có biện pháp hỗ trợ nhằm nuôi dưỡng nguồn thu. Ngược lại, với doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt nhưng lấy lý do ảnh hưởng của dịch bệnh mà trây ỳ, cố tình không nộp thuế, cần thực hiện các biện pháp mạnh”, ông Tú đề xuất. Cụ thể, ngành Thuế có thể trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu hồi giấy phép kinh doanh và công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Theo vị này, trong trường hợp doanh nghiệp cố tình trây ỳ nợ thuế, ngành Thuế có thể phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan như: Cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước, toà án… trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tránh tình trạng nợ kéo dài, gây khó khăn trong việc thu nợ thuế.