Kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Toán hiệu quả
Cứ vào cuối năm, các bạn học sinh lớp 9 lại hối hả chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh vào lớp 10. Để vào được các trường trung học phổ thông công lập có chất lượng, các bạn phải trải qua một năm rèn luyện chăm chỉ và tham dự kỳ thi tuyển sinh vào 10 với tỷ lệ chọi rất cao, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM.
Nhiều bạn ngày đêm học hành chăm chỉ nhưng cảm thấy không tiến bộ, cộng với áp lực cuối năm càng thêm căng thẳng, nhất là ở môn Toán, môn học quyết định phần lớn số điểm của các bạn học sinh. Kết quả là một vòng lặp học tập không hiệu quả. Thấu hiểu được những khó khăn đó, đội ngũ giáo viên của Thuvientoan.net xin hướng dẫn ôn thi vào lớp 10 và chia sẻ những kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn toán được đúc kết trong quá trình ôn luyện và giảng dạy cho các em học sinh lớp 9 ôn thi vào 10.
I. Cấu trúc đề thi vào 10 môn Toán
Thầy Trần Quốc Luật
Theo thầy Trần Quốc Luật – Giáo viên chuyên Toán trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – TP. HCM, đề thi môn Toán vào lớp 10 ở các tỉnh thành trên cả nước có cấu trúc dao động từ khoảng 5 đến 10 câu, thường khoảng 6 đến 8 câu hỏi. Nếu số câu hỏi ít, thì mỗi câu hỏi sẽ có có nhiều ý nhỏ, ngược lại nếu số câu hỏi nhiều thì mỗi câu chỉ từ khoảng 1 đến 2 ý nhỏ. Tuy nhiên dù số câu hỏi bất kỳ là bao nhiêu thì nội dụng các câu hỏi đề xoay quanh các chủ đề sau:
1. Rút gọn biểu thức chứa căn và bài toán liên quan.
2. Giải bài toán bằng cách lập phương trình hoặc hệ phương trình
3. Giải phương trình chứa căn, hệ phương trình đại số
4. Các bài toán liên quan đến phương trình bậc hai và ứng dụng hệ thức Viete
5. Các bài toán đồ thị hàm số bậc hai
6. Bất đẳng thức. Giá trị lớn nhất và giá trị nhỏ nhất của hàm số.
7. Các bài toán thực tế liên quan đến lãi suất ngân hàng, diện tích,..
8. Chuyên đề hình học liên quan đến tứ giác nội tiếp, hệ thức lượng trong tam giác vuông.
II. Hướng dẫn ôn thi vào lớp 10 hiệu quả
1. Tập trung 100% công lực
Nghe có vẻ rất dễ nhưng hóa ra thật khó!. Trong quá trình học tập, chúng ta dễ bị xao nhãng bởi rất nhiều thứ xung quanh như điện thoại, facebook, ti vi. Do đó để học tập hiệu quả, các bạn chỉ nên mở những thiết bị phục vụ cho quá trình học tập. Bên cạnh đó các bạn tự quy định và phân bố thời gian chơi và học hợp lí, tránh trường hợp vừa chơi vừa học. Kiên quyết nói không với các cám dỗ các bạn nhé hihi!
2. Học tới đâu phải hiểu rõ tới đó
Thầy Trần Quốc Luật (trái) – Thầy Nguyễn Đức Tấn (phải)
Theo thầy Nguyễn Đức Tấn, đề thi vào 10 môn Toán thật sự không khó. Các bạn không làm được bài là do các bạn chưa hiểu bài hay chưa nắm rõ bản chất của vấn đề. Do đó thầy đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh là học tới đâu phải hiểu rõ tới đó, phải hiểu tường tận bản chất của vấn đề và chỉ làm bài tập khi hiểu rõ lý thuyết, có chỗ nào chưa hiểu thì phải hỏi lại thầy cô ngay.
3. Không cưỡi ngựa xem hoa, dành thời gian luyện tập thường xuyên
Khi đã hiểu rõ lý thuyết, các bạn học sinh phải dành thời gian luyện tập các bài toán. Làm tới làm lui cho đến khi thuần thục. Tránh chủ quan khi đã hiểu bài thì ít rèn luyện bài tập, điều này dẫn đến các bạn dễ quên.
4. Ôn lại bài trước khi ngủ
Ngủ giúp cho não bộ nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất quả. Tuy nhiên trong lúc ngủ, não vẫn hoạt động để sắp xếp lại những kiến thức và truyền đến vỏ não để ghi nhớ mà trong chúng ta tiếp nhận trong ngày. Những thông tin được lặp lại nhiều lần thì bộ não chúng ta sẽ ghi nhớ lưu trữ các thông tin đó được lâu hơn. Do đó trước khi đi ngủ, các bạn học sinh nên dành khoảng 20 đến 30 phút để ôn lại các kiến thức đã học trong ngày.
5. Luyện tập đề thi các năm trước
Theo thầy Lê Phúc Lữ, cấu trúc đề thi vào 10 môn Toán các năm đều giống nhau đến hơn 90%. Do đó đề thi của các năm trước là một nguồn tài liệu chính xác nhất và bám sát cấu trúc đề thi để các bạn yên tâm ôn luyện.
Thầy Lê Phúc Lữ (đứng thứ hai từ phải sang trái)
Không chỉ về cấu trúc mà nội dung cũng khá giống nhau giữa đề thi các năm. Bởi vậy bạn nên dành thời gian giải các đề thi này và canh thời gian làm bài theo đúng quy định. Điều này giúp các bạn tìm ra lỗ hỗng trong kiến thức từ đó lên kế hoạch bổ sung kịp thời. Ngoài ra việc canh thời gian làm bài giúp bạn có cảm giác như thi thật, từ đó sẽ tạo tâm lí quen thuộc trong phòng thi.
III. Chiến lược làm bài thi môn toán hiệu quả
1. Lấy điểm tuyệt đối các câu dễ
Trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán, các câu ở vị trí đầu tiên thường là các câu hỏi dễ. Điển hình như bài toán rút gọn biểu thức chứa căn và bài toán liên quan, các bạn chỉ cần thực hiện theo đúng các bước sau: đặt điều kiện cho biểu thức có nghĩa, quy đồng mẫu số và thu gọn biểu thức. Như thế là các bạn đã lấy điểm tuyệt đối câu 1 rồi đó!
Nhìn chung các câu hỏi trong đề thi tuyển sinh vào 10 môn Toán thường nhẹ nhàng, không đánh đố thí sinh. Các bạn chỉ cần nắm chắc kiến thức trong một năm qua thêm vào đó dành thời gian rèn luyện các bài tập. Thêm vào đó là sự tự tin thì thuvientoan.net tin rằng các bạn đã được 8 đến 9 điểm.
2. Các câu khó làm cuối cùng
Và một điều tất yếu là các câu khó sẽ để dành cuối cùng. Thầy Trần Nam Dũng – Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu – ĐHQG TP. HCM cho biết:
Trong đề thi vào 10 môn Toán, các câu hỏi phân loại học sinh thường ở vị trí cuối cùng trong đề thi, các câu hỏi này chiếm khoảng 0,5 – 1 điểm và dùng để phân loại học sinh giỏi, dành cho các bạn học sinh muốn học các trường công lập top đầu. Nhìn chung các câu hỏi này xoay quanh hai chủ đề chính là Bất đẳng thức – Cực trị hoặc Giải phương trình – Hệ phương trình.
Theo thầy Dũng, các câu hỏi này không quá khó, xoay quanh các kĩ thuật quen thuộc mà các bạn đã được học nên bình tĩnh phân tích là các bạn sẽ giải quyết được. Thầy cũng nhấn mạnh rằng các câu hỏi dễ hay khó thì cũng có số điểm như nhau nên các bạn học sinh chú ý tránh sa đà vào các câu hỏi khó mà không lấy trọn được điểm các câu hỏi dễ.
Hi vọng với bài viết này, các bạn sẽ rút ra những kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn toán từ đó lên kế hoạch học tập hiệu quả để chinh phục kỳ thi tuyển sinh. Chúc các bạn học tốt và gặt hái được những thành tựu xứng đáng cho những ngày miệt mài đèn sách!
THEO THUVIENTOAN.NET