Mâm cỗ cúng ngày Tết phải có những gì?

Dù theo đạo nào, việc cúng kính của người Việt cũng tuân theo nghi thức nhất định. Người Việt phân biệt đồ thờ, đồ cúng, đồ chưng.

TS Lý Tùng Hiếu, giảng viên khoa Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ bài viết về mâm cỗ ngày Tết trong văn hóa của người Việt:

Đồ thờ tức là tượng, hình thần linh, di ảnh, bài vị tổ tiên, cùng bộ tam sự (lư trầm, hai chân đèn) hoặc ngũ sự (lư trầm, hai chân đèn, hai con hạc đội đèn đứng trên lưng rùa).

Đối với người Việt, đồ thờ không phải vật chất đơn thuần, mà là vật thiêng, vật chứa thánh linh (spirit), nên luôn luôn phải giữ đồ thờ cho thanh sạch.

Trước khi cúng kiếng, cần phải lau dọn trang thờ, bàn thờ, làm sạch và an vị các đồ thờ. Nếu đồ thờ hư hỏng, người ta sẽ đem thiêu hoá chứ không đem bán, càng không được vứt bỏ vào nơi ô uế.

mam co ngay Tet anh 1

Mâm cỗ cúng ông bà, tổ tiên trong ngày Tết được đặc biệt chú ý. Ảnh: Hương Nguyễn.

Đồ cúng là các lễ vật dâng cúng thần linh, tổ tiên. Các lễ vật này có khác nhau tuỳ theo tôn giáo, thần linh, nhưng tất cả đều phải làm theo quy thức, tinh khiết và sắp xếp quy củ, trang trọng phía trước bàn thờ.

Trong Tết Nguyên đán, người Việt phải chuẩn bị nhiều mâm cỗ cúng khác nhau:

– Mâm cúng thần linh: Thức dâng cúng thường là đồ chay, tuỳ quy định của tôn giáo hoặc hệ phái.

– Mâm cúng gia tiên, tổ tiên: Hương, hoa, trà, quả, và những thức ăn uống đặc trưng ngày Tết như bánh chưng hoặc bánh tét, thịt kho, khổ qua dồn thịt, dưa cải, củ kiệu tôm khô, rượu trắng, và các món gà, cá… tuỳ gia cảnh và thực đơn truyền thống của gia đình.

Mâm cỗ này phải thực hiện ngày ba cữ sáng trưa chiều từ khi đón ông bà cho đến lúc đưa tiễn ông bà, với thức ăn, đồ uống thay đổi.

– Mâm cúng thân nhân vừa qua đời chưa xả tang: Gồm những thứ trên nhưng phải gia giảm, chỉ cúng những món quen dùng của người mất. Ví dụ, đó là đồ chay nếu người mất ăn chay, thêm điếu thuốc mồi sẵn nếu người mất ghiền thuốc lá…

– Mâm cúng đất đai, tử sĩ, cô hồn: Gồm một ít đồ ăn thức uống đặt phía trước cửa cái hoặc ngoài sân, nhưng phải có thêm chung rượu trắng, dĩa gạo muối, xấp vàng mã. Sau khi khấn mời, nhang tàn thì thiêu hoá vàng mã, tưới rượu trắng, rải gạo muối để phân phát cho các vong hồn.

Do người Việt theo các tôn giáo khác nhau, cách thức dâng cúng trong ngày Tết cũng sẽ được gia giảm tuỳ tôn giáo chứ không nhất thiết theo công thức ấy.

Các tín đồ phật giáo Bắc Tông, Cao Đài, Hoà Hảo chỉ dâng cúng hương – hoa – trà – quả, cùng thức ăn chay. Các tín đồ Hoà Hảo thì thay trà bằng nước lã. Các tín đồ Công giáo, Tin Lành chỉ dùng hương, hoa để trang trí trang thờ, bàn thờ, không đốt vàng mã và hạn chế ăn uống linh đình tốn kém.

Đặc điểm chung là dù theo đạo nào, trang thờ hoặc bàn thờ ngày Tết của gia đình người Việt tối thiểu phải có nhang, đèn, hoa, nước cúng. Các thức ăn uống thịnh soạn được dâng cúng hoặc sẽ được dọn lên để cùng ăn uống sau khi hành lễ, theo trình tự: “Trước cúng, sau ăn”.

Trong các thức dâng cúng tổ tiên ngày Tết của người Việt, hầu như không thể thiếu bánh chưng hoặc bánh tét, làm bằng gạo nếp. Bánh chưng và bánh giầy là những món ăn đặc trưng dùng để cúng tổ tiên và dùng trong ngày Tết của người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ – Bắc Trung Bộ, và ngày nay lan khắp nước theo bước chân của di dân.

Trong Tết Nguyên đán, người Tày và người Nùng cũng gói một loại bánh chưng dài gọi là bẻng lì và các loại bánh khác.

Ở Trung Bộ và Nam Bộ, người Việt kết hợp cách làm bánh chưng với pei nung (bánh tét Chăm) để làm ra bánh tét, dùng để cúng tổ tiên trong ngày Tết.

Cùng bánh chưng hoặc bánh tét làm bằng gạo nếp, cỗ cúng giỗ và cúng ông bà 3 ngày Tết, còn có cơm tẻ xới lưng trong các chén bát, kèm đôi đũa gác ngang.

Các thức dâng cúng này rõ ràng thể hiện truyền thống nông nghiệp lúa nước lâu đời của người Việt. Nó còn thể hiện bước chuyển trong lịch sử nông nghiệp và lịch sử ẩm thực của họ, từ chủ yếu gieo trồng lúa nếp trên thung lũng và vùng thượng châu thổ chuyển sang chủ yếu gieo trồng lúa tẻ trên đồng bằng châu thổ.

Ý nghĩa của các mâm cỗ cúng Tết này cũng chính là ý nghĩa thiêng liêng của Tết Nguyên đán Việt: Tưởng nhớ công ơn, tạ ơn và cầu khấn thần linh, tổ tiên, đồng thời là dịp đoàn viên gia đình, cùng nhau tụ họp ăn uống, vui chơi.