Kinh nghiệm sống là gì? Nhiều kinh nghiệm sống có thật sự tốt cho bạn?
Bạn hẳn đã từng nghe ai đó nói câu “kinh nghiệm xương máu” và bạn cũng đã có “kinh nghiệm xương máu” trong một việc hay nhiều việc gì đó rồi phải không.
Bạn có 1 mối tình kéo dài 3 năm trời, từng yêu, từng thương, từng khờ dại và đến một ngày đẹp trời bạn biết rằng anh ấy đã lừa dối bạn. Bạn hụt hẫng, hoang mang và mọi thứ như đổ sụp xuống. Bạn như bị chệch hướng khỏi đường ray, mất thăng bằng trong quỹ đạo sống của cuộc đời mình. Rồi mọi thứ cũng qua, bạn dần hồi phục và bạn rút ra 1 kinh nghiệm xương máu cho cuộc đời mình “chẳng bao giờ tin vào đàn ông”. Này là ví vụ thôi nhé, đừng quy chụp hết đàn ông 😀
Kinh nghiệm sống là gì?
Kinh là sự trải qua, đi qua; nghiệm là kiểm nghiệm lại, kiểm chứng lại. Kinh nghiệm là rút ra 1 bài học từ một sai lầm, một thất bại nào đó trong cuộc đời mình để lấy đó làm gương. Kinh nghiệm càng nhiều thì bạn càng dễ thành công.
Anthony Robbins đã từng nói: “Những thành công thường là kết quả của những phán đoán và quyết định đúng, những phán đoán và quyết định đúng là kết quả của kinh nghiệm, những kinh nghiệm là kết quả của những phán đoán sai lầm”.
Nhưng không phải kinh nghiệm nào cũng đều mang tính đại chúng. Kinh nghiệm của bạn có thể hay và thực nghiệm với bạn nhưng nó lại không phù hợp với người khác.
Cũng giống như ví dụ mối tình 3 năm ở trên, bạn kết thúc mối tình lâm li bi đát trong đầm đìa nước mắt (chia tay mà bạn còn khóc được thì bạn chỉ đang ở cấp độ 1 mà thôi). Sau đó bạn sẽ đem kinh nghiệm tình trường của mình áp vào đứa bạn của bạn, áp vào đứa em của bạn, áp vào cộng đồng facebook của bạn, bạn nói rằng: “Tao nói thiệt với mày, đời giờ đàn ông nó khốn nạn lắm, đừng có yêu. Lấy tao làm ví dụ này, kinh nghiệm xương máu đầy mình đây này”.
Bạn nói vậy không sai, nhưng nó chỉ đúng với thằng đàn ông của bạn mà thôi, còn thằng đàn ông của nhỏ bạn của bạn thì tuyệt vời. 😀
Kinh nghiệm mang nặng tính vùng miền, văn hóa
Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày tôi đi học tại Đồng Nai, lúc ấy là cuối tháng rồi, nên cả phòng cũng chẳng ai còn tiền, sinh viên mà, bạn biết rồi đấy. Sẵn trong phòng còn ít nước tương, xong thấy vậy tôi cũng lật đật chạy đi mua nãy chuối chín về ăn qua loa cho qua ngày đoạn tháng 😀 . Tôi thì thấy mọi thứ rất bình thường và ngon lành, chỉ duy nhất 2 thằng bạn thân là nó ngơ ngác nhìn tôi chem chép cái miệng, nó bảo: “thằng quái này, thế mày ăn cơm với chuối à”.
Ừ, rồi sao, tao thấy ngon mà – Tôi đáp.
Tụi nó chỉ lắc đầu, cười trừ mà thôi. Còn tôi thì hưởng hết nãy chuối…
Bạn biết đấy, tôi là dân miền Tây nên việc ăn như vậy là bình thường với tôi, kinh nghiệm ở chỗ tôi nó bảo thế. Còn cậu bạn thân của tôi thì không chịu vậy, bảo ăn vậy là quái. “Ngoài tao, chuối chỉ ăn sau khi ăn cơm mà thôi, ai đời lại đi ăn cùng với cơm và nước tương”.
Nên tùy theo mỗi vùng miền, mỗi văn hóa mà mỗi người sẽ có 1 cách cư xử và phản ứng với sự việc khác nhau. Quan trọng là bạn phải biết tôn trọng cái khác biệt của mỗi người, tôn trọng cái giá trị cá nhân của họ, đừng cố áp đặt nhé!
Chứ bạn bảo với 2 thằng kia: “ờ, có chuối không ăn thì biến đi ăn củ chuối nhé, sinh viên mà chảnh”. Nói như vậy tôi cá với bạn, 2 tụi nó sẽ cho bạn thêm 1 nải chuối nữa. mà là nải chuối sống… Tôi đùa đó 😀
Kinh nghiệm sống không hề đứng yên một chỗ.
Bạn có nghe câu “trứng mà đòi khôn hơn vịt” chưa, bạn nghĩ câu này có đúng không? Nếu bạn nói với mình không đúng thì chắc ăn là bạn sai rồi đó, câu này đúng. Câu này chỉ sai khi cái trứng nở thành con vịt thôi.
Khi đất nước còn chưa phát triển, chưa thế giới phẳng, chưa internet thì câu “trứng mà đòi khôn hơn vịt” đúng, bởi lúc này mọi thứ đều học theo kinh nghiệm, học theo lối mòn và đại bộ phần đều tư duy lối mòn. Nên trẻ em, người nhỏ là phải nghe lời người lớn, không cần biết đúng sai. Người lớn nói là “tuyên ngôn”, chẳng có tí gì gọi là phản biện.
Còn bây giờ thì lại khác, bởi vấn đề được đặt trong một hoàn cảnh khác để xét. Tư duy của những năm 1980 sẽ không phù hợp ở những năm 2000 và tư duy năm 2000 sẽ lạc hậu ở thời buổi hiện nay, nó gọi là tư duy lạc hậu. Cùng với sự phát triển đó thì kinh nghiệm sống ở những năm 2000 cũng cần phải thay đổi theo để thích nghi, để phát triển. Nên kinh nghiệm không hề ở yên mà nó luôn thay đổi theo thời gian, con vịt con có thể hơn con vịt cha bất kỳ lúc nào và nếu con vịt cha áp cái kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm sống của mình lên con vịt con thì kéo lùi cả 1 thế hệ. Bạn cần không ngừng tiếp thu, không ngừng đổi mới tư duy và nhận thức của bản thân. Đặc biệt trong thời buổi 4.0 như hiện nay, thì cái kinh nghiệm ngày hôm nay có thể lỗi thời vào ngày hôm sau rồi đó. Nếu bạn không chạy, không đi thì bạn ắt sẽ bị lùi, điều đó là đương nhiên.
Nên ở đây, chúng ta lật ngược vấn đề lại để thảo luận nhé. Một số bạn nói như thế này: “Sao nhìn lại cái thời quần ống loe năm 2000 nó cứ ngố ngố, xấu xấu làm sao”; rồi như kiểu này “nhìn phụ nữ thời đó cực khổ làm sao, làm lụng vất vả, thế mà vẫn chịu cảnh chung chồng”. Tất cả những điều đó bạn nói đều đúng, nhưng đúng ở thì hiện tại, chính là lúc này đây, lúc bạn nói. Nhưng nếu đứng ở lúc đó mà nói câu đó là sai. Bởi cái kinh nghiệm lúc đó là như vậy, cái văn hóa lúc ấy nó vậy. Bạn đúng quan điểm nhưng sai thời điểm 😀
Điều này cũng đúng trong tình cảm, tình yêu nhé. Bạn rất thường hay hối hận về một điều gì đó trong quá khứ, như chưa hoàn thành 1 tâm nguyện cho ai đó nhưng giờ bạn không còn cơ hội để làm nữa; bạn hối hận vì thanh xuân của mình đã dâng hiến cho ai đó quá nhiều, giờ nhìn lại thật không đáng chút nào…Nếu bạn có suy nghĩ như vậy thì hãy dừng ngay nhé. Bởi lúc ấy bạn có nghĩ được như bây giờ đâu, cách làm như vậy, quyết định như vậy vào thời điểm đó là tốt nhất với bạn rồi, là tối ưu lắm rồi. Nên đừng tự hành hạ, đừng luyến tiếc về những điều đã qua, hãy sống tốt cho hôm nay và hướng về ngày mai.
Khi nào thì bạn được gọi là “Có kinh nghiệm sống”
Bạn sẽ chẳng bao giờ có được kinh nghiệm khi chưa đạt đến cấp độ 3 của tư duy. Theo Benjamin Bloom – nhà tâm lý học giáo dục của người Mỹ đã phân sự hiểu biết thành 6 cấp độ như sau:
Cấp độ 1: Biết
Cấp độ 2: Hiểu
Cấp độ 3: Vận dụng
Cấp độ 4: Phân tích
Cấp độ 5: Tổng hợp
Cấp độ 6: Đánh giá
Nhìn bạn sẽ biết, nghe bạn sẽ hiểu nhưng khi xoắn tay áo nhảy vào làm thì bạn mới có thể nắm được nguyên lý của nó, nắm được cái khó khăn, thuận lợi và các vấn đề về nó một cách chi tiết.
Tôi cá là bạn đã từng nghe một nghịch lý như thế này: tỉ lệ thất nghiệp của dân trung cấp luôn thấp hơn dân đại học, lý do vì sao? Bạn vào một tiệm sửa xe gắn máy và hỏi quy trình vận hành của động cơ xe máy xem bác sửa xe trả lời thế nào? Tôi cá là bạn nhận được cái cờ lê 😀 . Cũng câu hỏi đó bạn hỏi đứa học sinh phổ thông xem, bạn nhận được 1 sớ trả lời gon gót không thiếu một chữ trong khái niệm cho mà xem.
Vấn đề nằm ở đó, Bác sửa xe biết làm như thế nào nhưng chẳng biết giải thích vì sao nó như vậy. Còn đứa học sinh nó biết giải thích vì sao nó như vậy mà chẳng biết làm thế nào. Chẳng thể nào nói đứa học sinh có kinh nghiệm được vì nó chẳng trải qua sửa xe máy lần nào.
Nhưng bạn đừng lo lắng về điều đó. Bạn đã từng chém gió với ai chưa, nếu rồi thì bạn biết đấy. Giờ chém gió cũng là một kinh nghiệm, một kỹ năng, một cái khiếu khối người mơ ước, nhưng nhớ là đừng chém gió với trẻ con và người lớn nhé! 😀
Điểm yếu của người có kinh nghiệm sống là gì?
Tôi còn nhớ có 1 lần ngồi café với nhỏ em họ, hai anh em lân la tán gẫu bàn về “thế sự nhân gian” bây giờ sao mà nó u ám, bay nhảy quá. Nào là tiền ảo, bitcoin lên xuống như thủy chiều làm bao anh chị em phải lên xuống theo (lên thì lên khám, xuống thì xuống sông 😀 ); thực phẩm thì để cả tháng trời ruồi không dám ghé vào thăm; gia đình thì ly hôn, ly dị ngày càng tăng.
Hít một hơi sâu và nhấm nháp một ngụm café, tôi mới hỏi: Này nhỏ, em có biết lý do vì sao mà hiện nay tình trạng ly hôn lại gia tăng nhanh vậy không?
Con nhỏ nghĩ ngợi hồi lâu, rồi cuối cùng ẻm cũng đưa được câu trả lời: À, em biết rồi anh, anh hỏi quá đơn giản. Tất cả là do ông thẩm phán.
Con nhỏ cứ cười khoái trí trong khi tôi thì cứ ngơ người ra đó, tôi không nghĩ là có câu trả lời như thế. Lúc đó tôi nghĩ là nó phải phân tích, diễn giải rồi lấy dẫn chứng, chứng minh này kia nọ, đủ các thể loại. nhưng chẳng ngờ nó phán 1 phát “tất cả là do ông thẩm phán”.
Khi bạn đã có kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó và khi nó được hỏi tới thì bạn sẽ tập trung tất cả nguồn lực để tìm trong album hiểu biết của mình, để trả lời và giải quyết cái vấn đề đó, giống như tôi ở trên ý, tôi phải nghĩ ngợi rất nhiều khi đặt ra câu hỏi. Kiểu như vậy nó được gọi là tư duy kinh nghiệm hay được gọi là tư duy lối mòn. Bạn sẽ đi theo các đường mòn đã định sẵn, đã biết trước, để giải quyết vấn đề chứ không hề nghĩ tới một câu trả lời mới hay một quyết định mang tính đột phá.
Đây là lý do vì sao các công ty, doanh nghiệp luôn tìm những tài năng trẻ, những cái đầu mới mẻ để đáp ứng được nhu cầu tư duy sáng tạo trong thời buổi công nghệ 4.0 như hiện nay. Tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản sẽ đến 1 lúc nào đó cạn kiệt và chỉ duy nhất tài nguyên não là dùng hoài không hết mà thôi.
Thịt nhân tạo, quần áo có thể ăn được, trồng rau không cần đất và các “kỹ sư nông dân” đều là minh chứng cho tư duy đột phá. Nếu cứ giữ mãi cái suy nghĩ: cần thịt thì phải nuôi heo, quần áo chỉ để mặc và có đất mới trồng được thì bạn chỉ quanh quẩn mãi trong cái vòng tròn, làm sao có thể lên được 4.0
Nhưng để đột phá được, tư duy được thì cái bạn cần trước tiên phải biết về nó, phải hiểu về nó, phải hình tượng được về nó thì trên cơ sở đó mới tư duy được. Nên một điều quan trọng bạn nên nhớ: bạn có quyền cứng đầu nhưng tuyệt đối không được cứng nhắc.
Học kinh nghiệm sống từ ai?
Đương thời, Khổng tử đã từng căn dặn học trò của mình rằng: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư” nghĩa là: 3 người đi với ta ắt sẽ có người là thầy ta. Bạn biết mình nói đến điều gì rồi phải không, bạn đoán đúng rồi đó. Khi bạn muốn học hỏi kinh nghiệm thì bạn nên đi với 3 người 😀 , tôi đùa đó…
Bất kỳ ai trong cuộc sống này đều có thể là thầy của ta, bạn đừng nghĩ rằng chỉ đến giảng đường mới gọi là học. Một bộ phim cũng có thể là thầy của bạn, dạy cho bạn những kinh nghiệm, khai sáng cho bạn một tư tưởng mới, một cách nhìn mới về một vấn đề gì đó.
Sẽ có 2 việc, thứ nhất bạn muốn tìm những ý tưởng mới, phát triển vấn đề theo chiều rộng thì bạn nên đi du lịch, khám phá, trò chuyện với trẻ nhỏ, những việc đó sẽ tăng cường sự phát triển và sáng tạo của não bộ.
Thứ 2 là bạn muốn phát triển vấn đề theo chiều sâu thì bạn nên tìm những chuyên gia, những nhà tư vấn, những “lão làng” thì chính họ sẽ đào sâu được vấn đề của bạn.
Tôi ngẫm nghĩ, Tôi có cậu bạn thân – 1 trong 2 cậu bạn mà tôi nhắc đến bên trên. Khi cái vấn đề gì liên quan đến học thuật hay hơi triết lý xíu là nó lại gặp tôi. Còn khi tôi đi café với gái là tôi phải tốn tiền café để hỏi nó trước 😀 . Có đợt nó đùa với tôi: “suy luận logic gì gì đó thì tao gọi mày là sư phụ, còn khoảng cưa gái thì mày phải gọi tao bằng cụ 😀 ”. Nghĩ mà tôi thương cho tôi thiệt, hẩm hiu.
Bạn đã thật sự học hỏi kinh nghiệm đúng cách?
Bạn có biết Henry Ford chứ, ông là một kỹ sư nổi tiếng nhất nước Mỹ, ông là người sáng lập nên công ty Ford Motor, ông đã nói rằng: “Sai lầm chỉ thật sự là sai lầm khi chúng ta không học được gì từ nó”.
Khi bạn mới ra trường, giá người ta thuê bạn không cao đâu, bởi vì bạn chưa có kinh nghiệm, năng suất bạn có thể đạt nhưng hiệu suất thì bạn còn kém lắm, bạn nói: “tôi tốt nghiệp Đại học mà lương tôi rẻ bèo thế à”. Còn đứng dưới góc độ doanh nghiệp thì họ lại nói: “Giá ông vậy là cao lắm rồi đó ông ạ”.
Họ nói vậy là đúng đó bạn, vì cái giá hữu hình tiền lương họ trả cho bạn như thế là thấp nhưng cái giá vô hình mà họ trả cho bạn là cao lắm đấy; họ trả tiền bạn làm hư sản phẩm, làm hư dây chuyền sản xuất, làm mất lòng đối tác của họ, mất uy tín của doanh nghiệp, họ đang nhìn ở tầm vĩ mô như thế đấy, nên giá bạn ra trường rẻ bèo là như thế (rẻ còn hơn là ở nhà làm anh hùng rơm 😀 ).
Nên tuổi trẻ là bạn đang bỏ sức ra để mà học kinh nghiệm, học kỹ năng, rèn luyện thái độ, chuôi giũa kiến thức. Đó là cách bạn học kinh nghiệm một cách đúng đắn nhất.
Vậy cách học chưa đúng là gì: là anh hùng rơm bên trên đấy 😀 , kiến thức chẳng có gì, thái độ thì nghênh ngáo, kỹ năng thì chiên trứng còn khét mà nói: “thuê ông mà 5 triệu/tháng thì có mà mơ nhé”. À, có nhiều bạn khi sinh ra ở vạch xuất phát thì ráng chạy cho nhanh, còn mấy đứa khi sinh ra đã ở đích rồi thì không cần chạy nữa, nằm ở đó thôi. Mấy đứa đó sẽ ở đích, mà là “đích bếp” 😀
Mình tạm kết thúc bài chia sẻ ở đây nhé, bài viết khá dài và mang hơi hướng cá nhân, mà cá nhân thì sẽ có thích và không thích. Nếu không “ưa” thì bạn vui lòng bỏ qua cho mình nhé! Hẹn gặp lại bạn ở những bài viết lần sau.