Lễ chùa đầu năm – Phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt tại Lào | Người Việt bốn phương | Vietnam+ (VietnamPlus)
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng chụp ảnh chung với các cựu lưu học sinh Lào trong buổi giao lưu mừng Xuân Nhâm Dần tại thủ đô Vientiane, chiều 29/1/2022. (Ảnh: Bá Thành/TTXVN)
Trong tâm thức của những người Việt Nam ở nước ngoài, đi chùa đầu năm là một trong những phong tục mang nhiều ý nghĩa không chỉ về tâm linh, tín ngưỡng mà còn là cách để truyền dạy cho con cháu những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc.
Tại nước bạn Lào, trong ngày đầu năm mới, rất đông bà con kiều bào và cộng đồng người Việt cũng đến các ngôi chùa Việt trên cả nước để thắp hương, lễ Phật và truyền dạy cho con cháu những nét đẹp của văn hoá dân tộc.
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp đầu năm mới, cộng đồng người Việt đang làm ăn, sinh sống tại thủ đô Vientiane của Lào lại tập trung về các ngôi chùa Việt, trong đó có chùa Phật Tích, một trong hai ngôi chùa Việt lớn nhất tại thủ đô đất nước Triệu Voi để thắp hương, lễ Phật và cầu những điều may mắn đến cho bản thân và gia đình.
Sinh sống tại Lào hơn 30 năm, nhưng năm nào bà Hồ Nguyện Ly cũng về Việt Nam ăn Tết, chỉ hai năm nay, do dịch COVID-19 nên bà phải ở lại Lào và đón Tết xa nhà.
[Xuân Nhâm Dần 2022: Tràn ngập hương vị Tết cổ truyền tại Brunei]
Bà Ly cho biết ở Việt Nam bà thường xuyên đi chùa, năm nay do không về Việt Nam được nên bà đi chùa Việt ở Lào, bởi đây vừa là một thói quen lâu năm, vừa giúp bà phần nào nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ quê nhà.
Không chỉ mình bà Ly, dịch COVID -19 đã khiến nhiều người Việt đang làm ăn sinh sống tại Lào phải đón Tết xa nhà. Anh Nguyễn Đình Luận, một người Việt sinh sống ở thủ đô Vientiane, cho biết năm nay do dịch COVID-19 nên anh không về được Việt Nam, do đó anh đưa con đến chùa Việt ở Lào để cho con biết được về truyền thống ăn Tết của dân tộc, của đất nước, để từ đó tiếp tục duy trì các truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông.
Đối với ông Đỗ Công Hùng, một kiều bào tại Lào, dịp Tết đến Xuân về, việc đi chùa là nhu cầu thiết yếu, vừa để cầu lộc, cầu tài cho gia đình, cho tất cả mọi người và cho đất nước được bình an, thịnh vượng, đồng thời cũng là để duy trì tập tục, văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Lý giải về việc hai năm nay, số lượng người Việt đến với chùa vào dịp đầu Xuân tăng nhiều so với các năm trước, Thượng tọa Thích Minh Quang, trụ trì chùa Phật Tích, cho biết hằng năm chùa mở cửa liên tục trong dịp Tết cổ truyền, bắt đầu từ ngày 30 Tết, để các phật tử và bà con người Việt đến chùa lễ Phật, cầu an.
Năm nay, số lượng người dân đến chùa đông hơn năm trước là do hai năm qua do dịch bệnh nên nhiều bà con không về thăm được quê hương, do vậy mọi người tìm đến với chùa vừa để cầu an, cầu may mắn, vừa để vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương.
Đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài, đi lễ chùa đầu năm không chỉ là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mà còn là dịp để bà con trao truyền lại những giá trị truyền thống tốt đẹp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc cho các thế hệ mai sau./.
Cựu lưu học sinh Lào tham gia gói bánh chưng trong buổi gặp gỡ, giao lưu mừng Xuân Nhâm Dần tại thủ đô Vientiane, chiều 29/1/2022. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)