Kinh nghiệm nấu đồ ăn dặm cho bé 1 tuổi

Kinh nghiệm chuẩn bị đồ ăn dặm cho bé

Với những kinh nghiệm nấu đồ ăn dặm cho bé dưới đây mẹ sẽ nhàn tênh với khâu chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.

Chuẩn bị đồ ăn dặm cho bé như thế nào để vừa dinh dưỡng lại không mất quá nhiều thời gian?

Để quá trình chế biến đồ ăn dặm cho bé dễ dàng và nhanh chóng mẹ nên chuẩn bị đầy đủ “đồ nghề”: máy xay, nồi nấu cháo, bộ dụng cụ chế biến món ăn, ghế ngồi ăn dặm, yếm, thìa, bát… Mẹ nên lựa chọn đồ ăn dặm cho bé từ chất liệu an toàn, tránh các chất độc hại nhé.

Kinh nghiệm chuẩn bị đồ ăn dặm cho bé

Sau khi chuẩn bị dụng cụ đầy đủ mẹ nên tìm hiểu về kinh nghiệm cho trẻ ăn dặm.

Khi con mới bước vào giai đoạn ăn dặm mẹ nên cho con ăn từng món riêng lẻ, để con cảm nhận được mùi vị của đồ ăn. Mẹ lưu ý là không cho gia vị trong giai đoạn này nhé. Và sau khi con cảm nhận được mùi vị của mỗi loại đồ ăn, mẹ hãy chuyển sang các món cháo ăn dặm truyền thống, kết hợp các loại đồ ăn.

Để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, mẹ nên cân đối lượng dưỡng chất có trong các thành phần thực phẩm, mẹ lưu ý không nên cho đạm nhiều dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng, khiến bé đầy bụng, khó tiêu. 1 bữa ăn của trẻ nên đầy đủ các nhóm chất: vitamin và khoáng chất, đạm, tinh bột.

Hãy tạo cho con một thói quen ăn uống có kỷ luật, ăn đúng giờ, khi ăn thì cho con ngồi vào ghế ăn dặm, tuyệt đối không dỗ con ăn bằng cách cho xem ipad, điện thoại, ăn dong. Vì nếu áp dụng cách này để cho con ăn sau này mẹ sẽ rất khó sửa. Giai đoạn đầu mẹ sẽ vất vả khi rèn con nhưng sau này mẹ sẽ rất nhàn.

Xem thêm >>> Mách mẹ cách bổ sung dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn

Kinh nghiệm phân loại và sơ chế thức ăn

Thịt lợn/bò/gà: Rửa sạch, băm nhỏ, cho vào từng tô của khay trữ, có thể hấp trước khi băm hoặc xay nhuyễn.

Tôm, cá, lươn: làm sạch, băm nhỏ, cho vào khay trữ, có thể hấp trước khi băm hoặc xay nhuyễn.

Rau củ: Nhặt sạch và ngâm nước muối. Sau khi sơ chế sạch sẽ và cắt nhỏ đem hấp chín, đem xay hoặc bằm.

Bột hoặc cháo: Nấu chín nhừ, cho vào lọ thủy tinh miệng rộng có nắp đậy, vừa với khẩu phần mỗi bữa một lọ

Cua: Luộc chín, rỉa thịt, cho vào khay trữ.

Sau khi sơ chế xong, mẹ cho thức ăn vào khay có nắp, lồng thêm nilon bọc kín rồi bảo quản ở ngăn đá. Khi đến bữa cần nấu cho bé, mẹ lấy ra 1 viên rau, 1 viên thức ăn, 1 hộp cháo để ra ngoài rã đông. Sau đó cho vào nồi nấu sôi, khuấy cho từng viên rau thịt vào. Chỉ vài phút mẹ đã hoàn thành xong khẩu phần ăn của bé. Rất đơn giản phải không?

Các mom có thể tùy ý kết hợp các loại rau củ thịt cá để cho ra những thực đơn phong phú. Như vậy mỗi tuần chỉ cần khoảng 3-5 loại thịt cá, vài loại rau củ là có thể cho bé mỗi bữa một món khác nhau trong suốt cả tuần.

Kinh nghiệm phân loại và sơ chế thức ăn

Một số lưu ý khi chuẩn bị đồ ăn dặm cho bé 

Với việc chế biến đồ ăn cho bé, mẹ có thể nấu chín tất cả các món hoặc giữ nguyên đồ ăn tươi sống sau đó đem cấp đông. Nhưng mẹ chú ý cần tuân thủ theo các nguyên tắc sau vệ sinh an toàn thực phẩm.

– Mẹ rửa sạch tay trước khi chế biến món ăn, rửa sạch dao thớt mỗi khi chế biến xong một món để tránh dính từ món này sang món khác.

– Dùng riêng dao thớt, chế biến thức ăn chín trước, thức ăn sống sau. Nếu đang chế biến thức ăn chín mà phải quay sang chế biến món ăn sống thì phải rửa tay bằng xà phòng trước khi quay lại chế biến món ăn chín.

– Nếu mẹ quá bận rộn, mẹ có thể chế biến thức ăn cho trẻ theo tuần. Nhưng mẹ lưu ý khay lưu trữ thức ăn cho trẻ để riêng, không dùng lẫn vào việc khác: làm đá, đổ rau câu….

– Lượng thức ăn trong mỗi ô trên khay trữ vừa với lượng thức ăn bé cần dùng trong một bữa. Thức ăn khi đã lấy ra rã đông phải dùng cho hết hoặc phải bỏ, không cấp đông lại.

5 món cháo ngon, dinh dưỡng cho bé 1 tuổi

1. Cháo trứng gà + hạt sen + cà rốt

Cà rốt thái nhỏ ninh nhừ cùng hạt sen, cho vào máy xay nhỏ cùng với nước hầm ninh. Sau đó đổ vào nồi nấu, thêm phần bột gạo đã xay/cháo vào quấy đều cho tan đều. Đặt lên bếp quấy đều cho đến khi cháo sôi lục bục và đặc dần lại.

Trứng gà đập ra bát tách lấy lòng đỏ. Cho khoảng 1/2 lòng đỏ trứng gà vào nồi cháo khuấy đều cho đến khi trứng chín là được. Tắt bếp cho thêm khoảng 1-2 thìa cafe dầu ăn hoặc dầu oliu vào khuấy đều. Đổ cháo ra bát hoặc đĩa.

2. Cháo cà chua + thịt bò + phomai

Cà chua gọt vỏ thái miếng nhỏ băm nhuyễn. Thịt bò thái miếng nhỏ băm hoặc xay nhuyễn.

Bột gạo xay sẵn/ cháo trắng nấu trước rồi cho thịt bò và cà chua đã bằm nhuyễn vào nấu sau cùng cho đến khi cháo chín là được, thêm thìa cafe dầu ăn vào cháo quấy đều.

Tắt bếp cho thêm 1 viên pho mai tán nhuyễn quấy đều vào hỗn hợp cháo, đổ ra bát cho bé thưởng thức.

3. Cháo gà + rau mồng tơi

Thịt lườn gà thái miếng nhỏ đem luộc chín. Mồng tơi rửa sạch thái nhỏ đem xay cùng với thịt gà và nước luộc. Đổ bột gạo xay sẵn/cháo vào hỗn hợp nước rau thịt đã xay khuấy đều cho tan.

Đặt nồi lên bếp nấu cho đến khi cháo sôi lục bục đặc lại là được.

Tắt bếp cho thêm vào cháo 1-2 thìa cafe dầu ăn hoặc dầu gấc, dầu oliu đều được. Đổ cháo ra bát hoặc đĩa rồi cho bé thưởng thức.

4. Cháo lươn + bí xanh

Lươn làm sạch cắt khúc đem luộc với vài miếng bí xanh cắt nhỏ. Lươn sau khi luộc gỡ thịt rồi băm nhuyễn hoặc đem xay nhỏ với bí xanh cùng nước luộc.

Bột/cháo trắng nấu chín, thêm hỗn hợp lươn và bí xanh đã xay với nước luộc ở trên cho vào cháo quấy đều đặt lên bếp nấu đến khi cháo sôi lục bục khoảng 4-5 phút là được. Tắt bếp cho thêm chút dầu ăn hoặc dầu gấc vào cháo khuấy đều.

Xong xuôi đổ ra bát cho bé thưởng thức.

5. Cháo tôm + củ cải + gấc

Củ cải cắt miếng nhỏ đem luộc cùng tôm. Giữ lại nước luộc.

Tôm bóc vỏ đem xay nhỏ cùng tôm, củ cải và nước luộc. Đổ bột gạo xay sẵn/cháo vào hỗn hợp nước xay tôm và củ cải khuấy đều cho tan.

Đặt nồi lên bếp nấu cho đến khi cháo sôi lục bục đặc lại, cho chút gấc tươi đã xay nhỏ vào quấy đều trong nồi cháo cho đến khi cháo sôi lại là được. Cho thêm 1-2 thìa cafe dầu ăn hoặc dầu ôliu vào cháo đều được. Đổ cháo ra bát hoặc đĩa rồi cho bé thưởng thức.

Ngoài những món cháo trên, với bé 1 tuổi mẹ có thể tăng độ thô cho bé, từ cháo thành cơm nát để bé quen dần mẹ nhé.

Với những kinh nghiệm trên, mẹ sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc chế biến đồ ăn dặm cho trẻ. Chúc mẹ và bé có một giai đoạn ăn dặm không nước mắt nhé.