Kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn
admin
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
https://sonongnghiep.tayninh.gov.vn:8032/uploads/logoportal.png
A. TỔNG QUAN VỀ CHĂN NUÔI GÀ THẢ VƯỜN
Ngành chăn nuôi gà thịt tỉnh Tây Ninh trong những năm gần đây có những bước tiến vượt bậc về quy mô chăn nuôi cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học trong chăn nuôi. Từ năm 2015 đến nay, tổng đàn gà thịt tỉnh Tây Ninh có xu hướng tăng. Tổng đàn gà năm 2018 là 5,6 triệu con, đứng thứ 3 trong vùng Đông Nam Bộ (sau Đồng Nai, Bình Dương).
Trong chuỗi ngành hàng gà thịt của tỉnh bao gồm 02 nhóm là chăn nuôi gà thịt công nghiệp và chăn nuôi gà thịt thả vườn. Chăn nuôi gà thả vườn thì có ưu điểm là dễ nuôi, yêu cầu vốn đầu tư không cao và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên người dân nuôi gà thả vườn chủ yếu nuôi theo quán tính, kinh nghiệm dân gian nên có những khuyết điểm như: dễ phát sinh dịch bệnh, năng suất sản xuất còn thấp làm giá thành sản xuất cao.
Nhằm giúp bà con chăn nuôi nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, Chi cục Chăn nuôi hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi gà thả vườn để người chăn nuôi tham khảo, áp dụng vào mô hình chăn nuôi của mình nhằm cải thiện năng suất sản xuất, mang lại hiệu quả chăn nuôi cao hơn.
B. KỸ THUẬT NUÔI GÀ THẢ VƯỜN
I. Lựa chọn địa điểm
Địa điểm chăn nuôi phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, hoặc được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Cơ sở chăn nuôi gia cầm phải xây dựng cách biệt, cách xa bệnh viện, trường học, chợ, công sở và khu dân cư đông người và đường giao thông liên tỉnh, liên huyện ít nhất 100m.
II. Thiết kế chuồng nuôi, vườn thả, khu phụ trợ và các dụng cụ cần thiết
+ Chuồng nuôi làm theo kiểu thông thoáng tự nhiên với kích thước: chiều rộng 6 – 9 m, chiều cao tính từ đầu kèo tới mặt nền chuồng 3 – 3,5m, chiều dài tùy ý nhưng ngăn thành ô, đảm bảo mỗi ô có thể nuôi từ 500 – 1000 gà có độ tuổi 4-5 tháng. Mái chuồng lợp các vật liệu(ngói, tôn, lá tùy ý). Nền chuồng đầm kỹ, láng xi măng cát có độ dốc thoải dễ thoát nước khi rửa nền sau khi bán gà. Xung quanh chuồng xây tường bao cao 40cm, phần còn lại căng lưới B40 để có độ thoáng, bên ngoài căng bạt che gió và chắn mưa hắt. Có hiên rộng 1-1,2m, trước hiên làm rãnh nước. Phía trước mỗi cửa ra vào xây hố sát trùng. Diện tích chuồng đảm bảo nuôi nhốt được khi không thể thả gà ra ngoài với mật độ nuôi từ 6-7 con/m2 (nuôi 1.000 con gà thì phải có diện tích chuồng rộng từ 150 – 170m2). Nếu nuôi gối 2 tháng 1 lứa thì phải có 02 chuồng.
+ Vườn thả có thể là vườn phẳng hoặc sử dụng vườn đồi. Xung quanh vườn phải rào chắn đảm bảo gà khi thả không bay hoặc chui ra ngoài. Diện tích thả tối thiểu 1m2/con, nhưng không thả quá 2m2/con. Vườn thả phải san lấp phẳng không tạo thành vũng nước sau mưa, trong vườn không có nhiều cây bụi. Cần trồng cây ăn quả tạo bóng mát ở vườn, dành diện tích tạo các hố tắm cát trong vườn cho gà, mỗi hố dài 15m, rộng 4m, sâu 0,3m có thể đủ cho 1.000 gà tắm cát (có thể làm 1 hố hoặc chia thành 2 hố tùy theo không gian vườn). Nếu có diện tích vườn thả được 5m2/con, cần chia thành 03 ô, mỗi ô rào lưới ngăn cách để thả được 1,5m2/con và áp dụng theo phương pháp chăn thả luân phiên theo từng ô (mỗi tháng thả vào 1 ô vườn, ô còn lại vệ sinh sát trùng)
+ Dụng cụ chăn nuôi (máng ăn, máng uống, quây úm, chụp sưởi…) và các dụng cụ khác (xẻng, xô, thúng, bình phun sát trùng…) đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi và phù hợp với lứa tuổi gà, không dùng chung lẫn lộn với các mục đích khác, các dụng cụ đảm bảo dễ vệ sinh và tẩy rửa sát trùng sau mỗi lần sử dụng.
III. Con giống
+ Gà giống 01 ngày tuổi khi nhập nuôi phải có hồ sơ nguồn gốc đầy đủ từ nơi bán (hóa đơn, giấy kiểm dịch thú y). Con giống phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn giống (đặc điểm màu lông, màu da chân, trạng thái sức khỏe và không có dị tật)
+ Con giống nhập về nếu trong khu chăn nuôi có gà đang nuôi thì phải nuôi cách ly tại chuồng tân đáo ít nhất 2 tuần theo dõi, đảm bảo an toàn mới đưa vào chuồng nuôi chính.
IV. Thức ăn, nước uống
4.1. Thức ăn
– Từ tuần thứ nhất đến tuần thứ ba dùng thức ăn gà con chủng loại 1-21 ngày. Từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 6 dùng thức ăn gà dò chủng loại 21-42 ngày. Từ tuần thứ 7 trở đi dùng thức ăn gà vỗ béo chủng loại 43 ngày – xuất bán. Nếu tự chế biến phải đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.
– Khi chuyển thức ăn từ thức ăn gà con sang thức ăn gà dò, công thức thay đổi cho gà ăn như sau
+ Ngày thứ nhất 75% thức ăn cũ và 25% thức ăn mới
+ Ngày thứ hai 50% thức ăn cũ và 50% thức ăn mới
+ Ngày thứ ba 25% thức ăn cũ và 75% thức ăn mới
+ Ngày thứ tư cho ăn 100% thức ăn mới
– Tuần thứ nhất đến hết tuần thứ hai cho gà ăn bằng khay hoặc mẹt(100 gà đặt 1 khay ăn). Rải mỏng, đều thức ăn lên khay ăn hoặc mẹt độ dầy 1cm, sau đó từ 2-3 giờ cạo sạch thức ăn lẫn phân có trong khay đem sàng để gạt bỏ phân ra ngoài, tận thu thức ăn cũ và tiếp thêm lượt mỏng thức ăn mới
– Khi gà được 3 tuần tuổi trở đi thay thế khay ăn bằng máng ăn cỡ trung bình P30 hoặc máng đại P50 (40 -50con/máng), cần treo máng bằng dây, miệng máng đặt ngang với lưng gà
– Cho gà ăn tự do cả ngày đêm, bổ sung thêm thức ăn cho gà trong một ngày đêm từ 6-7 lần
4.2. Nước uống
– Dùng máng uống gallon, hai tuần đầu dùng máng cỡ 1,5-2lit, các tuần sau dùng máng cỡ 4 lít.
– Máng uống được rửa sạch hàng ngày và thay nước uống cho gà khoảng 4 lần (sáng, chiều, tối, và giữa đêm)
V. Úm gà con
5.1. Trước khi nhận gà vào quây
– Kéo rèm che kín chuồng
– Bật đèn sưởi ấm trong quây úm khoảng 2 giờ nếu thời tiết ngoài trời lạnh
– Cho nước vào máng uống. Trong nước uống cần pha thêm thuốc kháng sinh, Bcomplex, và đường Glucoz theo hướng dẫn. Nước uống phải là nước sạch, an toàn và có thể đun nước cho ấm nếu úm gà vào mùa lạnh. Nước uống được cho vào máng gallon loại 1,5-2 lít, đáy máng uống được kê phẳng bằng gạch mỏng đặt trên đệm lót
5.2. Nhận gà con vào quây
– Sau khi chuẩn bị xong chuồng trại mới đưa gà vào quây. Khi đưa gà vào quây cần kiểm tra lại số lượng con sống và con chết. Loại bỏ những con chết và gà không đạt tiêu chuẩn ra khỏi chuồng
– Mật độ nuôi từ tuần thứ nhất đến tuần thứ ba là 20 con – 18 con/m2 chuồng, từ tuần thứ tư đến tuần thứ sáu là 16 con – 14 con/m2 chuồng, từ tuần thứ bảy đến tuần thứ chín là 12 con đến 10 con/m2 chuồng
5.3. Khung nhiệt sưởi ấm cho gà
Trong hai tuần đầu úm gà thường xuyên quan sát gà và theo dõi nhiệt độ trong quây để điều chỉnh thiết bị sưởi nhằm cung cấp đủ nhiệt cho gà. Những dấu hiệu sau cần chú ý để điều chỉnh chụp sưởi hoặc thiết bị sưởi
– Nhiệt độ cao, đàn gà tản ra sát vành quây, kêu và thở
– Nhiệt độ thấp gà tập chung quanh chụp sưởi
– Nhiệt độ thích hợp đàn gà phân bố đều trong quây
5.4. Chiếu sáng: Thời gian chiếu sáng đảm bảo 24/24 giờ đến tuần thứ 3 hoặc thứ 4, các tuần còn lại thắp sáng đến 22 giờ, cường độ chiếu sáng từ 5-10lux tương đương 2-4w/m2 chuồng
Từ tuần thứ 2 trở đi bắt đầu nới rộng quây úm và đến tuần thứ tư trở đi tháo bỏ hoàn toàn quây úm
VI. Phương thức nuôi:
Theo phương thức bán chăn thả
– Từ 01 đến 6 tuần tuổi nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng
– Từ 7 đến 8 tuần tuổi có thể thả gà ra vườn. Mật độ thả từ 0,5m2 – 1m2/con. Vườn thả thiết kế bằng phẳng, có trồng cây hoặc dàn cây che mát. Chu vi vườn thả được rào lưới đảm bảo gà không thể bay qua hoặc chui ra ngoài. Chỉ thả gà khi thời tiết khô và ấm, thời tiết bất thuận (sau mưa, lạnh ẩm dài ngày phải nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng với mật độ 10 con/m2)
– Tuyệt đối không thả gà ngoài vườn trong đêm, đưa gà vào nuôi tại chuồng
VII. Phòng bệnh
+ Hố sát trùng trước cửa chuồng thường xuyên có vôi bột hoặc các chất sát trùng phù hợp
+ Đình kỳ phun sát trùng xung quanh khu chăn nuôi (1 – 2 tuần/lần) tùy theo tình hình dịch tễ
+ Thực hiện sát trùng chuồng nuôi, dụng cụ, thiết bị trước khi chăn nuôi, trong khi chăn nuôi và sau khi bán sản phẩm hoặc di chuyển đàn gà sang các nơi khác
+ Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho gà theo lịch hướng dẫn. Mở sổ ghi chép lịch tiêm phòng, và sử dụng thuốc kháng sinh.
Sau đó khi gà được 4-6 tháng tuổi thì tiêm nhắc lại Newcastle, cúm gia cầm, tụ huyết trùng.
VIII. Quản lý chất thải và xác chết
+ Bố trí một nơi riêng ở cuối khu chăn nuôi để làm nhà chứa phân được lợp mái, xây tường bao, nền láng xi măng đảm bảo chất thải không tràn ra ngoài gây ô nhiễm. Nếu sử dụng thì phải ủ nhiệt sinh học
+ Sát nơi chứa phân bố trí nơi mổ khám xác gà chết và tiêu hủy (nên xây 1 bể chứa dung tích 0,5 – 1m3, hình chữ nhật và có 2/3 chiều cao bể nằm chìm dưới đất, bể có nắp đậy kín và khoét 1 lỗ để đưa xác chết vào, hàng tuần mở nắp bể phun sát trùng diệt khuẩn. Tuyệt đối không chôn lấp xác gà chết ngoài vườn hoặc vứt ra môi trường xung quanh
+ Các chất thải khác như ni lông, bơm tiêm, chai lọ dựng thuốc, đựng vắc xin tập kết vào nơi quy định để tiêu hủy.
+ Nước rửa chuồng phải chảy theo cống gom vào bể chứa, không xả tràn lan ra vườn./.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh (PTYCĐ)