Kỹ năng viết bài báo khoa học: Cấu trúc và một số lưu ý khi viết phần Kết luận (Conclusion)
Bài viết chia sẻ kinh nghiệm của TS. Nguyễn Hữu Cương về viết phần Kết luận (Conclusion) của một bài báo khoa học. Trong phần này, tác giả cần tóm tắt những kết quả nghiên cứu chính và khẳng định lại tầm quan trọng của nghiên cứu.
Kết luận (Conclusion) là nội dung chính cuối cùng của một bài báo khoa học. Nhiều người cho rằng đây là phần khá khó viết vì họ cảm thấy không còn lại gì để viết hoặc không còn ngôn từ gì để diễn tả sau khi đã dành tất cả tâm trí, ý tưởng cho bài viết từ đầu đến giờ.
Tuy vậy, dưới đây sẽ giới thiệu một số cách trình bày phần kết luận cũng như những nội dung cần có của phần này. Điều này sẽ giúp các nhà nghiên cứu trẻ tự tin hơn khi viết phần chính cuối cùng của bài báo này.
Có nhiều cách để trình bày phần Kết luận. Tuy nhiên, có 02 nội dung quan trọng phải có trong phần Kết luận là:
(i) tóm tắt những kết quả nghiên cứu chính, và
(ii) khẳng định lại tầm quan trọng của nghiên cứu (Harvard College Writing Center, n.d.).
Cụ thể và chi tiết hơn, những nội dung chính được trình bày trong phần Kết luận gồm (Harvard College Writing Center.; n.d.; Walden University Writing Center, n.d.):
– Nêu lại mục đích chính của nghiên cứu.
– Tổng hợp những đóng góp chính của nghiên cứu để khẳng định lại tầm quan trọng của nghiên cứu.
– Tóm tắt kết quả nghiên cứu trong mối liên hệ với mỗi mục tiêu nghiên cứu cụ thể đã đề cập ở phần Đặt vấn đề.
– Trình bày tóm tắt việc ứng dụng của nghiên cứu – implications (nếu chưa trình bày ở phần Thảo luận – Discussion).
– Trình bày tóm tắt những hạn chế chính của nghiên cứu – limitations (nếu chưa trình bày ở phần Thảo luận – Discussion).
– Trình bày tóm tắt hướng hoặc cơ hội nghiên cứu liên quan trong tương lai – future research (nếu chưa trình bày ở phần Thảo luận – Discussion).
Một số điều cần tránh khi viết phần Kết luận:
– Chỉ tóm tắt lại những kết quả nghiên cứu;
– Trình bày những thông tin, ý tưởng mới hoặc đưa ra những bằng chứng, tranh luận mới;
– Tỏ ra khiêm nhường hoặc xin lỗi vì nghiên cứu chưa hoàn hảo hoặc thấy mình là “lính mới” trong cộng đồng nghiên cứu, ví dụ như sử dụng các cụm từ “I may not be an expert” (Tôi có thể không phải là chuyên gia), “At least this is my opinion” (Ít nhất đây là quan điểm của tôi), “This is only my personal opinion” (Đây chỉ là quan điểm của cá nhân tôi), “I don’t know for sure” (Tôi không chắc chắn) (Belcher, 2019).
– Lưu lý là phần Kết luận thường chiếm 1/8 (một phần tám) hoặc 1/10 (một phần mười) bài báo. Như vậy, với bài viết có độ dài 4000-8000 từ thì phần Kết luận có thể có độ dài tương ứng là 400-1000 từ.
Tài liệu tham khảo
Belcher, W. L. (2019). Writing your article in 12 weeks: A guide to academic publishing success (2nd ed.). Chicago: Chicago University Press.
Harvard College Writing Center. (n.d.). Ending the essay: Conclusions. https://writingcenter.fas.harvard.edu/pages/ending-essay-conclusions
Walden University Writing Center. (n.d.). Writing a paper: Conclusions. https://academicguides.waldenu.edu/writingcenter/writingprocess/conclusions
Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Cương
(https://www.researchgate.net/profile/Cuong-Nguyen-36)
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.