Lễ hội Đền Thượng
Lễ hội Đền Thượng
Lễ hội Đền Thượng (còn gọi là Lễ hội làng Lão Nhai), tổ chức gắn với Đền Thượng (hay còn gọi là đền Lão Nhai), nằm trên đồi Hỏa Hiệu (nay thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai). Lễ hội nhằm tôn vinh và tưởng nhớ đến công đức của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Vào giữa thế kỷ XIII, quân Nguyên Mông áp sát vùng Thủy Vĩ – Quy Hóa, phái quân do thám giả danh lái buôn thâm nhập vào Lào Cai. Tháng Chín năm Đinh Tỵ (tức tháng 10/1257), Trần Quốc Tuấn, khi đó mới 26 tuổi, được vua Trần Thái Tông hạ chiếu phong giữ chức Tiết chế (tổng chỉ huy), cùng tả hữu tướng quân lên phòng thủ biên cương. Trước thế giặc mạnh, Trần Quốc Tuấn chủ trương tăng cường xây dựng lực lượng dân binh, hệ thống báo hiệu, cảnh giới. Hệ thống hỏa hiệu từ Lào Cai về Yên Bái, Phú Thọ được xây dựng. Các đội dân binh tăng cường tập luyện chiến thuật đánh du kích theo phương châm “Lấy nhàn chờ nhọc, đoạt nhuệ khí của giặc trước, phá giặc tất được”. Nhờ chủ trương đúng đắn, đội quân địa phương và dân binh vùng Quy Hóa trở thành lực lượng thiện chiến. Khi quân Nguyên ồ ạt kéo vào châu Thủy Vĩ, quân triều đình vừa chặn đánh giặc, vừa rút lui bảo toàn lực lượng[1]. Các đội dân binh thường xuyên phục kích, đánh tập hậu làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch. Ngày 24 tháng Chạp, quân Nguyên Mông bị nhà Trần đánh bại ở Đông Bộ Đầu, rút chạy theo đường sông Hồng lên biên giới. Chúng liên tiếp bị dân binh Quy Hóa (trong đó có dân binh Lào Cai) chặn đánh quyết liệt[2], phải giả dân thường, nhịn đói tìm đường thoát thân.
Để tưởng nhớ công ơn của các vị tướng tài có công, sau này, nhân dân đã xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần và các tướng lĩnh của ông ở đồi Hỏa Hiệu và hàng năm tổ chức lễ hội vào ngày 13, 14, 15 tháng Giêng Âm lịch. Đền Thượng, ngoài lễ hội còn tổ chức lễ Nhật kỵ của Đức Thánh Trần vào ngày 20 tháng Tám Âm lịch.
Trước khi được di chuyển lên vị trí hiện nay (năm 1923), Đền Thượng chỉ là một ngôi đình nhỏ nằm ở chân đồi Hỏa Hiệu thờ Đức Thánh Trần và các vị tướng lĩnh của ông. Cuối năm 1991, chính quyền địa phương và nhân dân đã tiến hành trùng tu, tôn tạo Đền Thượng. Năm 1996, Đền Thượng được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia, lễ hội được phục hồi. Từ năm 2001, lễ hội Đền Thượng được duy trì đều đặn cho đến nay. Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì tổ chức lễ hội vào các năm chẵn, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức vào năm lẻ.
Ngay những ngày đầu năm mới, tại Đền Thượng, Ban quản lý đền gồm thủ nhang, thầy cúng, chắp táp, con nhang đệ tử,… tiến hành vệ sinh các ban thờ sạch sẽ, bao sái tượng thờ, chọn ngày tổ chức lễ Thượng nguyên, thường từ mùng 1 đến mùng 6 tháng Giêng Âm lịch. Ngày diễn ra lễ Thượng nguyên cũng là ngày tốt để những người đại diện đi xin chân nhang (5 chân nhang) ở đền chính thờ Đức Thánh Trần tại Kiếp Bạc (Hải Dương) rước về đền, làm lễ cắm vào bát hương lớn và sẽ được rước trong ngày khai hội tượng trưng cho sự hiển linh của Đức Thánh Trần.
Đội tế nam và đội tế nữ bắt đầu luyện tập từ tháng 8 – 9 năm trước, là các cụ cao niên đức độ, có uy tín trong cộng đồng, thuộc nhiều phường xã trong thành phố. Riêng chủ tế phải có giọng nói khỏe, dứt khoát và truyền cảm để đọc văn tế thần (được các cụ cao niên trong Hội người cao tuổi chuẩn bị từ trước đó). Bên cạnh việc học các nghi lễ tế theo lối cung đình cổ truyền, các thành viên đội tế nữ phải thông thạo một số điệu múa và sử dụng các nhạc cụ tạo âm thanh, tuân theo những quy chuẩn nhất định.
Đoàn rước trong lễ hội khoảng hơn 200 người, phụ trách việc rước cờ, đánh trống, đội bát âm, rước bát bửu, lọng, bê mâm lễ, khiêng kiệu, võng, đội tế, cộng đồng tham gia lễ hội.
Các lễ vật trong lễ hội Đền Thượng được nhà đền chuẩn bị trước khoảng một tuần, gồm: gà trống, lợn đực khỏe mạnh, có màu lông đẹp, rượu, gạo nếp, hoa quả… Các nghi lễ tế, lễ dâng hương trong lễ hội Đền Thượng được thực hiện tại sân đền, không gian thiêng của lễ hội.
Lễ tế diễn ra vào chiều ngày 14 tháng Giêng tại sân chính của Đền Thượng. Trước cửa đền đặt một ban thờ, có hoa và đặt lễ vật dâng cúng thần. Bên phải và bên trái của sân đền kê hai chiếc bàn cao, trải khăn màu đỏ, để đặt các lễ vật dâng cúng. Mỗi nghi lễ cử hành trong buổi tế đều được bắt đầu với tiếng nhạc lưu thủy, trống, chiêng làm cho không khí lễ hội càng linh thiêng và uy nghiêm. Mở đầu, chủ lễ tiến hành nghi lễ dâng hương. Sau đó, đội tế thực hiện nghi lễ tế dưới nhịp điệu chiêng, trống, lễ nhạc âm vang và sự điều hành bằng lời của 2 vị Đông xướng, Tây xướng. Hai người trong đội tế đứng ở hai bên nhang án tiếp nhận lễ vật đặt lên ban thờ. Đầu tiên là nghi lễ cung thỉnh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tiếp đến nghi lễ dâng lễ vật lên các thần, gồm: dâng đăng, dâng hương, dâng hoa, dâng quả, dâng thực, dâng tửu. Mỗi loại lễ vật đều được dâng một đôi và đặt đối xứng trên ban thờ. Sau khi dâng lễ vật, chủ tế đọc văn tế Đức Thánh Trần. Kết thúc lễ tế, nhân dân vào dâng hương để tưởng nhớ, tạ ơn công đức của Ngài đối với đất nước và nhân dân trăm họ.
Lễ rước diễn ra vào sáng ngày chính hội (tức ngày 15 tháng Giêng), chỉ rước bài vị và áo mũ của Ngài vì đây là ngôi đền thờ vọng Đức Thánh Trần. Sáng sớm ngày chính hội, đoàn tham gia lễ rước và các đạo cụ, lễ vật được xếp theo trật tự, gồm: đội rước cờ Tổ quốc và cờ hội, đội trống, đội bát âm, đội bát bửu và lọng, đội rước cờ, đội rước mâm lễ, kiệu Long Đình – kiệu Bát Cống – kiệu Võng, đội tế nam – nữ, cộng đồng, đội múa rồng. Đoàn rước bắt đầu khởi hành từ trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Lào Cai, đến đầu cầu Cốc Lếu, dừng lại nghỉ, chỉnh đốn lại trang phục, hàng lối để rước thần vào sân hội. Tiếng trống khai hội vang lên, người dân làm lễ rước kiệu Đức Thánh Trần từ sân hội chính lên sân Đền Thượng. Tại đây, chủ lễ cùng khách thập phương dự hội, nghe đọc bản chúc văn và làm lễ dâng hương nhớ về công lao của Ngài đối với đất nước. Chủ lễ mặc lễ phục màu đỏ, đầu đội khăn xếp, thắp nén hương thơm, vái 9 vái, thành kính cầu khấn, mọi người kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ vong hồn các vị anh hùng, cầu mong quốc thái, dân an, người yên vật thịnh. Sau đó, bản chúc sẽ được chủ lễ hóa để gửi đến Đức Thánh Trần.
Sau lễ dâng hương, du khách thập phương, người dân địa phương và một số đồng bào dân tộc ở Trung Quốc đội bát nhang, hương hoa, lễ vật,… vào đền dâng lên thánh thần cầu xin cho bản thân, gia đình và mọi người sức khỏe, tài lộc, bình an,… Tại sân hội, trên khán đài diễn tích trò cảnh chiến đấu của dân binh Đại Việt dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Đại Vương và ca ngợi công lao của Ngài với vùng đất Lào Cai qua vở diễn “Diệu huyền nơi ải Bắc”.
Bên cạnh các nghi lễ tâm linh, hội còn có các sinh hoạt văn hóa như: biểu diễn chèo, dân ca Quan họ Bắc Ninh của người Việt; múa chuông, múa cầu mùa của người Dao; điệu múa khèn, múa ô, biểu diễn thổi kèn lá của người Mông; biểu diễn đàn tính, hát giao duyên của người Tày; múa quạt, hát dân ca của người Giáy…, các trò chơi truyền thống của 13 dân tộc anh em như: ném còn, đi cà kheo, chơi đu, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, trò tu lu,…
Người dân mang đến lễ hội ẩm thực riêng của các tộc người như: bánh dày có núm vú trâu trắng của người Giáy, cơm lam, xôi màu, lạp xưởng, thịt lợn hun khói bếp, thịt trâu gác bếp, bánh chưng đen, phở chua,… và các loại cây dược liệu đặc sản như thảo quả, hoa hồi, quế, atiso,… Đặc biệt, món thắng cố của người Mông thu hút khách hành hương thưởng thức. Lễ hội Đền Thượng còn tổ chức hội chợ trưng bày và bán các đặc sản địa phương.
Lễ hội Đền Thượng là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Lào Cai, góp phần giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy truyền thống uống nước nhớ nguồn, niềm tự hào dân tộc về tinh thần chống giặc ngoại xâm của các dân tộc nơi mảnh đất biên cương địa đầu của Tổ quốc. Đây cũng là nơi gặp gỡ và tôn vinh giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc ở Lào Cai, tăng cường tính cố kết cộng đồng, biểu tượng của sự đoàn kết các dân tộc. Lễ hội cũng là dịp đẩy mạnh các Hội nghị đầu tư, xúc tiến và phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh con người và du lịch của Lào Cai.
Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Đền Thượng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3247/QĐ-BVHTTDL ngày 16/9/2016.
[1] Bộ Quốc phòng – Viện lịch sử quân sự Việt Nam (2013), Trần Hưng Đạo – Nhà quân sự thiên tài, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.166-167.
[2] Hà Văn Tấn – Phạm Thị Tâm (1975), Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 (in lần thứ 4), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội