Lịch sử Tuần lễ Thời trang Paris (Paris Fashion Week) từ A – Z

Paris Fashion Week là tuần lễ thời trang cuối cùng của “tứ đại” fashion week toàn cầu, thường diễn ra vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 hàng năm.

Lịch sử Tuần lễ Thời trang Paris (Paris Fashion Week)

Mỗi năm, hàng triệu người đổ về Paris để chứng kiến Tuần lễ Thời trang Paris. Sự kiện quy tụ những tên tuổi lớn nhất trong làng thời trang, từ những ngôi sao nổi tiếng, các tài năng mới nổi khắp châu Âu và trên thế giới. Tại đây thường có những màn hợp tác thú vị giữa các nhà thiết kế và các thế lực sáng tạo khác, tạo ra những thứ hoàn toàn mới ngoài mong đợi.

Không khí ở Paris Fashion Week không giống bất cứ nơi nào trên thế giới. Người ta không chỉ tới đó để nhìn ngắm quần áo, mà còn khám phá thế giới cao cấp của sự sáng tạo và tinh hoa thị giác.

Bầu không khí ở đây mạnh mẽ như điện giật, giống như bạn đang bước vào một chiều không gian khác, nơi mọi thứ đều có thể xảy ra. Bạn không biết được mình sẽ tình cờ gặp minh tinh thế giới nào, hay màn trình diễn đặc sắc nào sẽ xuất hiện trên sàn catwalk. Đó là một trải nghiệm không thể nào quên chỉ tìm thấy tại Tuần lễ Thời trang Paris (Paris Fashion Week).

Bộ sưu tập Haute-Couture Spring-Summer 2023 của Viktor & Rolf

1. Đôi nét về Tuần lễ Thời trang Paris và lịch diễn ra Paris Fashion Week

Tuần lễ Thời trang Paris (Paris Fashion Week) là một trong “Big 4” fashion week thế giới, bên cạnh New York Fashion Week, London Fashion Week và Milan Fashion Week. Hàng năm, New York Fashion Week sẽ diễn ra trước, kế tiếp là London, Milan và cuối cùng là Paris Fashion Week.

Khi nói tới Paris Fashion Week, người ta chỉ nghĩ tới các show thời trang nữ ready-to-wear diễn ra vào tháng 2-3 và tháng 9-10. Nhưng thực tế, Paris Fashion Week còn tổ chức vào tháng 1 và tháng 7, quy mô tuy nhỏ hơn nhưng đó là các show haute couture (thời trang cao cấp) rất được người trong giới quan tâm. Ngoài ra còn có các show thời trang cho nam giới.

Bộ sưu tập Spring/Summer 2023 của Mr. Saturday

Ngày giờ tổ chức các sự kiện chính thức trong khuôn khổ Paris Fashion Week do Liên đoàn Thời trang Pháp French Fashion Federation (Fédération française de la couture) quyết định. Ngoài ra còn có các sự kiện thời trang độc lập dành riêng cho công chúng mà bạn có thể mua vé, chưa kể các sự kiện miễn phí và digital. Bạn có thể tham khảo lịch diễn Paris Fashion Week và các tuần lễ thời trang khác tại đây. Lịch được cập nhật từ 4-6 tuần trước khi sự kiện chính thức bắt đầu.

2. Lịch sử ra đời Tuần lễ Thời trang Paris

Mặc dù tuần lễ thời trang đầu tiên trên thế giới diễn ra ở New York, nhưng nguồn gốc của nó đã bắt đầu từ các “salon show” ở Paris vào những năm 1700.

Các buổi trình diễn đầu tiên chỉ dành riêng cho khách hàng mua đồ. Nhưng quần áo được treo trên người ma-nơ-canh, do đó khách hàng sẽ không biết được bộ quần áo sẽ ra sao khi con người mặc vào, vì ma-nơ-canh hoàn toàn bất động.

Đến những năm 1800, cách thức trình bày quần áo bắt đầu thay đổi. Nhà thiết kế haute couture Charles Frederick Worth trình bày thời trang cao cấp dưới hình thức chuyển động. Jeanne Paquin là nhà thiết kế đầu tiên giới thiệu bộ sưu tập của mình ra công chúng, và Paul Poiret là người đầu tiên tổ chức tiệc sau các sự kiện.

Lịch sử ra đời Tuần lễ Thời trang Paris Fashion Week

Đến giữa những năm 1800, Công chúa nước Áo kiêm vợ Đại sứ Paris – bà Pauline von Metternich đã nhìn thấy những mẫu thiết kế của Charles Frederick Worth và thuê ông thiết kế đầm cho bà. Worth được công nhận bởi những khách hàng giàu có, quyền lực. Ông đã mở thương hiệu haute couture của riêng mình tại Paris vào năm 1858, chuyên bán quần áo cao cấp cho phụ nữ thượng lưu.

Năm 1868, Hiệp hội thợ may Paris (Chambre Syndicale de Haute Couture) được thành lập để đề ra các tiêu chuẩn của một “nhà mốt”. Để được gọi là haute couture, thiết kế phải được may riêng cho vừa vặn với người mặc, được may bằng tay với vật liệu chất lượng cao bởi thợ may nhiều kinh nghiệm.

50 năm sau, vào năm 1921, báo chí Pháp thành lập L’Association de Protection des Industries Artistiques Saisonnieres (Hiệp hội bảo vệ các ngành công nghiệp nghệ thuật). Mục đích của hội này là nhằm bảo vệ các thiết kế haute couture không bị sao chép. Để bảo vệ bản quyền cho nhà thiết kế, bộ trang phục sẽ được mặc lên ma-nơ-canh hoặc người mẫu, rồi được chụp lại ở mặt trước, sau và 2 bên để làm thành catalog.

Vào năm 1945, Hiệp hội thợ may Paris lại ra một bộ quy tắc mới để định nghĩa lại khái niệm “nhà mốt haute couture”. Theo đó, vào mỗi mùa, nhà mốt phải trình bày một bộ sưu tập gồm ít nhất 35 thiết kế dành cho mặc ban ngày và buổi tối. Bộ sưu tập do truyền thông báo chí Pháp đánh giá.

Ngoài ra, nhà mốt phải có ít nhất 20 nhân viên, mỗi thiết kế phải bao gồm phụ kiện và may theo đơn đặt của khách hàng. Các sự kiện diễn ra 2 lần một năm dành cho các nhà mốt haute couture được xem là tuần lễ thời trang đầu tiên ở Paris.

Bộ sưu tập New Look của Christian Dior năm 1947

Tuần lễ Thời trang Paris đầu tiên được chính thức công nhận là vào tháng 10-1973, do Liên đoàn Thời trang Pháp (Fédération française de la couture) tổ chức. Sự kiện bao gồm các show haute couture, Ready-to-wear và Men’s Fashion gộp chung trong 1 dịp. Nguồn thu từ tuần lễ này được dùng để tu sửa Cung điện Versailles.

Paris Fashion Week đầu tiên có sự tham gia của nhiều nhà thiết kế từ Paris và Hoa Kỳ, bao gồm Anne Klein, Bill Blass, Stephen Burrows, Oscar de la Renta, Hubert de Givenchy, Yves Saint Laurent… Hàng ghế khán giả có Grace Kelly, Jane Birkin, Liza Minelli, Andy Warhol…

Các nhà thiết kế Pháp rất sáng tạo cho phần trình diễn đầu tiền của họ, lấy phông nền là một con tàu tên lửa, xe khách bí ngô hay một con tê giác kéo theo xe caravan. Các nhà thiết kế Mỹ lại mang tới những người mẫu Mỹ gốc Phi, đánh dấu lần đầu tiên người mẫu Mỹ gốc Phi bước trên sàn runway Pháp.

Sự kiện thu hút dư luận thế giới và được gọi là Cuộc chiến Versailles (The Battle of Versailles) bởi vì sự căng thẳng giữa các nhà thiết kế Mỹ và Paris trong suốt sự kiện.

Cuộc chiến Versailles

3. Sự tiến hóa của Tuần lễ Thời trang Paris (Paris Fashion Week)

Kể từ đó đến nay, các show diễn tại Tuần Lễ Thời trang Paris ngày càng táo bạo, từ show diễn 6.000 người của Thierry Mugler tại Sân vận động Le Zenith vào năm 1984, đến chiếc áo ngực hình nón của Jean Paul Gaultier từng được Madonna lăng xê trong tour diễn 1990 Blonde Ambition World.

Sự tiến hóa của Tuần lễ Thời trang Paris (Paris Fashion Week)

Chanel cũng không chịu lép vế. Dưới bàn tay phù thủy của Karl Lagerfeld trong những năm 1980, Chanel đã tạo ra nhiều khoảnh khắc đáng nhớ trên sàn diễn. Chưa kể làn sóng các nhà thiết kế đến từ Nhật Bản như Yohji Yamamoto và Comme Des Garçons, đã đem lại cuộc cách mạng về thời trang.

Show diễn Thierry Mugler Haute Couture Thu Đông 1984

Những năm 1990 chứng kiến sự xuất hiện của các nhà thiết kế Anh quốc tại Paris, từ John Galliano (sau này trở thành giám đốc sáng tạo cho Dior vào năm 1996) đến Alexander McQueen (làm giám đốc sáng tạo cho Givenchy từ năm 1996-2001). Gần đây, vào tháng 7-2019, Stella McCartney kết hợp với nhà mốt Pháp LVMH để tham gia vào lĩnh vực thời trang cao cấp bền vững.

Show diễn Givenchy haute couture Xuân Hè 1997

Paris Fashion Week ngày càng trở nên cạnh tranh khốc liệt. Gần đây các thương hiệu lại chú trọng đến các show thời trang mang tính gần gũi, chẳng hạn họ xây dựng phông nền mô phỏng nhà ga xe lửa, siêu thị, sân bay, vòng đu quay… Nhiều ý tưởng phông nền của Karl Lagerfeld cho Chanel đã thu hút rất nhiều sự chú ý, cái sau lại độc đáo hơn cái trước.

Paris Fashion Week

4. Các thương hiệu thời trang và nhà thiết kế nổi tiếng tham gia Paris Fashion Week

So với London và Milan Fashion Week thì Tuần lễ Thời trang Paris (Paris Fashion Week) diễn ra nhiều ngày hơn, là điểm dừng chân dài hơi nhất trong một tháng thời trang. Lịch diễn của Paris Fashion Week xen kẽ những thương hiệu độc lập với các nhà tạo mốt đình đám, nhằm tạo điều kiện cho các thương hiệu nhỏ thu hút nhiều báo đài và người mua hơn.

Vì điều này mà rất nhiều thương hiệu đã đổ xô đến Paris Fashion Week. Có một thực tế là, những người mua tiềm năng có thể bay từ thành phố này qua thành phố khác để xem trình diễn, nhưng họ thường dừng chân tại Paris để “chốt đơn”. Do đó các thương hiệu trẻ thường chọn Paris để đóng đô.

Các tên tuổi lớn thường xuất hiện tại Paris Fashion Week là Chanel, Dior, Louis Vuitton, Kenzo, Givenchy, Céline, Maison Margiela, Miu Miu, Chloé, Off-White, Elie Saab, Alexander McQueen, Hermès, Valentino, Pierre Cardin, Balenciaga, Lanvin, Stella McCartney…

Nhiều cái tên mới nổi cũng góp mặt tại sự kiện như Y/Project, Marine Serre, Kwadian Editions, Rokh…

Paris Fashion Week

5. Địa điểm diễn ra Tuần lễ thời trang Paris (Paris Fashion Week)

Địa điểm chính xác diễn ra các sự kiện đã không còn được công khai vì lý do an ninh. Tuy vậy, các địa điểm thường được các nhà mốt lựa chọn bao gồm Bảo tàng Le Grand Palais, Bảo tàng Musée Rodin (thường diễn ra show Dior), Bảo tàng Louvre với khách quen là nhà mốt Louis Vuitton.

Gần Bảo tàng Louvre có 2 khu vườn Jardin des Tuileries và Jardin du Palais Royal, nơi những người nổi tiếng trong ngành thời trang thường hay ghé lại uống cà phê, chụp ảnh.

Những con phố ở khu Le Marais như Rue de Turenne, Rue Debelleyme, Rue Charlot, và Rue Viellille du Temple thường xuất hiện nhiều fashionista ăn mặc phong cách, cũng như hoạt động nghệ thuật thú vị.

Sâu khấu Spring/Summer 2016

6. Nhà hàng và quán cà phê ở Paris

Quán cafe Sinner là nơi nhiều người nổi tiếng Pháp thường lui tới, chẳng hạn người mẫu Lily-Rose Depp, nhà thiết kế Jacquemus, đạo diễn phim Loic Prigent, cây bút thời trang Carine Roitfeld… Ở đây phục vụ cả ẩm thực châu Á, Latin và Bắc Phi.

Nhà hàng L’Avenue trên Đại lộ Montaigne ở quận 8 được bao bọc xung quanh bởi những cửa hàng xa xỉ như Hermès và Goyard. Các người mẫu Bella Hadid và Hailey Baldwin từng dùng bữa tối ở đây. Rihanna, vợ chồng Beyonce và Jay-Z, nhà Kardashian và Kanye West cũng từng tới nhà hàng dùng bữa.

Nếu thích những quán underground, bạn có thể ghé Derrière ở khu Paris’ Arts et Métiers. Đây là nơi người dân Paris thường đến ăn uống. Nếu may mắn bạn có thể ngồi kế những người có ảnh hưởng trong làng mốt Pháp như Jeanne Damas hay Leia Sfez.

Nhà hàng L’Avenue ở quận 8

Nhà hàng Wild and the Moon – Saint Honoré lại phục vụ nhiều loại nước trái cây thanh lọc cơ thể, món ăn Buddha. Họ còn kết hợp với nhà thiết kế Virgil Abloh của Off-White và thương hiệu Nhật Sacai để ra mắt một dòng nước ép chỉ dành riêng cho Tuần lễ Thời trang Paris (Paris Fashion Week).

Ngoài ra, quán cà phê Café de Flore ở khu phố Saint-Germain-des-Prés thuộc quận 6 cũng là nơi nhiều người nổi tiếng tụ tập.

7. Một số luật của Paris Fashion Week

Cấm size zero: Theo luật của Pháp, Fashion Week không được có sự xuất hiện của các người mẫu có tỷ lệ cơ thể là size zero. Theo đó, các người mẫu gầy dưới mức cho phép sẽ không được bước trên sàn catwalk.

Giới hạn độ tuổi: Paris Fashion Week từng cấm người mẫu dưới 18 tuổi. Sau các cuộc vận động của những thương hiệu xa xỉ như LVMH và Kering, luật đã chuyển thành cấm người mẫu dưới 16 tuổi. Như vậy, người mẫu dưới 16 tuổi sẽ không được đi catwalk cũng như tham gia chụp ảnh mặc trang phục người lớn.

Đến Paris vào thời điểm diễn ra Tuần lễ Thời trang Paris (Paris Fashion Week) là một trải nghiệm hiếm có trong đời. Bạn có thể khám phá những viên ngọc bí ẩn trong thành phố theo cách riêng của mình. Có rất nhiều sự kiện diễn ra ở Paris suốt tuần lễ này, từ các show diễn nghệ thuật đến các buổi tiệc do các cửa hàng thời trang địa phương tổ chức. Các trung tâm sự kiện, địa điểm lịch sử, nhà thờ… đều vô cùng nhộn nhịp, rộn rã. Hãy chuẩn bị cho mình những bộ đồ thật phong cách để cùng khám phá kinh đô thời trang của thế giới nhé.

>>> Đọc thêm: 11 CÁCH PHỐI ĐỒ CÔNG SỞ NỮ ĐẸP NHƯ SAO

13 CÁCH PHỐI ĐỒ VỚI ÁO KHOÁC JEAN ĐẸP VÀ CÁ TÍNH

9 TUYỆT CHIÊU PHỐI ĐỒ CHO NGƯỜI LÙN VÀ MẬP

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam