LỄ GIA TIÊN ĐÁM CƯỚI TRUYỀN THỐNG GỒM NHỮNG GÌ?
Từ xưa đến nay, người lớn hai bên gia đình thường rất coi trọng những thủ tục trong lễ cưới hỏi vì đó là lúc đánh dấu một bước ngoặt mới của gia đình vì sẽ có thêm thành viên. Và trong những thủ tục diễn ra trong một lễ cưới truyền thống thì lễ gia tiên được coi là quan trọng nhất và là nghi thức không thể thiếu trong mỗi đám cưới. Đây được xem là một nghi lễ quan trọng để đưa cô gái về nhà chồng cũng như đón nàng dâu mới về nhà trước sự chứng kiến của hai bên gia đình. Vậy lễ gia tiên đám cưới truyền thống gồm những gì? Hãy cùng Nhẫn cưới Kim Ngọc Thủy (KNT) tìm hiểu nhé!
Nội Dung Chính
Lễ gia tiên là gì?
Lễ gia tiên đám cưới truyền thống là buổi lễ con cháu hai bên nhà trai và nhà gái để báo cáo tổ tiên về việc đại hỷ của gia đình trước bàn thờ. Trong lễ gia tiên, cô dâu và chú rể sẽ thắp hương bàn thờ tổ tiên vừa để báo cáo tổ tiên, vừa tỏ lòng nhớ đến nguồn cội.
Theo văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt, lễ gia tiên cũng là dịp cô dâu, chú rể thể hiện lòng biết ơn với cha mẹ có công sinh thành, dưỡng dục.
Lễ gia tiên nhà gái sẽ được tổ chức vào đám hỏi và đám cưới. Và lễ gia tiên nhà trai sẽ chỉ được tổ chức vào đám cưới. Ngày nay, để tiết kiệm thời gian, nhiều gia đình sẽ làm lễ gia tiên vào cùng một ngày để thuận tiện cho hai bên gia đình.
Ý nghĩa của lễ gia tiên?
Theo âm Hán Việt thì “Gia” có ý nghĩa là “Gia Đình”.
Còn “Tiên” mang 2 ý nghĩa khác nhau. Ý nghĩa thứ nhất có nghĩa là “Đầu Tiên” hay là “Trên Hết” hoặc là “Trước Hết”. Ý nghĩa thứ hai có nghĩa là “Tổ Tiên”.
Do đó, nếu xét theo ý nghĩa từ phân tích trên thì lễ gia tiên có nghĩa là buổi lễ trước tiên của gia đình hoặc là buổi lễ ra mắt gia đình tổ tiên.
Thời gian để làm lễ gia tiên?
Trong ngày cưới, nghi thức này được tiến hành ở cả lễ ăn hỏi và lễ cưới. Với đám hỏi, lễ gia tiên chỉ diễn ra tại nhà gái, khi đó cô dâu chú rể sẽ thắp hương ở bàn thờ nhà gái. Tới ngày cưới, lễ gia tiên sẽ tiến hành ở cả hai gia đình.
Trong cả lễ ăn hỏi và lễ cưới, nghi thức gia tiên thường diễn ra cuối cùng, sau khi nhà trai và nhà gái đã thưa chuyện xong cũng như đồng ý về việc cưới hỏi của hai bạn trẻ.
Nghi thức lễ gia tiên sẽ diễn ra như thế nào?
Đối với nhà gái:
Khi nhà trai tới thưa chuyện về hôn nhân của cặp đôi trẻ và ngỏ ý đón cô dâu mới về nhà, họ nhà gái sẽ đồng ý để con mình đi làm dâu. Trước khi cô dâu về nhà chồng, cả chú rể và cô dâu phải lên làm lễ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên.
– Thành phần tham gia: Bố mẹ cô dâu hoặc đại diện gia đình nhà gái và cô dâu chú rể. Nhà trai không tham gia vào lễ gia tiên tại nhà gái.
– Lễ vật thắp hương: Nhà trai phải chuẩn bị trầu cau để xin dâu, đồng thời cũng để thắp hương trên bàn thờ nhà gái. Ở miền Nam, nhà trai bắt buộc phải chuẩn bị một đôi đèn cầy (nến) có khắc hình long phụng để thắp trên bàn thờ nhà gái. Gia đình nhà gái cũng sẽ chuẩn bị hai chân đèn để cắm đèn cầy.
– Nghi thức: Bố cô dâu hoặc đại diện nam giới trong họ nhà gái sẽ là người thắp hương, lên đèn trên bàn thờ, đồng thời cũng là người đọc bài khấn trước tổ tiên. Bài khấn này thường được các gia đình xin tại chùa. Cô dâu chú rể sẽ làm theo sự hướng dẫn của cha mẹ hoặc người đại diện. Lễ gia tiên thường diễn ra nhanh chóng để cô dâu kịp giờ về nhà chồng.
Đối với nhà trai:
Đúng với nghi lễ truyền thống, trước khi cô dâu lên đường về nhà chồng, người chủ hôn sẽ đốt hương để xua đuổi những điều xấu không theo chân đôi uyên ương về nhà. Đoàn đưa dâu của nhà gái và rước dâu của nhà trai sẽ cùng nhau về nhà trai để trình diện họ hàng, tổ tiên.
– Thành phần tham gia: Một số gia đình chỉ có bố mẹ chú rể và đôi uyên ương tham gia vào lễ thắp hương trên bàn thờ. Tuy nhiên, một số gia đình khác lại sửa soạn một bàn thờ nhỏ đặt trong phòng khách để tượng trưng cho bàn thờ gia tiên và tất cả thành phần đoàn đưa, rước dâu đều được chứng kiến nghi lễ này.
– Lễ vật thắp hương: Nhà trai sẽ chuẩn bị sẵn mâm ngũ quả, gà luộc hoặc cầu kỳ hơn, có thể đặt mâm trái cây hình long phụng để bàn thờ thêm đẹp mắt.
– Nghi thức: Bố chú rể hoặc đại diện nam giới trong họ nhà trai cũng sẽ là người thắp hương, lên đèn trên bàn thờ và đọc bài khấn báo cáo tổ tiên. Cô dâu chú rể sẽ làm theo sự hướng dẫn của cha mẹ hoặc người đại diện. Sau khi thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, cô dâu chú rể sẽ cùng cúi lạy bố mẹ chú rể và mời nước các bậc cao tuổi trong nhà.
->Xem thêm: Quy trình tổ chức lễ ăn hỏi từ A – Z
->Xem thêm: Trình tự các nghi lễ trong ngày cưới cô dâu chú rể cần biết
Lễ vật trên bàn tổ tiên gồm những gì?
Bàn thờ gia tiên ở miền Bắc:
Bàn thờ cho lễ gia tiên của miền Bắc trong đám cưới chính là bàn thờ chính của gia đình, thường dùng để thờ cúng thường ngày. Bàn thờ trước khi buổi lễ gia tiên diễn ra sẽ được dọn dẹp cho sạch sẽ, có thể phủ thêm câu đối và vải đỏ để mang đến may mắn cho cả gia đình.
Trên bàn thờ phải bày mâm ngũ quả, để thêm phần long trọng có thể kết thành hình long phụng, kèm với hoa tươi trang trí, hoa sử dụng thường là hoa lay ơn và sử dụng xôi gấc đỏ. Ngoài ra, khi nhà trai rước dâu về nhà, sẽ cần mang một phần của mâm tráp xin dâu hay chính là mâm lại quả và không có trầu cau, rượu về thắp hương trên bàn thờ gia tiên tại nhà trai.
Bàn thờ gia tiên ở miền Trung:
Đối với người miền Trung, lễ cưới hỏi thường khá đơn giản, họ không cầu kì bởi quan niệm “trọng lễ nghi khi tài vật”. Bàn thờ trong lễ gia tiên được họ chuẩn bị cẩn thận và rất chu đáo với đủ mâm lễ cúng cùng cau, rượu, trà, nến tơ hồng và không thể thiếu đó chính là bánh phu thê. Đối với phía nhà trai nếu khá giả thì có thể thêm vào mâm lễ bánh dẻo và bánh kem chứ không sử dụng heo quay để cúng như ở nhiều nơi.
Bàn thờ gia tiên ở miền Nam:
Đối với người miền Nam, lễ cưới rất quan trọng và cần quan tâm đến yếu tố về thẩm mỹ, đồng thời lễ nghi đều được đặt lên cao. Thường thì các gia đình sẽ tiến hành lập một bàn thờ gia tại phòng khách rộng rãi để đảm bảo có được sự trang trọng nhất tổ chức lễ gia tiên.
Bàn thờ gia tiên sẽ được treo phông câu đối và chữ hỷ. Cặp lư đồng thì được gia đình đánh bóng kỹ càng trước đó, cặp mâm quả hình long phụng được bày đẹp mắt và tỉ mỉ, kèm theo đó là có một bình hoa lớn. Trên bàn thờ cũng để ảnh gia tiên hoặc có thể để trống, bày sẵn mâm ngũ quả hoặc cầu kỳ hơn là đặt mâm trái cây long phụng.
Bàn thờ gia tiên gồm những gì?
Bàn thờ gia tiên là nơi thiêng liêng nhất trong mỗi gia đình cũng như là buổi lễ gia tiên. Bàn thờ gia tiên được mọi người chăm chút kỹ lưỡng và trang trí thật đẹp trong ngày cưới. Bàn thờ tổ tiên trong lễ cưới được bố trí như sau:
– Chính diện bàn thờ là nơi đặt ảnh hoặc linh vị của tổ tiên. Một số nơi cũng dán chữ hỷ ngay chính diện thay cho ảnh hoặc linh vị tổ tiên
– Hai bên đặt bộ lư đồng và cặp nến long phụng. Ngoài ra, còn trang trí thêm bình hoa và chậu trái cây ngũ quả Có nhiều nơi không trang trí bình hoa thì họ thay thế bằng hai chậu trầu cau được tết thành hình cặp long phụng đặt hai bên của bàn thờ.
Những thông tin trên bài viết này chính là những thủ tục, nghi thức quan trọng trong một lễ gia tiên đám cưới truyền thống ở Việt Nam. Qua bài viết này, Nhẫn cưới Kim Ngọc Thủy (KNT) muốn gửi gắm những điều tốt đẹp đến các cặp đôi khi bước trên con đường hôn nhân của mình.