Lần đầu vào bếp của nhiều bạn trẻ tại TP HCM
Vào bếp là cả một trận chiến
Nguyễn Anh Tuấn (20 tuổi, sinh viên Nhạc viện TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Thú thật là từ bé đến giờ mình chưa từng nấu ăn. Từ khi lên học tại nhạc viện, mình cũng ít thời gian hơn nên toàn ăn bên ngoài hoặc đặt đồ ăn về. Theo Chỉ thị 16, các hàng quán không được phép bán mang về nên đây cũng là cơ hội cho mình làm công việc nội trợ không thì chết đói mất”.
Lần đầu vào bếp của chàng sinh viên trẻ Anh Tuấn
Trước khi giãn cách chính thức, Tuấn bắt đầu tìm mua nồi, bếp điện từ, các gia vị cơ bản… Ngày đầu, chàng trai trẻ chọn các món ăn đơn giản như trứng rán, thịt luộc, rau muống luộc để ‘bắt nhịp’ cho những ngày sau.
Bữa ăn đầu tiên của Tuấn được hoàn thành sau hơn 2 tiếng đồng hồ
“Vào bếp thực sự vất vả hơn mình nghĩ nhưng mình thấy vui vì đây là lần đầu tiên nghiêm túc nấu ăn sau bốn năm lên TP Hồ Chí Minh sống và làm việc. Mình sẽ cố gắng duy trì thói quen này sau khi hết giãn cách”, Tuấn vui vẻ nói.
Còn Nguyễn Hà Ly, 22 tuổi, sinh viên Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thì tranh thủ thời gian giãn cách xã hội để rèn luyện kỹ năng nấu nướng. Hà Ly cho biết cô nàng thường ăn ở ngoài, rất ít tự nấu ăn nên “tay nghề bếp núc” hay bị bạn bè đánh giá ở mức trung bình kém.
Kể về những bữa ăn tự nấu những ngày qua, Hà Ly chia sẻ: “Mỗi lần vào bếp với mình đúng là cả một cuộc chiến, lúc thì nồi canh hơi mặn do bỏ dư xíu muối, rồi rán nem để to lửa quá làm bên ngoài tưởng như chín nhưng lúc ăn lại sống nguyên… Đỉnh điểm là mình mất một buổi để lau dọn bếp vì để nước luộc ngêu tràn hết ra bên ngoài”.
Hà Ly mong muốn nâng cao tay nghề nấu nướng của mình sau mùa dịch
Hà Ly thừa nhận: “Có thời gian ở nhà, vào bếp thì mới biết là nữ công gia chánh đóng vai trò rất quan trọng, giúp gắn kết gia đình và là nền tảng xây dựng hạnh phúc”. Cô gái 22 tuổi dự định sẽ đi học một khoá nấu ăn sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Từ khi dịch bùng phát, Ngô Đoàn Thế Duy, 23 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh phải làm việc tại nhà, thu nhập sụt giảm nên không thể duy trì thói quen “ăn ngoài”.
Duy chia sẻ: “Lâu nay mình không nấu ăn. Thông thường, mình ăn cơm trưa với đồng nghiệp, chiều tối đi làm về sẽ ghé vô quán ăn luôn. Theo Chỉ thị 16, các hàng quán không được phép bán mang về nên chỉ còn cách ra cửa hàng tiện lợi mua đồ ăn chế biến sẵn nhưng giá lại đắt mà không đủ chất dinh dưỡng. Vì vậy, mình nghĩ rằng vào bếp là cách duy nhất để mình vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân”.
Khó nhưng không bỏ
Sống xa nhà hơn 5 năm nhưng Vũ Minh Anh (sinh năm 1996) cho biết số lần cô vào bếp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước đây ở cùng với bạn, Minh Anh chỉ lo việc rửa bát. Từ khi đợt dịch bắt đầu, bạn cùng phòng của Minh Anh về quê nên cô nàng phải tự mình vào bếp.
“Đợt giãn cách nay đúng là cú sốc lớn với mình. Hàng quán đóng cửa, app giao đồ ăn dừng hoạt động, làm việc tại nhà… Mình chỉ còn hai lựa chọn một là ăn mì gói, hai là tự lăn vào bếp”, Minh Anh nói.
Những món ăn lành mạnh mà Minh Anh có cơ hội được nấu trong mùa dịch
Suốt thời gian dài không vào bếp nên khi bắt đầu nấu ăn trở lại, Minh Anh nêm nếm không chuẩn, phải vài ngày sau cô bạn mới biết cách giảm gia vị. Thường xuyên nấu nướng, thử nhiều món khác nhau trong những ngày giãn cách giúp tay nghề nấu nướng của Minh Anh được “nâng tầm”.
“Phải ở trong nhà, ít được vận động nên mình lựa chọn nấu các món ăn lành mạnh, ăn nhiều rau củ và hạn chế tinh bột. Mình hay mày mò các công thức trên mạng nên học được khá nhiều món hay. Mình chỉ mong dịch sớm được kiểm soát. Chúc Sài Gòn sớm khỏe lại”, Minh Anh vui vẻ nói.
Trần Quang Hưng (28 tuổi, nhân viên lập trình tại Quận 1) vốn rất yêu thích nấu ăn. Tuy vậy, từ ngày lên TP Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc, Hưng chủ yếu ăn cơm ngoài vì không có thời gian vào bếp. “Nhiều khi mình cũng thèm mâm cơm mẹ nấu nhưng bận quá và cũng nghĩ bản thân làm sao nấu ngon như vậy, nên phải chờ đến khi có dịp về quê mới được thưởng thức”, Hưng nói.
Quang Hưng vào bếp để nấu các món ăn quê nhà mà lâu rồi mình chưa được thưởng thức
Dù vậy, từ ngày TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chàng trai 28 tuổi phải tìm cách xoay xở, tự lo bữa ăn khi các nhà hàng đóng cửa, app giao thức ăn cũng tạm dừng hoạt động.
Như nhiều phụ huynh khác, bố mẹ của Hưng tại quê nhà cũng gửi rất nhiều đồ ăn cho chàng trai trẻ. Đáp lại tình cảm của bố mẹ, Hưng quyết tâm vào bếp nấu ăn đàng hoàng rồi chụp ảnh gửi về cho gia đình yên tâm.
Sau một thời gian tự nấu ăn, Hưng nhận thấy tay nghề của mình cũng tiến bộ rõ rệt. “Ban đầu, mình nấu nhiều món còn bị khét, ăn không được. Nấu dần cũng lên tay, được bạn ở chung và mẹ khen rất nhiều”, Hưng chia sẻ.
Mâm cơm hoàn thành là Hưng khoe ngay với bố mẹ
Dù vậy, sau 4 tháng chưa về quê, Hưng giờ đây chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để cô có thể trở về ăn bữa cơm gia đình đúng nghĩa. “Nấu ngon cỡ nào thì cũng không thể sánh bằng đồ ăn của mẹ, của bà làm. Hy vọng Sài Gòn sẽ sớm khỏe lại, mọi người có thể về quê, đoàn tụ người thân”, Hưng bày tỏ.
Cho dù có chán ghét hay yêu thích, thất bại hay thành công với trải nghiệm nấu ăn lần đầu, mọi người đều đang cố gắng học cách tự lập, làm quen với cuộc sống không thức ăn nhanh, không giao hàng. Tất cả là để bảo vệ an toàn cho chính bản thân và xã hội trong cuộc chiến với dịch bệnh.