Làm nông nghiệp sạch để nông dân sống tốt với nông nghiệp – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

Làm nông nghiệp sạch để nông dân sống tốt với nông nghiệp

Nguyễn Hồng Quang (*)

(TBKTSG Online) – Chính phủ kiến tạo, nông dân khởi nghiệp đã và đang là động lực, nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong doanh nghiệp, nông dân cả nước nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với tỉnh Đồng Tháp, nông nghiệp thực sự là một thế mạnh, trong đó đã xuất hiện những tiền đề cho sự phát triển ổn định, bền vững của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Làm nông nghiệp sạch để nông dân sống tốt với nông nghiệp

Nông nghiệp hữu cơ là hướng đi bền vững cho người nông dân. Ảnh minh họa: TTXVN

Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch và giúp người nông dân sống tốt với nông nghiệp, Đồng Tháp là một trong những tỉnh tiên phong trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhiều vấn đề đã được tháo gỡ, nhiều chính sách đã được ban hành nhưng vẫn còn nhiều vấn đề người nông dân rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ để phát triển kinh tế nông nghiệp.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ mới, sản xuất nông nghiệp có sự thay đổi mạnh mẽ trên nhiều phương diện, từ kỹ thuật canh tác như xuống giống, tưới, chăm sóc cho đến việc tổ chức quản lý, canh tác từ xa… Có thể nói, vấn đề tạo ra sản phẩm nông nghiệp không còn là vấn đề lớn đối với nông dân. Tuy nhiên, câu chuyện muôn thuở của nông dân là điệp khúc “được mùa mất giá”, “giải cứu nông sản” với những vấn đề xoay quanh: chất lượng sản phẩm, bảo quản – chế biến sau thu hoạch, chuỗi giá trị nông sản, chi phí vận chuyển, thị trường tiêu thụ…

Ở góc nhìn của một doanh nghiệp nông nghiệp sinh thái, Công ty cổ phần Nông trại Sinh thái (Ecofarm) cho rằng mục tiêu phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ, giúp đỡ nông dân làm kinh tế nông nghiệp luôn phải song hành cùng nhau.

Đơn cử, Đồng Tháp hiện đang có Làng hoa Sa Đéc, một địa điểm khá nổi tiếng ở ĐBSCL, tiếp đón du khách theo mùa. Câu hỏi đặt ra là vì sao Đà Lạt nổi tiếng về các giống hoa á nhiệt đới (hoa lạnh) lại có thể tiếp đón du khách quanh năm, cung cấp hoa đi mọi miền và thành phố Đà Lạt là 1 địa danh thu hút du khách về hoa mà Sa Đéc chỉ có một địa điểm mà không phải là một địa danh nổi tiếng về hoa nhiệt đới của ĐBSCL. Câu hỏi này đưa đến nhu cầu về phát triển một thương hiệu chung: Thành phố Hoa Sa Đéc, để du khách có thể đến quanh năm.

Thứ hai, Đồng Tháp có cù lao 5 xã – Cù lao Tây, một vùng đất rất thuận lợi để hữu cơ hóa mọi sản phẩm từ đây. Sự riêng lẻ, đơn độc của một vài hộ nông dân tâm huyết, tự phát làm nông nghiệp hữu cơ sẽ không giải quyết được bài toán Cù lao Tây, không thể biến nơi này thành một thương hiệu lớn về nông sản hữu cơ, thành một địa danh du lịch nông nghiệp hữu cơ… mà đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của toàn bộ nơi đây trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ – xu hướng tất yếu trong một vài năm tới.

Thứ ba, Đồng Tháp có cồn Tân Thuận Đông – với tiềm năng to lớn về phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Tương tự Cù lao Tây, cồn Tân Thuận Đông rất thuận lợi trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao hoặc nông nghiệp hữu cơ. Một điểm thuận lợi cơ bản là cồn Tân Thuận Đông nằm giữa hai thành phố Sa Đéc và Cao Lãnh. Do đó, hoàn toàn có thể phát triển thành một trung tâm du lịch nông nghiệp công nghệ cao và nông nghệ hữu cơ.

Từ ba câu chuyện nêu trên, Ecofarm muốn chia sẻ rằng với mỗi địa phương, mỗi vùng sinh thái đặc thù của Đồng Tháp cần có những ý tưởng, tư duy đột phá để giải quyết vấn đề tổng thể của nông dân trên cơ sở khai thác được tiềm năng riêng có của địa phương, của vùng để tạo nên sự khác biệt.

Điều gì xảy ra khi Sa Đéc xây dựng được thương hiệu “thành phố hoa” khi mọi hoạt động của Sa Đéc đều phải hướng đến phục vụ du khách quanh năm? Sự phát triển của thành phố hoa không chỉ giúp cho nông dân trồng hoa mà còn rất nhiều nông dân khác trong các hoạt động thương mại, dịch vụ đi kèm.

Tương tự, điều gì xảy ra khi Cù Lao Tây trở thành thương hiệu “địa phương nông nghiệp hữu cơ” khi mà nông sản hữu cơ không chỉ có giá trị khác biệt trong thương mại mà còn có thể phát triển nhiều hoạt động khác như du lịch, nghĩ dưỡng, tham quan, học tập…

Và điều gì xảy ra khi cồn Tân Thuận Đông trở thành “trung tâm du lịch nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ” khi mà khu vực này là sự kết nối giữa Cao Lãnh và Sa Đéc và các vùng khác. Khi đó, người nông dân sản xuất ra nông sản sạch có thể tiêu thụ nông sản với thị trường tại chỗ, giảm bớt đi nhiều chi phí và rủi ro.

Tất nhiên, để các ví dụ nêu trên trở thành hiện thực không thể một sớm một chiều, cũng không phải là đơn giản. Nó đòi hỏi sự kết hợp nhiều bên: chính quyền, doanh nghiệp, nông dân, hiệp hội nghề nghiệp, ngân hàng… mà trước hết là sự đồng lòng, đồng thuận và cả sự hy sinh một số lợi ích kinh tế của người nông dân trong buổi đầu khởi phát.

Trước hết, cần tuyên truyền, vận động nông dân nhận thức đúng về sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững; bản thân mỗi nông dân không thể tự làm thương hiệu được, mà phải liên kết, hợp lực trong sản xuất nông sản hàng hóa có chất lượng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, xây dựng thương hiệu vùng.

Bên cạnh đó, chính quyền cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho sản xuất nông nghiệp nông nghiệp sạch hiệu quả hơn, có tính chất ràng buộc trách nhiệm hơn với người nông dân; cần thực hiện tốt chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cần điều chỉnh hợp lý hơn.

Về phía các đơn vị khoa học, công nghệ cần có những nghiên cứu thiết thực, hiệu quả cao đối với nông nghiệp và thị trường; cần có những dự báo sớm và chính xác về diễn biến: nhu cầu nông sản, giá, sản lượng cung cầu… Tránh để nông dân thực hiện sản xuất trong tình trạng “mù” thông tin.

(*) Nguyễn Hồng Quang là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông trại Sinh thái (Ecofarm)

Mời đọc thêm:

Giải pháp cho ngành nông nghiệp ĐBSCL xuất phát từ tầm vĩ mô

Hội thảo về chủ đề giúp nông dân làm kinh tế nông nghiệp