Làm gì để có một nền nông nghiệp sạch?

Gạo ngọc đỏ hương dứa của HTX nông nghiệp Định An, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) sản xuất theo quy trình hữu cơ. Đây là gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao được xuất sang EU - Ảnh: Vân Trường

Gạo ngọc đỏ hương dứa của HTX nông nghiệp Định An, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) sản xuất theo quy trình hữu cơ. Đây là gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao được xuất sang EU – Ảnh: Vân Trường

Trong tình hình biến đổi khí hậu, nước biển xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng khắc nghiệt, sản xuất lúa gạo phải nhanh chóng tái cấu trúc để đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt quan tâm sản xuất gạo sạch và hướng tới tương lai là gạo hữu cơ.

Mặt khác, sức ép của hội nhập kinh tế toàn cầu đã thấy trước (ASEAN, TPP, Cộng đồng Á Âu, EU…) nhưng chưa được chuyển động thực tế bằng những cơ chế chính sách đủ mạnh của cấp thẩm quyền, bằng sự chuẩn bị thực lực đúng tầm của đội ngũ doanh nghiệp, bằng chuyển biến tích cực của môi trường xã hội… Vì vậy cần xác định một số quan điểm tái cấu trúc nông nghiệp trên địa bàn ĐBSCL.

Hạn chế sử dụng phân bón hóa chất

Cho tới nay thị trường mà ngành nông nghiệp nước ta hướng tới là thị trường trung bình thấp, các nước đang và kém phát triển. Vì vậy, nền nông nghiệp được khuyến khích chạy theo sản lượng, phát triển theo chiều rộng.

Hậu quả là hằng năm chúng ta có quá nhiều lúa gạo phẩm chất thấp mà thiếu lúa gạo chất lượng cao, giá trị cao cho thị trường trung bình khá và cao cấp đang phát triển cả trên thế giới và ở trong nước.

Do vậy, cần chuyển dần một tỉ lệ hợp lý diện tích sản xuất lúa gạo phẩm chất thấp sang các loại lúa gạo chất lượng cao, giá trị cao, từ đó gia tăng thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, nền nông nghiệp nước ta đã từ lâu quen sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi cũng dùng nhiều hóa chất nhưng rất tùy tiện nên đất đai bạc màu, bị nhiễm độc, môi trường bị ô nhiễm nặng và sức khỏe người dân bị ảnh hưởng không tốt.

Do đó, trước hết cần vận động nhân dân sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP để giảm dần, tiến tới hạn chế tối đa việc sản xuất bằng hóa chất và thay thế bằng phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh và phân bón hữu cơ.

Cần phải thấy rõ tác hại của hóa chất đối với sức khỏe cộng đồng và người nông dân chính là người bị nhiễm trước tiên tác hại đó (như khi phun xịt thuốc trừ sâu, diệt cỏ), đồng thời cũng là người tiêu dùng thực phẩm bị nhiễm hóa chất do mình nuôi trồng.

Tổ chức lại sản xuất là yêu cầu bức thiết

Tái cấu trúc nông nghiệp cũng là tái cấu trúc đồng ruộng, phát triển vùng chuyên canh, tập trung quy mô vừa và lớn, bằng các hình thức thích hợp mà trước mắt là hình thức hợp tác xã. Cánh đồng mẫu lớn là một hướng đi thích hợp để tiến tới hợp tác xã. Hợp tác xã là con đường đúng đắn và phù hợp giúp nông dân đi lên sản xuất lớn.

Hợp tác xã là tập hợp những chủ ruộng có sở hữu đất (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – sổ đỏ) cùng nhau lập ra hợp tác xã, bầu ra hội đồng quản trị của hợp tác xã và thuê người giỏi kinh doanh để quản lý hợp tác xã (giám đốc hợp tác xã). Không có hợp tác xã mà làm ăn riêng lẻ, hộ gia đình thì không phát triển sản xuất được, không ổn định được tiêu thụ nông sản.

Ngành nông nghiệp ĐBSCL hiện nay cần chuyển từ sản xuất thuần ba vụ lúa sang đa dạng cây, con trên đơn vị diện tích. Muốn vậy cần phải bố trí cây, con trên một đơn vị diện tích sao cho thu nhập cao hơn sản xuất ba vụ lúa hiện nay, trong đó quan tâm giống lúa đạt chất lượng và giá trị cao theo yêu cầu gạo sạch, gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng.

Ví dụ trên một đơn vị diện tích ta trồng hai vụ lúa đặc sản có chất lượng cao, giá trị cao và xen canh một vụ rau màu như cây bắp, cây đậu hoặc cây làm thức ăn gia súc, đồng thời thả tôm cá thích hợp mùa vụ.

Tổng thu nhập trên đơn vị diện tích như vậy sẽ bằng hoặc cao hơn ba vụ lúa hiện nay mà tốn ít công sức và ít hóa chất hơn, tiến tới không có hóa chất độc hại. Cơ cấu lại cây, con để có giá trị cao và thu nhập cao hơn trồng ba vụ lúa hiện nay.

Chuyển từ phụ thuộc sang chủ động thị trường, sản xuất theo yêu cầu thị trường, tiêu thụ theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ cụ thể.

Lưu thông phân phối là chỉ dẫn của sản xuất trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, chính quyền nhân dân ở cơ sở cần tập trung sức vận động nhân dân “sản xuất cái gì” là tốt nhất, thị trường có nhu cầu, sản phẩm cần thiết cho xã hội nhất; đồng thời các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hay doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần xác định vai trò và trách nhiệm “định hướng thị trường” lâu dài bằng cách đặt hàng và bao tiêu sản phẩm gạo sạch, gạo hữu cơ hoặc chất lượng tốt. Như vậy chắc chắn sẽ vừa đảm bảo lợi ích cho nông dân, đồng thời doanh nghiệp sẽ đạt được mục đích kinh tế và xã hội của mình.

Giúp nông dân tự tổ chức đời sống

Chính quyền cơ sở từng bước cải cách tổ chức quản lý theo yêu cầu phục vụ cho sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông ngày càng nhiều hơn để chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất kịp thời, sâu sát, đồng thời nhanh nhạy nắm bắt thị trường.

Chính quyền và các đoàn thể quần chúng cần thường xuyên bám sát thực tế để giúp nông dân sản xuất. Đó là xây dựng nền móng của an sinh xã hội: giúp nông dân tự tổ chức đời sống của mình.