Lịch sử thương cảng Vân Đồn – Redsvn.net
Thành lập từ thời nhà Lý, năm 1149 đời vua Lý Anh Tông, thương cảng Vân Đồn đã góp phần vào sự phát triển chung của lịch sử dân tộc Đại Việt. Điều đó được thể hiện ở các mặt từ kinh tế, an ninh chủ quyền đến truyền thống văn hoá, phong tục tập quán… mang đặc trưng của vùng biển Đông Bắc.
Vân Đồn là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời. Tên địa danh Vân Đồn được ghi chép trong sử sách lần đầu năm Đại Định thứ 10, năm 1149. Khi mới xuất hiện Vân Đồn là một trang thuộc đạo Hải Đông. Dưới thời Lý, hệ thống hành chính các cấp được tổ chức lại từ thời Lý Thái Tông (Thái Tổ) và về sau ngày càng được hoàn thiện dần trên cơ sở các đơn vị hành chính là đạo từ thời Đinh, tiền Lê…
Tuy nhiên, phải đến dưới thời Trần, Vân Đồn mới thực sự phát triển mạnh mẽ, trở thành thương cảng lớn và có vị trí quan trọng nhất của Đại Việt. Điều này được Đại Việt sử ký toàn thư chép lại rằng: “Nhiều đoàn thương thuyền trước đây vào các cửa biển Tha, Viên ở châu Diễn, nay “phần nhiều tụ tập ở Vân Đồn”. Không những mở rộng về địa giới hành chính, Vân Đồn từ trang được nâng lên thành một trấn, lập vào thời Trần Dụ Tông, năm 1345, thuộc lộ Hải Đông, sau đổi là lộ An Bang. Cũng trong thời kỳ này, hàng ngũ quan lại và quân đội được thiết lập và kiện toàn làm nhiệm vụ quản lý đời sống nơi đây. Thời bấy giờ, do Vân Đồn là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi tập trung của thuyền bè các nước buôn bán và cư trú nên vấn đề quản lý an ninh chính trị được hết sức chú trọng. Công việc trấn giữ, quản lý vùng Vân Đồn và miền Đông Bắc thường được vua Trần giao cho các thân vương, đại thần trọng chức. Nổi bật trong số đó là Nhân huệ vương Trần Khánh Dư. Với chính sách ngoại thương cởi mở, thông thoáng của nhà nước đã tạo điều kiện để Vân Đồn trở thành thương cảng sầm uất, nhộn nhịp và thịnh trị nhất dưới thời Trần. Cũng tại thời kỳ này, đã hình thành rõ rệt các bến thuyền neo đậu phục vụ cho việc giao thương. Theo đó, các công trình tâm linh tại đây cũng được đầu tư chú trọng; đặc biệt là khu vực trung tâm của thương cảng như: Đảo Cống Tây, với 5 ngôi chùa và 1 Bảo tháp… mang lại cho lịch sử dân tộc nét văn hoá đặc trưng của biển đảo vùng Đông Bắc.
Qua thời thuộc Minh, Vân Đồn tiếp tục được chính quyền đô hộ chú trọng phát triển. Vân Đồn thời kỳ này được đổi thành huyện, là một trong 8 huyện thuộc châu Tĩnh An, phủ Tân An (theo Đại việt địa dư toàn biên). Để tăng cường công tác quản lý, kiểm soát nhất là đẩy mạnh việc thu thuế và khai thác sản vật địa phương, nhà Minh đã cho thiết lập nhiều cơ quan chức năng ở Vân Đồn như ty Thị bạc đề cử, ty Trừu phân tràng (sở đánh thuế buôn bán) năm Vĩnh Lạc thứ 6 (1408) hay 12 điểm Tuần ty năm 1409; trường sở thu ngọc trai năm 1418. Do đó, thời thuộc Minh, Vân Đồn vẫn là một trung tâm kinh tế lớn, một cửa ngõ giao thương trọng yếu của nước ta.
Sang thời Lê sơ, huyện Vân Đồn được đổi thành châu, thuộc lộ An Bang, Đông Đạo. Khi đó, nước ta được chia làm 5 đạo, dưới đạo là trấn, lộ, phủ, huyện, châu và cuối cùng là xã. Cơ cấu hành chính được giữ nguyên trong thời Mạc và hết triều Lê Trung Hưng, cho đến đời Lê Anh Tông (1556-1573), để tránh tên huý nhà vua (là Lê Duy Bang), trấn An Bang được đổi thành An Quảng, vẫn lĩnh 1 phủ, 3 huyện, 4 châu, trong đó châu Vân Đồn gồm 2 xã (theo Lịch triều hiến chương loại chí). Do ảnh hưởng của thể chế quân chủ mô hình Nho giáo, các Hoàng đế nhà Lê sơ, đặc biệt từ thời Lê Thánh Tông (1460-1497) đã không ngừng kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến việc hạn chế sự phát triển của kinh tế thương nghiệp, nhất là các cảng thị ngoại thương. Với các chính sách quản lý chặt chẽ, mà thương cảng Vân Đồn ở thời kỳ này có dấu hiệu sút giảm so với thời kỳ trước đó.
Đến thời Nguyễn, Thương cảng Vân Đồn tiếp tục suy giảm về vai trò kinh tế và vị thế chính trị. Thời kỳ đầu, nhà Nguyễn giữ nguyên các đơn vị hành chính như trước. Châu Vân Đồn vẫn thuộc phủ Hải Đông, trấn Yên Quảng. Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) giữ nguyên châu Vân Đồn cho lệ thuộc vào huyện Nghiêu Phong với trung tâm huyện lỵ có địa danh là Cống Đông thập bát xã (đảo Cống Đông, xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn ngày nay). Đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) mới bỏ tên châu Vân Đồn, chỉ để tổng Vân Hải, vẫn lệ thuộc vào huyện Nghiêu Phong. Cuối thế kỷ XIX, tổng Vân Hải tách khỏi huyện Nghiêu Phong nhập vào huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên (đổi từ trấn Yên Quảng năm 1831). Thời Pháp thuộc, đầu thế kỷ XX, tổng Vân Hải được tách khỏi huyện Hoành Bồ, hợp với một số đảo xung quanh lập thành huyện mới, lấy lại tên Vân Đồn (theo Đất nước Việt Nam qua các đời). Năm 1950, Vân Đồn một phần nhập vào đại lý Hòn Gay thuộc huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Yên và đến năm 1994, huyện Cẩm Phả mới chính thức được đổi tên thành huyện Vân Đồn, thuộc tỉnh Quảng Ninh như ngày nay.
Theo BÁO QUẢNG NINH
Tags: Vân Đồn
Tags: Quảng Ninh