Lý do những bộ phim tình yêu lãng mạn Ả Rập không bao giờ có… hôn nhau

Trên trang Quora, cô Salma Medina, một người Ai Cập, đã cho biết phụ nữ của thế giới Ả Rập nghĩ thế nào về tình yêu. Xin phép tóm lược góc nhìn của cô, dĩ nhiên đây chỉ là nhận định cá nhân, không đại diện cho toàn thể phụ nữ Ả Rập.

milleworld.com

Việc hôn nhau dưới mưa, ở sân bay có được không?

Xin thưa, phụ nữ Ả Rập không được xã hội chấp nhận, cho phép thể hiện tình cảm quá mức, nói cách khác, các mối quan hệ nên có xu hướng ít thể chất hơn. Dĩ nhiên, một số người lén lút hôn nhau hoặc làm những việc tương tự, nhưng điều đó chỉ xảy ra sau những cánh cửa đóng kín. Nhiều người nữ không bao giờ cho phép người yêu của họ chạm vào họ theo bất kỳ cách nào trước khi đính hôn chính thức. Vì vậy, tình yêu trai gái của người Ả Rập thường không có tình dục. Trên thực tế, bạn sẽ không thấy bất kỳ nụ hôn nào trong các bộ phim lãng mạn của Ả Rập.

Vậy, hôn vợ trước mặt con thì sao?

Hầu như chưa ai từng làm việc đó. Chúng tôi nghĩ rằng những nụ hôn như một phần của trải nghiệm tình dục. Đó không phải là thứ mà chúng tôi cho bọn trẻ xem. Ngay cả trước khi đi làm hoặc sau khi đi làm về thì vẫn không có nụ hôn. Nếu có trẻ em xung quanh, thì không hôn hoặc đụng chạm quá mức. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một nụ hôn ngoài đời thực cho đến khi tôi đi du lịch nước ngoài.

Có nên quỳ xuống cầu hôn?

Bạn không thể cầu hôn người yêu của mình bằng cách quỳ xuống đất, nâng nhẫn và chờ cô ấy đồng ý rồi nói rằng bạn đã đính hôn!

Hôn nhân ở đây là chuyện gia đình, không phải chuyện cá nhân. Nếu người yêu của tôi muốn cầu hôn, anh ấy phải làm điều đó một cách chính thức bằng cách đến nhà tôi, gặp gia đình và được sự đồng ý của cha tôi.

Quỳ trên đất là điều hoàn toàn xa lạ ở đất nước Hồi giáo. Không cần làm như thế, chỉ cần người yêu của tôi nói rằng “Khi nào anh có thể gặp cha em?” thì tôi biết là anh ấy muốn kết hôn với tôi. Nhìn chung, người Ả Rập không quen việc giới thiệu người yêu với gia đình khi chưa có bất kỳ điều gì chính thức.

123rf.com

Ngoài ra, cũng không nên đề nghị người nữ đeo nhẫn. Việc này chỉ tiến hành khi cả hai tìm hiểu rất kỹ về nhau, và thường là sau khi hai bên gia đình bàn bạc với nhau.

Dọn về ở chung trước khi cưới có được không? Xin thưa là không. Đây là điều bị xã hội coi thường và không bao giờ xảy ra không? Trong buổi hẹn hò, người nữ cũng không nên diện chiếc váy gợi cảm nhất của mình, vì đàn ông Ả Rập không cho phép thực hiện điều đó. Việc chồng nhìn vợ và bảo cô ấy thay đồ ít hở hang hơn vì anh ấy ghen là chuyện thường tình.

Nhìn chung, người Ả Rập dễ tha thứ hơn cho những việc đại loại như ghen tuông và chiếm hữu. Tuy nhiên, tôi vẫn có thể hờn dỗi vì một đồng nghiệp nữ nói chuyện với anh ấy quá nhiều. Việc không cho phép vợ/chồng bạn chơi thân với người khác giới là điều hoàn toàn tự nhiên.

Có thể nói “Anh yêu em” trước khi cúp điện thoại, đi làm hoặc trước khi đi ngủ?

Nhìn chung, người Ả Rập không nói nhiều về cảm xúc của họ giống như người phương Tây. Việc nói “Anh yêu em” bằng tiếng Ả Rập không phải lúc nào cũng thể hiện dễ dàng. Tuy nhiên, khi nói câu đó thì chứng tỏ rằng đã diễn tả một cảm giác mãnh liệt và rất đặc biệt.

Việc hẹn hò có bị cấm không?

Đối với những gia đình bảo thủ (khá phổ biến) thì việc hẹn hò chỉ thực hiện một cách bí mật; còn đối với gia đình cực kỳ bảo thủ thì không bao giờ cho phép nam nữ hẹn hò. Nếu một chàng trai phải lòng cô gái, thì anh ta nên trực tiếp đến gặp cha cô ấy.

Yêu nhau rồi cưới? Ngạn ngữ Ai Cập có câu “Tình yêu thực sự đến sau hôn nhân”. Vì vậy, cho đến khi hai vợ chồng cùng nhau nếm trải tất cả những cay đắng, ngọt bùi trong cuộc hôn nhân, cùng nhau vun đắp mối quan hệ gia đình đã tạo ra trong nhiều năm thì tình yêu đích thực sẽ xuất hiện chứ không phải là chỉ là những cảm xúc đam mê xảy ra trong thời gian đầu.

vectorstock.com

Cuối cùng, xin nhắc lại, những nhận định trên của cô Salma Medina về phụ nữ của thế giới Ả Rập chỉ là ý kiến cá nhân. Cô phát biểu với tư cách là một người Ai Cập thuộc tầng lớp trung lưu, không đại diện cho bất cứ ai, bởi vì quan điểm về hôn nhân luôn có những ngoại lệ.