Lần đầu tiên có kinh nguyệt – Những điều bạn cần lưu ý là gì?

Hơn nữa, các chu kỳ hành kinh trong khoảng 2 – 3 năm đầu tiên thường không đều đặn do lượng hormone trong cơ thể chưa ổn định. Bạn không cần quá lo lắng vì chu kỳ kinh sẽ đều hơn theo thời gian khi bạn trưởng thành.

Bạn nên dùng băng vệ sinh, tampon hay cốc nguyệt san khi hành kinh?

Hiện nay, bạn đã có nhiều lựa chọn hơn để đối phó với ngày “rụng dâu” như dùng băng vệ sinh, tampon hoặc cốc nguyệt san. Tuy nhiên, đối với lần đầu tiên có kinh nguyệt, lời khuyên là bạn vẫn nên dùng băng vệ sinh vì chúng tiện lợi và dễ sử dụng hơn so với 2 “ứng cử viên” còn lại. Bạn có thể tham khảo một số chia sẻ sau để có lựa chọn phù hợp.

Băng vệ sinh dạng miếng

Đây là món đồ quen thuộc của tất cả cô gái trong “ngày đèn đỏ”. Băng vệ sinh dạng miếng có nhiều kích cỡ, độ dày khác nhau, bao gồm băng nhỏ hàng ngày, băng dùng cho ban ngày và loại dùng vào ban đêm. Băng vệ sinh dạng miếng là công cụ “hứng dâu” mà không cần đưa vào âm đạo nên rất dễ sử dụng và phù hợp cho bạn gái lần đầu có kinh nguyệt. Tuy nhiên, băng vệ sinh vẫn có một số nhược điểm như:

  • Khiến vùng kín đôi khi ẩm ướt và khó chịu.
  • Có thể kích ứng da và gây phát ban.
  • Không phù hợp để sử dụng khi đi bơi hoặc chơi các môn thể thao vận động mạnh.
  • Dễ bị lộ nếu bạn mặc quần hoặc váy mỏng.

Băng vệ sinh dạng ống (Tampon)

lần đầu tiên có kinh nguyệt

Tampon là loại băng vệ sinh có hình dạng như một chiếc que và có thể đưa vào âm đạo để thấm hút kinh nguyệt. Nhiều cô gái thấy tampon tiện lợi hơn băng vệ sinh thông thường vì không bị lộ ra ngoài, đặc biệt tạo cảm giác thoải mái khi chơi thể thao hoặc bơi lội. Tuy nhiên, tampon vẫn có một số điểm hạn chế như:

  • Có thể gây đau khi đưa vào âm đạo, đặc biệt là với bạn gái lần đầu sử dụng.
  • Có thể mất khá nhiều thời gian để học cách dùng thuần thục.
  • Tampon vẫn có thể gây rò rỉ kinh nguyệt nếu bạn đặt không đúng vị trí hoặc dùng loại tampon có kích thước không phù hợp.
  • Nếu bạn quên thay tampon sau 8 giờ sử dụng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, còn gọi là hội chứng sốc nhiễm độc (TSS).

Cốc nguyệt san

Cốc nguyệt san là một sản phẩm thay thế cho băng vệ sinh và tampon. Loại cốc này thường được làm bằng silicone và có thể đựng kinh nguyệt khi đưa vào âm đạo. Ưu điểm lớn nhất của cốc nguyệt san đó là bạn có thể tái sử dụng nhiều lần, hạn chế rác thải và giảm thiểu nguy cơ gặp phải hội chứng sốc nhiễm độc.

Tuy nhiên, nếu là lần đầu tiên có kinh nguyệt thì cốc nguyệt san có thể không phải là sản phẩm tiện lợi dành cho bạn. Bởi vì đây là sản phẩm cần có thời gian tìm hiểu để lựa chọn loại cốc có kích cỡ phù hợp và biết cách đưa cốc vào âm đạo an toàn.

Trong số những sản phẩm trên, bạn có thể chọn cách trải nghiệm từng sản phẩm để chọn được loại băng vệ sinh phù hợp nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng không nhất thiết sử dụng cố định một loại sản phẩm mà có thể thay đổi tùy theo những nhu cầu khác nhau. Lưu ý là cần thay băng vệ sinh, tampon hay đổ cốc nguyệt san từ 3 – 6 lần mỗi ngày khi hành kinh để đảm bảo vệ sinh vùng kín.

Hầu hết các cô gái lần đầu tiên có kinh nguyệt đều không gặp phải vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn hoặc con gái của bạn sẽ cần đi khám trong những trường hợp như:

  • Vẫn chưa có kinh khi đã qua 15 tuổi.
  • Đã có kinh hơn 2 năm nhưng chu kỳ kinh nguyệt vẫn chưa đều đặn.
  • Ra máu bất thường giữa chu kỳ.
  • Chuột rút nghiêm trọng không thuyên giảm khi hành kinh.
  • Chảy nhiều máu trong lần đầu tiên có kinh nguyệt, lượng máu chảy ra khiến bạn thay băng vệ sinh mỗi giờ một lần.
  • Thời gian hành kinh trong chu kỳ đầu tiên kéo dài hơn 1 tuần.
  • Các triệu chứng trước và trong khi hành kinh như đau bụng, đau lưng, chuột rút, đau ngực… dữ dội hơn bình thường và cản trở hoạt động hàng ngày thì nên đi khám càng sớm càng tốt.