Kinh nghiệm sử dụng hiệu quả thời gian nghiên cứu tự học góp phần nâng cao kết quả học tập, rèn luyện
Kinh nghiệm sử dụng hiệu quả thời gian nghiên cứu tự học góp phần nâng cao kết quả học tập, rèn luyện
Nguyễn Hoàng Phúc – LT-T10B
Mô hình đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở các trường đại học hiện nay đòi hỏi sinh viên phải tự giác cao trong học tập để chiếm lĩnh tri thức và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành cũng như của xã hội. Nếu học viên chưa xác định được phương pháp học tập hợp lí, chưa chủ động trong học tập thì tất yếu kết quả học tập sẽ không cao. Để nắm bắt toàn diện những kiến thức chuyên môn ở bậc đại học, học viên phải có nhiều nỗ lực trong hoạt động học tập, đặc biệt phải dành nhiều thời gian cho việc tự học, tự nghiên cứu và cần có một phương pháp học đúng đắn, phù hợp, hiệu quả.
“Tự học là tự mình dùng các giác quan để thu nhận thông tin rồi tự mình động não, sử dụng các năng lực trí tuệ (quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp) và có khi cả cơ bắp (phải sử dụng công cụ) cùng các phẩm chất của mình, rồi cả động cơ, tình cảm, cả nhân sinh quan, thế giới quan để chiếm lĩnh được một lĩnh vực hiểu biết nào đó, một số kĩ năng nào đó, một số phẩm chất nào đó của nhân loại hay cộng đồng biến chúng thành sở hữu của mình” [1]. Từ quan niệm này cho thấy, để tự học hiệu quả, người học cần nhận thức đúng vai trò quan trọng của tự học, từ đó biết xử lí thông tin của bài giảng, tự đọc sách, tài liệu tham khảo, tự nghiên cứu, rèn luyện nghiệp vụ theo chuyên ngành đào tạo, tự học thông qua các phương tiện kĩ thuật hiện đại, kết hợp thực hiện các hình thức học tập khác.
Là học viên Trường Đại học An ninh nhân dân, việc học tập, rèn luyện và sinh hoạt được thực hiện theo chế độ điều lệnh Công an nhân dân. Mỗi học viên đều được phân bổ khoảng thời gian nhất định trong ngày cho việc nghiên cứu tự học. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả thời gian tự học luôn là bài toán khó đối với bất kể học viên nào. Nếu học viên không biết sắp xếp, sử dụng thời gian thật sự khoa học thì dễ dẫn đến tình trạng lãng phí thời gian mà kết quả học tập không cao, thậm chí gặp trạng thái suy sụp, chán nản trong việc học. Vậy đâu là những yếu tố tác động đến việc sử dụng thời gian tự học của học viên Nhà trường?
Thứ nhất, thái độ, nhận thức của mỗi học viên đối với việc sử dụng thời gian tự học.
Đây là yếu tố đầu tiên, và cũng là yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả việc sử dụng thời gian tự học của từng học viên. Chỉ có nhận thức đúng đắn, thái độ tích cực thì mới có thể có những hành động phù hợp. Vì vậy, mỗi học viên cần nhận thức một cách đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của thời gian nghiên cứu tự học, từ đó có sự chủ động học tập, nghiên cứu. Nhận thức đúng yêu cầu sử dụng hiệu quả thời gian tự học cũng giúp cho từng học viên đấu tranh với những thái độ, suy nghĩ tiêu cực, lười biếng trong quá trình tự học, góp phần nâng cao kết quả học tập của từng học viên.
Thứ hai, sự tác động của các yếu tố về môi trường, nhất là việc sử dụng thiết bị điện tử.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người ngày càng bị chi phối nhiều bởi các thiết bị điện tử. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh trên tay, chúng ta đã có thể thỏa mãn rất nhiều nhu cầu của bản thân như liên lạc, học tập, giải trí… Cũng vì thế mà học viên thường rất dễ phân tâm trong quá trình tự học. Bên cạnh đó, môi trường ồn ào, thiếu ánh sáng, quá nóng hoặc quá lạnh cũng đều khiến học viên dễ mất tập trung trong quá trình tự học. Vì vậy, mỗi học viên cần biết lựa chọn môi trường tự học phù hợp, tránh xa các yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập.
Thứ ba, việc sử dụng các phương pháp học tập trong quá trình tự học.
Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định việc học viên có phát huy hết giá trị thời gian tự học của mình hay không. Thực tế cho thấy, nhiều học viên hiện nay còn chưa biết áp dụng các phương pháp học tập hiện đại như: MindMapping, SQR3, đọc nhanh, ghi nhận siêu tốc…; hoặc có sự phối hợp trong quá trình tự học như: Học nhóm, tham khảo ý kiến giáo viên bên lề bài học, trao đổi thông tin với những học viên khóa trước hoặc đã những đồng chí công tác thực tiễn… để nâng cao hiệu quả học tập hơn. Vì vậy, phương pháp tự học phù hợp cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc sử dụng thời gian của mỗi học viên.
Từ những phân tích trên đây, để nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, tự học của học viên, góp phần đem lại hiệu quả cao nhất trong quá trình học tập và rèn luyện, bản thân xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, Nhà trường cần tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với học viên, làm cho học viên có nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình học tập, rèn luyện tại Trường. Thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua trong khối học viên và giữa học viên Nhà trường với học viên các trường Công an nhân dân. Mỗi giáo viên khi lên lớp cần có phương pháp giảng dạy thực sự khoa học, không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn phải khơi gợi hứng thú cho học viên trong quá trình học tập, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo đối với học viên Nhà trường.
Hai là, mỗi học viên cần rèn luyện cho mình ý thức kỷ luật, tinh thần tự giác trong học tập và rèn luyện. Cần xây dựng chương trình, kế hoạch học tập tổng quát và chi tiết cho từng môn học; đồng thời, phân bổ thời gian học tập phù hợp để vừa đảm bảo học tập kiến thức chuyên môn, vừa tiếp thu những kiến thức về văn hóa – xã hội, kỹ năng mềm… Trong quá trình nghiên cứu tự học cần tập trung tối đa, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, lựa chọn môi trường học tập yên tĩnh, đầy đủ ánh sáng. Ngoài ra, học viên cũng cần biết cân bằng giữa thời gian học tập với giải trí, rèn luyện sức khỏe và tham gia các hoạt động xã hội khác, như vậy mới có thể phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ công tác đặt ra trong tương lai.
Ba là, học viên cần biết lựa chọn cho mình phương pháp tự học cho phù hợp với bản thân. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp học tập hiện đại, đã được chứng minh hiệu quả trên toàn thế giới như: MindMapping, SQR3, đọc nhanh, ghi nhận siêu tốc… điều quan trọng là học viên phải biết lựa chọn phương pháp nào phù hợp cho mình. Để làm được điều đó, mỗi học viên cần thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm nhiều phương pháp học khác nhau; đồng thời, tham khảo ý kiến của giáo viên, bạn bè hoặc những học viên đi trước. Ngoài ra, cần phải đa dạng hóa các hình thức nghiên cứu tự học như: Tự đọc sách, học nhóm, thuyết trình, học qua nghiên cứu tình huống thực tế, tham gia viết bài, nghiên cứu khoa học… Qua đó, giúp mỗi học viên có thể tích cực, chủ động, tự tin và sử dụng hiệu quả hơn thời gian nghiên cứu, tự học của mình.
N.H.P
Tài liệu tham khảo:
[1] Tạ Thị Thu Huế, Thực trạng tự học của sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân, Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2020, tr 242-245