LÀM TRONG SẠCH ĐỜI SỐNG TÂM LINH
Vốn chỉ là những hiện tượng ít thấy trong thiên nhiên? Vì sao cứ nơi nào, lúc nào có phát lộc, phát ấn là người người đổ xô đến, chen chúc, giành giật?… Và vì sao việc lo toan cúng bái, xem ngày xem giờ, bói toán trong dân ta mỗi ngày lại thêm phổ biến? Vì sao người dân đến các di tích không biết đến sự tích danh nhân, giá trị lịch sử, văn hóa mà chỉ lo cầu cúng lợi lộc?… Dù núp trong cái vỏ tâm linh, tín ngưỡng nhưng rõ ràng căn bệnh mê tín dị đoan pha trộn cùng thói thực dụng, vụ lợi đã tràn lan trong xã hội. Căn bệnh này làm sai lệch các đức tin tôn giáo, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Nguy hại hơn, nó đã làm giảm và đánh mất đi sự tự tin của con người vào khả năng, sức mạnh của chính mình.
Ảnh minh họa/dantri.com.vn
Có thể nhìn nhận nguyên nhân căn bệnh mê tín dị đoan từ nhiều góc độ. Cuộc sống vốn có những điều thuận lợi, may mắn với người này và không với người khác. Kinh tế thị trường, nhịp điệu cuộc sống càng sôi động, đa dạng và phức tạp càng dễ nảy sinh những may rủi trong cạnh tranh, bon chen cùng với đủ thứ tai nạn trong làm ăn và ngay trong sinh hoạt thường ngày. May hay không may vốn là điều không dễ lý giải với nhiều người. Người này làm ăn, đầu tư sinh lời thành công, người kia đánh bài bạc, xổ số, lô đề hưởng lợi còn những người khác thì không, thì thất bại. Rồi những tai nạn trong nghề nghiệp, trong giao thông đi lại, trong lao động. Rồi ốm đau bệnh tật… Người thành công, ăn nên làm ra thì lễ bái trả ơn thánh thần. Người không may, thất vọng, đau đớn thì cầu mong tai qua nạn khỏi, giải hạn hy vọng sẽ an lành, thành đạt. Thói bon chen len lách tranh giành ngoài đời cũng xâm nhập vào chốn thờ tự, người ta muốn được phần hơn từ lộc trời, lộc thánh thần thì cũng sắm mâm cúng to hơn, vàng mã nhiều hơn.
Tất cả những biến thái vô lối càng làm cho căn bệnh mê tín dị đoan và thói cầu cúng vụ lợi thêm nặng nề. Và điều này đã là mảnh đất tốt cho những người buôn thần bán thánh lợi dụng kiếm lời, làm biến chất các hoạt động tâm linh tín ngưỡng.
Một điều đáng mong đợi đã đến khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa đưa ra đề nghị xóa bỏ việc đốt vàng mã ở các chùa chiền, cơ sở thờ tự Phật giáo. Một sự đan xen hay đúng hơn một thứ tục lệ ngoại lai đã chen vào cõi thiền thanh tịnh phải được hạn chế đi đến loại thải. Điều này rất cần được sự hưởng ứng của các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội và toàn xã hội. Phải chăng nên coi đây là một việc làm đột phá để từng bước giảm thiểu tác hại của mê tín dị đoan. Cùng với việc này, giới tu hành nên chăng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và nhân dân để ngăn chặn những hoạt động bói toán, cúng bái thái quá. Trước hết cõi thiền không phải là cõi mê để cuộc sống xã hội bớt đi sự mê muội mù quáng.
Những ngày đầu tiên của mùa lễ hội năm nay đã ghi nhận những cố gắng của nhiều địa phương trong việc đưa các lễ hội vào trật tự, quy củ, khắc phục được nhiều hoạt động, lễ thức xô bồ, phản cảm. Cũng nhân dịp này, một số địa phương đã ngăn chặn được việc dâng lễ phô trương, hạn chế việc rải vàng mã trong đám ma… Song, xung quanh lễ hội và đặc biệt là đời sống tâm linh, tín ngưỡng vẫn còn quá nhiều biểu hiện lệch lạc, quá đà cần được điều chỉnh đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền, các cơ quan chức năng để nghiên cứu thấu đáo, giải quyết căn cơ. Trước hết, cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải thực sự là những tấm gương trong lành không sa đà lễ bái cúng cầu, phải thoát khỏi “bến mê”. Có quá nhiều người mê tín, xã hội không thể phát triển.
NGUYỄN ANH