Lãnh đạo cấp vụ của Bộ Nội vụ sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ không hợp lệ
Theo Báo Nhân Dân (xuất bản ngày 13/1/2020) (1) , Bộ Nội vụ lần đầu tổ chức kỳ thi tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ năm 2017 vào sáng 22-12-2017. Tham dự kỳ thi này có chín ứng viên thi tuyển vào hai chức danh Phó Vụ trưởng Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức (Vụ Đào tạo) và Phó Vụ trưởng Hợp tác quốc tế. Ngay sau khi có kết quả chính thức kỳ thi, ông Trần Trung Kiên, chuyên viên chính Vụ Đào tạo là một trong hai đồng chí được lãnh đạo Bộ ký quyết định bổ nhiệm Phó Vụ trưởng.
Tuy nhiên, trong hồ sơ nộp cho Vụ Tổ chức cán bộ để tham dự kỳ thi nêu trên, ông Trần Trung Kiên có Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ C (tiếng Anh), số chứng chỉ 13.526/EAC, do Trung tâm ngoại ngữ Bồi dưỡng – Kiến thức Đông Á (Trung tâm Đông Á) cấp ngày 22-6-2015 không hợp lệ.
Theo một đồng chí lãnh đạo Bộ Nội vụ: “Về hồ sơ của ứng viên trước khi thi, Bộ trưởng Nội vụ đã giao Vụ Tổ chức cán bộ và Thanh tra Bộ kiểm tra, thẩm định theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả kiểm tra cho thấy, ông Trần Trung Kiên có đầy đủ văn bằng, chứng chỉ được phô-tô công chứng theo đúng quy định của Hội đồng thi tuyển. Các ứng viên phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Trung tâm Đông Á có trụ sở tại số 80, phố Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và số 102 Trường Chinh (TP Nam Định, tỉnh Nam Định). Đến nhà số 80, phố Trần Đại Nghĩa thì trước mắt là một nhà hàng ka-ra-ô-kê được trang trí bởi các biển hiệu bắt mắt, hiện đại. Tại địa chỉ số 102 Trường Chinh (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) lại là một cửa hàng bán chăn ga, gối đệm. Người bán hàng ở đây cho biết: “Tôi bán hàng ở đây đã nhiều năm nhưng chưa từng nghe nói đến sự tồn tại của Trung tâm Đông Á này. Không hiểu sao hằng ngày có rất nhiều người đến đây hỏi thăm để đăng ký học ngoại ngữ tại đây… ”.
Về vấn đề này, một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội cho biết: “Trung tâm Đông Á được Sở GD và ĐT Hà Nội cấp chứng nhận đăng ký hoạt động lần đầu số 2064/SGD&ĐT ngày 20-10-2003. Sở GD và ĐT Hà Nội có Quyết định số 1654/QĐ-SGDĐT ngày 20-8-2018 về việc đình chỉ hoạt động của Trung tâm Đông Á. Trong khoảng thời gian từ tháng 6-2015 đến 12-2017, Trung tâm Đông Á không đăng ký với Sở GD và ĐT Hà Nội việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD và ĐT. Do vậy, việc cấp chứng nhận của Trung tâm Đông Á chỉ có giá trị xác nhận học viên đã tham gia và hoàn thành khóa học tại trung tâm”.
Một cán bộ Sở GD và ĐT tỉnh Nam Định xác nhận: “Đến thời điểm hiện tại, Sở chưa từng ra quyết định cho phép thành lập, hoạt động, tổ chức thi tuyển, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh (A, B, C) cho Trung tâm ngoại ngữ Bồi dưỡng – Kiến thức Đông Á trên địa bàn tỉnh Nam Định. Hiện tại, số nhà 102 đường Trường Chinh (TP. Nam Định) không có Trung tâm ngoại ngữ Bồi dưỡng – Kiến thức Đông Á…”.
Như vậy, trước những dẫn chứng nêu trên có thể nhận thấy chứng chỉ ngoại ngữ của ông Trần Trung Kiên được Trung tâm Đông Á cấp ngày 22-6-2015 là không hợp lệ. Hơn nữa, theo quy định, từ ngày 16-3-2014, việc cấp, sử dụng chứng chỉ tiếng Anh phải thực hiện theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT, ngày 24-1-2014 của Bộ GD và ĐT về khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (A1, A2, B1, B2, C1, C2). Tại Điều 2 của Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT cũng nêu rõ: “Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 3 năm 2014. Các quy định trước đây về chương trình ngoại ngữ trái với quy định tại Thông tư này đều bị bãi bỏ”.
Văn bản 5752/BNV-VP ngày 19/11/2019 của Bộ Nội vụ gửi Báo Kinh tế nông thôn.
Xung quanh việc đi học Cao cấp lý luận chính trị
Trước đó, ngoài tố cáo sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ không hợp lệ, Báo Kinh tế nông thôn và một số cơ quan báo chí còn nhận được phản ánh xung quanh việc ông Trần Trung Kiên đi học Cao cấp lý luận chính trị (tại chức) khi mới 34 tuổi…
Bạn đọc cho rằng, ông Trần Trung Kiên sinh năm 1981, đi học lớp Cao cấp lý luận chính trị (khóa học 2015-2017, hệ tại chức) là chưa đúng với quy định của Ban Tổ chức Trung ương vì thời điểm năm 2015, ông Kiên mới 34 tuổi, không thuộc trường hợp đặc thù, ưu tiên. Cụ thể, tại các điểm 2, 3, 4 của Công văn số 4741-CV/BTCTW ngày 20 tháng 5 năm 2013 về một số vấn đề về đào tạo cao cấp lý luận chính trị-hành chính của Ban Tổ chức trung ương (2), quy định như sau:
2. Đối tượng học cao cấp lý luận chính trị – hành chính
2.1. Vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương trở lên của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc Trung ương; tỉnh ủy viên, thành ủy viên, trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thành phố trở lên; cán bộ chủ chốt cấp huyện (Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân) và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh này.
2.2. Trưởng, phó phòng và tương đương của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc Trung ương; trưởng phòng và tương đương của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thành phố; cấp ủy viên cấp huyện, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương; trưởng phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh nêu trên.
3. Tiêu chuẩn cán bộ cử đi học cao cấp lý luận chính trị – hành chính
3.1. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
3.2. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hoặc ở nước ngoài.
3.3. Về độ tuổi
– Đối với hệ tại chức: Cán bộ đang giữ chức danh quy định tại Mục 2 có tuổi đời từ 40 tuổi trở lên đối với nam, 35 tuổi trở lên đối với nữ.
– Đối với hệ tập trung: Cán bộ đang giữ chức danh quy định tại Mục 2 có tuổi đời dưới 40 tuổi đối với nam, dưới 35 tuổi đối với nữ.
4. Một số quy định riêng
4.1. Cán bộ lãnh đạo, quản lý được quy định tại Mục 2 hiện đang công tác từ 3 năm trở lên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các huyện biên giới, hải đảo, đơn vị và vị trí công tác đặc thù, nếu chưa có bằng tốt nghiệp đại học thì phải có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng về chuyên môn và bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị – hành chính hoặc trung cấp lý luận chính trị.
4.2. Cán bộ lãnh đạo, quản lý được quy định tại Mục 2 hiện đang công tác từ 3 năm trở lên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các huyện biên giới, hải đảo, đơn vị và so với quy định tại Mục 3.3.
4.3. Các chức sắc tôn giáo có yêu cầu học cao cấp lý luận chính trị – hành chính thì được học tại các Học viện khu vực, do cấp ủy trực thuộc Trung ương đề nghị và có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Ban Tổ chức Trung ương.
Trả lời phản ánh của bạn đọc, trong Văn bản 5752/BNV-VP ngày 19/11/2019 gửi Báo Kinh tế nông thôn, do Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh ký, thông tin: Theo ý kiến của Ban Tổ chức trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thì việc ông Kiên đi học lớp Cao cấp lý luận là đúng quy định của Đảng và đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Rất mong lãnh đạo Bộ Nội vụ sớm vào cuộc xem xét làm rõ phản ánh của bạn đọc về việc ông Trần Trung Kiên sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ không hợp lệ để thi tuyển; đồng thời phản hồi kết quả xử lý để báo có cơ sở thông tin tới bạn đọc.
(1) Nội dung bài của Báo Nhân Dân
https://nhandan.com.vn/bandoc/item/42914002-lanh-dao-cap-vu-su-dung-chung-chi-ngoai-ngu-khong-hop-le.html
(2) Công văn số 4741-CV/BTCTW ngày 20 tháng 5 năm 2013 của Ban Tổ chức trung ương
https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Bo-may-hanh-chinh/Cong-van-4741-CV-BTCTW-2013-dao-tao-cao-cap-ly-luan-chinh-tri-hanh-chinh-264100.aspx