Lỗ hổng quy chế thi nghiên cứu KHKT khiến học sinh “đẻ” ra các dự án “siêu phàm”

GDVN- Thông tư 38/2012/TT không quy định mức độ % công sức của người hướng dẫn, người bảo trợ dẫn đến học sinh cho “ra lò” nhiều dự án “tầm cỡ”, quá sức tưởng tượng.

Ngày 2/11/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT về Quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. [1]

Cho đến thời điểm này, cuộc thi khoa học kĩ thuật của học sinh phổ thông đã triển khai được 10 năm và nhận về nhiều lời khen, chê trái chiều.

Bởi, nhiều đề tài đạt giải cấp tỉnh đến cấp quốc qua trong nhiều năm qua nghiên cứu về robot, ung thư… đều “vượt tầm” của học sinh trung học (từ 15 đến 18 tuổi). Các đề tài nghiên cứu học sinh thực chất tham gia bao nhiêu %, người lớn “đầu tư” nhiều hay ít trong các dự án này vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục chưa bao giờ công bố toàn văn các dự án đạt giải nghiên cứu khoa học kĩ thuật khiến dư luận xôn xao bàn tán hết năm này qua năm khác, những nghi vấn thì vẫn còn ở đó.

Lỗ hổng quy chế thi nghiên cứu KHKT khiến học sinh "đẻ" ra các dự án "siêu phàm" ảnh 1

Lỗ hỏng Thông tư 38/2012/TT

Cá nhân người viết nhận thấy, Thông tư 38/2012/TT ban hành Quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông có lỗ hỏng vì không quy định mức độ % công sức của người hướng dẫn, người bảo trợ dẫn đến học sinh cho “ra lò” ra nhiều dự án “tầm cỡ”, quá sức tưởng tượng.

Theo đó, Điều 5 quy định: “mỗi dự án dự thi có tối thiểu 01 người hướng dẫn nghiên cứu. Một người hướng dẫn được hướng dẫn tối đa hai dự án nghiên cứu khoa học của học sinh trong cùng thời gian.”

Cụ thể, mỗi dự án dự thi có 01 giáo viên trung học (đang công tác tại cơ sở giáo dục trung học có học sinh dự thi) bảo trợ, do thủ trưởng cơ sở giáo dục trung học có học sinh dự thi ra quyết định cử.

Người bảo trợ có thể đồng thời là người hướng dẫn khoa học. Ngoài người bảo trợ, dự án dự thi có thể có thêm nhà khoa học chuyên ngành thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở khoa học công nghệ (có thể là cha, mẹ, người thân của học sinh) hướng dẫn. [2]

Như thế, Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT cho phép nhiều người tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nhà khoa học chuyên ngành. Vậy nên, khi học sinh làm ra sản phẩm thì ban giám khảo không thể lượng hóa được bao nhiêu % công sức của trò – ngoại trừ người trong cuộc.

Chẳng hạn, năm nay Trường Trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) có 2 dự án đạt giải Nhất quốc gia, đó là: “Điều trị béo phì bằng cao chiết xanthone từ vỏ quả măng cụt (Garcinia mangostana L.) trên chuột nhắt trắng (Mus musculus)” – lĩnh vực Y sinh;

“Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá Khôi (Ardisia gigantifolia)” – Sinh học tế bào và phân tử.

Ngày 1/4/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã dẫn lời Thạc sĩ Hóa học Trần Văn Hưng – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên chia sẻ:

“Trước hết, ý tưởng là của học sinh, và nhà trường cũng có phản biện để học sinh đưa ra những lập luận chứng minh ý tưởng đó có tính khả thi, có ích với cộng đồng. Sau khi nghe học sinh giải trình, nhà trường thành lập tổ tư vấn, lựa chọn đề tài nghiên cứu, giao cho các thầy cô lãnh đội tìm hướng thực hiện, hỗ trợ giúp học sinh có thể tiếp cận thực hiện nghiên cứu đó đạt kết quả tốt nhất.

Khó khăn lớn nhất là nhà trường chưa có đủ các thiết bị nghiên cứu, chính vì thế các thầy cô lãnh đội phải liên hệ với một số viện, trung tâm nghiên cứu nơi có trang thiết bị phù hợp để các con học sinh thực hiện, cùng với sự hỗ trợ của rất nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đến nghiên cứu”.

Hay, bài viết “Đề tài thi khoa học kỹ thuật của học sinh phổ thông ‘bề thế’ như… luận văn thạc sĩ” ngày 1/4/2022 đăng trên Báo Tuổi Trẻ cho biết: “Một giảng viên cho hay trong số 12 dự án đoạt giải nhất, có một dự án đúng theo hướng nghiên cứu của mẹ là giảng viên đại học.” [3]

Có thể nhận thấy, nếu không có sự hỗ trợ tận tình của giáo viên, viện, trung tâm nghiên cứu và chuyên gia thì làm sao các em có thể nghiên cứu được những dự án “khủng”, chẳng hạn đề tài ung thư – vấn đề hóc búa trong y học, vượt tầm trình độ học sinh phổ thông.

Theo tìm hiểu của tôi, một dự án khoa học kĩ thuật của học sinh được người hướng dẫn hỗ trợ qua nhiều công đoạn, ngay từ lúc các em bắt tay vào nghiên cứu cho đến lúc dự thi cấp trường, cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Rất nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra.

1) Kiến thức “phổ thông” có đủ để học sinh từ 15 đến 18 tuổi nghiên cứu về robot, ung thư…?.

2) Phòng thí nghiệm ở trường học phổ thông có đạt chuẩn để học sinh nghiên cứu những vấn đề hóc búa? Học sinh có thể sử dụng thành thạo các loại máy móc, trang thiết bị để điều chế, phân tích, thực nghiệm hay không?

3) Học sinh phổ thông phải học hàng chục môn, không có môn chuyên ngành, chuyên sâu thì có nghiên cứu ra những sản phẩm quá sức bản thân? Học sinh cuối cấp – lớp 9, lớp 12, thường đi học cả ngày, thời gian đâu để các em đến các viện, trung tâm nghiên cứu?

4) Học sinh chưa được học phương pháp nghiên cứu khoa học thì các em nghiên cứu bằng cách nào?

5) Bao nhiêu giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu về ung thư am hiểu ung thư? Vì sao nhiều dự án nghiên cứu về ung thư rất khả quan nhưng sau mỗi cuộc thi, sản phẩm không được công khai rộng rãi?

Ngoài ra, Điều 11 Thông tư 38/2012/TT-BGDĐTquy định: “giáo viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu, nhà khoa học tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học chịu trách nhiệm về nội dung của dự án mình hướng dẫn”.

Tôi nghĩ, cụm từ “chịu trách nhiệm” còn chung chung, chưa tường minh, lẽ ra văn bản phải ghi rõ, người hướng dẫn phải chịu trách nhiệm về liêm chính học thuật trong nghiên cứu, cùng với đó là các quy định chống sao chép (đạo văn) mới hợp lí.

Thay lời kết

Chỉ bàn riêng lĩnh vực Sinh học tế bào phân tử, trong đó có nghiên cứu ung thư, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, ung thư đang là thách thức của nhân loại, còn học sinh chưa có kiến thức căn bản về y học, làm sao có thể nghiên cứu thành công? [4]

Ngày 28/3/2019, Báo Nhân Dân đưa tin, sau tám năm miệt mài, Tiến sĩ Phan Minh Liêm (Viện trưởng Viện Y sinh Việt Nam – Hoa Kỳ) được cộng đồng quốc tế ghi nhận về việc lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại tìm ra protein 14-3-3 sigma có khả năng tiến công hữu hiệu quá trình chuyển hóa năng lượng của các tế bào ung thư, tìm ra một cơ chế mới có khả năng đảo ngược quá trình phát sinh ung thư và tiêu diệt ung thư hiệu quả. [5]

Vậy mà học sinh phổ thông chỉ nghiên cứu trong vài ba tháng (cứ cho là vài năm) thì phát minh ra nhiều phương pháp chẩn đoán, điều trị ung thư, liệu có hoang tưởng?

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục cần chỉnh sửa Thông tư 38/2021/TT bằng cách quy định rõ mức độ đóng góp tối thiểu của học sinh trong các dự án nghiên cứu khoa học kĩ thuật, đảm bảo yếu tố cơ bản trong nghiên cứu khoa học là tính liêm chính, học thuật. Đặc biệt là trả lại sân chơi cho chính các em học sinh với các đề tài, dự án đúng sức các em.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-38-2012-TT-BGDDT-Quy-che-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-hoc-sinh-150866.aspx

[2] //moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-trung-hoc/Pages/default.aspx?ItemID=4081

[3] //tuoitre.vn/de-tai-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cua-hoc-sinh-pho-thong-be-the-nhu-luan-van-thac-si-20220401161426743.htm

[4] //laodong.vn/ban-doc/nhung-tranh-cai-ve-cuoc-thi-khkt-quoc-gia-danh-cho-hoc-sinh-trung-hoc-hoc-sinh-nghien-cuu-ung-thu-bac-si-choang-876005.ldo

[5] https://nhandan.vn/doi-song-xa-hoi-hangthang/thap-sang-hy-vong-cho-nguoi-benh-ung-thu-353877/

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên