Koibito Yo: Tìm về một ca khúc Nhật Bản nổi tiếng thời Đổi mới – Tạp chí âm nhạc

 Đa số quí vị độc giả chắc đã nhận ra bài nhạc Nhật đã làm nên tên tuổi cho nam ca sĩ Ngọc Tân. Bài hát này có tên Việt là “Người yêu dấu ơi”, mà từng có thời gian được gọi là Sayonara, tức là lời tạm biệt. Lê Hải sẽ cùng quý vị trở lại với  ca khúc trữ tình của Nhật Bản từng làm say đắm những người yêu nhạc ở Việt Nam một thời. 

Quảng cáo

  

Bản nhạc này, có tên gốc trong tiếng Nhật là Koibito yo – 恋人 よ, tức chính là câu chữ để gọi người tình, người yêu của mình. Ca khúc được cô ca sĩ Mayumi Itsuwa, lúc bấy giờ còn chưa được mấy người biết tới, vừa đệm đàn piano vừa hát để trình làng vào năm 1980. Bản nhạc ngay lập tức chiếm luôn vị trí số một trong bảng xếp hạng Oricon ba tuần liên tiếp, và đến cuối năm đó thì đoạt giải ca khúc hay nhất nước Nhật trong năm.

Suốt thập niên 1980, bài nhạc này đã vượt ra khỏi biên giới nước Nhật và làm mưa làm gió trong vùng Đông Nam Á, từ Philippines cho đến Indonesia, suốt một dải các khu vực nói tiếng Hoa như Singapore, Hồng Kông và Đài Loan. Cùng với ngọn gió mở cửa, ca khúc này đã ùa vào Việt Nam qua lời trình bày của Ngọc Tân.

Có lẽ vậy mà cho đến nay cứ hễ nói tới Ngọc Tân, hay Nhật Bản, hay thời kỳ mở cửa với những chiếc xe cúp bãi rác chở từ Nhật Bản về, thì cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời bấy giờ nay đều liên tưởng ngay đến âm điệu quen thuộc một thời, Koibito yo.

Bản thân cô ca sĩ Mayumi Itsuwa thì đi đến đâu cũng được khán giả hâm mộ đề nghị phải trình bày lại bài hát quen thuộc này để cùng nhau ôn lại một thời hào quang của quá khứ tình yêu.

Chính ca sĩ Mayumi Itsuwa là người viết ra phần ca từ lay động lòng người. Với nhiều người Việt Nam, bài nhạc này được nhắc tới bằng cái tên Sayonara, là một đoạn trong điệp khúc, nhưng thực ra cái ý chính của bài hát không phải là lời tạm biệt cho một cuộc tình, mà là lời nuối tiếc cho một câu nói đùa đã khiến đôi lứa chia tay. 

Koibito yo, soba ni ite – Người yêu dấu ơi, hãy ở lại đây với em. Trong lời Việt, Ngọc Tân dồn cảm xúc vào câu nhạc đó, nói rằng Người yêu dấu ơi, người về đây với tôi. Đa số khán giả thời bấy giờ truyền nhau câu chuyện về nỗi buồn của người nghệ sĩ có vợ con chết trên biển trong chuyến vượt biên hụt, cho nên cái nỗi đau nặng nề hơn, thấm đẫm hơn, khiến người nghe bật khóc vì sự chia ly.

Trong phiên bản tiếng Nhật, thì lời ca đặt vị trí vào một cô gái trẻ nhí nhảnh mới vào đời và vấp phải sai lầm nhẹ nhàng trong cuộc sống. Để rồi giờ đây cũng nhẹ nhàng nhớ lại trong một cảm xúc dù có da diết, nhưng cũng như là tự nhắc nhở cho mình trong cuộc sống, giống như ký ức về một khoảnh khắc đẹp trong mưa.

Có lẽ do vậy, có phiên bản tiếng Việt gọi đây là bài Hận tình trong mưa. Ca từ mô tả một cô gái còn lại một mình bên ghế đá công viên, buổi chiều thu lạnh lẽo mà vừa mới trước đó còn có người yêu bên cạnh. “Kareha chiru yungure wa”, như nhiều phiên bản karaoke sau này được các cô gái trẻ hát tặng người tình và đưa lên mạng Youtube, như phần trình bày của cô ca sĩ trẻ người Philippines Mae Nibley.

Mặc dù bài nhạc của Mayumi Itsuwa đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng thực sự hầu hết các ca sĩ từ các nước đều muốn trình bày bản gốc tiếng Nhật. Thực sự đúng như vậy, phải là bản gốc tiếng Nhật thì câu chữ mới được đưa ra đúng chỗ với làn điệu và cảm xúc. Khi hiểu lời tiếng Nhật, thì ca sĩ mới thể hiện đúng những gì mà người sáng tác đã viết ra và hát lại.

Bản thân Mayumi Itsuwa sinh năm 1951 và thuộc vào thế hệ trẻ của nước Nhật chịu ảnh hưởng của làn sóng The Beatles muốn sang Mỹ để học kỹ thuật mới. Năm 20 tuổi, cô sang Los Angeles và ghi âm đĩa nhạc đầu tiên được phát hành vào năm 1972 và dần dần bước lên các thứ hạng cao trong làng nghề. Do vậy mà cách viết nhạc và lời cho Koibito Yo rất chặt chẽ theo công thức AB của làng nhạc pop, mang theo cốt truyện ấn tượng và phong cách nhả chữ đầy cảm xúc.

Thập niên 1980 cũng là thời hoàng kim của những chiếc máy chạy băng cassette giá rẻ do Nhật Bản sản xuất để rồi cùng với máy và băng của Nhật, phiên bản bài hát nổi tiếng tiếng Nhật tiếp tục được lan truyền sang các nước Đông Nam Á để được thể hiện theo phong cách ngữ âm của mỗi nước, như phần trình bày của nam ca sĩ trẻ người Indonesia Fairuz Selamat.

Có lẽ cách trình bày của ca sĩ nam cũng khác nhiều so với kiểu tình cảm da diết của ca sĩ nữ, cho nên bài nhạc này cũng được trình bày lại theo phong cách khác nhiều so với bản gốc. Điểm đặc biệt cho ca khúc Koibito Yo là mặc dù phát lên là người nghe nhìn thấy ngay làn điệu ngũ cung riêng biệt của Nhật Bản, nhưng đồng thời ban nhạc phương Tây cũng dễ dàng triển khai các nhạc cụ của mình để hòa âm phối khí dễ dàng. Bản phối của nam danh ca nổi tiếng Nhật Bản Tokunaga Hideaki, tạo ra một bức tranh với sắc thái có nhiều thay đổi so với nguyên gốc.

Như vậy, chỉ với cùng một bài nhạc, nhưng trải dài qua năm tháng và các vùng địa lý, tức là qua tác động của thời gian và không gian, đã tạo ra rất nhiều phiên bản khác nhau tiếp tục nuôi dưỡng và duy trì dòng cảm xúc của người nghe về một câu chuyện tình đơn giản.

Koibito yo, soba ni ite – Người yêu dấu ơi, hãy ở lại đây. Câu gọi của một cô gái, hay một chàng trai, có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, ở nhiều độ tuổi và trải nghiệm cuộc đời khác nhau, sẽ khiến thính giả tiếp tục đem dòng suy nghĩ đó vào tâm trí và tự viết tiếp phần sau trong kịch bản cho đoạn phim tuyệt đẹp vừa bị bỏ dỡ. 

Cùng với một vài bài nhạc khác của Nhật, ca khúc này đã trở thành một trào lưu trong làng nhạc Việt ở nước ngoài, qua đủ các giọng hát như Ý Nhi, Vũ Khanh và Don Hồ, rồi nay quay trở về trong nước tiếp nối với họa mi Mỹ Tâm.

Thế nhưng, cũng giống như Ngọc Tân, mỗi danh ca là một giai đoạn trong ký ức của chúng ta, mà khi ca sĩ mất đi, thì một phần ý ức còn tồn đọng lại qua những gì mà họ đã tóm bắt từ một thời gian và không gian của cuộc sống để diễn tả vào trong âm nhạc.

Để kết thúc tạp chí Âm Nhạc tuần này, Lê Hải xin kính mời quí vị thính giả cùng nghe một phiên bản khác của ca khúc Nhật Bản Koibito yo đã được cố nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt, qua phần trình bày của một nữ ca sĩ nổi tiếng cũng đã qua đời – Ngọc Lan. Quá khứ không phải là những gì đã mất mà là những gì chúng ta đã kịp biến thành ký ức và mãi đem theo mình vào tương lai, cũng giống như là lời cuối trong một cuộc tình vậy. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Đăng ký

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế