Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng phải có những món gì?
BNEWS
Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu là ngày chính rằm rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam.
“Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Giỗ tết cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng” là những câu thành ngữ nói lên tầm quan trọng của ngày rằm tháng Giêng.
Vào ngày này người dân thường đi lễ chùa đồng thời làm lễ cúng Phật và gia tiên để cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình.
Trong ngày này, các gia đình thường sắm hai lễ cúng rằm, một là cúng Phật, hai là cúng gia tiên.
Mâm lễ cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết gồm hương, hoa, quả tươi, đèn (nến), xôi, oản…. Đặc biệt, không thể thiếu được cau, lá trầu và chút rượu trắng.
Mâm lễ cúng gia tiên là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày Tết:
– Bánh chưng: Tượng trưng cho trời, như một lời cầu vạn sự được vuông tròn trong năm mới.
– Bánh trôi: Bánh trôi bánh chay (chè trôi nước) cũng là món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Rằm. Theo quan niệm của người Việt, việc cúng bánh trôi bánh chay là mong muốn cho mọi việc quanh năm sẽ được trôi chảy, thông suốt.
– Xôi gấc: Màu đỏ của xôi gấc không chỉ giúp mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng của bạn thêm đẹp mắt mà còn tượng trưng cho sự may mắn, tròn đầy của gia chủ.
– Gà luộc: Gà không chỉ là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày mà trong các ngày lễ Tết, đây cũng là món ăn không thể thiếu.
– Chân giò bó luộc: Trong phong tục cổ truyền của người Việt, chân giò lợn là một thức quan trọng trong mâm cúng, mong muốn cho năm mới được đầy đủ, sung túc hơn. Song vì món chân giò lợn đòi hỏi nhiều thời gian và công sức chế biến nên giờ đây, nhiều gia đình đã thay món chân giò lợn bằng giò chả.
– Dưa món: Dưa món thường được chuẩn bị trước Tết Nguyên Đán, nên trong việc chuẩn bị cho mâm cỗ cúng Rằm đầu năm sẽ nhanh gọn hơn rất nhiều.
– Hoa quả: Không chỉ riêng ngày rằm tháng Giêng mà tất cả các ngày lễ trong năm, hoa tươi và một đĩa ngũ quả là thức không thể thiếu trên bàn thờ cúng tổ tiên. Tùy theo từng vùng miền mâm ngũ quả có sự khác nhau.
Ngoài ra trong mâm cỗ còn có thể có thêm cơm tẻ là lương thực hàng ngày. Mâm cỗ có nếp có tẻ, có âm dương đầy đủ để sinh sôi nảy nở.
Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn tượng trưng cho trời đất vũ trụ, kết nối cổ kim.
Mâm cơm cúng ngày Rằm tháng Giêng cũng phải có đầy đủ các vị. Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh, tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi có thể đến trong năm mới.
Ngày nay, tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình chuẩn bị đồ cúng khác nhau, thông thường có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng thành tròn 10 món: 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc và 6 đĩa gồm thịt gà (hoặc thịt lợn), giò (hoặc chả), nem thính (đĩa xào), dưa muối, xôi (hoặc bánh chưng) và nước chấm.
Rằm tháng Giêng năm 2022 là ngày nào?
Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, Tết Thượng Nguyên, thường bắt đầu từ đêm 14 cho đến hết ngày 15 của tháng Giêng Âm lịch. Năm 2022, Rằm tháng Giêng rơi vào thứ Ba ngày 15/2/2022 Dương lịch.
>>> Vì sao “cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”?
>>> Cúng rằm tháng Giêng thế nào để may mắn cả năm?