Lý giải tên gọi lạ của Trường Đại học Khoa học Sức khoẻ
–
Thứ bảy, 24/09/2022 19:50 (GMT+7)
Hội đồng thẩm định đề án thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khỏe họp phiên ngày 26.9.2020. Ảnh: Phương Thanh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 1122/QĐ-TTg ngày 23.9.2022 phê duyệt chủ trương thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khoẻ là trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM.
Tên gọi lạ này ngay lập tức gây chú ý khi các trường đại học đào tạo khối Sức khoẻ hiện nay thường có tên trường đại học y dược.
Theo tìm hiểu của Lao Động thì đề án thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khỏe đã được Đại học Quốc gia TPHCM xây dựng từ lâu trên cơ sở tiền thân là Khoa Y.
Theo GS.TS.BS Đặng Vạn Phước – Trưởng Khoa Y, hiện nay Khoa Y đã có đầy đủ những điều kiện để phát triển thành trường đại học.
“Chủ trương củng cố và nâng tầm Khoa Y thành Trường Đại học Khoa học Sức khỏe đã làm nhất quán đề án phát triển Khoa Y vào năm 2009 và xuyên suốt trong các quyết nghị của Đại học Quốc gia TPHCM, góp phần tích cực, hiệu quả vào hệ thống y tế TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, GS Đặng Vạn Phước cho biết.
Hội đồng thẩm định đề án thành lập Trường Đại học Khoa học Sức khỏe cũng đã được tổ chức và xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia.
Tại thời điểm hội đồng thẩm định họp, trao đổi với Lao Động, GS.TS.BS Đặng Vạn Phước – Trưởng khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết Trường Đại học Khoa học Sức khỏe được đề xuất thành lập trên chủ trương củng cố và nâng tầm Khoa Y thành trường đại học chứ không phải là thành lập một trường mới.
Lý giải về tên Trường Đại học Khoa học Sức khoẻ, GS Phước cho biết: “Các trường đào tạo khối ngành Sức khoẻ tại Việt Nam lâu nay có thói quen đặt tên là trường đại học y, dược. Tuy nhiên, tên Khoa học Sức khoẻ sẽ bao quát hơn các lĩnh vực khác ngoài y, dược như răng-hàm-mặt, khoa học y sinh, y tế công cộng, điều dưỡng, kĩ thuật y khoa, y học cổ truyền… Phần lớn các trường đều đào tạo các ngành chứ không riêng y hay dược nên chúng tôi gọi chung là Khoa học Sức khoẻ. Ở nước ngoài, người ta cũng gọi như vậy”.
Sinh viên Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: NT
Trước đó, tháng 9.2019, Bộ Y tế cũng thông tin đang xây dựng Đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học Sức khỏe. Theo lãnh đạo Cục Khoa học đào tạo và Công nghệ, Bộ Y tế cho biết, mô hình đại học với các trường thành viên đã có ở Việt Nam, như các Đại học Quốc gia (Hà Nội, TPHCM), Đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng).
Mô hình này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Đối với lĩnh vực khoa học sức khỏe, cũng đã có một số mô hình như Đại học Khoa học Sức khỏe Lào, Đại học California San Francisco.
Gần 20 năm trước, chủ trương thành lập Đại học Khoa học sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập, dự kiến đặt tại Hà Nội và TPHCM. Về bản chất, đây là mô hình đại học, trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường Đại học Y, Trường Đại học Dược, Trường Đại học Điều dưỡng, Trường Đại học Y tế công cộng….
Mô hình này sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như Bộ máy quản lí, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành.
Trường Đại học Khoa học Sức khỏe sẽ là một trong những cơ sở đào tạo khối ngành Sức khoẻ trọng điểm của khu vực phía Nam trong tình hình đang thiếu hụt nhân lực cho ngành Y tế như hiện nay.
Trước đó, ngày 27.10.2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 1666/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Y Dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội trên cơ sở nâng cấp và phát triển Khoa Y Dược.